Đây là những thông tin được đăng tải trên các cơ quan truyền thông đại
chúng liên quan đến việc Lạt Ma Buryat được khai quật lên từ phần mộ
của ngài vào đầu thế kỷ thứ 21. Huyệt mộ này chứa đựng một cổ quan tài
bằng gỗ trong đó chôn cất một vị Lạt Ma Phật giáo đang ngồi trong tư
thế kiết già. Nhục thân của ngài thoạt nhìn tưởng là được bảo quản như
một xác ướp, nhưng thật ra không phải thế. Da thịt của ngài vẫn còn
tươi nhuận mịn màng, các khớp xương vẫn có thể co duỗi. Nhục thân của
ngài được liệm trong y phục bằng lụa và vải.
Lạt Ma Tăng Thống Itigelov là một con người có thực, và khá nổi tiếng
trong lịch sử nước Nga. Ngài theo học tại Anninsky Datsan (một Đại học
Phật giáo tại Buryatia mà nay đã hoang phế) và tốt nghiệp cả hai bộ môn
y khoa lẫn triết học (về tánh không), ngài là người đã làm nên bộ từ
điển bách khoa về dược học.
Năm 1911 ngài Itigelov trở thành Lạt Ma Tăng Thống (lãnh đạo giáo hội
Phật giáo Nga). Trong khoảng thời gian từ 1913-1917 ngài đã tham gia
vào các công tác xã hội giúp đỡ Nga hoàng và đã được hoàng gia Nga mời
tham dự ngày kỷ niệm 300 năm của đế quyền Romanov. Ngài cũng là người
thành lập ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại thành phố St. Petersburg và
Nga hoàng Nikolai II đã tặng thưởng ngài huy chương St. Stanislav vào
hôm 19 tháng 3 năm 1917.
Trong thời Đệ Nhất Thế Chiến, Lạt Ma Itigelov đã thành lập và là nguồn
hứng khởi cho một tổ chức có tên là "Huyng Đệ Buryat". Ngài đã giúp đỡ,
tài trợ cho quân đội Nga tiền bạc, lương thực, thuốc men đồng thời dựng
lên hàng loạt những bệnh viện để chăm sóc các binh sĩ bị thương do các
bác sĩ lạt ma điều trị. Với những hoạt động này ngài đã được ân thưởng
huy chương St. Anna và nhiều huy chương cao qúy khác.
Vào năm 1926 ngài đã khuyến cáo các tăng sĩ Phật giáo nên rời khỏi nước
Nga khi làn sóng đỏ đang tràn ngập đất nước này –nhưng ngài thì tự
nguyện ở lại. Năm 1927, ở tuổi 75, ngài bảo các lạt ma khởi sự nhập
thiền cùng với ngài và báo cho họ biết rằng ngài sắp viên tịch. Các vị
lạt ma đã không muốn thực hiện nghi thức này trong khi ngài đang còn
sống. Thế là ngài đã tự mình nhập định và các vị lạt ma khác tiếp tục
nghi thức này ngay khi ngài vừa nhập diệt.
Lạt ma Ititgelov để lại một văn bản chỉ dẫn cách thức tống táng mình,
đó là để ngài ngồi trong tư thế kiết già như lúc thiền định, bỏ vào
trong một cổ áo quan bằng gỗ tuyết tùng và chôn cất ngài trong nghĩa
trang truyền thống của tu viện. Tất cả đều đã được thực hiện đúng theo
yêu cầu. Trong một văn bản khác, ngài yêu cầu chư tăng hãy khai quật
nhục thân của mình vài năm sau khi ngài qua đời (đây là điểm khá lý thú
vì điều này có nghĩa là ngài đã biết trước rằng nhục thân của mình sẽ
bất hoại). Việc này đã được thực hiện hai lần, một lần vào năm 1955 và
sau đó là năm 1973, nhưng các tăng sĩ Phật giáo rất sợ hãi nên không
dám tiết lộ điều này cho bất cứ ai bởi vì dưới chế độ cộng sản, tôn
giáo đã không hề có chỗ đứng trong xã hội. Mãi cho đến năm 2002, nhục
thân của ngài mới được khai quật lần nữa và chuyển đến Ivolginsky
Datsan (nơi thường trú của vị Tăng Thống Lạt Ma hiện nay). Tại đây nhục
thân của ngài đã được khám xét kỹ lưỡng bởi các tăng sĩ, và quan trọng
hơn, bởi các nhà khoa học cũng như bệnh lý học. Một văn bản chính thức
của giới chức hữu trách được ban hành nói rõ rằng nhục thân của ngài đã
được giữ trong tình trạng hoàn hảo, toàn bộ bắp thịt, tế bào nội tạng,
gân, da, không có bất kỳ dấu hiệu nào thối rửa. Và điều đáng nói là
nhục thân của ngài không hề trải qua một kỹ thuật ướp xác nào.
Hai năm đã qua, nhục thân của Lạt ma Itigelov đã được để tiếp cận với
không khí, với con người mà không cần đến bất cứ chế độ bảo quản nào về
nhiệt đô hay độ ẩm. Làm thế nào mà nhục thân của ngài vẫn giữ được
trong tình trạng nguyên vẹn như thế là điều không ai hiểu được.
Đây là MỘT TRƯỜNG HỢP DUY NHẤT ĐƯỢC BIẾT VÀ CÔNG NHẬN VỀ NHỤC THÂN BẤT
HOẠI trên toàn thế giới. Những kỹ thuật ướp xác thường được biết đến ở
những quốc gia và dân tộc khác nhau, cụ thể như Chili (Chinchora),
những xác ướp Ai Cập, những vị thánh Cơ Đốc, các nhà lãnh đạo cộng
sản,… Một số xác chết được tìm thấy trong băng tuyết lâu đời, thế nhưng
khi đem ra tiếp cận với không khí, chúng đều bị tan rửa chỉ trong vài
giờ đồng hồ.
Tuy vấn đề nhục thân bất hoại đã được đề cập đến trong nhiều kinh sách
Phật giáo, thế nhưng chưa có trường hợp nào được công nhận. Mãi cho đến
bây giờ.
Trải qua hai năm khi nhục thân của ngài Itigelov được khai quật, nó
không hề thối rửa, không hề bị mốc meo hay bất cứ triệu chứng tiêu cực
nào. Ngài Itigelov đã tuyên bố trước khi viên tịch rằng ngài muốn để
lại một thông điệp cho toàn thể con người ở trên trái đất. Đấy là một
thông điệp không lời. Và bây giờ đến phiên chúng ta đã hiều được thông
điệp đó.
(Theo Bumninorn.ru, Feb 25, 2007- Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữ)