Từ quá khứ huy hoàng
Di tích Phật viện
Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện
Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về hướng
Tây Nam, trên đường 14E.
Đường vào di tích Phật viện Đồng Dương
Theo tài liệu để
lại, đó là nội dung tấm bia tìm thấy ở Đồng Dương. Năm 875, vua
Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ
tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada.
Phật giáo Đại
thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu
khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương
quốc Champa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati. Văn
bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura, theo các nhà nghiên
cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương
ngày nay.
Qua nhiều thế kỷ sau
đó với những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc kinh đô đồng thời là
một trung tâm Phật giáo quan trọng của vương quyền Champa này hầu như
đã rơi vào quên lãng. Mãi đến năm 1901, lần đầu tiên nơi đây mới được
L.Finot - một học giả người Pháp nghiên cứu và giới thiệu như là một
khu di tích quan trọng với việc phát hiện 229 hiện vật.
Di tích hiện chỉ còn lại Tháp Sáng cũng muốn đổ sụp bất cứ lúc nào
Năm
1902, nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier đã đến và tiến hành khai
quật Đồng Dương. Ông phát hiện ra cả một quần thể kiến trúc lớn vào
loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Champa và Đông Nam Á. Toàn bộ
khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 mét
theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ nằm trong một vành
đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét, có tường bao quanh.
Từ
khu đền thờ chính một con đường rộng, dài 763 mét chạy về phía Đông
tới một thung lũng hình chữ nhật (dài 300 mét, rộng 240 mét). Nếu nhìn
trên tổng thể mặt bằng của cả cụm di tích thì khu đền thờ nằm ở trung
tâm là khu duy nhất để lại những dấu tích các đền thờ bằng đá và đồng.
Theo các nhà nghiên
cứu, Đồng Dương chính là đô thành Indrapura của Vương triều Champa thứ
tư (Vương triều Champa) do vua Indravarman II sáng lập vào năm 875. Căn
cứ vào nội dung bia ký Đồng Dương và các bia ký khác ngoài Đồng Dương
các nhà nghiên cứu khẳng định đạo Phật của Champa thời Đồng Dương là
Phật giáo Đại Thừa.
Phật viện Đồng Dương giờ là phế tích bị cây cỏ bao phủ
Hiện
phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương đang
được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu
khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo Đại Thừa ở phương
Bắc kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo
của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương
nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến cuối thế kỷ IX.
Năm
2000, di tích này được Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) xếp hạng là di tích
Quốc gia nhưng hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường
tháp cổng mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với
nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc, còn
toàn bộ đã bị tàn phá bởi thiên nhiên và chiến tranh.
Đến công tác phục dựng từ đống hoang tàn
Để
phục dựng lại di tích là một điều không đơn giản. GS-TS-KTS Hoàng Đạo
Kính cho rằng, cứu vãn và trùng tu Mỹ Sơn đã tưởng là công việc khó
khăn hơn cả, thách đố ghê gớm các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế. Thế
nhưng, với Đồng Dương, công việc xem ra khó khăn bội phần. Nhiều di tích
không chỉ hoang tàn đổ nát, mà là bình địa, ngay cả can trường và
nhiệt huyết như H.Slimann, cẩn trọng đến mức hàn lâm như nhà trùng tu
N.Balanos, cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào.
Theo ông, điều đầu
tiên là cần phải nhìn nhận đây là một di tích lịch sử, là chứng nhân
lịch sử tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những
thông tin được thể xác hóa nếu ta giải mã được sẽ là nguồn tri thức về
một nền văn minh trôi tuột vào dĩ vãng. Từ đó thực hiện công việc tư
liệu hóa theo bài bản khảo cổ học kinh điển, tiếp cận tổng thể, đồng
bộ, tránh sự thiên vị về phương diện này hoặc quan điểm kia, đề cao
tính khách quan lịch sử, dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công
cuộc thâm nhập vào dĩ vãng, không bị làm cạn kiệt.
Các
phần việc khác như dọn dẹp, giải tỏa, sắp xếp, gia cố, định hình là
cần thiết, bắt buộc đi liền việc phát lộ khảo cổ học. Đặc biệt, phải
rút kinh nghiệm về khai quật, sưu tầm, tư liệu hóa và bảo quản tại chỗ
đại công trường khảo cổ học 18 Hoàng Diệu ở Hà Nội nhằm ứng dụng cho
Đồng Dương; những kinh nghiệm từ Mỹ Sơn những năm 80.
Một số tác phẩm điêu khắc Chămpa được phát hiện tại Phật viện Đồng Dương
Trước
mắt đòi hỏi phải thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục thông qua
các đoàn thể, các tổ chức xã hội về nhận thức giá trị, về ý thức trách
nhiệm và cả về kiến thức bảo tồn di tích đến với cộng đồng dân cư; Đồng
thời cần có một hành lang pháp lý cụ thể vừa đảm bảo đúng pháp luật
lại vừa phù hợp với thực tiễn cụ thể của địa phương; Phát quang cây cỏ,
chống đỡ cổng Tháp Sáng bằng vật liệu kiên cố và làm một con đường bê
tông từ QL 14 E vào khu phế tích, thành lập ban quản lý di tích...
Câu
chuyện trùng tu tôn tạo Phật viện Đồng Dương sẽ còn được luận bàn rất
nhiều để đưa ra một phương án tối ưu nhất. Mặc dù nơi đây hiện chỉ còn
là ký hiệu trên bản đồ di tích nhưng chắc chắn sẽ là điểm đến lý thú
cho tất cả những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa nghệ thuật Đồng Dương.
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả khẳng định quyết
tâm xây dựng lối ứng xử đảm bảo sự bảo tồn, phát huy hết
các giá trị của di tích này. Đồng thời, ông cũng cho biết kế
hoạch hành động sắp tới của Quảng Nam thực hiện một gói
các giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để
nâng cao nhận thức của xã hội, qua đó tích cực cùng với
chính quyền và ngành chức năng bảo tồn, phát huy các giá trị
của di tích Phật viện Đồng Dương.
“Trước
mắt tỉnh sẽ lập đề án, khoanh vùng, khảo cổ bảo quản trùng tu, tôn
tạo, chống đỡ cứu vãn các di tích hiện có, đồng thời xã hội hóa các khu
vực phụ cận thành khu văn hóa tâm linh tín ngưỡng”, ông Cả phát biểu.
Công Bính (theo Dantri)