Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chùa Tuyết Đậu - Một trong Ngũ Đại danh sơn Phật Giáo Trung Quốc
Thanh Như dịch và sưu tầm hình ảnh
23/02/2012 20:09 (GMT+7)

Chùa Tuyết Đậu được bao bọc bởi hàng loạt dãy núi xanh, tiếng suối reo, thác đổ ngày đêm tranh nhau vang rền quanh chùa. Thắng cảnh trong núi Tuyết Đậu được khen là: "Bốn phía núi xanh phủ kín chùa, núi núi quày đầu chầu cổ sát; năm non khe suối bò quanh viện, suối suối cất tiếng ngợi Thiền Tông".

Trong "Tuyết Đậu Tự Chí" nhà Thanh có ghi: Đời nhà Tấn có một ni cô kết am tu hành trên đỉnh núi Thiên Trượng Nham, hiệu là "Viện Bộc Bố". Đường Hội Xương Nguyên niên (841 CN), dời đến vị trí ngày nay, đổi tên là "Bộc Bố Quan Âm Viện". Đường Cảnh Phúc nguyên niên (892 CN) chùa mở rộng với lối kiến trúc hoành tráng qui mô, diện tích 6000 m2, ruộng chùa 90 ha. Niên hiệu Tống Hàm Bình thứ hai (999 CN), Tống Chân Tông Triệu Hằng tứ ban hiệu chùa là "Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự". Năm Cảnh Hựu thứ tư (1037 CN), Hoàng đế Nhân Tông mộng thấy dạo chơi núi Tuyết Đậu, liền tứ hiệu là "Ứng Mộng Đạo Tràng". Niên hiệu Ninh Tông đời Nam Tống (1195 - 1224 CN), khi triều đình chế định đẳng cấp các Thiền viện, chùa Tuyết Đậu được liệt vào một trong mười ngôi cổ sát "Ngũ Sơn Thập Sát".

Thuần Hựu thứ năm (1245 CN), vua Lý Tông Triệu Vân tứ ban "Ứng Mộng Danh Sơn", hương hỏa thịnh vượng. Về sau, trải qua những cuộc hưng vong, chùa đã nhiều lần trùng tu, vào đầu niên đại 60 còn lại ngôi điện vũ. Đầu triều đại nhà Thanh xây dựng lại Sơn môn, Đại Hùng Bảo Điện, Thiên Vương điện, Pháp đường, Tàng kinh các, lầu chuông, lầu trống, tăng phòng, Thiền thất... cột đỏ trong tự viện vài trăm cây, kinh sách trong Tàng kinh các hàng vạn quyển.

Đời Nam Tống (1279), chùa Tuyết Đậu được nổi danh ngang với các chùa Linh Ẩn - Hàng Châu; chùa Quốc Thanh - Thiên Đài; chùa Thiên Đồng - Ninh Ba; chùa Vạn Thọ Vĩnh Tộ - Thiên Ninh..., có vị trí cực cao. Thời nhà Minh chùa được liệt vào một trong những "Ngôi cổ sát Thiền Tông nổi tiếng thiên hạ".

Dân Quốc về sau, chùa càng ngày càng suy. Năm 1968, phải tháo dỡ do thiệt hại bởi loài mối mọt. Kiến trúc hiện nay là vào niên đại 80, thế kỷ 20. Trước chùa có hai cây ngân hạnh cổ, sau chùa có hai cây Nam Mộc bao bọc xung quanh được tướng quân Trương Học Lương (3/6/1901 - 14/10/2001) trồng, đến nay vẫn còn xanh tốt.

Lịch sử:

Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự nằm ở trung tâm núi Tuyết Đậu - khu thắng cảnh cấp Quốc Gia. Chín ngọn núi bao quanh, các thác nước cùng tuôn đổ, phong cảnh tú lệ, được khen là "Bồng lai trên mặt biển, Thiên đài trên đất liền"

Chùa Tuyết Đậu, sáng lập vào đời nhà Tấn, hưng khởi vào đời Đại Đường, phồn thịnh vào thời Lưỡng Tống (Bắc Tống & Nam Tống), đến nay đã có trên bảy nghìn năm trăm năm, chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo.

