Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bồ Tát Thích Quảng Đức một bậc danh Tăng siêu việt của thế kỷ 20
19/09/2010 08:45 (GMT+7)

Thật vậy, ngọn lửa tự thiêu ngời sáng tinh thần Bi Trí Dũng của Bồ tát Quảng Đức đã khiến cho nhân dân thế giới phải kinh ngạc, phải xúc động và khen ngợi vô cùng. Ngọn lửa tự thiêu của Ngài cũng tỏa sáng cho các dân tộc thế giới biết đến sự hiện hữu kỳ vĩ của Phật giáo Việt Nam cộng tồn trong một đất nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.

Và hơn thế nữa, ngọn lửa tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức còn gióng lên hồi chuông ngân vang sức mạnh của sự kham nhẫn, một sức mạnh phi thường và kỳ diệu. Đức Phật đã nói đó là điều quan trọng nhất mà người tu phải trang nghiêm thân tâm mình.

Hồi tưởng lại cuộc đời của Bồ tát Quảng Đức, chúng ta biết rằng Ngài ra đời và lớn lên xuất gia học đạo ở chùa Long Sơn, Ninh Hòa, thuộc Nha Trang. Đó là nơi có nhiều danh mộc và đặc biệt nơi đó còn được gọi là xứ trầm hương. Trầm hương tiêu biểu cho sự cao quý của đất nước và cũng tiêu biểu cho con người đức hạnh. Đức Phật từng dạy rằng các loài hương không thể bay ngược gió, chỉ có hương thơm của người đức hạnh ngược gió bay xa.

Và trên bước đường tu hành, trong suốt 49 năm, Bồ tát Quảng Đức chuyên nghiên cứu và hành trì kinh Pháp Hoa. Điều đáng trân quý là Ngài đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần Bồ tát của bộ kinh này, tức hiện thân vào đời để làm đẹp cuộc đời. Cho nên, chẳng những Ngài xây dựng nhiều ngôi chùa ở các tỉnh miền Trung của nước ta, mà Ngài còn sang Campuchia và Lào để xây chùa. Và đặc biệt, Ngài xây chùa nhiều nhất ở các tỉnh Nam Bộ. Hơn thế nữa, Ngài đi đến đâu cũng gieo vào lòng người niềm tôn kính đối với một bậc chân tu thạc đức.

Điểm đặc sắc thứ ba của Bồ tát Quảng Đức trên bước đường hành trì kinh Pháp Hoa, chúng ta có thể khẳng định rằng Ngài đã thành tựu được sở đắc là Pháp Hoa Tam muội. Vì vậy, sống trong đời thường như mọi người, nhưng gần như Bồ tát Quảng Đức đoán định được các việc sẽ xảy ra cho đất nước và cho Phật giáo. Điển hình là năm 1963, khi Pháp nạn diễn ra dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Ngài đã đến chùa Ấn Quang để gặp gỡ các vị lãnh đạo trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo và xin được tự thiêu để cúng dường. Bấy giờ, Ngài dám khẳng định rằng chỉ có việc tự thiêu của Ngài mới chấm dứt được sự khủng bố và đàn áp Phật giáo của chế độ Diệm.

Đến khi cuộc tranh đấu của Phật giáo rơi vào tình trạng bế tắc, thì Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo mới chấp nhận cho Ngài tự thiêu. Và quả đúng như lời tiên đoán của Bồ tát Quảng Đức, sau khi Ngài tự thiêu, hàng hàng lớp lớp Tăng Ni ở các tỉnh đã tập trung về Sai Gòn để viếng tang Bồ tát và biểu tình phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Sự kiện này đã đẩy phong trào tranh đấu lên đỉnh cao, khiến Chính phủ Diệm hoảng sợ, đã sử dụng chiến dịch Nước lũ. Trong đêm 20 tháng 8 năm1963, Chính phủ Diệm dùng toàn bộ lực lượng cảnh sát và công an tấn công các chùa và bắt giam tất cả Tăng Ni cùng Phật tử.

Tin tức và hình ảnh Bồ tát Quảng Đức ngồi an nhiên trong ngọn lửa tự thiêu vào ngày 20 tháng 4 nhuần, năm Quý Mão (1963) nơi ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (ngày nay là ngã tư Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu) đã được lan truyền khắp thế giới. Nhiều tổ chức Phật giáo biểu tình phản đối và kêu gọi Chính phủ Diệm chấm dứt cuộc đàn áp Phật giáo. Đặc biệt là tiếng nói của ông U Thant, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ cũng đã phản đối việc bắt bớ và tàn sát dã man của Chính phủ Diệm đối với Tăng Ni và Phật tử. Và ngay cả Ngoại trưởng của chế độ Diệm là giáo sư Vũ Văn Mẫu đã cạo tóc để hành hương sang Ấn Độ nhằm chiêm bái và kêu gọi nhân dân thế giới phản đối chế độ độc tài Nhu-Diệm.

Chẳng những tín đồ Phật giáo, mà các tôn giáo khác trên thế giới và các dân tộc yêu chuộng hòa bình đã đồng loạt ủng hộ phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam.

Ngày hôm nay, với sự quyết định và cho phép của Chính phủ, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức để khắc ghi hình ảnh một bậc danh tăng siêu việt đã lưu lại cho Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam việc làm cao quý và đức hạnh ngời sáng.

Được thừa hưởng sức mạnh bất tử của Bồ tát Quảng Đức, chúng tôi tin tưởng rằng các thế hệ kế tiếp sẽ noi gương sáng của Bồ tát để tạo dựng cuộc sống từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha, làm cho đạo pháp hưng thạnh và đất nước phồn vinh. Đó chính là điều mà Tăng Ni và Phật tử thành phố nói riêng và cả nước nói chung đều mong muốn.

Sự kiện này đã đẩy phong trào tranh đấu lên đỉnh cao, khiến chính phủ Diệm hoảng sợ, đã sử dụng chiến dịch nước lũ. Trong đêm 20 tháng 8 năm1963, chính phủ Diệm dùng toàn bộ lực lượng cảnh sát và công an tấn công các chùa và bắt giam tất cả Tăng Ni cùng Phật tử.

Tin tức và hình ảnh Bồ tát Quảng Đức ngồi an nhiên trong ngọn lửa tự thiêu vào ngày 20 tháng 4 nhuần, năm Quý Mão (1963) nơi ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (ngày nay là ngã tư Cách Mạng tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu) đã được lan truyền khắp thế giới. Nhiều tổ chức Phật giáo biểu tình phản đối và kêu gọi chính phủ Diệm chấm dứt cuộc đàn áp Phật giáo. Đặc biệt là tiếng nói của ông U Thank, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ cũng đã phản đối việc bắt bớ và tàn sát dã man của chính phủ Diệm đối với Tăng Ni và Phật tử. Và ngay cả Ngoại trưởng của chế độ Diệm là giáo sư Vũ Văn Mẫu đã cạo tóc để hành hương sang Ấn Độ nhằm chiêm bái và kêu gọi nhân dân thế giới phản đối chế độ độc tài Nhu Diệm.

Chẳng những tín đồ Phật giáo, mà các tôn giáo khác trên thế giới và các dân tộc yêu chuộng hòa bình đã đồng loạt ủng hộ phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam.

Ngày hôm nay, với sự quyết định và cho phép của chính phủ, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức để khắc ghi hình ảnh một bậc danh Tăng siêu việt đã lưu lại cho Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam việc làm cao quý và đức hạnh ngời sáng...

HT Thích Trí Quảng

Quả tim Bồ Tát hiện giờ ở đâu

http://giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang