Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thiền sư Trạng nguyên lừng danh Việt Nam
29/10/2011 16:03 (GMT+7)

 Thế nhưng, ngoài một vài giai thoại được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, cho tới tận ngày nay câu chuyện về cuộc đời của vị thiền sư từng là trạng nguyên nước Việt này vẫn còn là một bí ẩn với rất nhiều người…

Vị trạng nguyên một lòng hướng Phật

Thiền sư Huyền Quang sinh năm 1254, mất năm 1334, vốn tên thật là Lý Đạo Tái, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Cha của Huệ Quang là Tuệ Tổ, có công đánh dẹp Chiêm Thành nhưng không chịu ra làm quan, sớm tối chỉ vui thú với sách vở và công việc đồng áng, sống một cuộc sống an nhiên tự tại. Còn mẹ Huyền Quang là bà Lê thị là một người hiền lành, chịu thương chịu khó. Câu chuyện về sự ra đời của Huyền Quang đã là một câu chuyện đậm tính truyền kỳ và vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay.

Theo ghi chép của sách “Tam tổ thực lục”, bà Lê thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần, năm 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy "các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa”. A-nan-đà vâng lệnh ra đi. Đúng năm ấy, bà Lê thị có thai sinh ra một người con trai, đặt tên là Lý Đạo Tái. Vì vậy, nhiều người cho rằng, Huyền Quang chính là tôn giả A-nan-đà đầu thai mà thành.

 

 

Không may, lớn lên Lý Đạo Tái lại có dung mạo vô cùng xấu xí. Vừa nghèo lại vừa xấu nên Lý Đạo Tái thường xuyên bị những người xung quanh hắt hủi. Ông từng đi hỏi vợ ở nhiều nơi nhưng đều bị người ta từ chối vì dung mạo ông quá xấu xí. Tuy nhiên, bù lại với vẻ bề ngoài không lấy gì làm khôi ngô tuấn tú của mình, Lý Đạo Tái lại sở hữu một trí thông minh hơn hẳn người thường. Tư chất thông minh cộng thêm tính cần cù hiếu học nên Lý Đạo Tái học rất giỏi.

 

 Năm ông 20 tuổi, Lý Đạo Tái đỗ thi Hương rồi năm sau đỗ thi Hội. Tới năm Bảo Phù trong khoa thi Giáp Tuất 1274, Lý Đạo Tái đã đỗ trạng nguyên ở tuổi 28. Tới lúc này, nhiều gia đình giàu có mới lân la tới nhà ông để xin gả con gái cho vị tân khoa trạng nguyên, song Lý Đạo Tái đều từ chối. Thậm chí, vua Trần thấy ông là người tài năng, đức độ, đỗ đạt cao, muốn gả công chúa Liễu cho nhưng ông không nhận. Người ta nói rằng, khi đó, Lý Đạo Tái đã chua chát viết hai câu thơ rằng: “Khó khăn thì chẳng ai nhìn; Đến khi đỗ trạng trăm nghìn nhân duyên”.

Kể từ đó, trên dưới 30 năm, ông làm quan tận tụy nơi viện Nội Hàn. Với trí thông minh, giỏi đối đáp ứng xử cộng với sự uyên bác của mình, Lý Đạo Tái từng nhiều lần được giao nhiệm vụ tiếp sứ giả phương Bắc. Một hôm, Lý Đạo Tái cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Khi nghe những lời giảng của Pháp Loa, bỗng nhiên, vị đại quan triều Trần bỗng thấy “chạnh lòng”, bèn thốt lên rằng: “…Phú quý vinh hoa thích thú, đáng lo như lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hè, sao ta có thể lưu luyến lâu dài được ?…”.

Cũng kể từ đó, Lý Đạo Tái bắt đầu ý định xuất gia theo Phật. Nhiều người nói rằng, chính bài giảng của thiền sư Pháp Loa đã khiến Lý Đạo Tái, vốn là hiện thân của tôn giả A-nan-đà nhớ lại “duyên xưa” theo lời dặn của Phật Tổ. Dẫu là vì lý do gì thì việc Lý Đạo Tái quyết tâm từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý của một vị đại quan nơi triều đình để xuất gia theo Phật thì hoàn toàn là sự thực.

Lúc bấy giờ, nhà Trần rất sùng tín đạo Phật, vì thế chỉ sau vài lần dâng biểu xin từ quan để đi tu, Lý Đạo Tái đã được vua Trần chấp thuận. Năm 1305, Lý Đạo Tái chính thức xuống tóc xuất gia. Năm đó ông đã 51 tuổi. Ban đầu, Huyền Quang đến học đạo với thiền sư Bảo Phác, một học trò giỏi của Pháp Loa, nơi chùa Lễ Vĩnh.

Năm Hưng Long thứ 14 (1306) Trần Nhân Tông trụ trì chùa Siêu Loại lập Pháp Loa làm giảng chủ, Lý Đạo Tái theo Bảo Phác đến nghe giảng, được Nhân Tông cho làm thị giả. Sau đó ông theo Trần Nhân Tông khoảng 2 năm để giúp việc biên soạn kinh sách, được vị sơ tổ của dòng thiền Trúc Lâm hài lòng khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, khảo đính thì không thể thêm bớt được một chữ nào nữa”.

Vị tổ thiền lừng danh nước Việt

Khi Trần Nhân Tông viên tịch, Huyền Quang lại theo Pháp Loa làm đồ đệ người thầy trẻ hơn mình đến 30 tuổi (Pháp Loa sinh năm 1284, mất năm 1330). Năm 1309, niên hiệu Hưng Long thứ 17, Huyền Quang được Pháp Loa cho về trụ trì chùa Vân Yên trên đỉnh núi Yên Tử, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm. Hằng ngày ông giảng đạo cho các đệ tử, biên tập kinh… và gần như không còn liên hệ với chốn quan trường. Đây cũng là thời gian xảy ra câu chuyện mà người thời này vẫn còn truyền tai nhau về nỗi oan của Huyền Quang với nàng Điểm Bích.