Đời Nam Tống (1127-1279) chùa được sắc phong là một trong "Ngũ Sơn Thập Sát" (những ngôi cổ sát nổi tiếng). Đời Minh được liệt vào một trong "Thập sát ngũ viện Thiền Tông thiên hạ". Dân Quốc được khen là một trong "Ngũ đại danh sơn Phật giáo" nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc (五大名山: Phổ Đà, Nga Mi, Ngũ Đài, Cửu Hoa và Tuyết Đậu).

Cuối đời Thanh, đầu năm Dân Quốc, ông Đinh Phúc Bảo - tác giả biên soạn bộ Phật Học Đại Từ Điển nói: Gần đây có người chủ trương đưa núi Tuyết Đậu - Phụng Hóa thêm vào Tứ Đại Danh Sơn cho thành Ngũ Đại Danh Sơn. Ông Triệu Phác Sơ - Nguyên Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, khi đến thị sát núi Tuyết Đậu cũng nói: "Tuyết Đậu là nơi ứng hóa của Bồ tát Di Lặc, nên xây dựng điện Di Lặc riêng cho Ngài, đặc biệt là phụng thờ một mình Ngài", và gọi Tuyết Đậu là một trong Ngũ Đại Danh Sơn. Hiện nay chùa này đã xây cất điện Di Lặc, chư Tăng khi vào điện, nhiễu quanh tượng Di Lặc xướng niệm thánh hiệu Di Lặc Tôn Phật, cho nên gọi là Đạo tràng Di Lặc.

Chùa Tuyết Đậu quy mô hoành tráng, Phạm Cung sâu sắc thâm thúy, tổng diện tích 85.847,4 m2, diện tích xây dựng 19.873,4 m2. Theo trục trung tâm từ ngoài nhìn vào, thứ tự là Sơn môn, ao phóng sanh, chiếu bích (bức tường bình phong), Thiên Vương Điện, Di Lặc Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Nhũ Phong Tuyền, Pháp Đường... kiến trúc dựa bên núi, tầng tầng lớp lớp từ thấp lên cao. Trong đó, bảo điện Di Lặc được sáng tạo một cách độc đáo, tổng diện tích xây dựng 1218 m2, mái hiên đôi, lợp ngói lưu ly màu vàng. Giữa điện tôn trí tượng Hòa thượng Bố Đại, cao 5m, ngồi trên tòa Tu Di theo đồ án chín rồng được điêu khắc bằng đá Thanh Điền (một trong những loại đá "Tứ đại Ấn Chương Thạch" truyền thống TQ, sản xuất tại huyện Thanh Điền - tỉnh Triết Giang, thường dùng đá này khắc ngọc tỷ cho Hoàng đế), bụng bự to chứa đầy sự bao dung, ngồi co gối dáng bình thản, nét mặt tươi cười hoan hỷ. Hai bức tường trong điện được đắp một nghìn tôn tượng Di Lặc nhỏ với nhiều tư thế khác nhau, lấy ngũ đại danh sơn Trung Quốc làm bối cảnh, sáng tạo hình thức mới, khiến cho người tham quan ngắm xem luôn có cảm giác mới mẻ.

Chùa Tuyết Đậu có lịch sử rất lâu đời, tông phong được truyền bá rộng rãi. Hoàng đế trong các triều đại, đã tứ ban rất nhiều văn vật, hiện nay vẫn còn như: Ngự tứ ngọc ấn, ngự tứ ngọc Phật, Đại Thanh Long Tạng, ngự tứ long bát, long bào và ca sa v.v...

