Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
VỀ THÁP PHƯỚC DUYÊN CỦA CHÙA LINH MỤ
NGUYỄN HẬU VINH
16/03/2012 10:00 (GMT+7)


Nhưng không, trong tiềm thức của người con dân Huế, ngôi chùa đã và đang sống âm thầm, mãnh liệt, là nguồn năng lực cho mỗi con tim khi mỗi người dân Huế trở về với Huế trong cuộc sống thường ngày hay trở về với Huế trong tâm tưởng của những người con Huế xa nhà. Tôi cũng là một trong những kẻ bội bạc, đã quên, đã nhớ ngôi chùa, bình thường như đã quên, đã nhớ chuyện ăn cơm, uống nước. Huế và chùa Linh Mụ đã cho tôi quá nhiều tôi làm sao quên được. Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên dưới bóng tháp của ngôi chùa ngày ngày êm ả soi mình xuống dòng sông thơ mộng đo. Và đã trưởng thành trong xóm làng bên ngôi chùa thân yêu này. Tôi ngày ngày ngẩng đầu nhìn bóng tháp, đêm đêm nghe tiếng chuông vọng lại. Đối với tôi, chùa là nhà, là vườn, là hơi thở, là những gì thân yêu của tôi. Do vậy chùa Linh Mụ trong tiềm thức của tôi là một cái gì không thể thiếu và tự nhiên. Nếu nói, tôi đã quên ngôi chùa thì cũng như tôi đã quên rằng tôi đã hít thở không khí, thì chuyện quên nhớ này cũng đáng được thứ lỗi lắm thay! Hôm nay, trời lại vào xuân, một luồng gió xuân nhè nhẹ đã đưa hồn tôi bay bổng, về lại quê xưa, về thăm ngôi chùa thân yêu ngày cũ, chùa Linh Mụ, nơi có tháp bảy tầng đó. Tôi về để thăm lại chùa của tôi, và nhất là để tìm thấy lại cho rõ hơn cái tháp của chùa Linh Mụ, cái bóng tháp là bạn, là tình đã nuôi nấng tôi lớn lên cho tới lúc thành người.

Chùa Linh Mụ có hai đặc điểm, biểu trưng của thơ, của mộng, của Huế, một là tiếng chuông chùa, hai là bóng tháp. Huế nổi tiếng, một phần đã nhờ hai đặc điểm này. Có phải vì tiếng chuông ngân nga trong đêm dễ gây cho lòng người những nguồn xúc cảm chăng. Cũng giống như tiếng chuông chùa Hàn Sơn đã đi vào lịch sử cũng bởi vì tiếng chuông mầu nhiệm trong thơ của Trương Kế:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Tiếng chuông chùa Linh Mụ cũng vậy, đã có biết bao nhiêu thơ văn ca tụng. Tôi lấy làm bất bình cho cái tháp chùa vĩ đại của tôi lắm. Nếu chùa Linh Mụ không có cái tháp bảy tầng này thì chùa Linh Mụ đâu còn đúng là chùa Linh Mụ phải không? Tôi yêu bóng tháp nghiêng mình soi xuống dòng sông lờ lững, tôi yêu cái vẻ bí mật của những gì có bên trong lòng tháp. Tôi yêu những ngày hội hoa đăng, rợp trời bóng cờ, bóng sáng của đèn, của điện kết lên bên ngoài viền của tháp chùa trong những ngày lễ Phật Đản của những năm xửa xưa xưa. Thuở còn bé, vào những ngày lễ Phật Đản, chùa thường hay treo cờ, kết đèn bên tháp, rực rỡ và đẹp đẽ vô cùng. Tôi thường được dẫn lên chùa, nhón chân lên mới ngồi lên được trên vành rào gạch gần bên cổng chùa, lòng lâng lâng vui sướng vì được đi dự lễ hội hoa đăng, ngẩng cổ nhìn lên đỉnh tháp nhìn cờ, đèn rực rỡ, thấy chú điệu lò đầu ra từ chiếc cửa bé xíu trên tầng cao nhất của tháp mà thấy khiếp đảm giùm cho chú ấy. Bóng tháp lúc ấy đối với tôi cao vời vợi, lại còn cao hơn khi xoay đầu nhìn ra phía sau lưng, thấy mình ngồi lắc lẻo trên cao, mà phía dưới là dòng sông. Hú hồn, nỗi sợ hãi ngồi trên cao đó đã là một trong những ký ức không thể quên của tôi về cái tháp của chùa Linh Mụ. Lớn lên, mối tình đầu đời nho nhỏ đơn phương cũng có bóng dáng của tháp chùa làm chứng. Không những với tấm ảnh nay đã hoen màu trong đó có hình người thân yêu, có bóng dáng chiếc tháp cao vời vợi đó, mà còn có trong tâm thức của tôi hình bóng chiếc tháp cứ sừng sững trước mắt mỗi khi hoàng hôn xuống, đạp xe đạp lẩn thẩn ...qua ngõ nhà em... để đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Tháp chùa đã làm chứng cho mối tình đầu đời của tôi dù không thành, mà thành sao được, tình đơn phương mà! Tôi bất bình lắm cho cái tháp thân yêu của tôi vì các văn nhân thi sĩ cứ thi đua nhau ca tụng mãi tiếng chuông mầu nhiệm. Thì ai cũng biết tiếng chuông chùa mầu nhiệm nhiều rồi, còn bóng tháp thân yêu của tôi thì sao? Cũng may, câu ca dao nói về Huế mình chỉ nhắc tới cái tháp mà không... ngó ngàng gì tới tiếng chuông chùa làm cho tôi vơi bớt đi một ít nỗi bất bình, bớt đi một chút sự ghen tức với tiếng chuông chùa!