Theo sách “Tổ gia thực lục” sự việc này xảy ra thời vua Trần Anh Tông năm Quý Sử 1313. Lúc bấy giờ, dù mới đi tu chưa được bao lâu song Huyền Quang đã trở thành một tôn giả lừng danh, tiếng đồn truyền tới tai triều đình.

 Một hôm vua Anh Tông hỏi các quan hầu cùng đạo tăng: “Huyền Quang lão sư sống như tấm gương trong không mờ bụi, thế là dồn lấp tình dục hay không có dục tình?”. Đại thần Mạc Đĩnh Chi bước ra tâu: “Vẽ hổ chỉ vẽ ngoài da, khó vẽ trong xương, xin hãy cho thử mới biết…” Vua Anh Tông nghe theo, liền ngầm cho cho mời cung nhân Điểm Bích, đẹp người lại thông kinh sử đến dặn dò: “Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, ngươi hãy đến Yên Tử tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị tăng ấy còn quyến luyến dục tình thì ngươi hãy tìm cách xin một thoi vàng về đây cho ta”.

Điểm Bích vâng lệnh lên chùa rồi chờ tới khuya thì xin vào nghỉ nhờ một đêm. Ban đầu Huyền Quang không đồng ý nhưng vì trời đã khuya, Điểm Bích lại hết mực kêu xin nên ông đã đồng ý. Đêm đó, khi Huyền Quang đang ngồi đọc kinh trong phòng thì Điểm Bích tìm tới. Ban đầu, Điểm Bích chỉ hầu chuyện, đối đáp thơ ca với Huyền Quang nhưng sau đó đã giở trò ong bướm hòng quyến rũ ông. Sư Huyền Quang giật mình vì bỗng nhiên bị ôm chầm liền vùng ra. Điểm Bích thấy vậy càng níu kéo. Hai bên giằng co một hồi làm đổ đèn dầu bắn tung tóe cả vào yếm của Điểm Bích.

Khi giằng được ra khỏi tay Điểm Bích, Huyền Quang giận run người đuổi Điểm Bích về phòng. Sự việc ấy khiến Điểm Bích hiểu rằng, Huyền Quang là người giữ giới hạnh khó có thể dùng sắc đẹp quyến rũ được. Tuy nhiên, vốn là người thông minh, Điểm Bích nảy ra một kế. Sáng sớm hôm sau, Điểm Bích lại tìm đến gặp sư Huyền Quang giả vờ than khóc nói là con nhà khoa bảng, cha làm quan thu thuế bị cướp sạch bạc tiền, nếu không hoàn trả, cả nhà sẽ bị tội nặng. Vốn giàu lòng từ bi, Huyền Quang lấy vàng do vua ban tặng đưa cho Điểm Bích…

Sau khi có được vàng, Điểm Bích trốn về cung tâu dối với vua rằng: “Thiếp vâng mệnh bệ hạ đến Yên Tử, lên chùa Vân Yên, tự xưng là con gái nhà dân tới xin học đạo. Sư già ở chùa đó thường sai thiếp bưng trà lên hầu Huyền Quang. Một tháng liền, Huyền Quang chẳng hề hỏi han, đoái hoài đến thiếp.

Một buổi tối, vào khoảng canh ba, khi các tăng ni đã đi nghỉ hết, thiếp bèn tới phòng tăng của Huyền Quang thì thấy ngài đang thao thức và ngâm một bài kệ rằng: “Vằng vặc trăng mai ánh nước,  Hiu hiu gió trúc ngâm sênh, Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ, Mâu thích ca nào thử hữu tình”.

Huyền Quang ngâm đi ngâm lại mấy lần. Thấy vậy thiếp đánh bạo vào phòng tăng cáo từ nhà sư trở về quê thăm cha mẹ và xin sang năm sẽ trở lại học đạo. Sư bèn giữ thiếp lại một đêm rồi ban cho thiếp một nén vàng... Nghe hết những gì mà Điểm Bích bịa ra và kể lại, vua Anh Tông than: “Nếu việc ấy có thực thì ta đã đạt được mưu kế giăng lưới bắt chim, mà nếu việc ấy không có thì Huyền Quang cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ qua ruộng dưa mà sửa giầy”.

 

Ảnh minh họa

 

Để kiểm chứng chắc chắn Huyền Quang vẫn chưa thoát khỏi thất tình lục dục như người ta đồn đại, vua Anh Tông liền sai mở hội Vô Già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp. Huyền Quang tới, thấy trên án bầy biện vàng lụa, các món tạp vật liền biết vua Anh Tông có ý thử thách mình.

 Truyện kể rằng, khi đó, sư Huyền Quang thở dài, lên xuống đàn ba lần rồi bái vọng ra mười phương. Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng. Vua thấy Huyền Quang đạo pháp thấu đến trời đất liền vái tạ lỗi với Huyền Quang và bắt phạt, không cho Điểm Bích làm cung nhân nữa mà đi quét chùa Cảnh Linh trong cung điện.

Sau vụ giải oan ở Thăng Long, Huyền Quang trở về miền Đông Bắc, tiếp tục viết sách, giảng kinh, trở thành học trò xuất sắc của Pháp Loa. Năm 1330, Pháp Loa viên tịch, Huyền Quang được truyền làm tổ thứ ba cua dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Bốn năm sau đó, vào năm 1334, vị thiền sư lừng danh của Việt Nam qua đời ở tuổi 81.




Các tin đã đăng:
Về đầu trang