Chùa Linh Tiên, xưa kia thuộc xã Bình Liệt – huyện Thanh Trì –
Phủ Thường Tín – Trấn Sơn Nam. Ngôi chùa được xây dựng vào năm nào thì
cho đến nay vẫn chưa khảo cứu đầy đủ tài liệu, nhưng theo các văn bia để
lại, ngôi chùa đã trải qua những đợt trùng tu lớn vào năm 1618 do sư tổ
Nguyễn Văn Tông, 1654 do sư tổ Lê Khả Đắc và 1950 do hòa thượng Thích
Tường Vân trùng tu.
Trong đó, nổi bật nhất là năm 1654, đã trùng tu lại toàn bộ Đại Hùng
Bảo điện, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, đông đường và tây đường với sự hỉ
cúng của gia đình ông bà Ngô Vĩnh Đăng tự Chân Sinh, Lưu Thị Lý hiệu
Diệu Minh.
Để tiếp nối ý nghĩa “Tiền khai sáng, hậu trùng tu” cho cảnh
quan chùa ngày càng phồn thịnh, làm nơi tu tập chính pháp của Tăng Ni
Phật tử và đặc biệt là trung tâm Hoằng Pháp phía Bắc của Ban Hoằng pháp
TW GHPGVN, ngày 19-02 Giáp Thân (09-03-2004), nhân lễ kỷ niệm 350 năm
ngày Đại trùng tu chùa (1654-2004), chính quyền, nhân dân, chư Tăng và
Phật tử chùa Bằng đã chung vai góp sức khởi công xây dựng Bảo tháp Báo
Ân.
Tháp được hoàn thành ngày 08-12 năm Mậu Tý (03-01-2009). Đây là công
trình với kinh phí xã hội hóa toàn phần của thập phương Tăng Ni Phật tử
và nhân dân chào mừng Đại Lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tháp Báo Ân được xây dựng theo mẫu thiết kế của các kiến trúc sư Việt
Nam nổi tiếng và có tham khảo ý kiến của kiến trúc sư Nhật Bản. Bảo tháp
được xây dựng trên nguyên tắc kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt
Nam.
Công trình Bảo tháp được xây dựng bởi ba tốp thợ. Công ty VINACONEX
II là đơn vị thi công phần thô. Tháp được kết hợp với sự trang trí hoa
văn và họa tiết khéo léo của bàn tay các nghệ nhân xứ Huế cũng như sự
tinh xảo bởi các thợ đúc đồng Ý Yên – Nam Định.
Các chi tiết bệ tượng, cột đá, lan can tháp được trang trí bởi nhóm thợ đá giỏi của huyện Ý Yên – Nam Định.
Tổng kinh phí toàn bộ Bảo tháp là 17,5 tỷ đồng.
Sự hiện hữu của Bảo tháp Báo Ân là kế thừa ý nghĩa của Tháp Báo Thiên
thời Lý (Một trong “An Nam Tứ Đại khí”) do Thiền Sư Không Lộ đúc, bao
gồm: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Quỳnh Lâm (tượng Di Lặc) và
vạc Phổ Minh. Rất tiếc hiện nay những Bảo vật ấy không còn tìm thấy.
Nét đặc thù của Bảo tháp Báo Ân là được thiết trí theo hình Tháp Bát
giác (theo giáo lý Bát Chính Đạo). Cửa tháp mở ra theo 4 phương: Đông,
Tây, Nam, Bắc.
Mỗi khi Mặt trời lên hay những lúc ánh trăng chiếu sáng, thì hình ảnh
ngôi Bảo tháp cao vời vợi này lại được soi mình xuống dòng sông Tô Lịch
hiền hòa, trông rất huyền ảo, vi diệu.
Tháp đối diện với hai mặt tiền đường, càng làm nổi bật cảnh quan mênh
mông bát ngát và thanh thoát của một thắng tích linh thiêng.
Về kiến trúc Bảo tháp Báo Ân:
+ Phần móng: độ sâu 45m bởi 9 trụ đỡ, mỗi trụ đường kính 1m.
+ Phần thân: tháp cao 45m, tượng trưng cho 45 năm thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (theo quan niệm của Nam truyền)
+ Phần ngọn: ngọn tháp được làm bằng đồng nặng 1300kg, độ cao 9,66m.
