Chân tu mọi lối
Pháp
Thuận xuất gia ngay từ nhỏ, theo thầy là Thiền sư Phù Trì ở chùa Long
Thọ. Một số tác giả đời sau dựa theo pháp hiệu của ông mà gọi ông là Đỗ
Pháp Thuận.
Cho
tới hôm nay có rất ít tư liệu về con đường tu hành của Pháp Thuận từ
trẻ cho tới cận kề tuổi “cổ lai hy”. Chỉ biết rằng, ông đã trụ trì ở
chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ái, tức Thanh Hóa ngày nay). Ông là Thiền sư
đời thứ 10 của dòng Ti-ni-đa-lưu-chi, còn gọi là dòng thiền Nam Phương.
Thiền phái này được lập ra bởi Thiền sư người Ấn Độ Ti-ni-đa-lưu-chi,
sang nước ta vào cuối thế kỷ thứ VI, khoảng trước hoặc sau năm 580 và đã
tu ở chùa Dâu, Bắc Ninh. Thiền sư Ti-ni-đa-lưu-chi trước khi tịch năm
594 đã để lại lời phó chúc, trong đó có đoạn:
“Tâm ấn chư Phật
Tất không lừa dối
Tròn đồng thái hư
Không thiếu không dư
Không đi không đến
Không được không mất
Chẳng một chẳng khác
Chẳng trường chẳng đoạn
Vốn không chỗ sinh
Cũng không chỗ diệt
Cũng chẳng lìa xa
Chẳng không lìa xa
Vì đối vọng duyên.
Nên giả đặt tên …”
Theo sách Thiền uyển tập anh
(Tập hợp tinh hoa vườn Thiền), tài liệu được coi là cổ nhất của Phật
giáo Việt Nam còn lại tới hôm nay, sau khi đắc pháp, Thiền sư Pháp
Thuận đã đạt được trình độ rất cao về độn số và nghệ thuật phù sấm. Và
ông đã sử dụng rất điệu nghệ những năng lực tâm linh này của mình để
giúp vua Lê Đại Hành vượt qua mọi trắc trở đương thời để, như Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) nhận định, “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình”. Cũng Thiền uyển tập anh
đã đánh giá Thiền sư Pháp Thuận là một nhà bác học, giỏi về nghệ thuật
và thi ca, có tài phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu
tình hình thực tại của đất nước (bác học công thi, phụ vương tá chi tài,
minh đương thế chi vụ). Khi mọi sự đã thành, Thiền sư Pháp Thuận từ
chối mọi vinh hoa bổng lộc của triều đình để tiếp tục sống đời hành đạo
thanh tịnh. Chính vì thế mà, cũng theo Thiền uyển tập anh,
vua Lê Đại Hành “rất kính trọng ông, không gọi tên mà chỉ xưng hô là Đỗ
Pháp sư mà thôi”. Thậm chí nhà vua còn đem việc soạn thảo văn thư giao
phó cho Thiền sư…
Khẩu khí tinh anh
Là
một vị chân tu uyên bác và trí tuệ sáng láng, có lẽ Thiền sư Pháp Thuận
đã từng giúp vua Lê Đại Hành thực hiện nhiều sứ mệnh phức tạp cả trong
việc trị quốc lẫn công tác ngoại giao. Và tình huống được coi là gây ấn
tượng mạnh nhất trong đối ngoại của Thiền sư Pháp Thuận đã là lần cải
trang làm “giang lệnh” (người coi sông) để đón tiếp sứ giả nhà Tống là
Quốc Tử giám bác sĩ Lý Giác năm 987. Đấy là lần thứ hai Lý Giác sang
nước ta.
|
Minh họa: Lê Phương
|
Lần
đầu, năm 986, ông sang là để mang chế sách phong cho vua Lê Đại Hành
làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kinh triệu quận hầu. Biết Lý
Giác rất thích chuyện văn thơ nên khi hay tin vua Tống lại cử ông đi sứ
sang nước ta, vua Lê Đại Hành đã sai Thiền sư Pháp Thuận, lúc này đã 72
tuổi, ra đón trong vai người coi sông. Khi đi trên thuyền, thấy hai con
ngỗng tung tăng bơi lội trên sông, tức cảnh sinh tình, Lý Giác mới nảy
ra hai câu thơ:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha…
(Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời).
Thiền sư Pháp Thuận nghe đọc vậy liền tiếp vần ngâm nga:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba…
(Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi).
Thế là đã ngẫu hứng xuất hiện một bài tứ tuyệt rất chỉnh và hay, lại gợi lên những liên tưởng tới bài thơ Vịnh con ngỗng của Lạc Tiên Vương (640-684), một danh sĩ từng nổi loạn chống lại Võ Tắc Thiên nhưng rồi đã bị thất bại và chết đầy đau đớn:
“Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thủy
Hồng chưởng bát thanh ba”
(Cạp cạp cạp,
Dướn cổ gọi thẳng trời,
Lông trắng ngời nước biếc,
Chân hồng xanh sóng bơi).
Lý
Giác rất lấy làm phục vì chỉ một “giang lệnh” ở xứ Nam mà cũng thông
tuệ như thế thì hẳn đất nước này không bao giờ là bé nhỏ cả. Và khi về
sứ quán, ông đã đã làm hẳn một bài thơ khá dài, trong đó có ý ca ngợi
nước Việt Thiên ngoại hữu thiên ứng viễn chiếu (Ngoài
trời lại có trời soi nữa). Theo cách lý giải của Thiền sư Ngô Khuông
Việt (933-1011), Lý Giác viết như thế là có ý ca ngợi vua Lê Đại Hành
cũng như “trời”, không khác gì vua Tống… Trong “những dòng ghi chép có
vần điệu” tốt đẹp đó của viên sứ giả triều Tống hẳn đã có tác động từ
những cảm nhận của ông về “giang lệnh giả trang” Pháp Thuận…
Vận nước “vô vi”
Theo sách cũ ghi lại, Thiền sư Pháp Thuận từng viết một cuốn Bồ Tát hiệu sám hối văn.
Ngoài hai câu thơ đối đáp với sứ giả nhà Tống Lý Giác kể trên, ông còn
là tác giả của bài thơ (bài kệ?) rất nổi tiếng, được coi như đã mở đầu
cho dòng văn học viết Việt Nam. Đó là bài Quốc tộ (Vận nước):
“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang tạm dịch:
(Vận nước nhuần mây quấn,
Trời Nam rạng thái bình.
Vô vi thuần ngự điện,
Muôn xứ dứt đao binh).
Giai
thoại kể rằng, lên ngôi rồi, vua Lê Đại Hành vẫn rất tín nhiệm các vị
Thiền sư, trong đó có Pháp Thuận, trong việc bàn bạc quốc sách. Ở cái
thời mà mọi sự đều còn rất sơ khai trong quản lý quốc gia, những gợi ý
của những trí tuệ cao siêu như các Thiền sư đã có giá trị như những cú
phạt cây mở lối trong rừng rậm. Và một lần, vua Lê Đại Hành đã mời Thiền
sư Pháp Thuận vào cung để tham vấn về việc cần làm gì để đắp bồi vận
nước cho vững bền. Và Thiền sư Pháp Thuận đã đọc bài thơ chỉ có 20 chữ
trên. Bài thơ rất ngắn gọn và cũng vì thế nên rất súc tích và phải ngẫm
ngợi lâu mới rõ hết các ý.
Trong
cách hiểu của Thiền sư Pháp Thuận, vận nước có thể thay đổi và chắc
chắn sẽ thay đổi tùy thuộc vào cách ta ứng xử với nội lực. Nếu ta biết
cách huy động nội lực một cách tối đa bằng cách “kết đoàn lại chúng ta
là sức mạnh” thì “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và vận nước sẽ thịnh.
Nhược bằng tự chia rẽ, tự mâu thuẫn với nhau thì vận nước sẽ suy.
Thiền
sư Pháp Thuận đã sử dụng cách nói tượng hình một cách nguyên sơ khi
khẳng định, vận nước cũng giống như việc một búi các sợi cây mây quấn
quýt lấy nhau. Sợi cây mây nào cũng dẻo cũng dai và có rất nhiều cách để
quấn các sợi dây mây ấy lại với nhau. Nếu chỉ đơn lẻ thì từng sợi một
rất dễ bị bẻ gãy nếu gặp phải tay cao thủ. Nếu không biết cách quấn lại
với nhau thì các sợi dây mây ấy cũng dễ trở nên lộn xộn, ông chẳng bà
chuộc, không mấy đắc dụng. Nhưng nếu biết cách quấn các sợi dây mây ấy
thật nhuần nhuyễn thì đó sẽ là sức mạnh, sẽ làm tăng độ bền dai mà vẫn
dẻo mềm của “quốc tộ”. Muốn là một minh quân, nhà vua phải biết cách
đoàn kết lại những lực lượng, những mơ ước, những nhu cầu của cả quốc
gia thành một sức mạnh, vừa bền chắc, vừa mềm dẻo.
Và
nhờ biết “nhuần mây cuốn” ấy nên trời Nam mới “rạng thái bình” và hình
thành một triều đại mới. Và để triều đại ấy trở nên hòa bình và
thịnh trị, thì việc cần làm trước tiên và mãi mãi là để cái phép “vô vi
thuần ngự điện”, tức là làm sao để nhà vua biết cách an dân trị quốc
bằng phép tu dưỡng “vô vi”, tức là tuân theo tự nhiên, tôn trọng những
nhu cầu, đòi hỏi thực chất của chúng dân, xã tắc để giúp chấm dứt đao
binh, chinh chiến…
Cũng theo Thiền uyển tập anh,
Thiền sư Pháp Thuận viên tịch năm 990, tức là khoảng ba năm sau khi ông
tuân lệnh vua giả làm “giang lệnh” đón và họa thơ với sứ thần nhà Tống
Lý Giác. Vua Lê Đại Hành mất sau ông sáu năm (996)…
Hiện
nay, cùng với hai quốc sư Ngô Khuông Việt và Minh Không, Thiền sư Pháp
Thuận được thờ ở nhiều chùa cổ trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, như
động Am Tiên, chùa Bà Ngô, chùa Nhất Trụ.
Theo CAND
http://www.phattuvietnam.net/phatgiaovietnam/lich-su-phat-giao-viet-nam/20809-thi%E1%BB%81n-s%C6%B0-ph%C3%A1p-thu%E1%BA%ADn-th%E1%BB%9Di-ti%E1%BB%81n-l%C3%AA-%C4%91o%C3%A0n-k%E1%BA%BFt-m%E1%BB%9Bi-b%E1%BB%81n-v%E1%BA%ADn-n%C6%B0%E1%BB%9Bc.html