Tôi đã gặp ông nhiều lần, trước hết là để viết bài về Đại lễ Phật đản
Liên Hiệp Quốc (VESAK) được tổ chức tại Việt Nam sắp tới mà ông là Chủ
tịch Ủy ban quốc tế (IOC) đồng thời là Tổng thư ký Ủy ban điều phối
quốc gia Đại lễ này. Tôi cũng đã đọc nhiều sách ông viết. Nhưng với
trình độ nông cạn của tôi, hiểu về con người cùng sở học mênh mông vi
diệu của vị cao tăng này thật không dễ chút nào.
Ông không chỉ là một thiền sư, là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ,
thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn
Độ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...), ông còn
là một người Việt Nam "nguyên chất" với tất cả lòng tự trọng tự hào về
dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công
trình khoa học của ông.
Trước khi nói về VESAK, tôi xin ghi lại một vài điều tâm đắc sau khi
đọc, sau khi nghe ông nói và hỏi lại thật rõ những khám phá của ông về
cội nguồn dân tộc, về nhiều sự thật của lịch sử nước nhà hàng ngàn năm
bị che lấp hoặc bị hiểu sai lệch.
"Ông Lê Quý Đôn mà cũng lôi thôi quá !"
Xin chép ở đây hai bài thơ chữ Hán, theo tôi bài nào cũng hay đến "lạnh cả người":
Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì
(Tạm dịch nghĩa: Người đẹp mười sáu tuổi nhẹ tay thêu trên gấm
Dưới khóm hoa tử kinh con chim hoàng ly đang chuyền
Thật đáng thương nỗi lòng vô hạn đối với mùa xuân
Ngưng đọng nơi mũi kim, lặng lẽ không nói)
Đó là bài Xuân nhật tức sự, được Lê Quý Đôn chép trong Kiến
văn tiểu lục và ghi là của thiền sư Huyền Quang thời nhà Trần
(1254-1334). Từ đó nhiều thế hệ học giả đã dẫn giải, bình luận, coi là
một kiệt tác thi ca chữ Hán của Việt Nam. Trên tạp chí Văn học số
1-1984, lần đầu tiên giáo sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra tài liệu chứng minh
bài thơ trên không phải của thiền sư Huyền Quang mà của thiền sư Ảo
Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc.
Một bài khác:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
(Tạm dịch nghĩa: Chim nhạn bay dài qua không trung
Ảnh chìm dưới dòng sông lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Sông không có lòng lưu lại bóng hình)
Bài thơ này cũng được Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục,
ghi là của Hương Hải thiền sư thời nhà Lê. Nhưng trong công trình
nghiên cứu rất công phu về thiền sư Hương Hải (Toàn tập Minh Châu Hương
Hải), giáo sư Lê Mạnh Thát cũng đã “trả" bài thơ này lại cho tác giả
thật của nó là thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài bên Trung Quốc thời Tống.
Nhưng không chỉ có vậy. Giáo sư Thát còn liệt kê trong số 59 bài thơ
được coi là của thiền sư Hương Hải do học trò của thiền sư chép trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, có đến 47 bài không phải của thiền sư. Từ đó, Lê Quý Đôn đã chép lại 43 bài trong Kiến văn tiểu lục,
cả 43 bài đều của các thiền sư Trung Quốc. Ông đã chỉ rõ từng bài, là
của ai, ở trong tài liệu nào, tờ số mấy. "Ông Lê Quý Đôn mà cũng lôi
thôi quá!", ông cười cười nói với tôi. Là
ông nói đùa thôi, chứ ông biết rõ Lê Quý Đôn là người rất cẩn trọng.
Ông bảo sở dĩ có sai sót này là do Lê Quý Đôn chắc chắn không biết, tức
không có dịp đọc các bộ chính sử thiền tông Trung Quốc. "Hơn nữa,
Lê Quý Đôn, với tư cách là một Phật tử, có thể đã quá tin tưởng vào bản
in Hương Hải thiền sư ngữ lục, nghĩ rằng các thơ kệ và ngữ lục trong đó
là đúng của Minh Châu Hương Hải, vì chúng đã được môn đồ của vị thiền
sư này cho khắc in, nên đã không tiến hành kiểm tra, tìm hiểu và so
sánh", ông viết.
Toàn tập Minh Châu Hương Hải là một trong rất nhiều công trình sử học
của giáo sư Lê Mạnh Thát. Trong khi sưu tầm, đối chiếu, xác minh và
giới thiệu những cống hiến quan trọng về lịch sử tư tưởng, văn học và
Phật giáo Việt Nam của vị thiền sư lỗi lạc này, ông đồng thời đã cẩn
trọng "trả lại cho người khác" những gì không phải của thiền sư, dù đó
là những viên ngọc quý (như bài thơ nói trên). Đối với những nhân vật
khác, ông cũng làm tương tự. Ông bảo những nhầm lẫn trong các công
trình sử học kiểu đó không những không làm vinh dự thêm cho dân tộc mà
còn rất tai hại, nó khiến cho người ta nghi ngờ chính những cống hiến
quan trọng của các nhân vật lịch sử nước ta, đặc biệt khi các bậc thức
giả nước ngoài tiếp cận những tài liệu này.
