1. Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập
Đó chính là mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây vinh dự chứng kiến
sự hình thành và công bố hai tác phẩm văn hóa chính luận bất hủ của hai
tác gia danh tiếng, hai danh nhân văn hóa thế giới: “Bình Ngô đại cáo”
của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỷ XV và “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch
Hồ Chí Minh vào giữa thế kỷ XX. Hai tác phẩm trên cùng với bài thơ “Nam
quốc sơn hà” vẫn cho là của Lý Thường Kiệt, vào nửa sau thế kỷ XI, được
các nhà sử học coi như “Ba bản Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc Việt Nam.
2. Thành phố có nhiều đầm hồ nhất
Thăng Long - Hà Nội có nhiều hồ đầm tự nhiên hình
thành do quá trình biến đổi dòng chảy qua các thời kỳ kiến tạo địa
chất, địa mạo, do sự bồi lấp tự nhiên và do cả sinh hoạt xã hội - con
người tác động. Vào thập niên cuối của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu
ghi nhận có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ ở Hà Nội, trong đó 3 hồ nổi tiếng
nhất nằm trong nội thành là hồ Tây, hồ Trúc Bạch và hồ Gươm.
Hiện nay, do điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính nên Hà Nội bao
gồm thêm nhiều hồ nổi tiếng như hồ Suối Hai (rộng gấp đôi hồ Tây), hồ
Đồng Mô - Ngải Sơn ở huyện Ba Vì, hồ Đại Lải ở huyện Mê Linh, hoặc hệ
thống hồ Quan Sơn từng được xem là “Hạ Long thu nhỏ” của đất Hà Tây
trước đây.
3. Thành phố lớn nhất
Sau khi điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành
thành phố lớn nhất cả nước với tổng diện tích 3.324,92km2, gồm 10 quận,
1 thị xã, 18 huyện ngoại thành, đứng đầu cả nước về diện tích và nằm
trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Trước đó, Hà Nội cũng đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành
chính. Cụ thể, năm 1954, diện tích của Hà Nội là 152km2. Năm 1961,
thành phố được mở rộng, tăng diện tích lên 584km2. Đến năm 1978, thủ đô
lại một lần nữa được mở rộng diện tích, lên 2.136km2. Năm 1991, địa
giới Hà Nội lại tiếp tục thay đổi, thu hẹp lại còn 924km2.
4. Thành phố có nhiều di tích danh thắng nhất
Là mảnh đất nghìn năm văn hiến,
Hà Nội lắng đọng những tinh hoa văn hóa của dân tộc suốt chiều dài lịch
sử dựng nước và giữ nước với hơn 4.000 di tích danh thắng (trong đó có
hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia), cộng với một kho tàng di
sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú.
Những di tích danh thắng nổi tiếng của Hà Nội phải kể đến là: thành
Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ
tịch Hồ Chí Minh, danh thắng Hương Sơn, chùa Thầy, chùa Tây Phương,
Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có
hơn 1.200 làng nghề cùng nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm
thực đa dạng, đặc sắc.
