Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
GS.TS Trần Văn Khê: Hồi ức xưa và một ước mơ nhân Đại lễ 1000 năm
09/10/2010 23:14 (GMT+7)

Những công lao của ông được ghi dấu cùng những chuyến đi khắp năm châu bốn bể và ngay cả trên mảnh đất quê nhà. Trong quãng đời bôn ba đó, Hà Nội trong trái tim ông tựa như một người bạn khó quên. Hà Nội – Thời sinh viên trai trẻ, Hà Nội – nơi tìm kiếm tinh hoa cổ nhạc, Hà Nội – chút tiếc nuối cho di sản và Hà Nội – vài nhắn nhủ tới dịp đại lễ nghìn năm. Muôn mặt tình yêu với Hà Nội của Giáo sư Trần Văn Khê sẽ phần nào được gợi mở trong cuộc trò chuyện cùng ông.

- Thưa Giáo sư, thời sinh viên của ông ở Hà Nội bắt đầu như thế nào ạ ?

- Tôi ra Hà Nội học trường Y từ tháng 9-1941. Ngày khai giảng (tại 19 Lê Thánh Tông bây giờ) để lại ấn tượng không thể phai mờ trong tôi. Sau khi dứt bài quốc ca Pháp La Marseillaise cùng lá cờ nước Pháp mà tôi vẫn hay nghe từ nhỏ, một điệu nhạc lạ tai trỗi lên cùng lá cờ màu vàng (hồi đó nước ta còn chưa độc lập nên chưa có cờ đỏ sao vàng 5 cánh). Một anh bạn miền Bắc khẽ nói: “Quốc kỳ và quốc ca của ta đấy”. Tôi xúc động quá, ngây người ngắm lá cờ vươn lên cao và lắng nghe điệu nhạc mới mẻ mà trào nước mắt: “Bên núi non hùng vĩ trời Nam/ Đã bao đời khí anh hùng chưa hề tan”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi ý thức được rằng dân tộc mình phải có một đất nước độc lập.

- Hà Nội đã gắn bó với ông trong thời đại học với những phong trào sinh viên đầy nhiệt huyết. Giáo sư có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất với Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ trai trẻ đó của mình được không ạ?

- Bắt đầu năm 1942 tôi đã tham gia các hoạt động của Tổng hội Sinh viên Việt Nam với nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc sinh viên. Lúc ấy, anh Lưu Hữu Phước lãnh phần sáng tác những bài hát ca ngợi những chiến công oanh liệt của người Việt trong lịch sử, trong đó có bài “Người xưa đâu tá” có nhiều câu gợi tình yêu nước như:

Người xưa đâu tá hãy giúp thiếu niên dũng cảm

Người xưa đâu tá hãy giúp tấm lòng can đảm

Người xưa đâu tá hãy nổi gió mưa lửa sóng

Người xưa đâu tá hãy giúp cho dân Lạc Hồng

Hôm giới thiệu bài “Người xưa đâu tá” tại đại giảng đường trường đại học Hà Nội, chúng tôi gặp sự cố. 15 phút trước buổi diễn, một viên mật thám bước vào giảng đường đưa cho tôi một bức thư và nói “Có lịnh cấm hát bài “Người xưa đâu tá””. Tôi mở bức thư ra xem kỹ rồi xếp lại và thưa với thính giả: “Vừa rồi có lịnh của Sở mật thám cấm hát bài “Người xưa đâu tá”, nhưng tôi không thấy cấm diễn tấu bản nhạc “Người xưa đâu tá” xin quý vị thính giả thông cảm vì không nghe được ban hợp xướng hát lời ca của bài này”.

Dàn hợp xướng không được hát nhưng thay vào đó tất cả nhạc công trong dàn nhạc theo nhịp chiếc đũa tôi cầm trong tay biểu diễn bản nhạc một cách hùng hồn. Thính giả trong phòng đồng loạt đứng dậy nghiêm trang. Lời ca của bản nhạc được nhiều người biết nên tuy ban hợp xướng không hát mà tất cả phòng đều như nghe rõ từng câu. Đến đoạn “Chờ dậy cả thảy! Quyết chí phấn đấu thi gan nam nhi cùng ai” thì tất cả thính giả đưa nắm tay ra phía trước theo nhịp đúng nhịp nhạc. Khi bản nhạc dứt, thính giả vỗ tay vang dội cả phòng và vô cùng xúc động. Chúng tôi trong dàn nhạc không cầm được nước mắt. Hành động của chúng tôi lúc đó được các bạn trong ban lãnh đạo Hội sinh viên khen ngợi và đến ngày nay khi hát lại bài “Người xưa đâu tá” tôi vẫn nhớ như in không khí tại giảng đường hôm đó.