Dẫn ra chi tiết nhỏ trên đây để thấy sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu
của giáo sư Lê Mạnh Thát. Nhưng ngoài sự nghiêm cẩn, ông còn có một lợi
thế tự nhiên khó có học giả nào có được. Là một thiền sư, ông đã đọc
hết những bộ kinh sách đồ sộ như Đại tạng kinh và Tục tạng kinh chữ Hán,
ông đọc trước hết là "để thưởng thức". Chính vì vậy mà chẳng hạn như
đối với trường hợp hai bài thơ nói trên, ông đã biết đến khi đọc bộ sử
thiền tông Trung Quốc (trong Tục tạng kinh), nên khi nghiên cứu về
Huyền Quang và Hương Hải ông đã phát hiện ngay sự nhầm lẫn.
Lịch sử dân tộc bảo tồn trong kinh Phật
Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh
của Phật giáo thế giới. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ
thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày
sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn,
thiền định và trí tuệ. Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến
tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.
Lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh,
giáo sư Lê Mạnh Thát có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh
này. Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ
Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn; Tăng Khương
Hội, người dịch bản kinh đó, người mà sử sách cổ Trung Quốc coi là
"bậc thánh hiền", là một người Việt Nam (ít nhất là sinh ra, lớn lên,
học hành, theo đạo Phật, hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam). Bằng
kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, ông đã truy tận gốc
tất cả những tài liệu cổ xưa nhất có liên quan, tiến hành khảo sát, đối
chiếu, giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ
không thể phản bác. Ông bảo tập kinh đó chứa đựng "một lượng bất bình
thường" các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và
lịch sử Việt Nam.
Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền
thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Điều này
hết sức có ý nghĩa, là vì truyền thuyết đó được ghi vào sử sách bắt đầu
từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên. Truy lùi lại thì thấy chuyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quái.
Truy nữa thì "bó tay", không biết nó xuất phát từ đâu, chỉ thấy nó
liên quan tới truyện Liễu Nghi đời... Đường bên Trung Quốc. Từ trước
tới nay mọi bàn cãi đều tập trung vào việc chấp nhận hay không truyền
thuyết đó, mà chấp nhận hay phủ nhận nó không phải là vấn đề của lịch
sử. Dân tộc nào cũng có truyền thuyết khởi nguyên, mà đã là truyền
thuyết thì ít nhiều đều mang yếu tố hoang đường, nhưng đó là hồn thiêng
dân tộc. Với Lục độ tập kinh, chúng ta đã truy ra thời điểm khởi nguồn
của hồn thiêng dân tộc của mình.
Trong khi phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh,
giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị liên quan
đến An Dương Vương và Triệu Đà. Từ truyền thuyết trăm trứng nằm trong
truyện 23 của Lục Độ tập kinh, ông đối chiếu với một dị bản
bằng tiếng Phạn và lại phát hiện truyền thuyết An Dương Vương giống như
câu chuyện về trận đánh quyết định trong anh hùng ca Mahàbhàrata giữa
hai anh em Pandu và Duryodhana. Đối chiếu với tất cả những gì được ghi
trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và các tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc,
ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ
18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại
Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản
của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng
Vương mà thôi. Ông cũng tiếp tục đối chiếu sử sách và khẳng định không
những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương (vì làm gì có An
Dương Vương mà đánh!) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm.
Nước Nam Việt của Triệu Đà chưa bao giờ bao hàm nước ta trong đó cả. Có
nghĩa là, cho đến năm 43 (sau dương lịch), trước khi cuộc chiến tranh
vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta vẫn là một nước độc lập. Đó
là triều đại Hùng Vương, là nhà nước Hùng Vương. Nhà nước đó đã được xây
dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp,
có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học... Nhà nước đó, nền
văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến "khai hóa" mà có.
Nó có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để tiếp thu những gì là tinh hoa và để
tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang. Nó có đủ sự nổi trội để đóng
góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là
một trong những dẫn chứng sống động. Với những khám phá của ông, chúng
ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai
ngàn năm trước...
Nếu nói các truyền thuyết An Dương Vương là không có thật thì phải
giải đáp như thế nào về Loa thành? Nếu nói nước ta đến năm 43 vẫn là
nước độc lập thì các "thái thú" Tích Quang, Nhâm Diên sang "cai trị" ở
đâu?
Tất cả những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát đều được đưa ra kèm
theo sự so sánh đối chiếu hết sức cẩn thận, kèm theo là các tài liệu
dẫn chứng cụ thể có thể tra cứu đến tận gốc. Rất tiếc giới hạn của một
bài báo không cho phép chúng tôi dẫn ra đây, vì nó quá nhiều. Về vấn đề
chúng tôi đang đề cập, có thể xem: Lục độ tập kinh và lịch sử khởi
nguyên của dân tộc ta - Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006.
Làm trong sạch những trang sử của tổ tiên bờ cõi
Như chúng tôi đã đề cập, giáo sư Lê Mạnh Thát đề nghị dứt khoát loại
bỏ truyền thuyết An Dương Vương và nước Nam Việt của Triệu Đà ra khỏi
lịch sử nước
ta.
Cần biết, toàn bộ cơ sở để dựng lên thời kỳ An Dương Vương và Triệu Đà
trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ Đại Việt sử lược, rồi Đại Việt sử ký
toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục... cho đến sử sách
ngày nay mà chúng ta biết, là lấy từ 4 tài liệu cổ sử Trung Quốc, đó là
Giao châu ngoại vức ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí và Nhật Nam
truyện. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, trong 4 tài liệu đó, 3 tài liệu
không rõ nguồn gốc và niên đại (chỉ phỏng đoán được đại khái là vào thế
kỷ thứ VI, thứ VII), riêng Nam Việt chí thì có nguồn gốc niên đại rõ
ràng (thế kỷ thứ V), nhưng tất cả đều mơ hồ, mâu thuẫn và không đáng tin
cậy. Trong khi đó, căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thống xưa
nhất của Trung Quốc, cụ thể là Sử ký của Tư Mã Thiên và Tiền Hán thơ,
chúng ta hoàn toàn không thấy có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương
hay tương tự, mà các tài liệu đó còn có những thông báo xác định rõ
ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam
Việt bên đất Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước
độc lập. Nước ta chưa bao giờ thuộc Nam Việt của Triệu Đà bên Trung
Quốc là điều đã rõ. Vấn đề là xác định đất đai Nam Việt của Triệu Đà đến
đâu? Kết luận là: Nước Nam Việt không bao giờ lan ra khỏi địa phận
tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam và Quí Châu cũng như Quảng Tây
ngày nay. Ông bảo kết luận này cũng không phải mới. "Tư không Trương
Hoa đời Tấn viết Bác vật chí 2 tờ 4b11-12 cũng nói: "Nước Nam Việt cùng
tiếp với Sở, Ngũ lĩnh về trước đến tới Nam hải, là nước tiếp giáp
biển. Đất Giao chỉ gọi là Nam duệ". Viết như thế, Giao chỉ rõ ràng
không thuộc đất Nam Việt. Một khi đã kết luận như vậy, Triệu Đà dĩ
nhiên không quan hệ gì đến nước ta. Phần gọi là "Triệu kỷ" trong các
cuốn sử ta từ Đại Việt sử lược trở đi do thế đáng nên loại bỏ" (sách đã
dẫn).
Việc dùng những tài liệu không đáng tin cậy để ghi vào sử sách nước
nhà, rồi cứ đinh ninh như vậy cho đến ngày nay, từ Đại Việt sử lược trở
đi, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, là do "những người viết sử đã không bao
giờ chịu nghiên cứu và cân nhắc một cách kỹ càng những sử liệu mà họ
dùng". Ông cho rằng, để viết lịch sử nước ta vào những thế kỷ trước và
sau công nguyên, phải dùng "những báo cáo của Sử ký và Tiền Hán thơ như
những tài liệu cơ bản cho việc kiểm soát..., dù biết rằng sự kiện của
mọi cuốn sử chính thống Trung Quốc từ Sử ký trở đi không nên được chúng
ta tin cậy hoàn toàn" (như trường hợp về Nhâm Diên, Tích Quang nói
dưới đây và nhiều trường hợp tương tự khác). Tuy nhiên, theo ông, "nó
vẫn có giá trị và đáng tin gấp bội lần" so với những thứ như 4 tài liệu
đã dẫn, bởi vì ngay cả tài liệu có nguồn gốc rõ ràng như Nam Việt chí,
nó cũng xuất hiện sau Sử ký đến những sáu trăm năm (sách đã dẫn).
