"Bốn chỗ động tâm", sau này trở
thành "Bốn chỗ Thánh tích" vĩ đại của Phật giáo Ấn độ nói riêng, Phật
giáo thế giới nói chung: nơi Bồ Tát đản sanh, nơi đức Phật thành đạo,
nơi đức Phật chuyển pháp luân và nơi đức Phật thị nhập Niết bàn.
Chúng tôi xin được cùng chư pháp hữu và Phật tử ôn lại một số những lời dạy của đức Phật liên quan 4 dấu ấn lịch sử này:
1. Lời dạy của đức Phật về dấu ấn "Ðản sinh ":
Hàng
Phật tử chúng ta đều nhớ - tại vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ xưa,
khi hoàng hậu Ma Gia vừa vói cành tay hài cành hoa Vô ưu thì Thái tử Tất
Ðạt Ða "đản sinh" chào đời. Ðiều kỳ diệu thứ nhất là vừa mới sinh ra
đời, Thái tử Tất Ðạt Ða có thể bước đi 7 bước và dưới chân Ngài rộ nở 7
đóa sen thiêng. Ðiều kỳ diệu thứ hai là Ngài vừa bước đi trên 7 đóa sen
thiêng, cùng lúc một tay vừa chỉ trời, một tay vừa chỉ đất mà tuyên bố
pháp âm vi diệu: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn -- Vô lượng
sanh tử, ư kim tận hỷ" .
Con người chúng ta sở dĩ trôi lăn nhiều
đời, nhiều kiếp trong cõi luân hồi vì mình thường chỉ biết sống với ngã
chấp phàm phu, với cái ta tội lỗi. Cho nên cũng trôi lăn không biết bao
nhiêu đời kiếp, nhưng chúng ta không thể nào thoát ly được nỗi khổ của
sanh tử. Ðức Phật thì trái lại, khi còn phàm phu thì mỗi đời kiếp luân
hồi là mỗi quán tưởng tầm tu. Mỗi lần thọ khổ là mỗi lần giác ngộ hồi
đàu, không cho dễ duôi phóng túng. Ngài Huệ Năng, Tổ sư thứ 6 Thiền tông
Trung Hoa, đã nối tiếp con đường chánh pháp của Ðức Phật bằng cách:
"Thường tự thấy lỗi mình, tức phù hợp với đạo". Nếu chúng ta tự nhận ra
chơn tánh của mình, không cho bụi trần ô nhiễm tức là chúng ta hiểu rõ
được ý pháp của Ðức Phật dạy.
Về sau, khi gần thị nhập Niết Bàn,
nơi núi Linh Thứu, Ðức Phật đã hiển bày trong kinh Pháp Hoa vì sao Ngài
thị hiện trong cõi Ta Bà: "Ðức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là
khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến". Lời khẳng định này của Ðức
Phật giúp cho người con Phật chúng ta sáng tỏ hơn ý pháp "duy ngã độc
tôn" trước kia và "ngộ nhập tri kiến" sau đó, đều là nhằm để xác tín
chắc chắn sự kiện của Ðức Phật "đản sinh" thị hiện vào đời là do lòng
đại từ, đại bi vô hạn của Ðức Phật đói với chúng sanh, thương xót chỉ
bày cho chúng sanh và cứu độ chúng sanh. Niềm vui sẽ thực sự đến với
Ngài trọn vẹn khi nào chúng sanh thành tựu chơn tánh như Ngài đã thành
tựu. "Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" chính là lý
tưởng, mục tiêu của Ðức Phật mong cầu cho mọi người chúng ta.
2. Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn "Thành đạo":
Hàng
Phật tử chúng ta nên nhớ là Ðức Phật đã mất rất nhiều năm đi tìm đạo và
tu khổ hạnh (có thuyết ghi 11 năm, có thuyết ghi 6 năm) mới có thể
chứng ngộ đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, sau khi ngồi dưới cội
cây Bồ Ðề 49 ngày đêm thiền quán. Và khi bừng sáng chứng ngộ, Ðức Phật
đã thốt lên bài kệ pháp, tự cảm thán trong niềm hoan hỷ vô biên:
" Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi.
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây
đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan!
