Những tên Pon Pot khát máu hằm hè súng ống giáo mác lục lọi nhưng
bỗng nhiên chúng tự bỏ đi. Người ta tin rằng, nhờ Lão Hòa Thượng kịp
thời cứu độ, đã xua chúng đi nên 11 người trong tháp được thoát chết.
Điềm lành của chiếc tháp cổ 7 tầng
Nói đến tòa tháp cổ tọa ở chân núi Đề
Lim, người ta cho rằng đây là chiếc tháp linh thiêng. Trải qua bao biến
động lịch sử, gánh nặng bào mòn của thời gian, nhiều thứ đã sụp đổ,
biến đổi, nhưng riêng chiếc tháp cổ vẫn còn sừng sững, gần như nguyên
vẹn, như thách đố sức bào mòn của thời gian. Người dân nơi đây cho
biết, khi sinh ra họ đã thấy cái tháp đứng đó, cây Bồ Đề trên đỉnh tháp
cũng đã đan rễ thòng lọng, bám chặt vào thân tháp như cây trầu bám vào
thân cau, chắc nịch. Người dân cho rằng, đó là do đại đức của Lão Hòa
Thượng xưa nên chiếc tháp mới tồn tại với thời gian mà đến nay vẫn không
sụp đổ.
Chuyện kể rằng, núi Đề Lim (còn có tên
gọi núi Phù Dung) ở thế long chầu, dưới chân núi Phù Dung cây cối bốn
bề xanh tốt, một ngày nọ có vị sư, cùng những phật tử đến đây dựng chùa
để tu hành. Chùa xây trên triền núi, bên dưới là chợ, người buôn kẻ
bán, cuộc sống thanh bình. Nhờ ăn chay, niệm Phật nên vị sư nhanh chóng
đắc đạo và được phong là Lão Hòa Thượng. Khi vị hòa thượng viên tịch,
phật tử thành tâm xây cho ngài một ngôi tháp, làm một cái am che chở
ngọc vị ngay trước phía Đông Bắc, sát cạnh chùa để ngày ngày phật tử
hương khói. Nghe tiếng vị hòa thượng đức độ, danh tiếng chùa vang xa,
phật tử khắp nơi đến xin tu hành. Người dân trong miền ai ai cũng quý
mến và kính trọng vị Lão Hòa Thượng và ngôi chùa này.
Nhưng do chùa nằm ở phía sát biên giới,
giặc nhiều lần đến nhũng nhiễu, trong một lần xứ Hà Tiên thất thủ, ngôi
chùa Phù Dung cũng bị giặc sang cướp bóc rồi phá đi. Phật tử tán loạn
mười phương, chỉ còn duy nhất chiếc am 7 tầng và nền chùa cũ trơ trọi.
Bỗng nhiên một ngày trên đỉnh am có một ngọn cây Bồ Đề nhú lên, cành lá
xanh tốt, rễ đâm tua tủa.
Tháp "cứu người" 7 tầng, cây Bồ Đề phủ rễ ôm kín.
Như một điềm lành, mỗi tầng tháp, rễ cây
đan thành một bậc trông rất đẹp mắt, giống như biểu tượng cánh hoa sen
xếp bao quanh Phật A Di Đà mà ta thường thấy. Bên trong tháp trống
rỗng, dưới nền là ngọc vị của Lão Hòa Thượng, tấm bia đá cổ chắn ngang
cửa ra vào tháp, được khắc hàng chữ nho. Bên cạnh gốc, người ta còn ghi
một bảng hiệu bằng chữ quốc ngữ, với nội dung "Lâm Tế, 1662, tháp 7
tầng, Ấn Đàm, Lão Hòa Thượng".
Theo một người sống cạnh chùa giải thích, tấm bia có nghĩa là Lão Hòa Thượng viên tịch năm 1662, dòng thiền Lâm Tế.
Lão Hòa Thượng cứu 11 người thoát họng súng Pon Pot
Phải chăng khi cây Bồ Đề ôm trọn thân
Tháp, che chắn ngọc vị Lão Hòa Thượng là những dấu hiệu linh thiêng, để
sau này 11 người chui vào bên trong trốn thoát Pon Pot cũng được đại
đức của Lão Hòa Thượng che chở? Không thể khẳng định, nhưng sự thật
lịch sử do những nhân chứng sống kể lại câu chuyện vào đêm tối 13/3 năm
1978, có 11 người thoát chết dưới mũi lê khát máu của lính Pon Pot
trong gang tấc thì không thể phủ nhận. Câu chuyện ly kỳ đến nỗi, chỉ có
sự phù hộ của Đức Phật đại từ thì họ mới may mắn thoát chết?
Sự thật nhuốm sắc huyền bí này khiến tôi
nửa tin nửa ngờ, để xác tín, chúng tôi tìm đến ông Lương Phớn Cang, 66
tuổi, là nhân chứng sống của "vụ thoát thân" may mắn của 11 con người
trên.
Ông kể lại: Đầu năm 1978 tình hình biên
giới Tây Nam hết sức phức tạp. Những cuộc tàn sát điên cuồng của bọn
diệt chủng Pon Pot như vết dầu loang, diễn ra khắp nơi. Vào tối 13/3
một toán quân Pon Pot còn rất trẻ khoảng độ từ 18-20 tuổi, cải trang
thường dân, trang bị vũ khí âm thầm vượt biên phía Tây Nam Hà Tiên từ
núi Bà Lý (nay xã Mỹ Đức, sát Campuchia). Chúng chui vào từng nhà thấy
người dân đâu chúng thẳng tay tàn sát đó, người già chúng đập đầu, đâm
lưỡi lê, trẻ con chúng vật vào tường cho chết, thập chí chúng tước đôi
chân... Thảm sát được một loạt gia đình, chúng tiếp tục tiến lên hướng
chân núi Đề Lim, những người già và trẻ nhỏ gần đó không kịp chạy, bèn
chui vội vào chiếc tháp 7 tầng ở sát đó.
