Họ đã thể hiện thật đặc sắc tinh thần người phụ nữ Việt Nam là
giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Dứt khoát là vậy, không thể khác và
không thể chần chừ.
Công chúa Bát Nàn
Bà họ Vũ, ở làng Phượng Lâu, huyện Kim
Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Thân phụ của bà là thầy
thuốc làm nhiều việc phước đức. Bà nổi tiếng là phụ nữ xinh đẹp và giỏi
võ nghệ. Vì vậy, Thái thú Tô Định đã sai quan quân đến bắt bà về làm hầu
thiếp. Thân phụ và vị hôn phu của bà đã bị chúng giết chết. Nhờ giỏi
võ, bà đã cầm song đao chống cự, nhưng vì thế cô, bà đã bị thương. Nhưng
bà cũng đã phá được vòng vây và chạy đến chùa xã Tiên La, huyện Diên Hà
(nay là xã Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Vị sư trụ trì biết
trước việc này qua điềm mộng, nên đã che giấu bà và làm lễ quy y cho bà
tu ở chùa.
Khoảng năm 36-39, Hai Bà Trưng khởi
nghĩa chống quân Hán. Cũng mang chí lớn là trả thù nhà và nợ nước như
hai nữ Vương, Bà đã triệu tập được một đạo nữ binh đến 3.000 người, đánh
giặc giỏi, bà được cử làm Tướng tiên phong. Sau đó, bà lập được nhiều
chiến công, nên được phong là Tướng quân Bát Nàn (nghĩa là tướng quân
dẹp nạn). Năm Canh Tý (40), Hai Bà Trưng chiếm lại 65 thành của Lạc
Việt, giành độc lập cho nước nhà và lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà
đã được Trưng vương thương mến, ban thưởng công trạng, nên phong cho nữ
tướng Bát Nàn làm Công chúa.
Mặc dù được sống trong cảnh giàu sang
nhung lụa, nhưng nhờ căn lành sâu dày với Phật pháp, Công chúa Bát Nàn
lại nhớ đến nghĩa lý sâu xa của Phật pháp mà bà đã từng tu hành lúc còn
ẩn thân nương náu ở chùa. Với thì giờ rảnh rang suy tư, quán tưởng, bà
đã trực nhận được lý đạo, nên quyết tâm xin từ quan để tiếp tục tu hành.
Công chúa đã xuất gia trở lại ở chùa xã Tiên La.
|
Ngày nay, Tỳ kheo Ni vẫn giữ được những nét truyền thống của Tỳ kheo Ni thời xưa - Ảnh minh họa |
Sau nhiều năm tu hành miên mật và hoằng pháp độ sinh, Công chúa
Bát Nàn đã viên tịch ở chùa Tiên La. Dân chúng ở xã này thương mến và
nhớ ơn bà, đã lập đền thờ; hàng năm đều mở lễ hội vào ngày 16/3 Âm lịch,
dân chúng về cúng rất đông. Tục truyền rằng bà tu hành đắc đạo, nên dân
chúng cầu nguyện bà đều được linh ứng. Ở tỉnh Thái Bình hiện nay vẫn
còn hàng chục ngôi đền thờ bà.
Bà Thiều Hoa
Bà sinh ngày 2/1 năm Quý Tỵ (năm 3,
sau Tây lịch), quê ở vùng động Lăng Xương (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), một
vùng đất nổi tiếng linh thiêng từ thời Hùng Vương. Cha của bà là Hoàng
Phụ và mẹ là bà Đào Thị Côn. Bà cũng nổi tiếng đẹp, hiếu hạnh và giỏi võ
thuật. Lúc 16 tuổi, nhiều gia đình muốn rước bà về làm dâu, nhưng bà
Thiều Hoa từ chối vì rất có hiếu, chỉ muốn ở kề cận săn sóc cha mẹ già.
Mấy năm sau, cha mẹ bà qua đời, bà liền xin tu học ở chùa Phúc Khánh,
làng Hiền Quang (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay).
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà Thiều
Hoa đã dẫn 500 quân về dự lễ Hội thề Xuất quân. Cũng giống như Công chúa
Bát Nàn, khi Hai Bà Trưng đánh thắng quân Hán, nữ tướng Thiều Hoa đã
xin từ quan, trở lại chùa tu hành. Trưng Vương đã hỗ trợ bà trong việc
trùng tu chùa Phúc Khánh. Bà cũng rất tinh tấn hoằng truyền Phật pháp.
Năm sau, bà mất tại chùa Phúc Khánh.
Trưng Vương truy phong bà làm “Phù Vương Công chúa” (nghĩa là công chúa
phò giúp vua) và cho lập đền thờ bà. Từ đó, mỗi năm vào ngày mùng 2 Tết
Âm lịch là ngày sinh của bà, dân làng tổ chức lễ hội kỷ niệm công đức
của bà.
Bà Vĩnh Huy
Quê của bà ở huyện Đông Triều, trấn
Hải Dương. Mới 16 tuổi, bà Vĩnh Huy đã theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa
chống quân Hán. Sau khi Hai Bà Trưng thua trận, tuẫn tiết, bà Vĩnh Huy
đã ẩn tu ở chùa làng Cổ Châu (làng Dâu), huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc
(nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).
Nữ tướng Phương Dung
Bà Phương Dung và hai người con nuôi
là Trung Vũ và Đài Liệu đã theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm
lược nhà Hán. Năm 40, Hai Bà Trưng giành được độc lập cho dân tộc, lên
ngôi vua, Trưng Vương phong cho bà Phương Dung làm Công chúa, Trung Vũ
làm Tả Tướng quân, Đài Liệu làm Hữu Tướng quân.