Như Lai đã chứng quả vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục"
(Kinh Pháp Cú)
Lời
pháp vi diệu này cho chúng ta thấy Ðức Phật đã chứng ngộ, đã thấu suốt
dòng dông sanh tử tự bao đời kiếp, mặt trái của sự giả tạo, sự cấu thành
hư huyễn..., giờ này Ngài đã tỏ sáng, viên dung như ánh trăng rằm,
không còn gì che khuất. Ngài đã thực sự đi vào thế giới tối tôn tối
thượng của "duy ngã độc tôn" và "ngộ nhập Phật tri kiến" mà Ngài đã chỉ
bày cho mọi người từ khi Ngài mới hiện thân vào đời.
3. Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn "chuyển Pháp luân":
Như
chúng ta đã biết, khi còn trên đường đi tầm đạo, Tất Ðạt Ða có gặp năm
anh em A Nhã Kiều Trần Như, có cùng trao đổi tu tập và có hứa với nhau
khi nào có người chứng quả vị Vô Thượng Bồ Ðề thì sẽ trở lại và truyền
đạt cho nhau. Sau khi chứng quả thành Phật, Ðức Phật liền đến với năm
anh em Kiều Trần Như nơi vườn Lộc Giả. Và tại đây, Ðức Phật thuyết bài
pháp đàu tiên là "Tứ Diệu Ðế" tức "Bốn điều chân lý" tối thượng, chỉ rõ
hiện trạng mọi sự khổ trên đời, nguồn gốc huân tập nên sự khổ, phương
pháp chấm dứt khổ và con đường an trú đạo quả hạnh phúc lâu dài.
* Khổ đế: "Thế giới này đầy rẫy những sự khổ ải. Sinh cũng khổ, già
cũng khổ, bệnh cũng khổ, rồi tử cũng khổ. Phải gặp điều mình ghét cũng
khổ, phải xa cái mình yêu thích cũng khổ, không tìm được cái mình muốn
tìm cũng khổ. Ðúng là cuộc đời này vì không xa lánh được sự chấp nê nên
khổ. Ðó gọi là chân lý của sự khổ" (Kinh Tương Ưng Bộ)
Các pháp
Ðức Phật dạy về chân lý khổ đế này hàng ngày luôn ở quanh ta, trong cuộc
sống của ta. Do vô minh nghiệp thức che lấp nhiều đời khiến chúng ta
lầm chấp ôm chặt vào lòng "ngã và ngã sở" cho nên bị "tám khổ" nơi bánh
xe khổ để hành hạ từ đời này qua kiếp khác, không còn biết đâu đàu mối
là thế. Nếu muốn hết khổ, chúng ta phải tự mình biễt dừng lại, phăng tìm
nguồn gốc cấu thành sự khổ để quày lại, không tạo tác "nhân" nữa thì
mới mong thoát khỏi "quả" khổ của sanh tử nhiều đời.
* Tập đế:
"Tại sao đời người lại khổ? Ðó chắc là do sự phiền não trong tâm người
mà ra. Sở dĩ có những nỗi phiền não là bắt nguồn từ những sự ham muốn
dục vọng bẩm sinh. Lòng dục vọng này phát sinh từ sự chấp nê đối với sự
sống, dục vọng, muốn nghe, muốn thấy, ngay cho dù phải chết chăng nữa.
Ðiều này gọi là nguyên nhân của sự khổ" (Kinh Tương Ưng Bộ)
Khi
chưa biết nguyên nhân thì chúng ta còn thắc mắc, không biết tại sao mình
bị khổ hay khổ nhiều, khổ ít? Nay đã biết rõ nguyên nhân rồi, thiết
nghĩ mỗi người mình, nhất là Phật tử, chúng ta cần nên cố gắng tập tu,
tập học để hạn chế từ lần, rồi đưa đến chấm dứt mọi nguyên nhân có thể
đem đến khổ đau cho mình, bà con thân quyến mình và tất cả mọi người
quen lạ, xa gần xung quanh trong cuộc sống.
* Diệt đế: "Chúng ta
phải diệt trừ tận gỗc sự phiền não. Nếu con người bỏ được tất cả sự
chấp nê thì sẽ hết khổ. Ðây gọi là chân lý diệt khổ" ( Kinh Tương Ưng Bộ
).
Sự thật không ai trong cuộs sống chúng ta lại thích cưu mang
phiền não trong lòng. Nhưng dứt diệt phiền não, dứt diệt sự khổ cũng
không phải là điều dễ dàng. Thông thường, những lời nói quấy hay những
hành động quấy, nó đã được tích tụ và ngủ ngầm trong nghiệp thức từ lâu
đời, kể cả sự chấp nê và lòng phiền não. Nay, nếu chúng ta không quyết
tâm, không chịu dùng pháp Phật để soi sáng nhân quả nghiệp chướng nhiều
đời để dứt trừ thì không biết đời nào mình mới được hết khổ !