- Thưa giáo sư, mặc dù giới trẻ Hà thành ngày ấy rất chuộng văn hoá Pháp nhưng ông là người đầu tiên đề xuất một đêm nhạc sinh viên không có khiêu vũ mà thay vào đó là dân ca và các ca khúc Việt Nam. Ông có thể chia sẻ hồi ức về đêm nhạc đặc biệt đó?

- Khi ra Hà Nội học tôi rất ngạc nhiên vì thanh niên lúc đó đang theo phong trào “vui vẻ trẻ trung”, ưa ăn mặt theo thời trang của Pháp, hát những bài ca Pháp và tổ chức khiêu vũ trong những buổi họp.

Khi tôi được cử vào ban tổ chức đêm “Dạ hội sinh viên”, tôi đề nghị bỏ bớt nhạc Pháp thêm nhạc Việt và thay vào chương trình khiêu vũ tôi đề nghị dựng một tiết mục dân ca ba miền như dựng lại cảnh hội Lim tại Bắc Ninh, hát bài “Cò lả”, “Hò mái nhì” hay “Hò cấy” của nông dân miền Nam.... Một số sinh viên trong phong trào “vui vẻ trẻ trung” muốn gây sự với tôi và trách rằng tôi đã làm nhục họ khi để cho sinh viên mặc áo bà ba đen như là những nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng ngược lại đa số thính giả, kể cả giáo sư và sinh viên người Pháp lại rất hoan nghênh. Tôi còn nhớ rõ lúc đó anh Ngô Gia Hy đến ôm tôi và khen rằng: “Nhờ anh mà dân ca Việt Nam được lên sân khấu của nhà hát Tây”. Sau này, khi giáo sư bác sĩ Ngô Gia Hy làm Hiệu trưởng trường đại học dân lập Hùng Vương, có mời tôi dạy nhạc dân tộc trong trường, ông vẫn còn nhắc lại kỷ niệm đó.

- Ấn tượng của ông về con gái Hà thành những năm 1940 như thế nào ạ?

Từ trong Nam ra Hà Nội tôi đã quen nhìn các cô gái Nam Bộ nước da bánh ít mặn mà, nên khi tôi ra Hà Nội thấy các cô gái da trắng má hồng, môi đỏ như thoa son, ăn mặc rất sang trọng, tay đeo “găng” (bao tay) trắng, chân đi vớ (tất) màu trắng, mang giày mule bằng nhung đen (loại giày hở gót, phía trước bao cả bàn chân), nên cảm giác đầu tiên của tôi là các cô gái Bắc đẹp như những người trong tranh vẽ, nhất là các cô nữ sinh Đồng Khánh. Các cô lại ăn nói dịu dàng, tùy khi mới gặp hay đã quen lâu mà gọi chúng tôi là “các anh” và xưng “chúng tôi”, hay “chúng em”. Đôi khi các cô tay cầm quạt phe phẩy, ngồi trên những chiếc xe tay vẻ đài các lắm. Họ thường lấy quạt che mặt khi cười, miệng cười thì như hoa nở. Gặp các cô, tôi có cảm giác “lạc lối đào nguyên”. Mấy chục năm sau gặp lại, các cô vẫn giữ vẻ đài các mà tình cảm và đất đỗi chung thành trong tình bạn.

- Năm 1976, ông trở lại Việt Nam sau 1/4 thế kỷ xa quê, cũng là để thu đĩa hát về âm nhạc cổ truyền của quê hương giới thiệu với UNESCO, trong đó có cuộc gặp gỡ với nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ tại Hà Nội. Ông có thể kể lại những kỷ niệm của cuộc gặp gỡ lịch sử đó?

Trong khuôn khổ của bài nầy, tôi không thể kể lại hết những kỷ niệm của cuộc gặp gỡ lịch sử đó. Chỉ biết rằng lần đó tôi đã khám phá giá trị độc đáo của nghệ thuật ca trù thông qua các nghệ sĩ bậc thầy. Riêng Bà Quách Thị Hồ thì rất đặc biệt. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra tại trụ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam do Tổng thư ký Đỗ Nhuận tổ chức.

Lúc đó, nhạc sĩ Tô Vũ thuật lại cho tôi biết rằng trước khi gặp tôi, anh hỏi bà định hát bài gì cho ông khách từ Pháp về nghe, bà trả lời: “Hội mời tôi đến tiếp khách thì tôi rót trà cho khách uống, tôi hầu chuyện, chớ hát thì tôi không hát, vì ông ấy bên Tây về có biết Ca trù là gì”.

Sau đó, tôi nói rõ cho các cụ biết rằng lúc làm Luận án Tiến sĩ, tôi chỉ nghe được Ca trù qua các dĩa hát Beka, Columbia do người Pháp ghi lại, như cách ngâm: Sa mạc, Bồng mạc, những bài Mưỡu, Hát Nói và đọc những bài về Ca trù của Nguyễn Đôn Phục và Phạm Quỳnh đăng trong báo Nam Phong, nhưng tôi chưa từng nghe biểu diễn Ca trù thực sự. Hôm nay tôi xin các cụ nói cho tôi biết những điều cơ bản về cách hát, gõ phách, đàn phụ họa và cầm chầu như thế nào.

Bà nói với tôi: “À, ra ông cũng có nghe qua Ca trù và biết được Sa mạc khác Hát nói như thế nào. Tôi sẽ nói qua các khổ phách như thế nào và sẽ hát cho ông ghi lại một vài bài”. Khi bà hát câu “Người viễn khách có hay chăng nhẽ”, tôi thưa lại với bà : “Tôi có đọc một câu thơ:”người viễn thú có hay chăng nhẽ”, chẳng hay đúng câu thơ là “viễn khách” hay “viễn thú”. Bà cười vui vẻ đáp: “Ông này tinh nhỉ, đúng là viễn thú đấy, nhưng ông có phải là lính thú đâu, ông là một người khách, tôi hát người viễn khách là hát trêu ông đấy”. Từ đó, bà sẵn sàng trả lời những câu hỏi của tôi một cách đầy đủ. Đến giờ, cuộc gặp gỡ NSND Quách Thị Hồ với tôi là một kỷ niệm không thể nào quên.

- Từ thời trai trẻ đến khi tuổi đã già, ông đã có nhiều dịp đến Hà Nội và hẳn đã nhìn thấy những thay đổi của đời sống âm nhạc cổ truyền nơi đây. Ông có thể chia sẻ cho độc giả một cái nhìn so sánh?

Năm 1976, khi đất nước thống nhất, tôi được về nước nhiều hơn và lần nào cũng có dịp đến Hà Nội ở trong 1- 2 tuần để gặp gỡ các nhạc sĩ. Mỗi dịp trở về là một lần được tiếp xúc nhiều hơn với truyền thống nhạc dân gian phong phú. Tôi có dịp diện kiến bà Hà Thị Cầu để nghe hát Xẩm. Sau này khi cố GS Lưu Hữu Phước tổ chức chương trình SKPVAT (sưu tầm, khai thác, phát huy, vốn âm nhạc truyền thống), tôi lại được tiếp cận với nhiều loại hát khác như hát Xoan, hát Phường vải…

Nhưng giờ đây, tôi thấy rằng các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian bắt đầu bị biến chất và sân khấu hoá. Hát Quan họ không còn là một trò chơi giữa những người nông dân trong những cuộc Đối ca nam nữ, mà đã biến thành “Quan họ đoàn”, “Quan họ đài”, từ trang phục đến cách hát đều bị thay đổi rất nhiều. Các bộ môn nghệ thuật khác cũng vậy. Bên cạnh việc sân khấu hoá, nhiều loại còn bị nhạc nhẹ hoá. Vẫn biết rằng truyền thống không phải bất di bất dịch, nhưng sự thay đổi phải đi từ bên trong, chứ không phải bằng sự vay mượn bừa bãi những yếu tố từ bên ngoài, nhất là những yếu tố từ phương Tây, làm mất bản sắc Dân tộc của người Việt. Chỉ có Ca trù còn tương đối giữ được nhiều phong cách xưa. Sự ủng hộ của chính quyền đã giúp cho nhiều Câu lạc bộ Ca trù được sinh hoạt. Nhiều ca nương trẻ đã biểu diễn thành công. Ca trù đẹp tựa những đóa hoa, ngày xưa tôi nghĩ sẽ tàn, không ngờ nay lại xinh tươi. Như cành cây cằn cỗi nay đã có nhựa sống và trên cành cây có nhiều nụ non đâm chồi.