Năm 43, quân Hán lại sang xâm lăng
nước ta, Hai Bà Trưng thua trận và tuẫn tiết. Công chúa Phương Dung trở
về ẩn tu ở chùa Thanh Vân, trang Yên Phú, huyện Thanh Đàn, trấn Sơn Nam
(nay là thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà
Nội). Sau khi bà mất, dân làng thờ bà ở chùa Thanh Vân (Thanh Vân cổ
tự). Trung Vũ và Đài Liệu cũng được dân chúng thờ làm thần Thành hoàng
của làng (giỗ ngày mùng 7 tháng 11 Âm lịch).
Hai nữ tướng Nguyệt Thai và Nguyệt Độ
Nguyệt Thai và Nguyệt Độ là hai chị em
sinh đôi. Mẹ của hai bà là Tống Nga tu ở chùa Thiên Thai trên núi Đông
Cứu, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc
Ninh). Khi hai Bà mới 16 tuổi thì mẹ qua đời, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ
vẫn tiếp tục sống ở chùa Thiên Thai.
Nguyệt Thai và Nguyệt Độ đã mộ tập
được 1.000 nam nữ nghĩa binh theo Hai Bà Trưng kháng chiến. Hai bà là nữ
tướng nổi danh trong trận đánh ở làng Me.
Sau khi Hai Bà Trưng thua trận và tử
tiết, hai bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ đã về ẩn tu trên núi Yên Tử (nay
thuộc tỉnh Quảng Ninh). Dù hai nữ tướng đã viên tịch ở núi Yên Tử, dân
làng Me vẫn lập miếu thờ hai Bà. Mỗi năm, vào ngày sinh của hai Bà (mùng
10 tháng Giêng Âm lịch) và ngày mất (mùng 8 tháng 5 Âm lịch), dân làng
đều mở lễ hội để tưởng niệm ở Miếu Cổ tại làng Me, nay là xã Mỹ Thử,
huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Công chúa Chiêu Dung
Công chúa tên thật là Lý Thị Ngọc Ba,
chồng của bà là Đặng Thanh, quê ở quận Cửu Chân, sau về ở vùng Đất Cốc.
Hai ông bà có 5 người con trai đều quyết tâm chống giặc Hán.
Sau khi chồng chết, bà cùng 5 người
con tiếp tục chống giặc ở vùng phía Tây sông Đáy. Bà cùng con trai
trưởng đóng quân ở giữa làng Cốc, đồn tiền tiêu đóng ở Cốc Thượng do
Đặng Nghiễm và Đặng Liễu chỉ huy, đồn Cốc Hạ do Đặng Diên và Đặng Tiên
trấn thủ.
Bị quân Hán tấn công tiêu diệt căn cứ
Đất Cốc, bà Ngọc Ba và các con phải rút lui, về ẩn trú ở chùa Hương
Lang. Được Thiền sư Đạo Uẩn che giấu, mẹ con Bà ban ngày tụng kinh niệm
Phật, ban đêm vẫn luyện tập võ nghệ.
Sau đó, bà và các con cùng thuộc hạ đã
quy tụ về tham gia kháng chiến và phát triển căn cứ ở Đất Mới dưới ngọn
cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau khi giành lại độc lập cho nước nhà,
Trưng Vương đã phong cho bà Ngọc Ba làm Công chúa Chiêu Dung cai quản
đội nghĩa binh và căn cứ Đất Cốc. Đến khi Hai Bà Trưng thua trận, Công
chúa Chiêu Dung đã về ẩn tu, học đạo với Thiền sư Đạo Uẩn ở chùa Hương
Lan, vùng Đất Cốc, nay thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà
Tây.
Nữ tướng Hương Thảo
Bà xuất thân nhà nghèo, nhưng rất khỏe
mạnh, tên thật là Thảo. Trong phong trào khởi nghĩa của Hai Bà Trưng,
bà đã theo nữ tướng Thánh Thiên đánh giặc, lập được nhiều chiến công,
nên được ban cho tên hiệu là Hương Thảo.
Nữ tướng được giao cai quản đội nữ
quân chuyên nuôi voi trận và ngựa chiến. Bà tổ chức những nông trại
trồng cỏ ở vùng đồng bằng châu thổ ở Bích Tràng. Bà thường đến cúng
dường và lo trùng tu chùa Cỏ ở vùng đó.
Khi Mã Viện đem quân sang thôn tính
nước ta lần thứ hai, nữ tướng Hương Thảo đã tổ chức một trận hỏa công
lớn ở Bích Tràng, tiêu diệt được nhiều tướng sĩ giặc; nhưng sau cùng, bà
cũng đã tử trận. Dân làng đã thờ cúng nữ tướng Hương Thảo ở chùa Cỏ.
Trước cảnh cai trị bạo tàn của quân
Hán, gây ra sự lầm than, đau khổ, chết chóc, tủi nhục cho dân tộc Lạc
Việt, người phụ nữ chân yếu tay mềm đã chuyển đổi được sự yếu mềm của họ
thành ý chí dũng cảm đáng nể, thành những chiến thắng hào hùng vô cùng
đáng kính.
Trở về chùa tiếp tục nếp sống tu hành
cao quý, không màng bổng lộc, lợi danh, quả là hình ảnh tuyệt đẹp của
hàng nữ lưu Ni giới và nữ cư sĩ Phật tử Việt Nam ở thời Bắc thuộc. Đó
cũng chính là hình ảnh của các vị Bồ tát hiện hữu trong cuộc đời như hoa
sen xinh đẹp, tỏa hương thơm ngát cho đời, chẳng hề bị mùi tanh của
danh lợi làm nhơ bẩn.
(Bài viết khai thác và sử dụng tư liệu của Hòa thượng Thích Trí Quảng)
Phương Bối