Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giáo sư Hà Minh Đức Người già ngồi sưởi cùng với bóng
23/01/2011 21:12 (GMT+7)


Căn phòng hơi tối và man mác buồn trong tiết trời đầu hè. Ông vừa đi mổ hai mắt do bị đục thủy tinh thể, dù đã bắt đầu bình phục trở lại, nhưng mọi thứ ánh sáng chói lóa đều khiến mắt ông bị tổn thương.

Giáo sư Hà Minh Đức tâm sự, lúc đi mổ mắt, 3 ngày liên tục ông phải “nhìn đời” qua đôi kính đen và bông băng kín hai mắt. Đó là lúc ông cảm nhận rõ rệt sự hoang mang, lo lắng và cả niềm khát khao vui sống. Ông muốn mình nhanh chóng trở lại bình thường để hoàn thành nốt những công trình nghiên cứu còn đang dang dở. Khi không nhìn, chỉ nói và nghĩ, ông cảm nhận được cả sự cô đơn len lỏi trong tâm hồn, cho dù, ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông đã nhận đủ mọi danh vọng ở cuộc đời.

Viết về giáo sư Hà Minh Đức với những công trình sách đồ sộ, kinh điển thì học trò của ông ở các thế hệ đã làm. 75 tuổi đời, 54 năm tuổi nghề, những trang viết về ông đã thành sách dày hàng trăm trang. Tôi thổ lộ muốn viết về ông ở khía cạnh đời thường, vì xưa nay, giáo sư Hà Minh Đức vốn kín kẽ trong đời thường, ông ít tai tiếng, những ầm ĩ trong quãng đường thành danh của mình.

Giáo sư Hà Minh Đức cười hiền, một nụ cười từng trải, ông bảo:
“Đời thường của tôi có gì đâu, nhạt lắm! Tôi rượu ngon không biết nếm, bia không biết uống, thuốc không biết hút, xe máy không biết đi, đồng hồ không biết đeo, không có đồ trang sức, không cả biết khiêu vũ… Chỉ đắm đuối với khoa học nên không sống hết mình với tuổi trẻ, với cuộc đời được”.

Theo mạch suy tư, ông kể về những ngày tháng đầu tiên đến với giảng đường đại học. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông đi cuốc bộ mất hai ngày và cuốc xe xích lô cuối từ Thanh Hóa mới đến ga Hà Nội. Nơi đầu tiên ông tìm đến là trường Đại học Sư phạm để hỏi tin tức thi vào. Ông vẫn còn nhớ tâm trạng ngỡ ngàng đến bàng hoàng của một chàng trai tỉnh Thanh trước tòa nhà lớn của trường đại học. Ông leo hơn bốn chục bậc thang đá trắng mới lên đến văn phòng của trường.

Người phụ trách giáo vụ đứng tuổi niềm nở nói với ông:  “Hoan nghênh thí sinh đến sớm nhất, nhưng đến tháng mười nhà trường mới tổ chức tuyển sinh”.

Gần hai tháng trời chờ đợi, kiếm sống chật vật, rồi cũng đến ngày ông được nhập học. Bước chân vào giảng đường, chàng trai Hà Minh Đức thuở ấy như bước vào một thế giới khác, thế giới những chuyện văn, chuyện đời lung linh, huyền ảo mà cũng đầy thân phận trong những trang sách Đông Tây, xen lẫn trong đó là cảm giác của sự đam mê nhọc nhằn mà ông biết chắc mình sẽ phải trải qua trong đời làm nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Hà Minh Đức nhớ lại:

“Khi tốt nghiệp ra trường, tôi có may mắn được là thư ký của thầy Đặng Thai Mai. Thầy giao cho tôi một năm sau khi ở lại trường phải lên lớp phần chủ nghĩa cổ điển của văn học Pháp. Thầy giúp đỡ, phân tích và khích lệ tôi cứ bình tĩnh mà giảng dạy.

