Trong
quá trình phát triển, triều đại nào cũng có những bối cảnh riêng, vì
thế đặt một nhân vật lịch sử vào những biến động khách quan của thời
cuộc, là cơ hội để trả lại cho lịch sử những điều gần với sự thật nhất.
Hội thảo “Chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang
bờ cõi phát triển đất nước” đã phần nào làm được điều đó, bằng việc
cung cấp nhiều nguồn tư liệu khác nhau, và dẫu còn những giới hạn trong
đánh giá, song cũng đủ để thống nhất một số luận điểm quan trọng trong
sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Chu qua các tham luận và phát biểu, công
bố tư liệu của đại biểu.
Chùa Linh Mụ, nơi còn giữ nhiều dấu tích về Quốc chúa
Bồ tát Nguyễn Phúc Chu
Cụ thể trong tiến trình mở cõi từ chúa Nguyễn Hoàng
đến chúa Nguyễn Phúc Chu, các nhà nghiên cứu đã thống nhất được những
điểm căn bản của quá trình này, đó là định hình được một cục diện chính
trị, một đời sống văn hóa, tôn giáo dựa trên nền tảng tư tưởng đạo Phật,
một xã hội no đủ, một chính sách linh hoạt, hài hòa và quan trọng nhất
là một lãnh thổ được hình thành rõ nét, tương ứng với lãnh thổ Việt Nam
hiện đại, bao gồm cả đất liền và các quần đảo trên biển Đông.
Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ tát giới tại gia,
được ban pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng. Thầy của chúa là Hòa
thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) thuộc dòng Tào Động Trung Hoa. Thừa
hưởng truyền thống tín Phật của gia đình, nhận được sự truyền thừa của
Hòa thượng Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ý thức rất rõ việc thọ
giới để trở thành hành giả thực thụ trên con đường hành Bồ tát đạo, với
mục tiêu lấy hết thảy chúng sinh làm đối tượng phục vụ.
Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về chính sách
của chúa Nguyễn Phúc Chu: “Việt Nam hóa các dân tộc khác, tín ngưỡng
khác và không chỉ thương người mình mà còn thương người của dân tộc
khác, đó là tinh thần của Phật giáo Việt Nam”. Vì thế chỉ trong 34 năm
trị quốc, chúa Nguyễn Phúc Chu đã vận dụng triết lý sống của Phật giáo
vào việc mở mang bờ cõi, bình định được cả một vùng đất rộng lớn trải
dài từ Khánh Hòa đến Hà Tiên và vùng Tây Nguyên, đặc biệt là khẳng định
chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (như đã được ghi trong
Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán).
Bản chất của chế độ phong kiến là “phong tước,
kiến địa”, thông qua việc phân phong, cắt đặt chức vụ, cũng như chiếm
lĩnh đất đai. Vì thế xuất hiện các dòng họ cát cứ, sau đó lớn mạnh và tổ
chức thành các vương triều nhỏ, truyền ngôi theo huyết thống. Các vương
triều nhỏ này trong quá trình tồn tại, họ phải củng cố và tổ chức quân
đội, cũng như cắt đặt bộ máy hành chính để điều hành đất nước.
Tuy nhiên, trước sức ép đánh chiếm từ các quốc gia
lớn, để tránh sự diệt vong, quá trình “quy tâm” đã diễn ra, nên các
vương triều nhỏ buộc phải thần phục và cống nạp các quốc gia lớn. Sự
thần phục này chỉ mang tính hình thức, và họ chỉ chờ đợi thời cơ nước
khác suy yếu là tiến hành những cuộc chinh phục bằng quân sự.
Chính quá trình nội chiến (chiến tranh giữa các dòng
họ), ngoại xâm (chiến tranh giữa các nước lớn nhỏ) mà một số vương triều
trở nên hùng mạnh, nhưng cũng có không ít vương triều chịu cảnh diệt
vong. Đây là một thuộc tính khách quan của chế độ phong kiến, vì thế
không cần phải né tránh khi bàn về vấn đề này, bởi thực tế khi ấy, biên
giới quốc gia không hề được xác định một cách cụ thể như ngày nay.
Chúa Nguyễn Phúc Chu bình định phương Nam trong
một bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt. Khi ấy ở Đàng Ngoài, vua Lê chỉ
là bù nhìn, còn thực quyền rơi vào tay chúa Trịnh. Ở Đàng Trong, chúa
Nguyễn vẫn được nhìn dưới con mắt là những loạn thần, phi chính thống,
không chỉ đối với hoàng thất nhà Lê mà còn đối với Trung Hoa. Bởi Trung
Hoa lúc đó chỉ công nhận nhà Lê là đại diện duy nhất cho Đại Việt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà Minh (người Hán) đánh
mất quyền cai trị, để đất nước vào tay nhà Thanh (người Mãn Châu - một
bộ tộc nhỏ của Trung Hoa), những bại thần của nhà Minh như Dương Ngạn
Địch, Mạc Cửu đã phải trốn chạy vào Đàng Trong, tạo nên những thế cuộc
mới, phần nào uy hiếp đến sự ổn định của các vương triều nhỏ tại đây. Sự
xuất hiện của lực lượng này, dẫu chỉ là những bại thần của nhà Minh,
nhưng vẫn có những thuyết phục nhất định trước triều đại nhà Thanh, một
triều đại được lập nên bởi một bộ tộc nhỏ, người Hán.