Từ mặt tháp lên chót tháp cao 54,66m.
Tháp gồm 13 tầng theo phẩm Phú chúc, kinh Niết Bàn (thuộc kinh điển Đại thừa).
8 cột trụ ngoài của tháp đều được làm bằng đá, chạm theo hình Long
Phượng, tượng trưng cho khí âm dương hòa hợp (Âm dương hòa hợp vạn vật
sinh thành).
Tổng diện tích khu vực tháp là 1500m2 sân, được lát bằng đá xanh Thanh Hóa.
Bên trong Tháp tôn trí 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi
trên bệ đá, nhằm thể hiện trọn vẹn tinh thần bình đẳng trong giáo pháp
của Đức Thế Tôn. Đó cũng là phương hướng giáo hóa chính yếu trong cuộc
đời hoằng pháp của Ngài.
Ý nghĩa này không ngoài mục đích để cho các bộ phái Phật giáo từ hàng
xuất gia cho đến tại gia, nhất nhất đều có thể đến trước ngôi Bảo tháp
chiêm bái, đỉnh lễ.
Những pho tượng Phật trong tháp được kiến tạo theo 3 dạng kết cấu, tỉ
lệ với các tầng của tháp, từ chiều cao đến trọng lượng, gồm:
- 40 tượng Phật: Cao 1,55m; nặng 300kg.
- 32 tượng Phật: Cao 1,15m; nặng 200kg.
- 32 tượng Phật: Cao 0,67m; nặng 100kg.
Chung quanh tháp tôn trí 4 tượng Thiên Vương (Đông phương: Trì Quốc
Thiên Vương; Nam phương: Tăng Trưởng Thiên Vương; Tây phương: Quảng Mục
Thiên Vương; Bắc phương: Đa Văn Thiên Vương) bằng đá, cao 3,50m. Đặc
biệt, ở tầng 1 của ngôi tháp, toàn bộ đều được ốp bằng đá Thanh Hóa, cao
7m.
Trên 8 cửa ở tầng 1 của tháp Báo Ân có treo 8 pho sách (cuốn thư) được
đúc bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250 kg, có chạm nổi các thi phẩm – thiền kệ
của các bậc cao tăng Việt Nam đương đại, mang đến cho Bảo tháp thêm sự
mềm mại, đạo vị hòa quyện với thi vị, vừa trang nghiêm trầm mặc, vừa
lãng mạn bay bổng…
Có thể nói, Bảo tháp Báo Ân là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.
Bảo tháp Báo Ân đã được xếp kỷ lục Tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam năm
2007 và được xác lập kỉ lục lần 2 năm 2010: Tháp có nhiều tượng Phật
bằng đồng nhất Việt Nam.
Bên cạnh tháp là hình ảnh 18 pho tượng La Hán ngồi thẳng hàng, rất sinh
động và rõ nét. Mỗi tượng đều thể hiện đầy đủ sắc thái, cảm xúc khác
nhau về những nỗi đau, sự khổ ải đè nặng lên kiếp sống hàng ngày của
chúng sinh đang trầm luân trong luân hồi sinh tử.
Đặc biệt những pho tượng này được kiến trúc theo dáng mẫu của các vị
La Hán chùa Tây Phương, ngôi chùa cổ ở Việt Nam – Hà Nội và đó cũng
chính là những vị đại đệ tử Phật qua các đời, theo sự truyền đăng của
Thiền tông.
Chùa Bằng A – Linh Tiên Tự với bề dày lịch sử hoằng pháp độ sinh của chư
Tổ trong quá khứ và sự tiếp nối của chư Tăng hiện tại đã hòa cùng không
gian thoáng đãng của quê hương “Bằng Liệt nghĩa dân”, bên đền thờ tiên
triết Chu Văn An – nhà sư phạm mẫu mực có công lớn trong sự nghiệp giáo
dục thời Trần cùng với di tích miếu Thành Hoàng thờ đức thánh Bảo Ninh
Vương đã tạo nên một danh lam thắng cảnh địa phương, góp phần tô đẹp
lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Kệ Bảo tháp Báo Ân:
Báo Ân tiếp Báo Thiên
Dựng nước và giữ nước
Chính đạo một lời nguyền
Vẹn toàn sau như trước.
Xem thêm: Thơ vịnh tháp Báo Ân chùa Bằng A – Hà Nội