Có lần thầy đi dự giờ của tôi, thầy ngồi ở hàng ghế ngoài cùng, vừa nghe vừa nhìn ra ngoài trời. Lúc kết thúc thầy vỗ vai tôi bảo: “Bước đầu như thế là tốt!”.

Thầy dạy tôi, chữ đầu tiên cần ghi trong một bài viết, một văn bản là ngày tháng và chữ cuối cùng là xuất xứ. Thiếu nó, văn bản không có giá trị. Thầy hay ghi chú bằng chữ Hán. Thầy có tật hút thuốc lá nhiều, mặc dù sức khỏe không tốt.

Mỗi lần tôi đến nhà thầy làm việc, thầy vẫn ngồi ở giường tựa vào gối cao để giảng bài mà không cần có sách vở tra cứu, tất cả đã có trong trí nhớ, những tác phẩm của Corneille, Boileau, Racine… thầy đều thuộc làu.

Khi ra về thỉnh thoảng thầy bắt tay, thực ra, thầy chỉ giơ ngang tay, mấy ngón tay hơi rủ xuống và tôi chỉ dám nắm mấy ngón tay thầy rồi vội buông ra.

Một lần tôi bị ốm, thầy cho tôi một lọ nhung Liên Xô và bảo: “Phải giữ sức khỏe, công việc còn lâu dài…”.


Giáo sư Hà Minh Đức cho biết, ông học được nhiều kiến thức nhưng cũng là học cách làm người từ chính các giáo sư dạy mình hồi đó. Chuyện về thầy Cao Xuân Huy là một ví dụ, giáo sư Hà Minh Đức kể lại, thầy Huy thường làm việc ở nhà trong không khí lặng lẽ.

Có lần, nhà vắng người nên kẻ trộm lén vào rút quần áo ngoài sân. Bộ quần áo đẹp của thầy treo trên dây bị kẻ trộm lấy mất chiếc áo. Ngồi trong nhà nhìn qua cửa sổ mở hé, thầy không nói gì. Kẻ trộm thấy an toàn lại tiếp tục lấy nốt chiếc quần. Lúc đó thầy mới lên tiếng:  “Phải để cho tôi một chiếc chứ!”. Tên kẻ trộm nghe vậy đành “bỏ của chạy lấy người”.

Giáo sư Hà Minh Đức được coi là một trong những người có đầu sách nhiều nhất nghiên cứu về nền văn học thế kỷ XX. Ngoài sách lý luận, ông còn có nhiều tập sách viết hệ thống về các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ. Trong số đó, ông gắn bó nhiều với Huy Cận, Xuân Diệu.

Ông còn nhớ kỷ niệm lần đến thăm Xuân Diệu vào một ngày đầu xuân năm 1971. Hôm đấy có cả Huy Cận ở nhà. Xuân Diệu khoe cái tủ mới mua được với giá rẻ là 200đ do một công trường gỗ ở Lào Cai vừa bán vừa cho và còn chở hộ bằng ô tô về. Xuân Diệu nói: “Tôi làm ăn bằng cái miệng của mình. Tôi mà đi nói nhiều rồi người ta thương cái gì người ta cũng cho hoặc bán rẻ cho”.

Xuân Diệu đi nói chuyện ở nhiều nơi. Ông thích đông người nghe và xem buổi nói chuyện như một… trận đánh, phải chuẩn bị chu đáo hội trường, ánh sáng, chỗ đứng của diễn giả. Xuân Diệu đọc thơ rất hấp dẫn và thích tiếng vỗ tay cổ vũ. Những lúc đó ông cúi đầu đáp lại như e lệ để cảm tạ công chúng.

