Chùa Tăng Thượng do Thánh Đức Thượng
Nhân Khai sơn. Thánh Đức Thượng Nhân từ nhỏ xuất gia ở chùa Thiên Diệp,
là Tăng nhơn của phái Chân Ngôn Tông. Năm 1385 học đạo chùa Quang Minh,
được sự giáo hóa của Tổ thứ 7 của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, nên xã bỏ tông
Chân Ngôn theo quy y Tịnh Độ Giáo Phái đem tông chỉ Mật Giáo của chùa
đổi thành tu pháp môn Tịnh Độ. Tháng 12 năm 1393 kế thừa ngôi vị chánh
thống thành Tổ thứ 8 của Tịnh Độ Tông. Đổi tên chùa Quang Minh thành
Tăng Thượng Tự.
Năm Thiên Chánh thứ 18 (1590) vị trù trì
đời thứ 18 là Tồn Ứng Thượng Nhân, được vị tướng quân đầu tiên của
Giang Hộ Mạc Phủ là Vi Di Đại Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang, quy y và
phát tâm đại quy mô xây dựng chùa thành một ngôi đại già lam. Sau đó
chùa Tăng Thượng được chỉ định là một trong những ngôi Linh Miếu thờ
phụng tổ tiên của dòng họ Đức Xuyên Gia Mạc Phủ. Đồng thời được sắc
phong là ngôi già lam đứng đầu trong 18 ngôi chùa của miền Quan Đông
Nhật Bản, do đó chùa trở thành một trong những ngôi tự viện nổi tiếng
nhất Nhật Bản thời bấy giờ.
Năm Khánh Trường thứ 3 (1590) do triều
đình mở rộng thành Giang Hộ nên chùa phải di dời đến địa điểm hiện nay,
Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang phát tâm xây dựng mới cổng Tam Quan, Đại
Điện và Tàng Kinh Các và sắc phong Tồn Ứng Thượng Nhân lên chức Phổ
Quang Quán Trí Quốc Sư, ngự tứ tử y ca sa, thời kỳ này trong môn phái
Tịnh Độ chùa Tăng Thượng có địa vị tương đồng với chùa Tri Ân Viện ở
Kinh Đô, mỗi năm được cấp hơn 10 ngàn thạch lúa, toàn chùa có 48 viện,
học viện liêu xá có 100 phòng, đương thời được gọi là quốc tự phong tước
hiệu là “Tự Cách Bách Vạn Thạch”.
Năm Diên Bảo thứ 8 (1680) Đại tướng quân
Đức Xuyên Gia Cang đời thứ tư của Mạc Phủ bị bịnh qua đời, tang lễ được
làm ở Tăng Thượng Tự, người chấp sự cảnh vệ cho tang lễ là Phụng Hành
Nội Đằng Trung Thắng, vì bất mãn người cùng làm việc với mình là Phụng
Hành Vĩnh Tỉnh Thượng Trưởng, nên lấy đao giết chết ông ta, ngày nay
trong lich sử Nhật Bản còn nhắc đến sự kiện này gọi là “Chi Tăng Thượng
Tự đích đao thương sự kiện”.
Năm 1867 Vị Tướng Quân cuối cùng của chế
độ Giang Hộ Mạc Phủ là Đức Xuyên Khánh Hỷ đem quyền bính trao lại cho
triều đình Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị và Thiên
Hoàng Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân đất nước. Vì cường điệu Thiên Hoàng
là hậu duệ của Thiên Chiếu Đại Thần cho nên ra sức phục hưng Thần đạo và
tách Thần đạo ra khỏi Phật Giáo, chính vì sự kiện này mà Phật Giáo Nhật
Bản bị bài trừ cũng như phá họai. Chùa Tăng Thượng là ngôi chùa Thần
Phật thờ chung nhưng vẫn bị đốt phá vào những năm 1874 và năm 1909. An
Quốc Điện trong chùa là miếu thờ Đức Xuyên Gia Khang vì lý do “Thần Phật
Phân Khai” nên đổi thành Chi Đông Chiếu Cung tách ra khỏi chùa.
Năm Minh Trị thứ 8 (1875) Chùa Tăng
thượng được liệt vào là chùa Tổng Bản Sơn của tông phái Tịnh Độ Nhật Bản
và bắt đầu phục hưng, những điện đường của chùa bị phá hủy được xây
dựng lại, thế chiến thứ hai kết thúc, người Nhật bắt đầu xây dựng lại
đất nước, tất cả các chùa chiền đều xây dựng lại trong đó chùa Tăng
Thượng cũng được tái kiến thiết, cho nên nói là chùa xưa nhưng rất nhiều
những kiến trúc của chùa chúng ta thấy ngày hôm nay đều là kiến trúc
hiện đại.
Từ ngày khai sơn cho đến nay Tăng Thượng
Tự lịch đại chư vị Tổ sư hoằng truyền giáo nghĩa Tịnh Độ, cho nên được
mọi người thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội Nhật Bản biết đến quy
y, vì vậy tín đồ của chùa rất đông, hương hỏa ngày một hưng thạnh. Vì là
một trong những ngôi chùa thuộc trung tâm của thủ đô Nhật Bản, nên chùa
Tăng Thượng là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân chúng
thủ đô. Do ảnh hương của thần đạo nên tục cúng kính cầu xin trong chùa
trở thành nét văn hóa đi chùa của người dân thủ đô Nhật.
Người Nhật Bản từ thời Minh Trị duy tân
trở đi họ ăn tết dương lịch chứ không còn ăn tết âm lịch như các nước có
văn hóa phương đông. Họ chỉ đổi ngày tháng chứ không đổi tục lệ ăn tết.
Cứ mỗi độ xuân về mọi người lại nô núc đến chùa Tăng Thượng đón giao
thừa thỉnh chuông bình an đầu năm, xin xăm kiết tường, nếu xin được xăm
tốt thì đem lộc về nhà, còn nếu được xăm xấu thì họ đem lá xăm treo ở
bên gốc cây hoặc nơi quy định treo xăm ở trong chùa, gởi lại vận không
may lại chùa để cúng giải hạn và lưu lại vận xấu không mang về nhà.
Chùa Tăng Thượng còn có một nét đón xuân
đặc biệt nữa là thả bong bóng bay để gởi nguyện ước của mình lên cho
trời cao. Chùa phát bong bóng bay cho mọi người để họ viết ước nguyện
của mình lên tấm giấy hoặc vải, rồi buộc vào bong bóng thả lên trời để
cầu nguyện, hình ảnh những chiếc bong bóng bay lên trời không, tạo thành
một không khí đón xuân hết sức đặc biệt, đầy cả bầu trời của chùa Tăng
Thượng toàn là bong bóng bay đủ màu đủ sắc, bao nhiêu ước nguyện cũng
theo đó mà hòa nhập vào bầu trời, làm cho không khí tết như thêm màu
hạnh phúc, làm cho lòng người như thêm vững lòng tin về một tương lai
tươi sáng, bao nhiêu vận may sẽ như gió mát thổi đến bên mình, bao nhiêu
khổ đau phiền muộn sẽ tan biến “hỏa diệm hóa hồng liên” chùa Tăng
Thượng là trong lòng người dân thủ đô Nhật Bản, là “Thanh Lương Địa”
cảnh giới Cực Lạc giữa chốn nhân gian.