Sau khi tìm không thấy ai trong nhà,
chúng tiến đến cái tháp lượn một vòng xung quanh lắng nghe, đúng lúc
này bỗng có tiếng trẻ trong tháp. Lại thấy giày, dép để trước cửa tháp,
nghi ngờ có người, một tên cầm súng bước lên định chĩa mũi súng vào
miệng tháp xả đạn. Bất ngờ có con chó của người chạy nạn nằm ngay cửa
tháp xông ra cắn, tên Pon Pot giật mình bóp cò, viên đạn xuyên trúng
tấm bia làm sứt một góc, rồi găm vào vách miệng tháp. Không hiểu sao
bỗng nhiên cả bọn hùa nhau bỏ đi, chúng còn quay lại những nhà dưới núi
(cách chùa mấy chục mét) bắt gà đánh chén, rồi ở luôn trong đó.
Chiều ngày 14/3, chúng bị quân chủ lực
của ta phản công tiêu diệt cả bọn ngay tại chân núi Đề Lim. Đến nay dấu
tích của viên đạn làm sứt một góc bia xưa vẫn còn, miệng bên phải của
tháp vẫn in rõ vết xước của đạn.
Không nên để “đắc tội với tiền nhân”
Những câu chuyện pha chút huyễn hoặc làm
khó tin, nhưng sự thật từ nhân chứng sống và lịch sử ghi nhận những
chuyện đã xảy ra thì bất cứ ai cũng phải công nhận. Theo đó, chúng ta
cần xét ở góc độ lịch sử để có cái nhìn khách quan hơn về ngôi tháp cổ.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho rằng, đây là kiến trúc cổ nhất
trong số những di tích lịch sử tại Hà Tiên. Tuy nhiên ông khẳng định,
cái tháp ra đời trong khoảng thời gian sau khi Mạc Cửu đến khai phá đất
Hà Tiên (Mạc Cửu đến Hà Tiên mở đất vào năm 1700).
Từ khi chùa cổ Phù Dung sụp đổ ở núi Phù
Dung xưa (nay là Đề Liêm), chỉ còn nền hoang trơ trọi, chiếc giếng tiêu
của nhà chùa cây cối phủ rậm rạp (nay còn dấu tích, cách chùa 40m về
hướng chân núi). Đến năm 1974 thì một ngôi chùa mới lại được lập trên
nền cũ, đến năm 1976 lại một lần nữa bị phá dỡ. Nhưng cũng từ đống đổ
nát của nền chùa, một cây Bồ Đề lại đội nền lên tương tự như cây ở tháp
7 tầng bên cạnh. Khi nói đến vấn đề này nhiều người thắc mắc: Tại sao
cây không mọc ở đâu mà lại lên trên đỉnh của tháp? Tại sao không phải
cây gì khác mà lại là cây Bồ Đề? Theo logíc mà suy thì dễ hiểu, chim
rất ưa quả Bồ đề nên chúng thường tìm ăn. Trên đỉnh tháp có cái bộng
tròn như trái bầu lõm ruột, nơi đây chim thường đậu, vậy thì việc chim
ăn quả, nhả hạt là chuyện thường mới sinh ra cây Bồ Đề trên nóc đỉnh
tháp.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đầy
biến động, đến nay "cụ tháp" 7 tầng đã ngót nghét hơn 3 trăm năm cùng
họ Mạc giữ đất, tháp vẫn đứng sừng sững, cây Bồ Đề vẫn bám lá xanh tươi
tốt, rễ phủ chặt thân tháp, ngày ngày vẫn có người đến hương khói,
quét dọn. Thực hư chuyện cái Tháp cứu người hay đại đức Lão Hòa Thượng
che chở cho 11 mạng người thì cần có thời gian nghiên cứu. Nhưng cái gì
cũng méo mó trước lớp bụi thời gian, nhất là tháp cổ chỉ xây bằng vôi
vữa ngày xưa, vì thế để giữ lại cho hậu thế, cơ quan chức năng TX Hà
Tiên cần có biện pháp bảo vệ, nếu không một ngày nào đó tháp hư hại, nói
như nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt là "sẽ đắc tội với tiền nhân".
"Phép màu" kỳ diệu hay sự may mắn ngẫu nhiên?
Những nạn
nhân vụ thoát chết khó tin này tin rằng họ được cái tháp bao bọc, hay
nói đúng hơn là do được "đại đức" của Lão Hòa Thượng che chở. Những
người còn sống sau này ngày ngày vẫn đến chiếc tháp cổ hương khói, tạ
ơn.
Ông Lâm
Phớn Cang cho rằng: "Chắc chắn đêm đó những tên Pon Pot hung dữ biết
trong tháp có người, vì tất cả dép bỏ ngoài cửa tháp, lại thêm tiếng
trẻ con thút thít. Một số người núp bên trong hiểu tiếng, còn nghe
chúng nói "tìm thấy là bắn ngay". Nhưng đúng lúc đó con chó dữ lao ra
cắn chúng, giống như có phép màu kịp thời đánh lạc hướng chúng vậy".
|
Ông Lương Phớn Cang, nhân chứng sống vụ 11 người thoát chết năm 1978, nay ở cạnh am, ngày ngày vẫn sang am hương khói. |
|
Theo Kỳ Anh - ĐS&PL