Những dịp kỷ niệm, ông cũng hay nói chuyện về Bác Hồ. Ông đã đi nói chuyện về thơ Bác tới 154 lần. Rồi ông đem khoe bộ sách lịch sử văn học Pháp dày hai tập mới mua 50đ ở hiệu sách cũ. Lúc đó Huy Cận bảo: “Bọn mình phải góp tiền chung lại mới mua nổi một bộ sách này đấy. Kể ra “thằng” Pháp nó làm ăn chu đáo thật, về mặt tư liệu thì nó làm khoa học, chính xác, các ông làm khoa học cũng tiện lợi. Mình còn được giao phụ trách từ điển nên có dịp nghĩ ngôn ngữ Việt Nam thì thấy tiếng mình giàu có, tế nhị vô cùng. Nguyên chữ “nước mắt” có bao nhiêu cách nói, mà nói “nước mắt sống” thì thật là tuyệt diệu. Hay như chữ “cười trừ” thì chỉ Việt Nam mới có”.

Sau này, khi Xuân Diệu mất, có lần nhà thơ Huy Cận và giáo sư Hà Minh Đức ngồi trên xe qua Hồ Tây, đi trên đường Xuân Diệu, Huy Cận chỉ tay nói: “Hồ Tây nhắc lại trong tôi bao kỷ niệm. Nơi này trước đây từng là rừng ổi, mình và Xuân Diệu vẫn lên đây chơi, hái ổi ăn. Xuân Diệu đã có thơ:

Ổi là thứ quả trẻ con
Không đắt vài xu cũng đủ mua
Giá cứ trẻ con trèo hái ổ
Thì ta ăn hếtmột đê vừa.

Huy Cận yên lặng một lúc, xúc động nói: “Mình nhớ Xuân Diệu, lúc vui, lúc sung sướng lại không có Xuân Diệu, Xuân Diệu mất sớm quá!”.

Kể câu chuyện về những nhà văn đã khuất, giọng giáo sư Hà Minh Đức dường như chùng xuống. Ông bảo, tất cả chúng ta rồi sẽ trôi đi trên dòng thời gian. Với người già thì hình ảnh thích hợp nhất để tượng trưng là chiếc đồng hồ cát. Thời gian không còn chảy về phía trước mà nó hao mòn đi.

Có lẽ bởi điều đó, nên mấy năm gần đây, giáo sư Hà Minh Đức thường trang trải tâm hồn mình với thi ca. Ông bảo, lúc làm thơ là lúc con người ta thật nhất. Thơ ông giản dị nhưng chân thành, đó là những nỗi niềm được ông trải nghiệm qua từng năm tháng cuộc đời. Những vui buồn, mất mát, những yêu thương, sẻ chia, mong đợi:

Bầu trời đêm mờ ảo
Hươnghoa đêm đắm say
Anh tìm theo lối cỏ
Về bên em đêm nay
Ý nghĩ còn bối rối
Đã nói lên thành lời
Những ngón tay mềm mại
Vội vã chia niềm vui…

Thơ ông đẹp và mộng mơ như thể chẳng có phiền muộn nào trên đời có thể làm tan đi giây phút tao ngộ.

Ở tuổi 75, giáo sư Hà Minh Đức tự nhận mình là người không dễ thỏa hiệp với chính mình. Hàng ngày, trên căn phòng ông vẫn một mình với chiếc đèn bàn và một chồng sách cặm cụi lật dở, ghi chép cẩn trọng như một người mới bắt đầu đi tìm chân lý của cuộc đời. Đôi lúc, tôi thấy ông giống hệt như câu thơ mà ông đã đúc kết cho riêng mình: “Người già ngồi sưởi cùng với bóng”. Nhưng trong không gian tĩnh mịch ấy, chiếc bóng của ông “cựa quậy” với nhiều dự định và niềm đam mê còn ấp ủ, không chỉ dành cho riêng mình… 

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguon: http://www.htv.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=16847:giao-s-ha-minh-c-ngi-gia-ngi-si-cung-vi-bong-&catid=87:bai-viet-tcth&Itemid=180

Các tin đã đăng:
Về đầu trang