Ngõ chùa Lân
Chùa Lân nằm trên một quả đồi có hình dáng một con lân nằm phủ phục.
Danh tiếng và sự nguy nga của chùa Lân còn được lưu truyền trong dân
gian cho đến ngày nay. Hiện, ngõ chùa Lân vẫn còn lưu dấu tích xưa với
chiều dài và độ rộng khó tưởng tượng. Hơn thế, hai bên ngõ còn đủ để xây
nhiều tháp mộ của các nhà sư.
|
Chùa Lân nổi tiếng khi xưa là ngôi chùa có ngõ rộng bậc nhất. Ảnh: dulichhalong. |
Chùa Lân hay còn gọi là Long Động tự thực tế nằm trên địa bàn thôn
Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí. Đây là một trong những ngôi
chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa vốn là địa điểm vua Trần Nhân Tông đã dừng chân trước khi lên
Yên Tử tu hành, năm Kỷ Hợi (1293). Sau này, ngài đã cho tôn tạo, xây
dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy trở thành Viện Kỳ Lân,
là nơi giảng đạo, độ tăng. Đây cũng là một trong hai nơi có bài giảng
của đức Trần Nhân Tông được chép lại, bên cạnh bài kinh tại chùa Sùng
Nghiêm (Chí Linh - Hải Dương)…
Sau thời Trần, chùa Lân vẫn là thiền viện do các thiền sư nối tiếp
“truyền đăng lục diệm". Thời nhà Lê, thiền sư Chân Nguyên, người đã có
công chấn hưng Phật pháp đã biên soạn Thiền tông bản hạnh, kiến tính
thành phật và thiền sư Tuệ Nguyên in Trúc Lâm tam tổ, Tuệ Trung thượng
sĩ ngữ lục tại chính Viện Kỳ Lân.
Chùa Muống
Chùa Muống còn gọi là Quang Khánh tự, là di tích đã tồn tại từ nhiều
thế kỷ trước, hiện nay là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành,
tỉnh Hải Dương.
|
Chùa Muống được xây dựng trên khuôn viện rộng 15.000m2, nổi tiếng là ngôi chùa có sân rộng nhất khi xưa. Ảnh: queviet. |
Chùa Muống được xây dựng vào năm nào? ai là người khởi công xây dựng?
đến nay vẫn chưa xác định được. Chỉ biết đến thời Trần, chùa có quy mô
lớn và được mệnh danh là ngôi chùa lớn đặc biệt là có sân rộng vào bậc
nhất trong những ngôi chùa.
Chùa có quy mô tới 120 gian lớn nhỏ, xây dựng theo kiểu "nội công
ngoại quốc" trên khuôn viên rộng 15.000m2, bao gồm tam quan, tiền đường,
thượng điện, nhà tổ, nhà tăng, hành lang, gác chuông, gác khánh... Chùa
có 32 tháp sư và hàng trăm pho tượng lớn nhỏ.
Chùa Quang Khánh là nơi thờ phật theo thiền phái Trúc Lâm, đồng thời
là nơi thờ nhà sư Tuệ Nhẫn, là môn đệ trung thành của thiền phái Trúc
Lâm, do vua Trần Nhân Tông sáng lập.
Là một ngôi chùa lớn, lại có nhiều vị cao tăng trụ trì, đồng thời lại
thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm, vì thế lễ hội tại di tích có quy mô
khá lớn và có mối liên hệ chặt chẽ với các ngôi chùa thuộc thiền phái
này.
Đương thời, chùa Muống là một ngôi chùa đẹp nổi tiếng, có nhiều nhà
thơ đã xúc cảm làm thơ ca ngợi, đáng chú ý nhất là 2 bài thơ của Lê
Thánh Tông khắc trên bia hiện nay còn lưu giữ tại chùa.
