Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ngông như bầu Đức
18/09/2011 02:57 (GMT+7)


Quá nổi tiếng với cá tính mạnh mẽ cùng những quyết định đình đám: Mua máy bay riêng, hùn vốn cùng đội bóng lừng danh Arsenal mở Học viện Bóng đá Arsenal ở Việt Nam, đưa ngôi sao số 1 Thái Lan Kiatisuk về HAGL và trả lương 15.000 USD/tháng... nên khi được Wall Street Journal xếp vào nhóm 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, ông chủ tịch HAGL hơi bất ngờ nhưng rồi cũng thấy bình thường. Đời ông đã nếm trải quá nhiều cảm xúc, thêm một lần “sốc” nữa thì cũng vẫn là “Ba Đức” thôi!

Thi đại học… 4 lần

Trên thế giới, trường hợp trượt đại học rồi sau đó trở thành tỉ phú nhờ theo nghiệp kinh doanh vốn rất bình thường. Tuy nhiên, theo bầu Đức thì số phận ông cũng kỳ lạ lắm: “Có kinh nghiệm 3 lần... thi trượt đại học nên trong lần thứ 4 khăn gói ra Đà Nẵng ứng thí, tôi tự tin lắm! Vậy mà chẳng hiểu sao làm bài xong, thay vì lên nộp để về sớm thì tôi lại cho người cùng bàn quay cóp.
Giám thị bắt được lập biên bản, tức mình, tôi chộp cổ ông bạn bất cẩn đánh ngay giữa phòng thi. 22 tuổi, tôi bỏ luôn ước mơ học hành, về nhà đi phụ cưa gỗ. Không ngờ trường đời lại dạy cho tôi thành công”.

Tính khí hơi “lạ” nhưng về sự nhạy bén thì khó ai bì kịp Ba Đức. Sau một thời gian đi làm phụ cưa, rành nghề, ông về quê mở xưởng mộc nhỏ. Một dịp tình cờ vào năm 1991, trong một buổi được làm tài xế chở lãnh đạo tỉnh đi gặp một chuyên gia người Đài Loan đang đầu tư kinh doanh gỗ ở tỉnh Gia Lai, vị sếp nọ khi biết Ba Đức rành về gỗ đã giao cho ông hợp tác liên doanh với phía đối tác. Phía Đài Loan cung cấp máy móc, thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật, còn Ba Đức chịu phần sản phẩm gỗ, quản lý lao động sản xuất.

Nhật báo Wall Street Journal xếp ông Đoàn Nguyên Đức vào hàng ngũ 30 doanh

nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. ẢNH CHỤP LẠI TỪ WALLSTREET JOURNAL
Năm 1992, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Sau 4 năm hợp tác làm ăn với đối tác Đài Loan, ông hoàn trả hết nợ và toàn quyền quản lý khối tài sản máy móc, thiết bị, nhà máy.
Lấy đà đi lên từ đó, Ba Đức mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp... Sự nghiệp làm thương gia của Ba Đức đổi thay từ đó.

Mê làm giàu, giỏi làm giàu

Làm doanh nhân, đôi khi tính toán thiệt hơn, chi li quá mức lại dễ bị tác dụng ngược. Ba Đức tự nhận chính nhờ tính bốc đồng, mạo hiểm mà ông thành công vì có nhiều quyết định đưa ra chỉ trong tích tắc nhưng lại giành thắng lợi.

Điển hình như năm 1997, trong khi công việc kinh doanh đang khởi đầu thuận lợi thì Hoàng Anh Pleiku lại vấp phải khó khăn chung khi việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ bị cấm, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ lao đao.
Trong lúc khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải chuyển nghề, “bỏ của chạy lấy người”. Ngược lại, Hoàng Anh Pleiku vẫn duy trì hoạt động nhờ làm chủ được thị trường trong nước. Đúng một năm sau, Chính phủ cho phép xuất khẩu mặt hàng gỗ trở lại, Hoàng Anh Pleiku có điều kiện thuận lợi tung mạnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài để tạo dựng uy tín.

Biết rõ làm gỗ cũng chỉ có một thời nên từ những năm 2000, Ba Đức xác định phải đi tiếp những nước cờ quan trọng khi ngoài hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu gỗ, Hoàng Anh Pleiku chuyển sang đầu tư sản xuất granite, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh dịch vụ khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là bất động sản và thủy điện… Cái tên Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng ra đời từ đó, bắt đầu cho một thời kỳ ăn nên làm ra của vị thương gia từng 4 lần thi trượt đại học.

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang rơi vào tình cảnh ảm đạm nhưng theo thống kê, tài sản của bầu Đức vẫn hơn 8.000 tỉ đồng, xếp thứ hai trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Không những vậy, với việc mạnh dạn đầu tư sang Lào, Campuchia, Thái Lan và mới nhất là Myanmar, tầm ảnh hưởng của ông Đức được Wall Street Journal đánh giá là rất có cơ sở.