Trước tình thế ấy, các chúa Nguyễn từ chúa Nguyễn
Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Tần… đến chúa Nguyễn Phúc Chu đã khéo léo thu
phục những cánh quân đến từ Trung Hoa này để ổn định tình hình tại Đàng
Trong. Việc các chúa tiếp nhận hai dòng thiền Tào Động và Lâm Tế trực
tiếp từ Trung Hoa, với các vị thiền sư nổi tiếng như Nguyên Thiều, Thạch
Liêm cũng đã chiếm được cảm tình của một bộ phận lưu dân là người Hoa.
Sở dĩ nói đây là một bối cảnh đặc biệt, vì các
vương triều tại vùng đất này đã phải đối đầu trực tiếp với các lực lượng
“không chính danh”, đang không còn lựa chọn nào khác hơn là phải Nam
tiến. Cho nên khi các lực lượng “không chính danh” này xuất hiện đã vô
tình biến những vùng đất ở phương Nam vào thế tranh chấp phi chính thống
và phi truyền thống.
Có nghĩa rằng, trước đây, lúc mạnh lúc yếu, Chiêm
Thành luôn có những đối đầu truyền thống với Đại Việt và sự “phân xử”
vẫn thuộc về Trung Hoa. Vì vậy, nếu bình định phương Nam trên danh nghĩa
của một quốc gia thống nhất, một bộ máy cai trị Nho giáo, ảnh hưởng sâu
đậm bởi Tống Nho như trước đó Lê Thánh Tông và một số người khác đã
làm, thì chắc chắn không chỉ khó tiến đánh mà còn khó giữ, bởi Trung Hoa
khi ấy không muốn Đại Việt lớn mạnh, nhất định sẽ can thiệp, tìm cớ
chinh phạt, rất có thể xung đột chiến tranh, xung đột văn hóa, tôn giáo
giữa Việt và Chiêm sẽ khó khăn và dai dẳng hơn rất nhiều.
Chúa Nguyễn Phúc Chu đã vận dụng tư tưởng Phật
giáo vào việc trị nước và mở mang bờ cõi với một nhãn quan chính trị sắc
bén. Việc lựa chọn Phật giáo trong môi trường đa văn hóa cần được đặt
trong tình thế đối kháng Trung Hoa (vùng ảnh hưởng của Trung Hoa), bởi
những vương triều này từ lâu đã ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa và văn
minh Ấn Độ.
Quan niệm chúng sinh bình đẳng của Phật giáo đã phần
nào xóa mờ tương quan cai trị - bị trị. Thế nên, điều quan trọng trong
quá trình Nam tiến của các chúa Nguyễn không chỉ ở việc dụng binh mà còn
ở nhận thức về việc có giữ được đất hay không, giữ bằng cách nào để có
thể khoan sức dân và không gây nên những thù hận sắc tộc, tôn giáo về
sau. Việc dụng binh đồng thời với việc tiếp nhận Phật giáo Trung Hoa khi
ấy, không phải là quá trình ly khai với nền văn hóa truyền thống, mà
chính tiếp xúc ấy lại là một cơ duyên lớn để nhà lãnh đạo như Nguyễn
Phúc Chu có thể dễ dàng dung hòa lợi ích và chinh phục được những bại
binh của nhà Minh bỏ nước vào Đàng Trong, phục vụ cho công cuộc bình
định phương Nam.
Có thể nói, Hội thảo “Chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc
Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi phát triển đất nước” lần này
đã thống nhất khẳng định chúa Nguyễn Phúc Chu là người ghi dấu ấn đậm
nét nhất trong tiến trình mở mang bờ cõi, phát triển đạo Phật tại Đàng
Trong, bổ túc cho những cách nhìn chưa thật công bằng và khách quan liên
quan đến sự nghiệp của các chúa Nguyễn.
Cho đến nay, mảnh đất từ phía Nam Hoành Sơn trở vào
vẫn phù hợp với nhận thức cho một tiến trình thương mại vươn ra biển lớn
và không thể không gợi nhắc đến những tính cách Ấn, thậm chí linh hồn
Ấn như một sự đối kháng Trung Hoa mạnh mẽ. Lịch sử Việt Nam luôn đầy
những biến động thăng trầm, song nói như nhà thơ Nguyễn Duy: “Bao triều
vua phế đi rồi. Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.
Thích Thanh Thắng