 

Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch

Non xanh nước biếc. Điện ngọc đền rồng

Tháp bảy tầng, Thánh miếu chùa Ông

Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa

 

Thì ít nhất cũng còn có người công bằng chứ. Cái tháp thân yêu của tôi hiền hòa, âm thầm, nhẫn nại ấy, dù ai quên đi, không ngó ngàng gì, nhưng cái tháp ấy vĩ đại lắm, nhân từ lắm, vẫn ngày ngày soi mình bóng nước sông Hương, không tranh đua, không đòi hỏi, không ồn ào, mà nhẫn nại, mà nhường nhịn để cho chùa Linh Mụ là chùa Linh Mụ của Huế.

Hôm nay tôi “bay bổng” về quê, thăm lại cái tháp thân thương xưa. Tôi phải đi tìm nguồn cội của chiếc tháp kia cho phỉ lòng, để nói cho rõ cho những ai đã khắc nghiệt phê bình cái tháp này bí mật và vô tình. Cái tháp chùa Linh Mụ đâu có vô tình mà nó đã và đang rất là mãnh liệt nói lên tiếng nói của nó, tiếng nói của tịch mịch, tiếng nói của sức sống, tiếng nói của hòa đồng, tiếng nói của hy sinh để làm đẹp cho cuộc đời. Khi tôi sinh ra đời thì cái tháp đã sừng sững soi mình bên dòng Hương suất hơn một thế kỷ rồi. Đâu chúng ta thử tìm lại gốc tích của cái tháp cao vời vợi này của tôi. Nào mời các anh, các chị, các chú, các thím, các bác, các ôn, các mẹ, các dì, các cậu, các em, các con, các cháu, chúng ta đến nơi có các cái bia kia. Có cái bia đứng trước cổng sau tháp trơ gan cùng tuế nguyệt, có

cái bia được duyên may, chân đạp con rùa, đầu đội cái nóc đình. Đến những nơi này, chúng ta lật lại trang sách xưa, xem lại gốc tích của quần thể chùa Linh Mụ mà các tiền nhân, cha ông ta khi xưa đã tạo dựng nên cho chúng ta hôm nay thừa hưởng.

À thì ra đây là một trong những ngôi chùa rất xưa ở Huế, vốn có tên là Thiên Mụ. “Gia phả (văn bia)” đã viết rõ ở đầu bia (l) do chúa Nguyễn Phúc Chu dựng lên vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 đời vua Lê Dụ Tông Thì Vĩnh Thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất Mùi sơ đông chi cát nhật lập.

“Dựng vào ngày tốt lành mùa đông năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715)”. Câu đầu trong bia (1) của chúa Nguyễn Phúc Chu cho biết như sau:

Ngự kiến Thiên Mụ Tự

Quốc chủ Nguyễn Phúc Chu tự Động Thượng chánh tông tam thập thế pháp danh Hưng Long hiệu Thiên Túng đạo nhân đỉnh kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tư bi ký minh

“Chúa dựng chùa Thiên Mụ Chúa Nguyễn Phúc Chu kế truyền chính tông phái Động Thượng đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân ghi văn bia và dựng bia vững bền ở chùa Thiên Mụ xứ Thuận Hóa”. Chùa Thiên Mụ vốn đã có từ xưa. Tính từ năm 1846 là năm vua Thiệu Trị dựng bia (8) trùng tu chùa. Thì Thiệu Trị lục niên tứ nguyệt cát nhật kiến.

