1.
Vào đầu thế kỷ XV, ngụy tạo danh nghĩa diệt Hồ phù Trần, nhà Minh sai
bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân đánh chiếm nước ta. Một giai đoạn
đen tối của lịch sử dân tộc bắt đầu từ đây và đã được danh nhân văn hóa
thế giới là Nguyễn Trãi ghi tả bằng ngôn ngữ văn chương :”Quân
cường Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ“.(1)
Thấy rõ bộ mặt giả dối, gian ác của kẻ thù và bè lũ Việt gian, con
cháu nhà Trần khởi binh đánh giặc cứu dân, cứu nước. Không còn tin tưởng
ở năng lực lãnh đạo của Giản Định Đế Trần Quỹ, vị tướng văn võ toàn
tài Đặng Dung phò Trần Quý Khoách lập căn cứ ở Nghệ An, lấy niên hiệu
là Trần Trùng Quang. Năm 1413, bị tướng nhà Minh là Trương Phụ đuổi
đánh, Quý Khoách phải chạy vào Hóa Châu, rồi cử mưu sĩ là Nguyễn Biểu
đến trại tướng Tàu ở Nghệ An để xin hòa và cầu phong.
Trước thái độ ngoan cố, thoái thác quanh co của Trương Phụ, Nguyễn
Biểu tức giận mắng chửi : “Chúng bay trong bụng thì chỉ lo đường chiếm
giữ, ngoài mặt lại giương tiếng đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp; trước
thì nói sang lập họ Trần, sau lại đặt quận huyện để cai trị, rồi tìm kế
để vơ vét của cải, ức hiếp sinh dân; chúng bay thật là đồ ăn cướp hung
ngược!”(2)
Thử thách gan dạ của sứ giả Việt Nam, Trương Phụ sai nấu một cái đầu
người rồi dọn cỗ mời ăn ! Không sợ hãi, Nguyễn Biểu dùng đũa gắp hai
tròng mắt bỏ vào miệng nuốt ngon lành ! Ban đầu, vì cảm phục khí tiết
của sứ thần nhà hậu Trần, Trương Phụ tha cho về, nhưng về sau, nghe lời
xúi giục của tả hữu, y thay đổi ý kiến, sai quân đuổi theo bắt lại, rồi
trói vào chân cột cầu sông Lam cạnh chùa Yên Quốc. Vào ban đêm, thủy
triều dâng cao, vị sứ giả anh hùng của nước Việt chết ngộp dưới chân
cầu…
2.
Lần đi sứ bi hùng và sự hi sinh anh dũng của sứ giả Nguyễn Biểu đã để
lại dấu tích trong lịch sử văn học nước nhà. Ngoài ba bài thơ Đường luật
thất ngôn bát cú (3) còn có bài tụng của Sư chùa Yên Quốc cầu cho
Nguyễn Biểu và bài văn tế của Trần Trùng Quang tế Nguyễn Biểu. Nếu cả
năm tác phẩm này cung cấp cho hậu thế những tài liệu xác thực về văn học
chữ Nôm đời Trần thì bài tụng và bài văn tế là hai bằng chứng sinh
động để chúng ta khẳng định Phật giáo đã đồng hành với dân tộc qua lịch
sử ngàn năm.
Phật tử chúng ta đều biết đời Lý và đời Trần là thời cực thịnh của
Phật giáo Việt Nam. Cho nên, không còn nghi ngờ gì nữa, đối với một tu
sĩ Phật giáo của thời đại hoàng kim ấy, vào chùa là bước vào cửa Không
để tu, để sống thanh cao với “mùi thiền” là “muối dưa” và “màu thiền” là “nâu sồng“, vì “Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi !“(4)
Thế nhưng, cũng giống như các bậc chân tu của hai triều đại Lý Trần,
ngọn lửa của tình yêu nước thương dân không bao giờ “tắt” trong trái tim
của vị tu sĩ chùa Yên Quốc. Bằng cảm xúc của một người Việt yêu giống
nòi, nhà Sư chùa Yên Quốc đã viết bài kệ ca tụng đức tính trung kiên và
tinh thần bất khuất của sứ thần Nguyễn Biểu :
“Trần quốc xẩy vừa mạt tạo , sứ hoa bỗng có trung thần.