Với những sử liệu đã dẫn, vấn đề An Dương Vương đã rõ là một phiên
bản Việt Nam trong bản anh hùng ca Mahãbhãrata, thế thì xử lý như thế
nào về quan hệ giữa An Dương Vương với thành Cổ loa? Giáo sư Lê Mạnh
Thát viết: "Để trả lời câu hỏi đó, trước hết cần có một ý niệm tổng
quát về quá trình hình thành quan hệ giữa các kỳ quan tự nhiên hay nhân
tạo với các nhân vật kỳ vĩ, cụ thể là chuyện con trâu vàng của Không
Lộ với Hồ tây. Không Lộ là vị thiền sư mất năm 1119, thế mà lại có một
kết nối việc hình thành Hồ tây trong truyền thuyết dân gian như Lĩnh
Nam chích quái và Việt điện u linh đã ghi lại. Vậy, việc kết nối An
Dương Vương với thành Cổ loa trong truyền thuyết không nhất thiết là
một sự thật lịch sử, dù sau Lĩnh Nam chích quái, một kết nối như thế đã
được Ngô Sỹ Liên đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư và khoác cho nó một
bộ áo lịch sử chính thức". Dĩ nhiên triều đại Hùng Vương của chúng ta
không thể nào không có thành quách, nên chắc chắn chúng ta có một cái
thành như vậy, nhưng 4 tài liệu đã dẫn nói về An Dương Vương cũng không
nói gì về tên thành Cổ loa, do đó Cổ loa chẳng qua là một tên gọi
được Ngô Sỹ Liên lấy từ truyền thuyết của Lĩnh Nam chích quái để đưa vào
Đại Việt sử ký toàn thư gắn vào An Dương Vương mà thôi.
Như vậy, các triều đại An Dương Vương và Triệu Đà đã được các sử gia
Việt Nam từ Lê Văn Hưu đến Ngô Sỹ Liên dựng lên từ những tài liệu không
đáng tin cậy, kiểm chứng tới đâu thấy sai tới đó. Nay với những sử
liệu tin cậy có thể kiểm chứng được đến tận gốc mà giáo sư Lê Mạnh Thát
đã chỉ ra, chúng ta có đủ cơ sở loại chúng ra khỏi lịch sử, để làm
trong sạch tổ tiên bờ cõi chúng ta. Một người thì tiêu diệt vua Hùng
(An Dương Vương), một người thì chiếm nước ta (Triệu Đà), khi đã có đủ
chứng cứ là không đúng sự thật, thì vinh dự gì mà vẫn để tồn tại trong
những trang sử của dân tộc?
Nhưng khi khẳng định nước ta là nước độc lập cho đến năm Mã Viện đánh
bại cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, thì giải quyết như thế nào đối
với các nhân vật như Tích Quang, Nhâm Diên được coi là các "thái thú"
Trung Quốc cai trị nước ta trước đó? Hai nhân vật này được sử sách
Trung Quốc cho là những người đến "khai hóa" dân tộc ta, bằng những lời
lẽ vô cùng xấc xược, coi dân tộc ta là "mọi", là "cầm thú", là "sâu bọ
chồn cáo" (lời trong Hậu Hán thơ). Bằng những sử liệu khó chối
cãi, giáo sư Lê Mạnh Thát chứng minh Tích Quang, Nhâm Diên chưa bao giờ
làm thái thú ở nước ta cả, đó chỉ là sự "hư cấu lố bịch khôi hài". Lấy
thí dụ như Nhâm Diên, Hậu Hán thơ viết ông này được cử làm thái thú Cửu
Chân (nước ta) vào năm Kiến vũ thứ nhất (năm 25 sau dương lịch), nhưng
thời điểm đó cũng theo Hậu Hán thơ, tình hình chính trị Trung Quốc từ
sông Dương Tử về phía nam cực kỳ phức tạp, các tướng mỗi nơi chiếm một
phương, thiên hạ loạn lạc đến nỗi "vua tự đem quân thân chinh mà còn bị
cản đường, xe ngựa không tiến lên được", thì làm sao Nhâm Diên đến
được Cửu Chân để làm thái thú ? Vả lại, chứng cứ đanh thép nhất mà sử
gia Lê Mạnh Thát tiếp tục dẫn ra là, sau khi Mã Viện "chém Trưng Trắc,
Trưng Nhị, đưa đầu về Lạc Dương", Hậu Hán thơ viết: "Viện (Mã Viện) điều
tấu Việt luật cùng Hán luật, sai hơn 10 việc, bèn cùng người Việt nói
rõ để ước thúc". Như vậy rõ ràng nước ta đã có luật pháp. Bộ luật đó
một chính quyền ngắn ngủi không làm nổi, nó phải là sản phẩm của một
nhà nước độc lập tồn tại từ lâu đời. Nếu nói nước ta lúc đó chỉ là
quận, huyện của Trung Quốc, do các thái thú của Trung Quốc sang cai
trị, thì chỗ đâu để có bộ Việt luật cho Mã Viện điều tấu? Mà nếu có
Việt luật, nghĩa là có một nhà nước độc lập, thì Tích Quang, Nhâm Diên
"cai trị" ở đâu?
(còn tiếp).
Theo Hoàng Hải Vân - TNO