Thiền sư đắc đạo tự nghìn xưa
Sử liệu về thiền sư nước ta vốn có gốc gác từ hàng nghìn năm trước đã
được biên soạn và khắc in, song qua nhiều biến cố lịch sử và cơn binh
lửa nên bị thất lạc hoặc thiêu hủy. Nhất là cuối đời Trần, khi nhà Minh
sang xâm chiếm nước ta đã gom hết sách sử kể cả kinh sách Phật giáo
trong nước để mang về Trung Quốc, số nào không mang đi được thì đốt bỏ.
Mãi đến thời Pháp sang, Nhật đến, sách sử Việt Nam lại một lần nữa bị
gom lại đem ra nước ngoài...
Đến ngày nay, muốn khảo cứu các
trước tác của tiền nhân về Phật pháp nước ta lắm khi phải vào các thư
viện của nước ngoài mượn đọc. Phần khác các sử liệu về thiền sư nước ta
trước kia đều viết bằng chữ Hán, trong lúc ngày nay chúng ta học chữ
quốc ngữ nên việc tiếp cận hết sức khó khăn. Tuy vậy, gần đây cũng đã có
một số công trình nghiên cứu Phật học giá trị làm khơi dậy việc tìm
hiểu sâu hơn về văn hóa Phật giáo Việt Nam vốn là một trong các dòng
chủ lưu của văn hóa dân tộc như GS Trần Văn Giàu từng khẳng định. Các
công trình trên cho chúng ta thấy từ nghìn xưa đến nay, các thiền sư
Việt Nam đắc đạo rất nhiều, chẳng những ở thời cận đại mà cả từ đầu
Công nguyên. Có những vị đã vượt "nghìn trùng" non nước để từ Việt Nam
qua tận Ấn Độ để chiêm bái Bồ đề đạo tràng và ở lại học tiếng Phạn rồi
thoát xác bỏ thân ở chùa Niết Bàn bên đó như ngài Đại Thừa Đăng chẳng
hạn.
Nhờ vậy nay chúng tôi dựa vào tài liệu mới công bố, cùng
kết quả biên soạn của các vị cao tăng cũng như các nhà nghiên cứu Phật
học hàng đầu của Việt Nam như cố hòa thượng Thích Mật Thể, hòa thượng
Thích Thanh Từ, hòa thượng Thích Nhất Hạnh, GS Nguyễn Đăng Thục, GS Lê
Xuân Khoa, học giả Lê Mạnh Thát kết hợp cùng tài liệu riêng mà chúng
tôi có được để giới thiệu qua loạt bài này những câu chuyện độc đáo của
các thiền sư Việt Nam đắc đạo với mong muốn được góp phần nhỏ vào việc
thông tin về hành trạng của những bậc long tượng trong lịch sử văn hóa
Phật giáo và dân tộc.
Phóng lửa từ người để tự đốt xác
Hai thiền
sư đời Lý Thái Tông (Phật Mã) là Bảo Tánh và Minh Tâm là đôi bạn rất
thân từ thuở nhỏ. Hai vị đều rủ nhau xuất gia lúc còn thiếu niên và cả
hai đều nắm được tâm yếu của thiền gia (do trưởng lão Định Hương truyền
pháp), suốt 15 năm dài chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa đều đặn hằng ngày
và là hai thiền sư nổi danh khắp chốn tùng lâm đất Bắc. Về sau, hai vị
đồng trụ trì ở chùa Cảm Ứng tại Sơn Ấp, phủ Thiên Đức, thuộc vùng Bắc
Ninh ngày nay. Đến năm 1034, tự thấy công việc hoằng pháp của mình đã
hoàn mãn, hai vị cùng muốn thiêu thân mình một lúc. Nghe tin ấy, vua Lý
Thái Tông sai sứ đến thỉnh về triều, mở hội giảng kinh thuyết pháp.
Thuyết xong, hai vị đồng phóng lửa từ bên trong thân mình để tự đốt xác
trước đông đảo đồ chúng. Xác cháy hết để lại nhiều xá lợi thuộc dạng
thất bảo.
Quang cảnh chánh điện chùa Cảm Ứng (ảnh của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường).
Để tìm hiểu, chúng tôi đến gặp sa môn Huệ Thiện và được giải thích về
"hỏa quang tam muội" như sau: Hỏa quang tức là sức nóng và sức sáng
tỏa ra từ sức đại định của các thiền sư đắc đạo. Tam muội là chữ dùng
để chỉ trạng thái của một hành giả trụ tâm mình vào một chỗ không lay
động gọi là Samadhi theo tiếng Sankris, còn gọi là "tam ma địa", "tam
ma đề" hoặc "chánh định" và "chánh tâm hành xứ"...
Dẫn giải thêm, sa môn Huệ Thiện giới thiệu chúng tôi tìm hiểu nội dung liên quan qua cuốn Từ điển Phật học Huệ Quang
do hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ biên. Theo đó, "hỏa quang tam muội"
còn gọi Hỏa giới tam muội, Hỏa diệm tam muội hoặc Hỏa sinh tam muội,
tức là ngọn lửa phát ra từ thân mình "biểu thị cho việc dùng lửa trí
huệ của tâm Bồ đề thanh tịnh mà thiêu sạch phiền não và tam độc (tham -
sân - si) cùng ngũ dục (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và mê
ngủ)". Ngọn lửa ấy cũng có trường hợp "phát ra để tự thiêu thân mà nhập
Niết bàn".
Khi đức Phật Thích ca Mâu ni nằm nghiêng hông bên
phải an nhiên thị tịch trong rừng Tala song thọ, ngài Ca-diếp từ xa về
thấy "Tam muội chân hỏa trong kim quan của Phật cháy đỏ rực với ánh
sáng xá lợi chiếu khắp đất trời". Riêng trường hợp hai thiền sư Bảo
Tánh và Minh Tâm tự phóng hỏa quang tam muội để lại thất bảo không chỉ
là chuyện đồn đại ngoài xã hội đương thời mà còn ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư với thông tin: "Vua xuống chiếu đem thất bảo ấy về chùa Trường Thánh để hương đèn thờ cúng"...
Theo Giao Hưởng - KTO