Vàng đúc lòng son một tấm , sắt rèn tiết cứng mười phân.“(5)
Lịch sử ngàn năm bị ngoại xâm và chống ngoại xâm của nước nhà đã rèn
đúc cho người Việt một tình tự dân tộc độc đáo. Đó là lòng oán hận,
khinh ghét vô cùng những tội đồ của lịch sử là bọn mãi quốc cầu vinh. Đó
là lòng tôn kính, biết ơn vô hạn những anh hùng dân tộc đã có công
đánh giặc, cứu nước. Một biểu hiện sinh động của tình cảm cao đẹp này
là mỹ tục lập đền thờ tưởng niệm để đời đời nhớ ơn và ngưỡng mộ như
thần thánh những bậc minh quân và danh tướng đã vì nước quên thân.
Không đi ra ngoài truyền thống đó, Sư Ông chùa Yên Quốc đã kết thúc bài
kệ bằng lời cảm thán cái chết bi ai mà hùng tráng của Nguyễn Biểu và
đồng thời hộ niệm, suy tôn vị sứ thần quả cảm thành “phúc thần” bảo hộ
đất nước và nhân dân :
“Trần kiếp vì đâu oan khổ , phương hồn đến nỗi trầm luân.
Tế độ dặn nhờ từ phiệt , chân linh ngỏ được phúc thần.“(6)
Nếu bài kệ của Sư chùa Yên Quốc thể hiện lòng thương dân, yêu nước
thiết tha thì bài văn tế của vua Trần Trùng Quang bày tỏ lòng căm thù
giặc sâu sắc :
“Sinh sinh hóa hóa, cơ huyền tạo mờ mờ ; sắc sắc không không, bụi hồng trần phơi phới.
Bất cộng thù, thiên địa chứng cho ; vô cùng hận, quỷ thần thề với.” (7)
Qua hai câu văn có đối có vần, chúng ta gặp lại ở đây sự song hành của Phật giáo và dân tộc.
Câu thứ nhất là tuyên ngôn của nhà Phật học Trần Quý Khoách. Với đa số chúng ta, “sinh” thường đi đôi với “tử”
để mở đầu và kết thúc một quá trình đi từ sống đến chết của đời người.
Nhưng với Trần Quý Khoách, người đã am hiểu lý nhân quả và luân hồi, “tử” được thay bằng “hóa”
để xác định rằng chết không có nghĩa là hết mà chết chỉ là một lần
thay đổi hình thức của sự sống để bắt đầu một cuộc đời mới. Có cái này
vì có cái kia, có cái này thì có cái kia. Cho nên sinh ra không có
nghĩa là bắt đầu từ số không và chết đi cũng không có nghĩa là chấm dứt
để trở về với số không ấy. “Sinh sinh hóa hóa” tiếp nối không ngừng. “Sắc sắc không không”
tái diễn chẳng bao giờ dứt. Có hiểu biết sâu sắc và lạc quan như vậy
về lẽ sinh tử, người Phật tử chân chính quan niệm cái chết chẳng khác
gì một lần thay áo mới để “phơi phới” phủi sạch “bụi hồng trần” …
Câu thứ hai là tiếng nói của vị lãnh đạo kháng chiến Trần Trùng
Quang. Không thể giữ tâm thanh tịnh trước thái độ cực kỳ gian ác, vô
cùng tàn bạo và hoàn toàn không có văn hóa mà tướng giặc đã đem ra đối
xử với toàn dân Việt Nam trước đó và với sứ giả Việt Nam bây giờ, trước
trời đất thiêng liêng và quỷ thần siêu nhiên, vị vua cuối cùng của nhà
hậu Trần đã thề không đội trời chung với kẻ thù. Đọc đến đây, có thể
một người bàng quan sẽ nêu thắc mắc: Đã liễu tri lẽ sinh hóa, sắc không
để rũ sạch bụi trần với tấm lòng phơi phới, tại sao Phật tử Trần Quý
Khoách còn sinh tâm thù hận “ác liệt” như vậy ? Phải chăng đã có sự đối
lập giữa đạo và đời, giữa xuất thế và nhập thế trong hai phát ngôn của
một tác giả ?