“Xây vào ngày tốt lành tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846)” thì chùa đã hiện hữu được 245 năm rồi. Tự chi kiến duyệt lịch tư nhị bách tứ thập ngũ niên thánh tích danh lam kỳ lai thượng hĩ.

“Đây là danh lam thắng tích đã có chừng hơn 245 năm”. Như vậy, tính lại từ sử liệu trên đây thì chùa nên Mụ rõ ràng đã có từ năm 1601, và có thể đã hiện hữu từ lâu hơn nữa. Thì Tân Sửu thập tứ niên nhi kiến Thiên Mụ tự vu thị sơn dĩ biểu phát tường định đỉnh chi phúc địa giả giả.

“Bấy giờ vào năm Tân Sửu (1601) xây chùa Thiên Mụ tại núi này để biểu trưng cho linh địa, là nơi định cư lâu dài của Chúa”. Chùa có tên chính thức là Thiên Mụ, nhưng người Huế chúng ta bây giờ vẫn thường dùng tên Linh Mụ để gọi chùa Thiên Mụ. Lý do là, theo sách “Ca dao xứ Huế” của Ưng Luận (2) ở trang 17, dưới thời Tự Đức vua không có con, cho là tại trời nên có dụ kiêng dùng cho Thiên  (Tự Đức thứ 15, năm 1862). Nhân đó bộ Lễ mới đổi Thiên Mụ thành Linh Mụ. Bảy năm sau (Tự Đức thứ 22) vua thấy chẳng có linh ứng gì, nên cho dùng lại chữ Thiên như cũ. Nhưng tấm biển ở trước cổng tam quan chùa thì vẫn còn và dân Huế vẫn dùng tên Linh Mụ thay cho Thiên Mụ. Sau năm 1613 và nhất là sau khi Đào Duy Từ xây xong lũy thầy thì mọi liên hệ với xứ đàng ngoài sông Gianh bị cắt đứt. Nho giáo suy đồi không cứu nổi nhà Lê, Phật giáo trở thành nhu cầu mới cho xứ đàng trong. Việc giao lưu với đàng ngoài bị gián đoạn nên việc phục hưng Phật giáo gặp nhiều khó khăn. Nhờ vậy các chúa đàng trong gặp dễ dàng hơn trong việc tiếp đón các cao tăng từ phía nam ra, hay từ Trung Quốc sang (3). Chúa Nguyễn Phúc Chu sau khi nối nghiệp, cũng lo chấn chỉnh đạo Phật. Vì trọng thầy, mộ đạo nên đã ra công tu tạo lại chùa Thiên Mụ, dựng bia, đúc chuông và mời thầy để học đạo nên chùa Thiên Mụ trở thành ngôi chùa danh tiếng, chiếm địa vị quan trọng trong công việc chấn hưng và hoàng pháp đạo Phật. Đây là nơi được xem như là trung tâm lớn phát triển Phật giáo hệ thống Bắc Tông, còn gọi là Đại Thừa (Mahayana) (6) ở xứ đàng trong. Điều này được minh xác qua dòng văn bia nói rõ chúa Nhuyễn Phúc Chu kế thừa chính tông phái Động Thượng đời thứ 30. Theo Phật học đại từ điển thì Động Thượng là một phái nhỏ, cuối cùng của dòng Tào Động do thiên sư Lương Giới (807-869) ở Động Sơn, Trung Quốc sáng lập (5). Tư tưởng giáo lý Phật giáo Đại Thừa cũng phô bày rõ ràng trong dòng văn bia (8) Nhất niệm trung năng hành lục Ba La Mật Đa tâm bất sinh diệt tức thị trường đạo.

“Trong nhất niệm mà quán triệt thực hành được lục độ Ba La Mật (Paramit) tánh không sinh không diệt của nội tâm là đạo vậy”. Câu văn bia này có nguồn gốc từ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, kinh căn bản nhất của hệ thống Phật giáo Đại Thừa. Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiệt khổ ách.

“Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ Giác Vô Thượng (Trí Tuệ Bát Nha Prajna paramita), ngài Thức Tỉnh Bình Yên (Tự Tại) soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể (Ngũ Uẩn) đều là Không (Sunyata) liền thoát ly mọi khổ ách” (9) (Thích Tâm Thiện, Sài gòn, 1998) ...thị như pháp không tướng bất sánh bất diệt bất cấu bất kinh bất tăng bất giảm.