Hàng nghìn năm nay, chùa Tuyết Đậu đã năm lần bị phá hủy, trải qua mấy lần trùng hưng, mấy lần dời đổi. Từ những năm cận đại cho đến nay, dưới sự kết hợp nhân duyên giữa gia đình Tổng thống Tưởng Giới Thạch (31/10/1887 - 5/4/1975) và chùa Tuyết Đậu, ông Tưởng Ngọc Biểu - Tổ phụ của Tưởng Giới Thạch rất kiền thành tin Phật. Bà Vương Thái Ngọc - mẹ của Tưởng Giới Thạch, sau khi người chồng trước qua đời, bà đã đến chùa Tuyết Đậu, phát nguyện xuất gia ba năm. Bà đảnh lễ Thiền sư Quả Như chùa Tuyết Đậu làm thầy, ở tại Kim Trúc Am. Ba năm sau, bà trở về cuộc sống thế tục và kết hôn với họ Tưởng sanh ra Giới Thạch. Họ Tưởng đã từng cung thỉnh Đại sư Thái Hư giảng giải "Tâm Kinh" cho Phu nhân Mao Phúc Mai - nguyên phối của ông.

Năm 1968, chùa Tuyết Đậu bị phá hủy lần thứ năm, đến năm 1985, Chính phủ thành phố Phụng Hóa và Hiệp hội Phật giáo thành phố Ninh Ba thành lập "Hội Ủy viên trù bị trùng tu chùa Tuyết Đậu", đã lạc thành dự án của giai đoạn đầu vào tháng 8 năm 1987.

Danh lam thắng cảnh chùa Tuyết Đậu chủ yếu có: Ngự Thư đình (御书亭) - "Ứng Mộng Danh Sơn"; Thiên Trượng Nham (千丈岩) - "Phi Bộc Như Lôi" (thác nước đổ như sấm); Diệu Cao Đài (妙高台) - "Tỵ thử thắng địa" (khu nghỉ mát mùa hè); Thương Lượng Cương (商量岗) - "Đệ nhị Lô Sơn" (núi Lô Sơn thứ hai); cây Nam Mộc Tướng Quân do Trương Học Lương - vị tướng lãnh kháng Nhật nổi tiếng tự tay trồng... Ngoài ra còn có những thắng cảnh: Nhũ Phong Tuyền (乳峰泉); Ẩn Đàm (隐潭); Từ Phù Nham (徐凫岩)... thêm vào đó là sự kết hợp với lịch sử nhân văn mà được nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Nước có hưng thịnh thì Phật pháp hưng thịnh, mang đến triển vọng cho tương lai. Chùa Tuyết Đậu nhân đây mà Phật quang bủa khắp, tiền đồ rực rỡ quang huy cho đến ngày nay.

Những bậc cao tăng trụ trì chùa Tuyết Đậu triều Tống:

- Tống Càn Hưng Nguyên niên (1022 CN), Thiền sư Trùng Hiển (980-1052) - đời thứ tư Tông Vân Môn Thiền Tông, trụ trì Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự, trải qua 31 năm, mở rộng tự viện, đại hưng Tông Vân Môn Thiền Tông.

- Khoảng Nam Tống Cao Tông Thiệu Hưng (1131-1162) đến Long Hưng (1163-1164), Thiền sư Như Trạm - truyền nhân đời thứ 30 tông Lâm Tế, khi trụ trì chùa Tuyết Đậu, ngài đã trùng tu Phật điện "dựa vào kiến trúc cũ làm nhất quán".

- Vào niên hiệu Nam Tống Thiệu Hi (1190-1193), Thiền sư Trí Giám đời thứ 12 tông Tào Động lãnh trách nhiệm Phương trượng chùa Tuyết Đậu, truyền pháp cho Thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh, là nghiệp sư của Thiền sư Đạo Nguyên - Tổ sư khai tông Tào Động tại Nhật Bản, cho nên Tông Tào Động Nhật Bản cũng suy tôn chùa Tuyết Đậu là Tổ Đình

- Khoảng Tống Lý Tông Thuần Hựu (1241-1252), Thiền sư Sư Phạm tông Lâm Tế trụ trì. Vua Lý Tông nghe tiếng vời sư đến triều tu sửa điện chính, ban tăng y Kim Lan (金襕) cho sư, thỉnh sư thuyết pháp, tứ ban cho sư hiệu là Thiền sư Phật Giám.