Bầu Đức (trái) và bầu Võ Quốc Thắng (ĐTLA) đau đáu với bóng đá trong nước. Ảnh: QUANG LIÊM
Ba năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn trong nước đều kinh doanh khó khăn do chịu tác động từ tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm. Bản thân Ba Đức cũng xác nhận HAGL chỉ xem ngành kinh doanh truyền thống sản xuất gỗ là hạng mục đầu tư ngắn hạn và cùng với đầu tư trung hạn cho bất động sản, tất cả để nuôi 2 ngành đầu tư dài hạn là thủy điện và cây công nghiệp.
Dù vậy, ông cũng cho biết tuy không mở rộng sản xuất gỗ trong thời điểm thị trường trong nước đã bão hòa nhưng HAGL vẫn sẽ được duy trì hoạt động kinh doanh dựa trên các cơ sở sẵn có. Ông tâm sự: “Mình giàu lên nhờ gỗ thì không bao giờ bỏ gỗ. Nhắc đến HAGL, nhắc đến Ba Đức là người ta vẫn nghĩ đến gỗ mà!”.

Ông bầu đình đám

Nhắc đến thú chơi ngông thì bầu Đức hiếm có đối thủ. Xuất thân từ vùng quê nghèo An Nhơn - Bình Định, ông tự nhận từ bé đã mê bóng đá nhưng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có lúc lại trở thành một trong những ông bầu đình đám nhất Việt Nam. Ngay cả khi có tiền và bắt tay vào làm bóng đá, bầu Đức cũng chẳng được ai chú ý, thậm chí bạn bè còn cho rằng ông “khùng” khi đầu tư vào bóng đá Gia Lai vốn vô danh trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Vậy mà đùng một cái, HAGL rước về ngôi sao số 1 bóng đá Thái Lan và Đông Nam Á Kiatisuk với mức lương 15.000 USD/tháng. Ở thời điểm năm 2002, đó là một thương vụ gây choáng cả khu vực chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam. Lúc đó, cái tên Đoàn Nguyên Đức trở nên nổi tiếng như một… danh thủ bóng đá.

Theo năm tháng, cái ngông của bầu Đức ngày càng nổi hơn nhưng xét về chừng mực, nó mang lại hiệu quả cho công việc làm ăn của doanh nghiệp mà ông điều hành. Đơn cử như khi bầu Đức sắm chiếc máy bay riêng, nhiều ý kiến cho rằng ông chỉ muốn chơi nổi vì mỗi tháng chỉ riêng tiền bảo dưỡng máy bay cũng ngốn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế thì chiếc máy bay đã giúp bầu Đức rất nhiều trong công việc cũng như đánh bóng hình ảnh với các đối tác nước ngoài. Cũng vì vậy mà khi nghe mọi người nói mình chơi ngông, bầu Đức toàn cười: “Ngông nhưng hiệu quả, tôi chắc cũng nhiều người muốn chơi”.

Cú chơi trội đặc biệt nhất của bầu Đức là vào năm 2007, HAGL đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi mời được đội bóng lừng danh thế giới Arsenal sang Việt Nam hùn vốn mở học viện đào tạo tài năng trẻ Arsenal - HAGL JMG tại Pleiku. Không chỉ mở Học viện Arsenal, bầu Đức suýt nữa trở thành một cổ đông lớn của đội bóng thành London khi bày tỏ tham vọng mua lại 20% cổ phần của đội bóng này.
Tiếc rằng do không được Bộ Tài chính thông qua nên ông tạm gác lại ước mơ đồng sở hữu một trong những CLB đá đẹp nhất thế giới. Dù vậy, nhiều người vẫn thán phục khi hằng tuần đều thấy dòng chữ HAGL chạy trên bảng quảng cáo ở sân Highbury và sau đó là sân Emirates của Arsenal.

Ước mơ “trồng người”

Nếu một vài lần ghé thăm đại bản doanh Hàm Rồng của CLB HAGL, nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng với quy mô hoành tráng về diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như quân số của Học viện Arsenal - HAGL JMG. Từ chỗ chỉ có một sân bóng dành để đội HAGL tập luyện, khi bắt tay vào liên kết với Arsenal, bầu Đức cho phá 5 ha cao su có lợi nhuận hàng chục tỉ đồng/năm để xây thêm 3 sân tập cũng như hàng loạt dãy phòng ở, phòng ăn, phòng học tập cho các thành viên học viện cũng như các tuyển trẻ.

Nghe thì hoang phí nhưng khi người viết hỏi bầu Đức thu được lợi gì mà làm như vậy, nhất là với dân kinh doanh thì làm chắc chắn phải có lời - lỗ, ông nói: “Tôi đến với bóng đá bằng đam mê và tự nguyện thì việc chặt thêm hàng chục hecta cao su nữa chỉ để hoàn thành ước vọng phát triển bóng đá Việt Nam cũng đáng lắm chứ! Trong một vài năm nữa thôi, khi mở tivi lên, thấy nhan nhản cầu thủ Việt Nam thi đấu ở giải Anh hoặc chí ít đội tuyển quốc gia chơi ngang ngửa với các cường quốc bóng đá châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản, có phải là quá sướng, quá tự hào không? Đó mới là cái lời trong bóng đá đó”.

Anh Dũng

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/nld.com.vn/Ngong-nhu-bau-Duc/7007789.epi

Các tin đã đăng:
Về đầu trang