Thể mọi pháp đều không, không sanh cũng không diệt, không nhơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt (Thích Nhất Hạnh). Nhờ có các bia nên chúng ta hôm nay có thể hiểu được tình hình Phật Giáo thời đó, cũng như biết rõ lai lịch tên chùa, diện mạo của chùa, năm dựng bia, năm đúc chuông và tên của ngài trụ trì đầu tiên. Chúa Nguyễn Phúc Chu mộ đạo nên đã mời các nhà sư từ Trung Quốc sang truyền đạo, trong số đó sư Thích Đại Sán là người có công nhiều với chùa Thiên Mụ. Chúa đã ghi tên sư vào bia (1) với những hàng chữ kính trọng Kính ư tích tuế tằng diên đắc pháp đường đầu sư huý Đại Sán tự Thạch Liêm, nguyện cố hoằng thâm từ tâm mẫn thế y báo vô lương đạo khác tam thừa tu hành chi hữu tông chi như thuỷ mộc chi hữu bổn nguyên, phát tích Triết Tây, truyền tâm thiên giới.

Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu Đại Sư, tên chữ là Đại Sán, hiệu Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo, chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tôn chỉ, như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Triết Tây (Trung Quốc) “...Ngô sư dĩ thệ phục vọng cao tăng phi trượng tích nhi quá ải sơn giá từ hàng nhi phiếm Việt hải đồng tuyên diệu kệ trợ tán tông phong.”

“...Thầy ta đã đi rồi, ta cứ hoài thương nhớ vị cao tăng, đã từng chống gậy vượt qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu”. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu chùa Thiên Mụ đã được tôn tạo nguy nga và rộng lớn, có nhiều cơ sở có chức năng khác nhau, phù hợp cho việc hoàng dương Phật pháp. Quần thể chùa Thiên Mụ sau khi được Chúa trùng tu đã có quy mô như bia đã ghi lại (1) Do sơn môn nhi Thiên Vương điện Ngọc Hoàng điện Đại Hùng bảo điện thuyết pháp đường tàng kinh lâu lưỡng bàng tắc chung cổ lâu Thập Vương điện Vân Thủy đường Tri Vị đường Thiền đường Đại Bi điện Dược Sư điện Tăng liêu thiền thất bất hạ sổ thập sở nhi hậu Tỳ Da viên nội phương trượng đẳng xuất hậu bất hạ sổ thập sở giai kim bích huy hoàng quan chi giả lệnh nhân di thần kinh mục.

“Từ ngoài cửa đi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng bảo điện, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, hai bên chùa thì có lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà uống trà, nhà ăn, Thiền đường, điện Đại Bi, điện Dược Sư, phòng thiền cho tăng lữ, tất cả cũng trên dưới mấy chục ngôi nhà. Thêm vườn Tỳ Da có phương trượng của sư trụ trì cũng có trên dưới mười mấy phòng, huy hoàng lộng lẫy, nhìn thấy ai cũng thích

thú và nể phục”. Quá trình xây dựng chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu kéo dài liền một khoảng thời gian mấy năm, đánh dấu bằng năm đúc chuông và năm dựng bia. Thánh minh thế xuất quảng bị thiện duyên Canh Dần thập cửu niên trù đại hồng chung Giáp Ngọ trấp tam nên trùng tu phạn vũ duyệt nhất niên nhi lạc thành Ất Mùi thụ bi thùy thị.

“Nay Chúa hiền ra đời gặp duyên lành khắp nơi nên năm Canh Dần thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ (1714) thứ 23 trùng tu miếu, điện, công trình mất hơn một năm thì hoàn tất, năm Ất Mùi (1715) dựng bia ghi lại”. Đa số vua chúa sau này đều hâm mộ Phật giáo Đại Thừa, nên nhiều chùa ở Huế đều thuộc hệ phái này. Nhưng chùa Thiên Mụ đã hân hạnh được nhiều đời vua chúa chiếu cố, cho trùng tu hoặc xây cất thêm. Theo văn bia (8) của vua Thiệu Trị thì các đời vua trước như Gia Long và Minh Mạng cũng đã để ý đến việc trùng tu chùa. Gia Long Kỷ Hợi tái trùng khôi kim bích tăng huy Minh Mạnh niên lai phục chỉnh.