... và các triều đại cuối cùng:

- Triều nhà Nguyên thứ 17 (1280 CN), Thiền sư Thiện Lai tông Lâm Tế trụ trì. Đến năm thứ 25 nhà Nguyên chùa bị hỏa hoạn, Thiền sư Thiện Lai ra sức trùng tu, trải qua ba năm, tất cả điện đường hiên các thêm phần quy mô tráng lệ.

- Minh Sùng Trinh thứ 16 (1643 CN), chùa Tuyết Đậu lần thứ tư lại bị hư hoại bởi chiến tranh gây ra. Năm tiếp theo Thiền sư Thạch Kỳ đời thứ 31 tông Lâm Tế chủ trì tu sửa, trải qua 18 năm, kinh doanh khổ cực mới khôi phục lại như cũ

- Khoảng niên hiệu Đạo Quang nhà Thanh (1821-1850), Thiền sư Tuệ Trí được sự ủng hộ của Chính phủ nhà Thanh, đã trùng tu điện vũ, sơn môn, đình xá, ao hồ...

- Niên hiệu Quang Tự thứ 32 (1906), Hoàng đế Quang Tự ngự ban ngọc ấn, ngọc Phật, long bào, ca sa, long bát và vài trăm hòm kinh sách. Hàng loạt văn vật quý hiếm được cất giữ trong Tàng Kinh lâu, tôn trí trong Pháp đường. Những văn vật này được bảo tồn hàng nghìn năm nay, và đã trở thành bảo vật trấn sơn môn của chùa Tuyết Đậu.

- Năm 1962, Đại sư Thái Hư lãnh trách nhiệm trụ trì, Tưởng Giới Thạch đã từng thỉnh Đại sư giảng giải "Tâm Kinh" cho bà Mao Phúc Mai - Phu nhân nguyên phối của ông, thất Tịch Tỉnh trong chùa là nơi dành cho Mao phu nhân tụng kinh niệm Phật. Hai anh em Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Vỹ Quốc - con trai của Tổng thống Tưởng Giới Thạch thuở nhỏ đã thường đến chùa Tuyết Đậu. Từ những nguyên nhân này, chùa Tuyết Đậu một thời đã trở thành chùa nhà của gia đình họ Tưởng.

- Năm 1968, chùa Tuyết Đậu bị phá hủy, chỉ còn lại tăng phòng phía đông lang.

- Năm 1978 trở về sau, Chính phủ thực hành chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng bắt đầu từ đó chư tăng đổ xô về chùa Tuyết Đậu tu học.

- Năm 1985, thành lập hội ủy viên trù bị phục hưng chùa Tuyết Đậu, suy cử Pháp sư Quang Đức - Phó Hội trưởng Thường vụ Hiệp hội Phật giáo thành phố Ninh Ba lãnh trách triệm trụ trì chùa Tuyết Đậu, chủ trì các công tác giáo vụ, đặt kế hoạch xây dựng...

- Tháng 8/1987, dưới sự ủng hộ của các cấp chính quyền sở tại và sự tài trợ của giới Phật giáo trong và ngoài nước, Pháp sư Phương trượng Quang Đức đã trùng tu, xây dựng Đại Hùng Bảo Điện, Di Lặc Bảo Điện, dãy tăng phòng đông lang, tây lang, lầu Phương trượng.