5. Thành phố có hệ thống bảo tàng nhiều nhất
Đến Hà Nội, mọi người sẽ được hướng dẫn đến các bảo tàng như: Bảo
tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng chiến
thắng B52, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng phụ nữ Việt, Bảo tàng
Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Hà Nội… Đến với các
bảo tàng của thủ đô, qua những tài liệu, hiện vật trưng bày, người xem
sẽ được quay trở lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
6. Thành phố có tên phố và ngõ bắt đầu bằng chữ “Hàng” nhiều nhất
Thăng Long - Hà Nội xưa có tới hơn 50 tên phố, ngõ được bắt đầu
bằng chữ Hàng. Mỗi tên phố được gắn với một sản vật mà nơi đó buôn bán
hoặc là nghề nghiệp của người dân nơi đó như Hàng Giấy, Hàng Bút, Hàng
Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Bột, Hàng Dầu…
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, qua các tài liệu cũ ta thấy có tới
72 tên phố, ngõ bắt đầu với chữ “Hàng”, gắn với những thứ hết sức quen
thuộc trong đời sống thường nhật: Cỏ, Chuối, Chĩnh, Chiếu, Chỉ, Chè,
Cháo, Chai, Cau, Cân, Cá, Bừa, Bút, Buồm, Bún, Bột, Bông, Bè, Bồ, Bát
Đàn, Bát Sứ, Cơm, Cót, Da,…
7. Công trình Đài Nghiên - Tháp Bút duy nhất
Năm 1865, khi tôn tạo trùng tu đền Ngọc Sơn, danh nho đất Hà thành
Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng nhiều hạng mục mới, trong đó có Tháp
Bút - Đài Nghiên. Đến nay, trải qua hơn trăm năm, Tháp Bút - Đài Nghiên
trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, là một
trong những biểu trưng của đạo học, ca ngợi truyền thống hiếu học của
dân tộc Việt Nam.
Tháp Bút có hình một ngòi bút dựng ngược, gồm 5 tầng, cao 28m, nằm
trên một ngọn đồi nhân tạo bằng đá (núi Độc Tôn). Thân tháp khắc ba chữ
Hán “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh). Cạnh Tháp Bút, trên mái lớp
cổng thứ ba của đền Ngọc Sơn có đặt một Đài Nghiên. Đó là một cái
nghiên mực bằng đá có hình nửa trái đào bổ ngang theo chiều dọc. Đài
Nghiên cao 0,3m, dài 0,97m và được đội lên bởi ba chú cóc ở phía dưới.
8. Làng cổ đầu tiên được công nhận di tích lịch sử quốc gia
Là vùng đất cổ có quá trình hình thành và phát triển liên tục, Đường
Lâm hội đủ các giá trị văn hóa tiêu biểu của làng cổ Việt Nam nói chung
và Hà Tây (cũ) nói riêng. Ngoài khoảng 800 ngôi nhà cổ bằng đá ong, về
di sản văn hóa vật thể gồm đình, chùa, miếu, lăng, mộ… làng cổ Đường
Lâm có 21 di tích, trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc
gia và cấp tỉnh, trong đó có chùa Mía được đề nghị xếp hạng di tích
quốc gia đặc biệt.
Ngày 28/11/2005, làng cổ Đường Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin ký
quyết định công nhận di tích quốc gia. Đây là làng cổ đầu tiên trong cả
nước được xếp hạng di tích quốc gia.
9. Trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam
Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông (1066-1128) cho xây dựng Quốc Tử Giám.
Năm 1236, trường được mở rộng, đổi tên là Quốc Tử Viện, sau là Quốc Học
Viện, triều Lê đổi tên là Thái Học Viện có quy mô kiến trúc khang
trang, bề thế gồm có cửa Thái Học, nhà Minh Luân, giảng đường phía
Đông, phía Tây, kho chứa ván gỗ khắc sách, hai khu Tam xá cho giám sinh
nghỉ ngơi. Quốc Tử Giám tồn tại hơn 700 năm, đã đào tạo hàng nghìn nhân
tài cho đất nước và được coi là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.
10. Nơi có hệ thống văn bia Tiến sỹ nhiều nhất
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời vua
Lý Thánh Tông. Từ khoa thi năm 1442 trở về sau, những người đỗ Tiến sĩ
được vinh danh tên tuổi trong các kỳ thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc
(1442-1779).
Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung
ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Trong
đó, tấm bia đầu tiên xây dựng từ năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi
lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng dựng vào năm 1780 cho
khoa thi tổ chức vào năm 1779. Có 82 tấm bia tương ứng 82 khoa thi khắc
tên 1.304 vị Tiến sĩ. Đến nay, 82 tấm bia Tiến sĩ vẫn còn nguyên vẹn
giá trị văn hóa, lịch sử xứng đáng trở thành di sản tư liệu thế giới.
Còn tiếp…
Tiến Nguyên