Chùa Quỳnh
Chùa Quỳnh hay còn gọi là Quỳnh Lâm tọa lạc trên một ngọn đồi trong
dãy núi vòng cung Đông Triều, thuộc xã Tràng An, huỵện Đông Triều, tỉnh
Quảng Ninh.
Chùa được hình thành từ đời Tiền Lý (khoảng cuối thế kỷ 5, đầu thế kỷ
6) và được tu sửa qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Thời
kỳ cuối Lê và thế kỷ 17-18 chùa Quỳnh Lâm đã trở thành trung tâm Phật
giáo lớn nhất của Việt Nam.
|
Chùa Quỳnh Lâm có thời điểm có tới 1.000 mẫu ruộng. Ảnh: Phattuvietnam. |
Do nhận được sự cung tiến của nhiều người trong hoàng tộc như phò mã
họ Vũ cúng 20 mẫu ruộng, tư đồ Văn Huệ vương Trần Quang Triều và Thượng
Trân công chúa cúng 900 lạng vàng để đúc tượng Phật Di Lặc… nên ruộng
chùa Quỳnh Lâm có đến 1.000 mẫu nhiều vào bậc nhất trong số những ngôi
chùa lúc bấy giờ.
Ngoài ra, trước đó, vào thời Lý, nhà sư Không Lộ đã cho đúc một pho
tượng Di Lặc bằng đồng cao 6 trượng, được coi là một trong "An Nam tứ
đại khí" (bốn báu vật lớn của Việt Nam) và một tấm bia đá lớn cao 2,5m
với hoa văn hình rồng uốn lượn mềm mại tại chùa này. Đến năm 1316, thiền
sư Pháp Loa cho xây dựng và thành lập Phật viện Quỳnh Lâm với một kiến
trúc đồ sộ. Đây là một trung tâm truyền kinh giảng đạo, đào tạo hàng ngũ
sư sãi cho đạo Phật…
Tương truyền chùa rộng đến nỗi các chiến mã chạy một vòng quanh chùa
cũng mệt đổ mồ hôi. Năm 1319 Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và phật tử
chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm viện. Năm
1328 ông lại cho đúc một pho tượng Di Lặc. Sau đó ông tâu xin nhà vua
cho được kéo tượng từ nền điện lên bảo toạ để dát vàng. Năm 1329 Pháp
Loa cho đem theo một phần tro hài cốt của Nhân Tông (vị tổ thứ nhất của
thiền Trúc Lâm) về đặt trong tháp đá chùa Quỳnh Lâm.
Người đương thời lúc đó còn truyền tụng chùa Quỳnh Lâm là chốn “Thiên
Nam đệ nhất danh lam”. Những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, cùng với
chùa Vân Yên ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Siêu Loại, thiền viện Quỳnh Lâm do
Pháp Loa (đệ nhị tổ) trụ trì là 1 trong 3 trung tâm lớn nhất của giáo
hội Trúc Lâm thời Trần. Trần Nhân Tông sau khi đã xuất gia từng đến
thuyết pháp ở chùa.
Sang đầu thế kỷ 15 chùa bị phá huỷ nặng nề, phải trùng tu rất nhiều
lần. Đến thế kỷ 18 (1727) chùa dựng tháp Tịch Quang bằng đá xanh (tháp
mộ của nhà sư Chân Nguyên - một nhà sư có công lớn đối với chùa), tháp
gồm 7 tầng cao 10 m, đỉnh tháp hình búp đa, trên tháp có gắn tấm bia ghi
lại tiểu sử của sư Chân Nguyên. Đến giữa thế kỷ 18, chùa được trùng tu
lớn, có cả chuông đồng, khánh đá. Nhưng qua thăng trầm của lịch sử, các
công trình cổ của chùa hầu như đã bị huỷ hoại, chỉ còn lại một số hiện
vật như tấm bia đá lớn thời Lý, khánh đá và vườn tháp. Cuối thế kỷ 20,
chùa được khôi phục lại.