- Năm 1993, sau khi Pháp sư Quang Đức viên tịch, Pháp sư Nguyệt Chiếu - Hội trưởng Hiệp hội thành phố Phụng Hóa, phát tâm kế thừa túc nguyện của Pháp sư Quang Đức, tiếp tục công trình trùng tu đang bỏ dở. Hơn một năm trôi qua, ngôi cổ sát Tuyết Đậu dưới sự chủ trì của Pháp sư Nguyệt Chiếu sửa chữa hoàn toàn mới mẻ, sừng sững giữa những ngọn núi bao quanh. Như: Sơn môn, Thiên Vương điện, Tàng kinh lâu, Pháp đường, lầu chung cổ, ao phóng sanh, lầu hoằng pháp, phòng trai soạn, vườn hoa cảnh, tháp viện Pháp sư Quang Đức, khách đường tân quán... Ngoài ra, Pháp sư Nguyệt Chiếu còn thành lập một số đạo tràng học tu song vận, đạo tràng giáo dục văn hóa Phật giáo, đạo tràng liên kết Phật giáo đồ trong và ngoài nước... Tuân giữ lời Phật dạy mỗi năm từ 15/4 đến 15/7 âm lịch, tổ chức an cư kiết hạ cho tăng chúng, do Sư Nguyệt Chiếu chủ giảng "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa", "Giới bổn Tứ phần Tỳ Kheo" và Tham thiền..

- Ngày 23/9/ đến 29/9/1994 (18/8 âl), chùa Tuyết Đậu long trọng tổ chức đại lễ khai quang Bồ tát Đại từ Di Lặc và một nghìn tượng Bồ Tát Di Lặc nhỏ tại Bảo điện Di Lặc. Đồng thời cung thỉnh chư sơn trưởng lão, các Pháp sư khởi kiến đại đàn tràng Thủy Lục Không Hành, phổ thí Du già Diễm khẩu. Một thời cực thịnh.

Văn hóa Phật giáo:

Sau khi nhà Đường diệt vong, Tuyết Đậu dựa vào môi trường địa lý thuận lợi của Thiên Đài Nam Liên, Phổ Đà Đông Đạt, rất nhiều vị Thiền sư chốn Tòng lâm nổi tiếng trong và ngoài nước đều đến núi Tuyết Đậu chủ trì Phật sự trong tự viện. Ngoài Thiền sư Diên Thọ Tri Giác (904-975) - Tổ thứ sáu Tịnh Độ Tông, Tổ thứ ba Tông Pháp Nhãn - Thiền Tông, còn có Thiền sư Trùng Hiển Minh Giác (980-1052 CN) - "Tổ trung hưng chi môn", pháp tôn đời thứ tư Tông Vân Môn, hai bậc long tượng pháp khí này lần lượt chủ trì chùa Tuyết Đậu, khiến cho chùa Tuyết Đậu ngày càng phát triển, ngày càng hưng thịnh. Đồng thời lúc này, Công nguyên năm 1006 vào thời Bắc Tống, Khê Khẩu bắt đầu xây dựng thôn làng đại quy mô, nằm bên bờ sông Diệm Khê dưới núi Tuyết Đậu. Khê Khẩu "nương tựa vào núi mà hưng khởi", "nhờ duyên Phật độ mà thịnh hành", đến đời Nam Tống thì đã có gần 8000 nhân khẩu.

Văn hóa Phật giáo núi Tuyết Đậu có lịch sử rất lâu dài, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với Khê Khẩu, và văn hóa Phật giáo cũng đã trở thành cốt lõi văn hóa thuộc khu vực Khê Khẩu cổ đại; tín chúng Khê Khẩu thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, tư tưởng Thiền Tông cũng do đây mà đã dần dần thẩm thấu vào họ, và đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của họ. Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã được sinh ra vào cuối đời Thanh, tại Cổ Trấn Khê Khẩu - Phật Sơn Thánh Cảnh, số mệnh của ông dường như đã được định trước và gắn liền trên vùng đất đầy đủ nhân tố này để phát triển sự nghiệp Phật giáo.

