Trong Phật giới thì xá lị (sarira) là tinh tuý lưu tồn quá
trình tu luyện, hành đạo của các bậc cao tăng, kết lại thành dạng ngọc
bất tử, thường xuất hiện trong tro hoả táng thi hài các vị cao tăng đó
(nghi lễ Trà Tỳ). Xá lị là phiên âm Hán Việt hai chữ đầu của tiếng phạn
Sari.
Trong lịch sử Phật giáo thì ngoài đức Phật tổ Thích Ca
Mầu Ni - người sáng lập đạo Phật sống cách nay trên 2500 năm, còn có
nhiều cao tăng đã để lại xá lị sau khi hoả táng. Xá lị của Phật Tổ được
coi là tinh tuý có giá trị cao nhất.
Tương truyền, sau khi
Ngài mất, các đệ tử hoả táng thân xác Ngài xong đã thu hồi tro cốt và
phát hiện tới 84.000 viên ngọc xá lị như vậy. Sau đó, các môn phái đệ
tử trực tiếp của Thích Ca Mầu Ni đã chia nhau số tro cốt và ngọc xá lị
đó đem thờ ở các trung tâm Phật giáo đương thời.
Theo thời gian phát triển đạo Phật,
cùng với việc phân phát các bộ kinh Phật, thì từng phần xá lị của Phật
tổ cũng được ban phát cho các cơ sở Phật giáo khác nhau trên thế giới.
Tại Việt Nam, vào năm 1953, ngọc xá lị của Phật Thích Ca được Đại đức
Narada Mahathera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Sri Lanka sang thăm và tặng
Giáo Hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1953 và được thờ trong một bảo
tháp (Asoka) ở chùa Xá Lợi (TP.HCM).
Tháng 9/2009, nhân
chuyến thăm Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Giáo hội Phật
giáo Ấn Độ đã tặng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngọc xá lị của Phật
tổ.
Ngọc phần này đã được long trọng đưa về
chùa Bái Đính đầu tháng ba năm nay. Như đã nói, ngoài Phật tổ Thích Ca
thì xá lị còn thu được từ xác hoả táng của nhiều vị chân tu khác nữa.
Ví dụ, tại Yên Tử, vị tổ đầu tiên của phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tôn
cũng đã để lại xá lị sau khi hoả táng cách nay trên dưới 700 năm trong
tháp đá 9 tầng hiện còn thờ phụng.
Phát hiện khảo cổ của Trung
Quốc về hộp tháp chứa xá lị Phật tổ có thể coi là phát hiện khảo cổ học
về xá lị Phật lần thứ hai sau phát hiện năm 1997 do nhà khảo cổ học
người Pháp W.C. Peppe tiến hành ở một trung tâm Phật giáo cổ thuộc vùng
nam Nepal.
Điểm đáng chú ý là hộp đựng xá lị bằng đá và có
khắc chữ Phạn: Xá lị của Phật được bộ tộc Sakya nước Savatthi thờ cúng.
Hộp tháp chứa xá lị của Phật tổ tìm được ở Nam Kinh (Trung Quốc) làm
bằng kim loại, có nhiều tầng, chôn trong một phế tích của ngôi chùa cổ
Đại Báo Ân.
Phần chứa xá lị ở trên cùng hình khối vuông, bốn mặt được chạm nổi hoa văn dây mang phong cách Đường - Tống điển hình. Bốn góc là hình chim phượng đứng đỡ trên đài sen kép.
Tại phía chính diện có hai hình nhỏ cảnh phật ngồi đài sen, bên dưới
là khung trang trí chính chạm nổi cảnh Phật mặc trang phục theo kiểu
Thiên Trúc, đang ngồi giảng đạo, phía trước là ba linh thú, hai bên và
phía sau là 10 đệ tử.
Bên dưới là một khung hình chữ nhật nhỏ
có chạm nổi 22 chữ Hán phiên âm tiếng Phạn. Các mặt khác đều làm theo
phong cách tháp Phật, chính giữa là hình Phật ngồi đài sen. Mô típ này
trở thành mô típ trang trí chủ đạo ở cả phần chân đế của tháp.
Kiểu trang trí này khiến tôi liên tưởng đến nội dung trên một phần chân
đỡ của một tầng tháp mới phát hiện được ở vùng biển Quảng Nam – Đà
Nẵng.
Phần chân tháp này làm bằng đồng mạ
vàng trang trí tượng phật ngồi đài sen, đặc biệt ở hai mặt chính có
hàng chữ Phạn lạ đến nay vẫn chưa đọc được. Đường ven biển Đông nước ta
từ trước công nguyên đã đã con đường truyền giáo đạo Phật vào Giao
Châu rồi từ đó lên vùng Kiến Nghiệp (Nam Ninh, Trung Quốc).
Liệu chăng đã từng có những bảo tháp chuyển xá lị Phật tổ bị chìm ở vùng
biển Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi mới chỉ vớt được một phần bảo tháp.
Cũng nên nói thêm rằng, Phật giáo từ Ấn
Độ vào Giao Châu từ khá sớm. Ít ra có thể chắc chắn từ những thế kỷ đầu
công nguyên đã có những nhà sư dịch kinh Phật sang tiếng Việt qua
phiên âm Hán.
