Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Một lần đến Long Sơn
31/08/2011 13:12 (GMT+7)


Đó là điều tôi nghĩ, nhưng chị thì không, bởi quê nhà đã có trong chị, bằng tình thương và có cả những kỷ niệm đẹp của một thời chị tập tành đến với mái chùa, xin chè, xin chuối của chùa cho cả nhóm bạn học thời cấp 3.

Tượng Bụt trên đỉnh Long Sơn - Ảnh: M.K.

Chị kể nhiều về Nha Trang, về xứ sở Trầm Hương quê chị. Nào là biển xanh, cát trắng, nào là con người Nha Trang hiền hòa lắm em ạ. Chị tâm niệm rằng mảnh đất sinh ra nhiều con người chất phác, hồn hậu, sống có nghĩa có tình thì nơi đó là nơi hội tụ của những con người biết tu, biết đạo.

Rồi chị kể về thầy chị, một vị thầy “nhìn hiền lắm, hồi đó bọn chị…”. Và đằng sau dấu ba chấm luôn là những điều tốt đẹp dành cho thầy, như là kính, thương, và biết ơn. Người thầy đầu tiên đối với một người rất quan trọng bởi vị thầy ấy sẽ giúp mình mở cánh cửa đầu tiên để bước vào ngôi nhà đạo pháp. Chị thao thao bất tuyện về những con người, những tên chùa, tên đất đã gắn với chị như máu thịt. Nghe chị kể, tôi cũng ao ước được đến nơi đó một lần để cảm điều chị nói.

Và rồi tôi cũng có dịp để đi cùng chị và những người bạn, người em về xứ sở Trầm Hương. Đi về đến Nha Trang, từ Ngã Ba Thành, nơi có hai cây chò đôi đi vào - như một dấu hiệu để ai một lần đến thành phố này có thể nhận diện. Và dễ nhận biết hơn là ngôi chùa Long Sơn với tên gọi theo kiểu của người Nha Trang: chùa ông Phật trắng.

Kiểu gọi tên chùa của dân gian thật giản dị, thật dễ thương. Cứ thấy chùa nào đó có điều gì đặc biệt hoặc có vị thầy dễ thương nào đó thì cứ thế gọi luôn. Ở quê tôi cũng có những ngôi chùa thân thương với tên như chùa ông Hảo (tên người Phật tử già coi chùa tên Hảo), hay là chùa cây đa… chẳng hạn.

Sau này đi nhiều, đến một số vùng quê thì tôi lại được biết thêm nhiều chùa cây đa khác, nhưng nếu nói về chùa ông Phật trắng thì chắc chỉ có người Nha Trang mới gọi như thế (?). Tôi không biết nhưng cứ tin như bạn nói, để rồi ai đến Nha Trang cũng một lần đến Long Sơn - ngôi phạm vũ uy nghi giữa lòng thành phố với hình ảnh một tượng Phật đẹp, to, rạng ngời nét từ bi tỏa chiếu cho Nha Trang thêm hiền hòa.

Chỉ đường lên kim thân Đức Phật - Ảnh: M.K.

Ai đó bảo, ở những thành phố của các quốc gia trên thế giới người ta thường đặt tượng và thánh vật linh thiêng của những tôn giáo địa phương ở những địa điểm thật đắc, với niềm tin là nơi đó sẽ bình an nhờ sự cung kính những bậc thánh, hoặc bậc giác ngộ của con người. Tất nhiên, tôi tin ý niệm đó sẽ là cách tưới tắm cho lòng người bình an và nuôi lớn niềm tin vô đối trong tâm họ đối với những bậc thánh giáng sinh trong cuộc đời.

Ở Long Sơn tôi đọc được những ký ước và những suy nghiệm kiểu như thế để lòng mình chợt thấy hoan hỷ cùng với niềm vui của người dân Nha Trang. Họ đã quá may mắn khi được sinh ra ở một thành phố mà ở đó tôn tượng bậc Đại Giác Ngộ - Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã được an vị trên một đồi cao mà ai đi vào thành phố cũng thấy hình tượng của Ngài để mà cung kính, chiêm ngưỡng và không ít người đã kịp lắng dịu tâm mình trước khi trở thành du khách nơi phố biển hiền hòa này.

Cảm ơn sư chị, cảm ơn một lần đến Nha Trang và ghé Long Sơn. Cảm ơn cả tiếng chuông nơi bảo điện Long Sơn, nơi có tôn tượng của một bậc xuất thế, tự thiêu để cứu đạo pháp và dân tộc - Bồ tát Thích Quảng Đức. Cảm ơn những hình ảnh đẹp của chư Tăng Trường TCPH Khánh Hòa đặt nơi chùa Long Sơn trong một giờ tan học. Bóng áo nâu của quý thầy đã làm lòng tôi thanh thoát lạ kỳ…

Mạnh Khôi

Các tin đã đăng:
Về đầu trang