Văn hóa Phật giáo núi Tuyết Đậu suy yếu dần trong hai triều đại Minh, Thanh. Sau đời Thanh, chùa được mở rộng. Niên hiệu Quang Đạo nhà Thanh (1850 CN), dưới sự tài trợ của triều đình, Thiền sư Trí Tuệ chùa Tuyết Đậu trùng tu lại điện đường, sơn môn, đình xá, ao hồ... Năm Quang Tự (1877 CN), nhà vua rất sùng kính chùa Tuyết Đậu, ngự ban ngọc ấn, ngọc Phật, long bào, long bát và rất nhiều kinh sách cho tăng chúng.

Nhà tàng trữ trong tự viện:

Vào niên hiệu Cảnh Đức (892 - 893), Thiền sư Thường Thông (常通禅师) - đời thứ năm Nam Nhạc, khi lãnh trách nhiệm Trụ trì chùa Tuyết Đậu, ngài tu sửa điện đường và được quan Thứ Sử cúng dường 1300 mẫu ruộng, cung cấp cho chư tăng, đây chính là thời kỳ hưng khởi. Đời sau tôn Thiền sư Thường Thông làm Tổ thứ nhất khai sơn Thiền viện Tuyết Đậu. Sau này, chùa Tuyết Đậu đã trở thành Tòng Lâm Thiền Tông. Chùa Tuyết Đậu nhiều lần hết hưng rồi đến phế, cuối cùng bị phá hủy vào năm 1968, hiện còn lại 7 liêu phòng đã xây dựng vào đời Thuận trị nhà Thanh.

Theo "Tự Chí" ghi chép: Vào thời kỳ Đường Tống, chùa Tuyết Đậu đã lần lượt được các vị Hoàng đế tứ ban 41 đạo sắc dụ, đến nay trong chùa vẫn còn 5760 bản kinh thư "Khâm Tứ Long Tạng"... vua Tống Tông (1121 - ?) tứ ban tấm biển "Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự", Tống Lý Tông Triệu Vân (1205 - 1264 CN) truy tặng "Ứng Mộng Danh Sơn"...

Đạo Tràng Di Lặc:

Núi Tuyết Đậu nằm ở khu du lịch thắng cảnh cấp quốc gia nổi tiếng Khê Khẩu, thành phố Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang. Thời nhà Hán đã được người đời đặt cho mỹ hiệu là "Lục Thượng Thiên Đài, Hải Thượng Bồng Lai" (đài trời trên đất liền, bồng lai trên mặt biển). Thời Ngũ Đại (Hậu Lương (907- 923), Hậu Đường (923-936), Hậu Tấn (936-946) Hậu Hán (947-950), Hậu Chu (950-960), Hòa thượng Bố Đại ứng hóa tại đây, và đây chính là Đạo tràng Bồ tát Đại từ Di Lặc.

Theo sự ghi chép trong Tuyết Đậu Tự Chí: Vua Nhân Tông triều nhà Tống (1010-1063) khi ngủ đã nằm mộng thấy dạo chơi núi Tuyết Đậu, sau này Hoàng đế Tống Lý Tông ban cho tấm biển "Ứng Mộng Danh Sơn", Thiền sư Quảng Văn - Trụ trì chùa Tuyết Đậu đã khắc trên Thạch Trúc Đình, gọi là "Ngự Thư Đình" (御书亭). Chùa Tuyết Đậu được xem là ngôi cổ sát nổi tiếng của Phật giáo, đã có lịch sử rất lâu đời, khai sơn đời Tấn, đời Đường trở thành "Thập Phương Thiền Viện", Ninh Tông (1168-1224) đời Nam Tống gọi là một trong "Ngũ Sơn Thập Sát" - đẳng cấp tối cao trong các tự viện, đời Minh được gọi là "một trong thiên hạ Thiền Tông Thập Sát".