*
Ðạo đế: "Muốn vào cõi vô dục vô khổ, con người phải tu 'Bát chánh đạo',
tức là đạo 8 chơn chánh. Một là thấy chơn chánh, hai là suy nghĩ chơn
chánh, ba là lời nói chơn chánh, bốn là làm việc chơn chánh, năm là đời
sống chơn chánh, sáu là siêng năng chơn chánh, bảy là niệm nhớ chơn
chánh và tám là giữ tâm định chơn chánh. Ðó gọi là con đường đạo 8 chơn
chánh, là chân lý chánh đạo diệt dục. Phải thấm nhuần 8 điều chân lý
này" ( Kinh Tương Ưng Bộ ).
Ðời là bể khổ, người nào muốn tránh
khỏi khổ nạn thì cần phải dứt bỏ được sự phiền não trong lòng, lời nói
xấu xa và hành động tội lỗi. Làm con người, làm Phật tử muốn đến được
cõi vô dục vô khổ thì chỉ có cách tự biết tu dưỡng thâm tâm để đạt được
sự giác ngộ.
Thế nên, người con Phật thành tâm theo đạo thì phải
học và hiểu được "bốn chân lý" cao cả này. Nếu làm Phật tử mà không hiểu
được thì dễ bị đi vào con đường lầm lạc khổ đau. Khi hiểu được "bốn
chân lý" diệu mầu này thì con người sẽ biết vân dụng ứng xử trong cuộc
sống, tự mình biết chuyển hóa mình và con người bắt đàu biết tự mình xa
lánh sự ham muốn, không bon chen với thế gian, không sát sanh, không
trộm đạo, không dâm tà, không lừa đảo, không khinh khi, không xu nịnh,
không ghen ghét, không nóng giận, không quên điều vô thường của đời
người, không lầm đường lạc lối và không gây tạo tội lỗi trong cuộc sống.
4. Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn "thị nhập Niết bàn":
Trong
kinh Ðại Bát Niết Bàn, nhất là phẩm Di giáo, Ðức Phật đã truyền dạy rất
nhiều điều quý báu về tâm đức của một vị Tỳ kheo, một vị A La Hán trước
sự viên tịch của một vị Phật là đức Như Lai. Nơi đây xin trích dẫn lại
hai lời dạy sau cùng của Ðức Phật dạy cho Ðại đức A Nan Ða và đại chúng:
-- "Này A Nan Ða, có thể con sẽ nói rằng giáo pháp tối thượng sẽ không
còn thầy giảng dạy. Chúng con không còn Ðạo sư. Không nên, A Nan Ða, con
không nên suy tư như thế. Giáo pháp và giới luật đã được Như Lai truyền
dạy và quảng bá rộng rãi. A Nan Ða, khi Như Lai nhập diệt rồi thì giáo
pháp và giới luật ấy sẽ là Ðạo sư của chúng con."
-- "Hãy nghe
đây, này các đệ tử, Như Lai khuyên các con: Tất cả các pháp hữu vi đều
vô thường. Hãy tận lực, liên tục chuyên cần".
Ðó là những lời di huấn tối hậu của đức Thế Tôn.
Tóm
lại, với 4 Thánh tích: (1) Nơi Bồ Tát đản sanh (vườn Lumbini, ngày nay
thuộc nước Népal), (2) Nơi Ðức Phật thành đạo (Buddha Gaya), (3) Nơi Ðức
Phật chuyển pháp luân (Isipatana, hiện nay là thành phố Sarnath), (4)
Nơi Ðức Phật nhập Niết Bàn, Ðức Phật đã chứng minh tự ngàn xưa, những
người đệ tử, con Phật với tấm lòng trong sạch, tịnh tín, tâm đạo nhiệt
thành, có đủ nhân duyên hành hương chiêm bái sẽ được đày đủ phước lành,
hiện tại được an lành, vị lai được hướng sanh nhàn cảnh.
Ngày
nay, những người con Phật Việt nam, mặc dù sống xa Ðức Phật và đất Phật,
mỗi năm những ngày lễ Ðức Phật sanh, Ðức Phật thành đạo, Ðức Phật nhập
Niết Bàn... tìm đọc lại kinh sử, niệm nhớ lại những lời di huấn thiêng
liêng của Ðức Phật mà vẫn nghe lòng như trào dâng niềm xúc cảm, niềm
hạnh phúc vô biên.
HT Thích Giác Toàn - Theo daophatngaynay