Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thung lũng 'trường sinh' giữa núi rừng Hòa Bình
18/11/2011 20:02 (GMT+7)

Đường lên Lũng Vân chẳng khác nào đường lên trời, những con dốc dài, quanh co nối tiếp nhau từ chân đèo cho tới tận đỉnh. Hai bên sườn mây trắng bảng lảng ôm ấp quanh núi, thỉnh thoảng lại theo gió bay lướt thướt vào người đi đường khiến nhiều người cứ ngỡ như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào vậy.

Mất khá nhiều thời gian tôi mới đặt được chân tới mảnh đất trường thọ Lũng Vân, mà theo nhiều người đồn đại là xứ nghèo truyền kiếp, các gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa thế nhưng con người nơi đây lại có tuổi thọ sánh ngang với... đất trời.

Nằm trên độ cao 1200m, Lũng Vân quanh năm mây trắng bao phủ, người ta vẫn gọi nơi đây là xứ sở "thần tiên".

Để tìm hiểu thực tế về tuổi thọ của những người dân nơi đây tôi được phó chủ tịch UBND xã Hà Văn Khuê giới thiệu tới gặp ông Đinh Thanh Dững, trưởng hội người cao tuổi ở Lũng Vân.

Lần dở cuốn sổ ghi chép về người cao tuổi ở Lũng Vân, ông Dững cho biết: “Tuy xã Lũng Vân chúng tôi về kinh tế thuộc dạng nghèo của huyện nhưng người dân nơi đây lại có tuổi thọ ít nơi nào có được. Số người trong độ tuổi “thất thập cổ lai hy” có quá nhiều không thể liệt kê hết. Những người từ 80 – 90 tuổi lên tới hàng trăm người và hàng chục người đang trong độ tuổi gần 100. Đặc biệt có cụ Đinh Thị Hệu là người sống xuyên 3 thế kỷ. Cụ sinh năm 1899 thọ 112 tuổi cụ vừa qua đời vào tháng 2”.

Điều đáng nói về những người trường thọ ở Lũng Vân là dù tuổi cao nhưng họ vẫn hết sức minh mẫn, nhanh nhẹn chứ không hề ốm đau hay bệnh tật suốt ngày nằm một chỗ, con cháu phải chăm bẵm. Để minh chứng cho điều này ông Dững dẫn tôi tới xóm Bục để thăm cụ Hà Thị Ỉ năm nay vừa tròn đúng 100 tuổi.

Cụ Hà Thị Ỉ năm nay tròn 100 tuổi đang trộn cám cho vịt ăn

Bước lên ngôi nhà sàn của cụ Ỉ chúng tôi được người con trai của cụ là Hà Văn Đoài năm nay cũng đã hơn 70 tuổi tiếp đón. Khi tôi hỏi cụ Ỉ đâu thì được cho biết cụ đang đi trộn cám cho vịt ăn ở ngoài sân.

Quả thật khó tin vào mắt mình khi tiếp xúc với cụ Hà Thị Ỉ dù đã ở cái tuổi bách niên nhưng chân tay cụ vẫn thoăn thoắt. Khi tôi chào hỏi và giới thiệu là nhà báo, cụ vui mừng rửa tay rồi vào bắt chuyện, dù tiếng Kinh không được sõi cho lắm nhưng tôi hỏi câu nào cụ đều trả lời câu đó một cách minh mẫn.

Bác Đoài con trai cụ cho biết: “Hàng ngày cụ vẫn thường dậy từ sớm, nấu nướng cơm nước cho cả nhà, trộn thức ăn cho đàn vịt nuôi dưới sàn, lúc rảnh thì đi bộ thăm mấy người trong bản. Nhiều khi sợ cụ già bảo cụ ngồi một chỗ không phải làm việc, nhưng cụ không nghe còn bảo, không làm thì chồn chân chồn tay không chịu được”.

Cụ Ỉ còn có cô em gái là Hà Thị Xuốn năm nay cũng đã 95 tuổi nhưng ngày vẫn đi làm lên nương làm rẫy cùng các con cháu.

Ở Lũng Vân từ xưa đến nay có rất nhiều người thọ tới "tuổi tiên"

Rời khỏi nhà cụ Ỉ, trên đường ra về chúng tôi lại bắt gặp cụ Hà Văn Đùi đang đi dạo quanh bản, ông Dững giở cuốn sổ ghi chép và cho tôi biết năm nay cụ đã 102 tuổi. Chiều nào cụ Đùi cũng có thói quen đi dạo quanh cái “xứ sở thần tiên” này.

Đi tìm bí quyết trường sinh

Thật khó hiểu khi mảnh đất Mường Chậm cằn cỗi, với những nếp nhà đơn sơ, những bữa ăn đạm bạc lại sản sinh ra những con người có tuổi đời trường thọ đến vậy.

Khi tôi hỏi người dân nơi đây có bí quyết gì mà sống thọ đến vậy thì từ ông phó chủ tịch UBND xã đến các cụ cao niên đều cho biết: “Cũng chẳng có bí quyết nào ở đây cả, chỉ biết từ xa xưa cho tới nay Lũng Vân vốn biệt lập với thế giới bên ngoài. Kinh tế các hộ dân nơi đây đều tự sản tự tiêu, cá bắt dưới suối, rau hái trên rừng, lúa lấy trên nương. Không khí nơi đây từ xưa thế nào đến bây giờ vẫn vậy chưa hề bị biến đổi. Nằm ở độ cao hơn 1200mm, mường Chậm có không khí mát mẻ, trong lành, ô nhiêm môi trường chưa bao giờ xuất hiện ở xứ trường thọ này.

Chính lối sống nguyên sơ, khai thác các sản vật từ thiên nhiên đã giúp người dân nơi đây trở nên trường thọ

Thức ăn của người dân nơi đây phần lớn đều từ thiên nhiên, không ai nơi đây từng biết tới khái niệm “nước máy”. Tất cả nước uống của xứ mường Chậm đều từ các con suối mà ra. Ở Lũng Vân có ba dòng suối, suối Hượp, suối Trong và suối Miêu hợp thành một hợp lưu, dân làng bao đời cứ đến đó múc nước về sinh hoạt.

Người dân vẫn thường hay lên rừng hái các cây thuốc nam về pha trà và ngâm rượu để uống.. Họ còn lấy lá và dễ cây về phơi khô rồi sao thành nước uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe.

Ông Khuê cũng cho biết thêm, do là xã nghèo nên người sinh ra ở Lũng Vân từ thưở bé đã biết đi theo bố mẹ lên nương làm rẫy. Ngày này qua tháng khác nhờ việc lao động chăm chỉ mà họ rèn luyện cho cơ thể tráng kiện, ít bị bệnh tật hay đau ốm.

Phải đến Lũng Vân mới nhận thấy cuộc sống nơi đây thực sự tinh khiết, không một chút bụi bẩn, không có sự tính toán, bon chen, tranh đua thiệt hơn của một xã hội công nghiệp. Mỗi người đều yên bình trong những nếp nhà sàn với những hạt lúa, bắp ngô, con ốc đá, lá rau rừng…

Có lẽ, chính cuộc sống trong lành, thuần khiết, nguyên sơ đó của người dân Lũng Vân đã biến nơi đây trở thành thung lũng trường thọ, nơi có những con người “sống mãi với thời gian”.

Kinh Vân

Theo Bưu Điện Việt Nam

Các tin đã đăng:
Về đầu trang