Gia đình cựu Tổng thống Tưởng Giới Thạch có Phật duyên thâm sâu đối với chùa Tuyết Đậu, về việc xây dựng núi Tuyết Đậu và chùa Tuyết Đậu họ đặc biệt rất quan tâm, Tưởng Giới Thạch còn tự tay viết trên sơn môn năm chữ "Tứ Minh Đệ Nhất Sơn" (四明第一山). Dân chúng Đài Loan đến chùa Tuyết Đậu triều bái Đạo Tràng Di Lặc gọi chùa này là "chùa nhà họ Tưởng". Tướng quân Trương Học Lương tự tay mình trồng bốn cây Nam Mộc (loại cây được bảo hộ cấp II Quốc gia, cũng là đặc sản của Trung Quốc. Theo: (Baidu) phía sau đại điện, đến nay chỉ còn lại hai cây.

Về mặc ưu điểm:

1. Thành phố Phụng Hóa - Ninh Ba có chùa Tuyết Đậu. Thời kỳ Cộng hòa Dân quốc, Tổng thống Tưởng Giới Thạch gọi núi Tuyết Đậu là "Tứ Minh Đệ Nhất Sơn" (四明第一山), văn hóa các triều đại miêu tả núi Tuyết Đậu là "Tú Giáp Tứ Minh" (秀甲四明).

2. Chùa Tuyết Đậu là ngôi cổ sát Thiền tông nổi tiếng Phật giáo. Triều đại Hoàng đế Tống Ninh Tông đánh giá là ngôi tự viện đẳng cấp trong các tự viện, cũng là một trong "Ngũ Sơn Thập Sát". Đời Minh được khen là một trong "thập đại danh sát Thiền tông nổi tiếng thiên hạ".

3. Chùa Tuyết Đậu rất có duyên với Bồ tát Di Lặc. Hòa thượng Bố Đại - hóa thân Bồ tát Di Lặc, chính là người thôn Trường Thinh, Phụng Hóa. Xuất gia, viên tịch đều tại Thiền tự Nhạc Lâm - thành phố Phụng Hóa, ngài thường đi giáo hóa, làm Phật sự tại chùa Tuyết Đậu, nhân đây, chùa Nhạc Lâm và chùa Tuyết Đậu đều được gọi là "Di Lặc Ứng Tích Thánh Địa" (Thánh địa - nơi hóa thân của ngài Di Lặc).

Sơn môn núi Tuyết Đậu (雪窦山)

Sơn môn chùa Tuyết Đậu (雪窦寺)

Đại Hùng Bảo Điện chùa Tuyết Đậu

Sắc thu nơi chùa Tuyết Đậu

Thiên Vương điện chùa Tuyết Đậu

Từ Đường nhà họ Tưởng

Lăng mẫu thân Tổng thống Tưởng Giới Thạch

Pháp Đường chùa Tuyết Đậu

Di Lặc Bảo Điện

Thôn trang Di Lặc Phật Sơn - truyền thuyết nơi ứng hóa của Hòa Thượng Bố Đại

Điện Di Lặc thôn Trường Thinh

Niết Bàn thạch ngoài Đông lang chùa Nhạc Lâm. Theo sử liệu ghi lại Hòa Thượng Bố Đại đã ngồi trên bàn thạch ngoài đông lang chùa Nhạc Lâm viên tịch vào đời Hậu Lương Trinh Minh năm thứ ba (CN 917)

Niết Bàn Thạch

Đình Phật Tháp - nơi mai táng nhục thân của Hòa Thượng Bố Đại sau khi viên tịch. Hiện nền tháp đã bị hư hoại.

Cổ trấn nghìn năm - quê hương họ Tưởng

Núi Tứ Minh (四明山) - Triết Giang

Thiên Trượng Nham (千丈岩)

Thác nước Tam Ẩn Đàm (三隐潭)

Đồi Thương Lượng (商量岗)

Đồi Thương Lượng (商量岗)

Diệu Cao Đài

http://chuaminhthanh.com/web/danhlam/p2_articleid/777

Các tin đã đăng:
Về đầu trang