- Con người, âm nhạc và đời sống ở Hà Nội đã rất khác trước. Liệu có còn nhận thấy chút thanh lịch của người Hà Nội xưa kia trong cuộc sống hiện tại?

Rất khó tìm được nét thanh lịch đặc trưng của người Hà nội xưa trong cuộc sống hiện tại. Đa số người thời nay chạy theo đồng tiền, nghĩ đến chuyện làm giàu.

- Ông thích một Hà Nội thanh lịch - cổ kính? Hay hiện đại - sôi động?

Trong trái tim tôi, Hà Nội là một thành phố thanh lịch và cổ kính. Trên thế giới dễ gì tìm được một cái hồ có giá trị lịch sử trong một khung cảnh thiên nhiên rất đẹp và nên thơ như Hồ Hoàn Kiếm. Nhiều danh lam thắng cảnh khác như Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch… cũng có giá trị lớn như vậy. Thăng Long- Hà Nội có được 36 phố phường mang tên nghề nghiệp, có một Văn Miếu là Trường Đại học cổ kính, mà cũng là nơi lưu giữ rất nhiều bia đá ghi danh những vị Tiến sĩ từ thuở xa xưa. Những di tích đó là những tài sản vô giá của Hà Nội, cần được bảo vệ nguyên vẹn.

- Ông sẽ muốn làm điều gì nhất nếu như ở Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thưa Giáo sư?

Tôi sẽ hoà mình với cuộc lễ lớn này bằng cách góp công sức vào những sự kiện, trong đó sẽ có những chương trình nghệ thuật in đậm bản sắc Dân tộc. Đặc biệt, nếu có thể, tôi sẽ đề nghị dựng lại Dàn nhạc Cung đình Triều Lý bằng cách phỏng theo trang phục và nhạc cụ của những nhạc công được chạm trên bệ đá ở Chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Nên nhớ rằng Lý Công Uẩn (sau này là Lý Thái Tổ) được sinh ra trong Chùa, rất tôn sùng đạo Phật. Các vua Triều Lý thường cho xây Chùa trước khi xây Hoàng thành, Hoàng cung. Dàn nhạc được chạm trên bệ đá có thể đã có trong các Chùa thời Lý vào dịp tế lễ lớn. Bài bản thì có thể phỏng theo hơi Thiền là hơi của những bài Tán “Dương chi tịnh thuỷ” ca ngợi Phật Bà Quan Thế Âm, mà lời lẽ rất nên thơ, đại ý là nước Cam Lồ do nhành Dương liễu rải ra sẽ “diệt tội tiêu khiên” và nhờ đó núi lửa sẽ biến thành bông Sen hồng. Nhưng đó chỉ là điều mơ ước, tôi không được quyền tổ chức những cuộc lễ về mặt âm nhạc nên trên đây chỉ là ước mơ của một người nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

- Âm nhạc cổ truyền nên có một vị trí như thế nào trong dịp đại lễ lần này, thưa ông?

Theo tôi âm nhạc truyền thống có một vị trí vô cùng quan trọng trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, bởi đấy chính là bản sắc dân tộc, bộ mặt của quốc gia. Như tôi đã nói, nếu dựng lại Dàn nhạc Cung đình Triều Lý thì đó cũng là một đóng góp thực tế trong việc tìm hiểu lịch sử. Dịp này, nên trưng dụng toàn bộ các loại hình âm nhạc cổ truyền, nhưng nội dung thì có thể đặt trọng tâm vào chủ đề dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long.

- Xin cám ơn ông đã chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm và góp ý chân thành của mình với thủ đô yêu dấu

 

Điệp Trần thực hiện

 

http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/v-n-hoa/v-n-hoa-tin-chung/gs-ts-tr-n-v-n-khe-h-i-c-x-a-va-m-t-c-m-nhan-i-l-1000-n-m-1.267094#Bd9hKoc2i0P2

Các tin đã đăng:
Về đầu trang