- Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ, xin ông nói rõ về giá trị lịch sử -văn hóa của ngôi chùa cổ này?
PGĐ Nguyễn Văn Phong: Chùa Vĩnh
Nghiêm là một đại danh lam cổ tự, một thiền viện - trung tâm đào tạo
Tăng đồ trong suốt thời gian hình thành và phát triển của Phật phái Trúc
Lâm Yên Tử. Chùa được Phật hoàng Trần Nhân Tông trung hưng từ thời trên
nền móng của một ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý. Trải gần một thiên niên
kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo công trình kiến trúc hiện nay cơ bản
còn lại là sản phẩm của hai triều đại Lê - Nguyễn.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một đại danh lam cổ tự, một
thiền viện - trung tâm đào tạo Tăng đồ trong suốt thời gian hình thành
và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa được Phật hoàng Trần
Nhân Tông trung hưng từ thời trên nền móng của một ngôi chùa nhỏ có từ
thời Lý. Trải gần một thiên niên kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo công
trình kiến trúc hiện nay cơ bản còn lại là sản phẩm của hai triều đại
Lê - Nguyễn.
Công trình kiến trúc hiện tại có quy mô đồ sộ, quy
chuẩn, mẫu mực đại diện cho kiến trúc chùa tháp truyền thống ở miền Bắc
Việt Nam. Phần nội tự chùa Vĩnh Nghiêm còn đựơc xem như một bảo tàng văn
hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu. Di vật cổ kính ở chùa Vĩnh Nghiêm
rất phong phú, đa dạng, mỗi nhóm hiện vật đều xứng đáng xếp thành một
bộ sưu tập khá hoàn chỉnh, đó là: Sưu tập tượng thờ,
với hơn một trăm pho được bài trí ở toà Tam bảo, Tổ đệ nhất, Tổ đệ nhị,
Khách đường... được bài trí theo mô hình chuẩn mực lý tưởng thời Lê -
Nguyễn; Hệ thống văn bia được soạn, khắc, dựng từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX; Hệ thống hoành phi – câu đối, đồ thờ, kho kinh sách nhà Phật, kho mộc bản… tất cả có tới vài nghìn đơn vị cổ vật quý giá.
Chùa Vĩnh Nghiêm cũng là nơi tôn thờ, tưởng niệm Tam
tổ Trúc Lâm. Lễ hội chùa được tổ chức vào trung tuần tháng Hai âm lịch
hàng năm là lễ hội lớn thu hút hàng vạn du khách về trẩy hội. Cho nên,
ngoài giá trị văn hóa vật chất, chốn tổ Vĩnh Nghiêm còn tàng chứa nhiều
giá trị tinh thần đặc sắc cần được bảo tồn, phát huy giá trị.
-
Được biết, tại chùa đang lưu giữ kho mộc bản quý, gồm 34 đầu sách với
gần 3.000 bản khắc. Những đặc điểm nổi bật của kho mộc bản này là gì,
thưa ông?
PGĐ Nguyễn Văn Phong: Một trong
những di sản văn hoá đặc biệt quý giá ở chùa còn lưu giữ được là kho mộc
bản, di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, khắc nội dung một số bộ
kinh, sách, luật giới nhà Phật và một số trước tác của một số danh nhân,
thiền sư như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương, Huyền Quang Lý
Đạo Tái, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Đăng - Chân Nguyên thiền sư...
Kho mộc bản có tổng số 3.050 ván rời, thuộc 9 đầu sách được chế tác
nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Việc
san khắc mộc bản rồi ấn hành ở chùa Vĩnh Nghiêm là một bước ngoặt quan
trọng góp phần thúc đẩy quá trình chấn hưng Phật phái Trúc Lâm cũng như
đời sống Phật giáo Việt Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa quý hiếm,
là sưu tập mộc bản duy nhất của một số pho kinh, sách, luật giới nhà
Phật cho nên mang tính độc bản, không nơi nào có, nếu mất không thể thay
thế được vì hiện nay nghề khắc mộc bản chữ Hán, chữ Nôm đã bị thất
truyền.
Hiện kho mộc bản còn tương đối nguyên vẹn và được bảo
quản tốt theo phương pháp truyền thống của người Việt Nam là tài sản
quý hiếm đặc biệt, vì trong Phật phái Trúc Lâm Yên Tử trên đất nước Việt
Nam hiện duy nhất có chùa Vĩnh Nghiêm có tàng lưu kho mộc bản và có số
lượng lớn. Kho mộc bản được san khắc công phu, cầu kỳ, tốn kém nhiều
công sức. Người thợ khắc phải là người đa năng, giỏi chữ Hán, chữ Nôm,
có bàn tay khéo léo, bản tính kiên trì và nhẫn nại.
Có thể khẳng định, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là cổ
vật, bảo vật của Nhà nước Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của nhân
loại. Là cổ vật quý lại mang tính độc bản, tính nguyên gốc cho nên nó có
giá trị rất lớn cả về phương diện văn hóa cũng như kinh tế. Đây là
nguồn tư liệu đánh dấu quá trình phát triển Phật giáo vào Việt Nam và
được Việt Nam hoá thành nét văn hóa riêng phù hợp với hoàn cảnh, điều
kiện Việt Nam.
- Nội dung chứa trong kho mộc bản đã được dịch và
sao in và những nội dung chứa đựng trong những tấm ván khắc này là gì?
Các giá trị về mặt văn hóa, đạo Phật, y học của kho mộc bản như thế nào?
PGĐ Nguyễn Văn Phong: Nội dung chứa
trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm rất phong phú, có giá trị nghiên cứu
tìm hiểu trên nhiều lĩnh vực: lịch sử Phật giáo, tư tưởng - văn hoá hành
đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản,
thân thế sự nghiệp một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát
triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc... Các bài phú, bài kệ, nhật
ký trong kho bảo vật này là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc
Trần Nhân tông và các danh nhân lịch sử-văn hoá của đất nước mà người
dân nước Việt đời đời tôn vinh.
Kinh sách được in ra từ kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
là tư liệu thể hiện tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm. Sự ra đời của Phật
phái Trúc Lâm vào thế kỷ XIII không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa to lớn
đối với riêng Việt Nam, mà còn là hiện tượng mang ý nghĩa quốc tế bởi
lẽ nó thể hiện khả năng dung nạp yếu tố ngoại sinh. Nó thể hiện tinh
thần tự lực và tùy duyên, nghĩa là xem Phật chính là
bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí,
lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo tự nhiên. Điều này khác biệt với
đạo Phật mà Việt Nam đã tôn thờ trước đó vốn được du nhập từ Ấn Độ và
Trung Quốc. Nói cách khác, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đánh dấu quá
trình Việt Nam hóa Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc.
Về tổng thể, nội dung của mộc bản Thiền phái Trúc Lâm
chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên các phương
diện: triết lý nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, tôn giáo tín
ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật.
-
Hiện nay công tác bảo quản những kho mộc bản này như thế nào? Trước
đây, kho mộc bản được bảo quản theo phương pháp truyền thống, tuy nhiên
một số tấm ván khắc đã có biểu hiện hư hỏng, Bảo tàng Bắc Giang đã có
biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?
PGĐ Nguyễn Văn Phong: Hiện nay, việc
bảo quản kho mộc bản cơ bản vẫn do nhà chùa đảm nhiệm. Vài năm trước,
phần lớn mộc bản được đặt trên hai kệ lớn đặt ở tòa Tiền đường và một số
đặt ở các kệ nhỏ ở Thượng điện. Với nền đất nện truyền thống, mùa khô
hanh hay nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời cao nhưng trong chùa, nền đất bốc
hơi nước làm nhiệt độ giảm, tăng độ ẩm nên tránh được sự co rút gỗ và
không bị cong vênh. Mùa mưa, nền đất lại tự hút hơi nước làm giảm độ ẩm
nên trong chùa vẫn có độ ẩm thích hợp...
Đến nay, các cơ quan chức năng đã triển khai trong
việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa chùa Vĩnh Nghiêm nói chung,
kho mộc bản nói riêng. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác quản lý,
bảo vệ, tìm kiếm kỹ thuật tiên tiến của thế giới, kết hợp với kỹ thuật
truyền thống để áp dụng bảo tồn tuyệt đối an toàn kho mộc bản và các di
sản văn hóa chùa Vĩnh Nghiêm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được đăng ký là kho tư
liệu quý hiếm đối với ngành Nội vụ. Mộc bản cũng được Thủ tướng Chính
phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu
trong Chương trình Ký ức thời gian khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cho
nên, vấn đề bảo quản, khai thác, phát huy giá trị sao cho hiệu quả và
vấn đề khắc phục một số đơn vị mộc bản có biểu hiện bị hư hỏng là việc
làm cần thiết và sự phối kết hợp của các ngành chức năng.
- Xin ông cho biết kế hoạch khai thác các giá trị văn hóa lịch sử của kho mộc bản quý ở chùa Vĩnh Nghiêm?
PGĐ Nguyễn Văn Phong: Với tư cách là
cán bộ chuyên môn, nếu được giao nhiệm vụ, chúng tôi sẽ là một kênh
tham mưu, tư vấn để góp phần cùng các cơ quan chức năng thực hiện có
hiệu quả vấn đề khai thác các giá trị văn hóa lịch sử của kho mộc bản.
Công việc này đang được tỉnh Bắc Giang nỗ lực thực hiện, nhưng hiệu quả
chưa được như mong đợi. Trong thời gian tới, bảo tàng tỉnh sẽ triển khai
những nội dung như: Thực hiện tốt công tác quản lý kho mộc bản, tiến
hành phục chế một số mộc bản bằng chất liệu phù hợp có hình thức tương
đồng bản gốc để phục vụ khách tham quan; Tổ chức biên soạn và xuất bản
sách giới thiệu tài liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm tới đông đảo các nhà
nghiên cứu và công chúng; Sớm tổ chức chỉnh lý khoa học, in, dịch nội
dung những tác phẩm kinh, sách, luật để phát hành phục vụ khách tham
quan…
Với sự nỗ lực của tỉnh Bắc Giang và sự quan tâm của
các cấp, các ngành liên quan, nhất là Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể
thao và Du lịch, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cùng các
nhà khoa học, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, mộc bản ở chùa Vĩnh
Nghiêm sẽ được bảo quản tốt hơn và ngày càng được giới nghiên cứu và
công chúng trong và ngoài nước biết đến.
- Xin cám ơn ông Phó Giám đốc!