“Năm Ất Hợi đời Gia Long trùng tu, huy hoàng rực rỡ. Đời Minh Mạng cũng sửa sang lại thêm nguy nga tráng lệ”. Nhưng, quần thể kiến trúc của chùa Thiên Mụ thật sự là hoàn hảo thì phải đợi đến năm 1846 sau khi vua Thiệu Trị dựng bia ghi lại việc cho xây thêm tháp Phước Duyên từ năm 1844. Nãi thân định thể chế, mệnh Vũ Lâm Doanh Hữu Dực Thống Chế Hoàng Văn Hậu đổng tu tạo kiến ư Thiệu Trị Canh Thìn đãi vu Ất Tỵ duyệt Lưỡng tải nhi cáo thành.

“Bèn thân hành đặt thể chế, phương thức xây cất, hạ lệnh cho Vũ Lâm Doanh Hữu Dực Thống Chế Hoàng Văn Hậu xây tháp, từ năm Thiệu Trị Giáp Thìn (1844) đến Ất Tỵ, khoảng gần hai năm thì xong”. Theo các văn bia thì quy mô kiến trúc của chùa khá nguy nga và đồ sộ. Song vào đời Thành Thái năm Giáp Thìn (1904), chùa bị một trận bão tàn phá nặng nề. Đến năm 1906, chùa lại được trùng tu, nhưng với quy mô hẹp như ngày nay (2).

Cũng may là cái tháp thân yêu của tôi không bị sụp đổ! Trở lại tháp chùa yêu quý của tôi, tháp này là kiến trúc cuối và lớn nhất được ghi trong bia của vua Thiệu Trị. Chúng ta hãy đọc lại bia (8) về việc vua Thiệu Trị trùng tu và xây thêm ngọn tháp. Kim quốc gia nhàn hạ chi thì chánh trung ngoại sổ ninh chi tế liêu chi quốc thảng trúc thất cấp chi phù đồ siển phát thiện duyên bố vạn phương chi nhân trạch. “Nay quốc sự có phần nhàn hạ, đối nội đối ngoại, trong ngoài tất cả đều bình yên, cho nên Trẫm cho xuất kho, xây tháp bảy tầng, mục đích làm cho tăng trưởng duyên lành, cho khắp nơi, mọi người được thấm nhuần ơn mưa mách”. Vua Thiệu Trị đã đặt cho ngọn tháp một cái tên thật hay, thật là đầy Phật tính “Phước Duyên”. À thì ra vậy, cái tháp âm thầm của tôi ơi, có mấy ai biết tên của tháp nhỉ. Lăng tiêu bảo tháp danh chi vi Phước Duyên quảng thôi giác ngộ quẩn sinh.

“Tháp cao vợi đó đặt tên là Phước Duyên, mục đích để làm phương tiện giác ngộ chúng sinh”. Từ bé cho đến lớn, chùa Thiền Mụ là nơi vui đùa của tôi, nhưng chẳng có khi nào tôi thấy cánh cửa tháp mở ra, chứ đừng nói có được cái hân hạnh đi vào xem có gì trong lòng tháp. Lâu rồi thành quen, tháp chùa chỉ thiệt là tháp chùa khi nó phải im thin thít, cửa phải đóng im ỉm mới đúng. Tôi không còn cái tò mò tìm xem bên trong tháp có cái gì nữa. Nào bây giờ chúng ta xem cái tháp cao vời vợi của tôi ngày xưa cao bao nhiêu nhé. Theo bia của vua Thiệu Trị (8) thì tháp có chiều cao như sau. Khởi tự sơn điên sốc không nhi thượng cao dĩ cổ xích độ đắc bát thập thất xích hữu linh dĩ kim xích độ thành ngũ trượng tam xích nhi thốn.

“Trên đỉnh núi, ngọn tháp đứng sừng sững cao vút lên trời xanh, dùng thước xưa đo được 87 thước, thước hiện nay thì tháp cao 5 trượng, 2 tấc”. Theo sách “Ca dao xứ Huế” thì tháp cao vào khoảng 21m. Dầu sao đi nữa, thì tôi cũng phải đi vào lòng tháp du lịch một chuyến cho thỏa lòng. Thì đây, lòng tháp, từ dưới lên trên, ta sẽ thấy tháp xây theo hình xoắn ốc, có bảy tầng mỗi tầng thờ một vị Phật. Kính ư tháp trung thất tằng cá phụng thân thế tôn.