Có hai con đường truyền Phật Giáo vào Việt Nam :
đường bộ qua Vân Nam và đường thuỷ qua biển đông. Luy Lâu (Thuận Thành
(Bắc Ninh) là thủ phủ Giao Châu đương thời chính là nơi tập trung rất
sớm các tăng lữ Phật giáo Thiên trúc.
Đến thời nhà Ngô (Thế kỷ 3-4 sau Công
nguyên), Quảng Châu tách khỏi Giao Châu và trở thành thủ phủ, thương
cảng mới thu hút Phật giáo. Từ Giao Châu, Quảng Châu đạo Phật theo chân
tăng lữ vào Kiến Nghiệp (Nam Kinh) vốn là kinh đô nhà Ngô khi đó, mở
mang nền Phật giáo tại đây.
Những phát hiện khảo cổ khiến
chúng ta vững tin hơn, rằng ít ra từ hàng ngàn năm nay, xá lị Phật đã
từng tồn tại và được lưu hành, thờ cúng và bảo vệ như những bảo vật quý
giá nhất.
Tuy nhiên, việc chứng minh một cách khoa
học những vật thể ngọc xá lị nào đó là một phần kết tinh hữu thực của
Phật tổ thì lại là một chặng đường đi không hề đơn giản.
Trước hết cần phải khẳng định rằng: hiện tượng kết tinh khoáng vật
trong các vật thể sống là có tính phổ biến. Ngay trong các cấu trúc tế
bào thực vật cũng luôn hình thành những vi vật thể kết tinh dưới dạng
crystal silica hay opal (tên khoa học goi chúng là Phytolith).
Ngọc trai là một dạng kết tinh sà cừ
đặc biệt. Tương tự như vậy có những dạng kết tinh của lõi mắt loài cá,
của sỏi trên đường tuần hoàn, tiêu hoá của người và động vật…
Trong khảo cổ học, tại một seminar ở Nhật Bản, tôi đã từng đề xuất
nghiên cứu các loại sỏi trong các mộ táng thời tiền sử. Điều đó có
nghĩa rằng, các vật thể kết tinh hoàn toàn có thể thu được sau khi hoả
táng thi thể người.
Xưa nay y học hiện đại mới chỉ để tâm
nghiên cứu thành phần gây ra kết tinh của sỏi thận, mật ở người. Vì vậy
hiểu biết của chúng ta về các hiện tượng kết tinh tự nhiên khác trong
cơ thể còn rất ít.
Tuy nhiên, khi xem một số hình chụp phóng
đại các kết tinh được cho là xá lị tôi không khỏi nghi ngờ hiện tượng
nhầm lẫn hoặc sự linh thiêng hoá những vật phẩm còn lại trong tro cốt
hoả táng.
Rất có thể một số cao tăng đã từng mang
bên mình những viên ngọc quý thực sự, hoặc đã dùng chúng như những viên
thuốc linh thiêng khi còn sống. Hoặc những viên đá quý như vậy đã từng
tuỳ táng trong quan tài trước khi hoả táng.
Nói như vậy
không có nghĩa là tôi loại trừ khả năng có những kết tinh vật chất dưới
dạng ngọc thực sự sau khi hoả táng thi thể các bậc cao tăng.
Nhưng khi xem kỹ ảnh khối kết tinh não
của xá lị Phật tổ được giới thiệu trong cuộc họp báo ở Nam Kinh vừa qua
tôi nhận thấy rất giống với một khối nung chảy có tuổi chừng 2000 năm
trước của một xưởng chế tác hạt chuỗi thuỷ tinh từng được khai quật ở
nam Thái Lan mà tác giả khai quật đã trình bày tại Hội nghị Tiền sử
Châu Á Thái Bình Dương (IPPA) tháng 12/2009 vừa qua tại Hà Nội.
Liệu có thể xảy ra sự trùng hợp giữa nơi hoả táng với một di tích khảo
cổ nào đó, mà khi thu nhặt tro cốt đã xuất lộ cả hiện vật khảo cổ.
Cùng thời với sự hiện diện của đức Phật Thích Ca thế giới văn hoá Ấn Độ
đang bùng nổ kỹ thuật khai thác và chế tạo các sản phẩm hạt chuỗi bằng
đá quý, mã não, thuỷ tinh.
Đá quý, đồ ngọc là những vật phẩm
vô cùng có giá trị đương thời. Vì thế, về mặt học thuật, cần thận
trọng khi xác nhận đâu là xá lị kết tinh thực sự từ thi thể các cao
tăng và đâu là những thứ cùng có với thi thể cao tăng.
Đáng
tiếc, sự phối hợp nghiên cứu giữa khoa học thuần tuý và các chức sắc
tôn giáo luôn chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến những hiện tượng
như hàng chục năm toàn thế giới xôn xao tôn thờ và thảo luận xoay quanh
độ hư thực của tấm chăn đã từng được coi là phủ thi hài đẫm máu của
Chúa Jesus sau khi bị hành hình cách nay hai ngàn năm.
Cho
đến nay, hầu như chưa có một nghiên cứu phân tích nào triệt để về xá
lị. Chúng ta sẽ còn phải đợi chờ cho đến khi những xét nghiệm khoa học
không làm tổn thương tín ngưỡng tôn giáo, để có thể nhận chân mọi điều
như chính các tôn giáo truyền dạy và hy vọng khám phá sức mạnh linh
thiêng có thật tiềm ẩn trong các kết tinh quý báu đó.
TS Nguyễn ViệtTheo: bee.net.vn