Sống trong một quốc gia có đất rộng, người đông, một thiểu số tu sĩ
hay đạo sĩ có thể gác bỏ ngoài tai mọi chuyện đời để toàn tâm toàn ý
sống với lẽ đạo thanh cao và mầu nhiệm. Nhưng nước Việt đất không rộng,
người không đông, lại thường xuyên đối đầu với tham vọng chiếm cứ và
đồng hóa của những kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần. Cho nên, khi đất
nước bị ngoại xâm, để có đủ tay súng mà chiến đấu và chiến thắng , tất
cả công dân Việt Nam – không phân biệt tuổi tác, giới tính, chính kiến,
lòng tin tôn giáo và trình độ học vấn – đều ra trận. Dã sử nước Việt
ca ngợi Thánh Gióng là cậu bé mới lên ba của làng Phù Đổng mà đã biết
xin nhà vua cho ngựa sắt, roi sắt để đánh đuổi giặc Ân. Chính sử nước
nhà cho biết lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc được bắt đầu
bằng cuộc khởi nghĩa vào giữa thế kỷ thứ nhất của hai bậc nữ nhi là
Trưng Trắc và Trưng Nhị. Ý chí và quyết tâm của những cụ già tham dự
Hội nghị Diên Hồng đã tiếp sức cho vua quan nhà Trần làm nên chiến
thắng giặc Nguyên Mông vô cùng oanh liệt vào thế kỷ XIII. Quốc gia hưng
vong, thất phu hữu trách. Khi Tổ quốc lâm nguy, những tu sĩ Phật giáo
như Sư chùa Yên Quốc, những tín đồ Phật giáo như vua Trần Trùng Quang
làm sao có thể an tâm tụng đọc câu kinh Bát Nhã ” sắc tức thị không,
không tức thị sắc” để xóa nhòa ranh giới giữa bạn và thù ?
3.
Vào chiều chủ nhật ngày 3 tháng 2 năm Đinh Hợi (23.2.1947), ở ngọai ô
thành phố Huế, không biết hưởng ứng cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt
Minh tích cực đến mức nào mà vị tu sĩ trẻ ưu tú của Phật giáo Việt Nam
thời phục hưng là Pháp sư Trí Thuyên đã bị thực dân Pháp thi hành án
tử ngay tại chùa Kim Sơn!? Bằng tiếng Pháp, Thầy yêu cầu viên sĩ quan
chỉ huy lính viễn chinh dành ít phút để đắp y và tụng đọc một thời kinh
trước mũi súng của giặc ngoại xâm.(8) Chúng tôi nghĩ rằng, trong khung
cảnh thiêng liêng mà hùng tráng này, thời kinh siêu độ không thể thiếu
bài kinh Bát Nhã: “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật
đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi
Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc,…”
Cùng với sự tích bi tráng của nghĩa sĩ Nguyễn Biểu năm xưa, sự hoá
thân uy linh của Tỳ kheo Thích Trí Thuyên vào giữa thế kỷ XX vừa qua
chứng tỏ Phật giáo Việt luôn đồng hành với dân tộcViệt để cùng chia sẻ
những mất mát và đau thương do những thế lực ngoại lai phi dân tộc và
phản dân tộc đã và đang liên tục gây ra. Phật tử chúng ta tin tưởng
rằng, dù phải chịu đựng vô vàn thử thách và gian nguy, dân tộc và đạo
pháp vẫn tồn tại , như ngọc cháy trên núi mà sắc vẫn sáng đẹp, như sen
đốt trong lò mà màu vẫn tốt tươi :
“Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị can.” (9)
Hà Thúc Hoan
TP. HCM 1.6.11
Chú thích
(1) Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo ( bản dịch của Trần Trọng Kim)
(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 1, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.204.
(3) – Bài thơ vua Trần Trùng Quang tiễn tặng Nguyễn Biểu lúc đi sứ ;
- Bài thơ Nguyễn Biểu họa lại;
- Bài thơ Nguyễn Biểu làm lúc ăn cỗ đầu người.
(4) Nguyễn Du, Truyện Kiều
(5) (6) (7) Dẫn theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, quyển 2, Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1968, tr.63,64.
(8) Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb TP.Hồ Chí Minh, TP.HCM,2001, tr.507,508.
(9) Ngộ Ấn Thiền Sư, Thị tịch
Theo: Văn hóa Phật giáo