“Trong mỗi tầng lầu của tháp phụng thờ một đức Phật”. Chiếu y Thích điển phụng cổ Phật dĩ lai kỳ nhất Qúa khứ Tỳ Bà Thi Phật đệ nhí Thi Khí Phật đệ tam Tỳ Xá Phù Phật đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật đệ ngũ Câu Na Hàm Mâu Ni Phật đệ lục Ca Diếp Phật đệ thất Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương bồi chi hữu A Nan Ca Diếp tôn giả.

“Chiếu theo lệ xưa của đạo Phật thì:

Tầng một thờ đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi)

Tầng hai thờ đức Phật Thi Khí (Sikkhi)

Tầng ba thờ đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhu)

Tầng bốn thờ đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha)

Tầng năm thờ đức Phật Câu Na Hàm (Konagamana)

Tầng sáu thờ đức Phật Ca Diếp (Kassapa)

Tầng bảy thờ đức Thích Ca Mâu Ni, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương. Còn có tôn giả Ca Diếp và A Nan thờ bên cạnh”.

Ngoài ra, khi vua Thiệu Trị xây tháp Phước Duyên, vua còn xây thêm một cái đình ở ngay trước mặt tháp mà bây giờ chỉ còn lại cái nền mà thôi. Thuở bé hay nô đùa ở đó. Đó cũng là nơi mọi người sau thi bước lên hết các cấp cổng chùa, đứng đó để chụp hình lưu niệm. Đấy là cái đình tên là Hương Nguyện. Phụ cấu cao đình nhan chi vi Hương Nguyện.

“Xây thêm một cái đình cao, gọi là đình Hương Nguyện”. Xong rồi... Lần này tôi đã có được một lần “về’ thăm chùa kỳ thú, tôi đã tìm lại được rõ ràng lai lịch cái tháp thân yêu của tôi. Nó vẫn bình dị, yên lành và mạnh khỏe lắm, dù thời gian cứ đi và đi mãi nhưng tháp chùa của tôi vẫn mãi mãi hiền hoà và nhân từ như ngày xưa vậy. Ngày mai, tôi sẽ tìm lại và lật ra tấm hình ngày cũ mơ về cô hàng xóm ngày xưa. Dù thế nào đi nữa, tháp Phước Duyên là chứng nhân tình yêu đầu đời của tôi. Nhớ tháp là nhớ người, nhìn tháp mà nhớ ai, nhìn tháp mà nhớ lại chuỗi ngày ...tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn... (Nguyễn Tất Nhiên), nhìn tháp mà nhớ lại ngày xưa, có lần đã lén nhìn cô hàng xóm đứng chụp hình dưới tàn cây hoa sứ bên cạnh cửa tháp. Thôi, chắc là phải lấy cửa tháp làm cánh cửa nhà, lấy hoa sứ làm hoa đào để âm thầm nhấm nháp bài thơ tình xưa lăng lắc của lão Thôi Hộ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

 

Ngày xưa bên cánh cửa này

Hoa đào thắm sắc hây hây má người

Nàng nay biền biệt phương trời

Hoa đào năm cũ còn cười gió xuân

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Tham khảo:

1. “Bia chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu”, bản dịch của Thích Giới Hương, 1994 do Thích Trí Tựu cung cấp.

2. “Ca dao xứ Huế”, Ưng Luận, Sở Văn Hóa Thông Tin Thừa Thiên xuất bản, 1991

3. “Huế, vài nét cố đô”, Mai Ưng, nhà xuất bản Hội Nhà Văn Công Ty Quản lý Di Tích Huế, 1991.

4. “Chữ Húy Việt Nam qua các triều đại”, Ngô Đức Thọ, nhà xuất bản văn hoá, Hà Nội, 1997.

5. “Phật học đại từ điển” (tiếng Hoa), Phật Quang Văn Hóa Xuất Bản Xã, Taipei.

6. “A Brief Introduction to the History of Buddhism Development in Vietnam (in Chinese)” input hy Ven. Giác Đông of Vietnamese Buddhist Reasearch Institute.

7. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”, (tiếng Hoa), Chung Sĩ Phật, Đính Uuyên Văn Hóa xuất bản, Taipei, 1997.

8. “Bia chùa Thiên Mụ của vua Thiệu Trị”, bản dịch của Thích Giới Hương, 1994 do Thích Trí Tựu cung cấp.

9. “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh bản dịch Việt, Anh, Pháp, Hán” Bình An Sơn sưu tầm.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang