Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nhớ Thầy Võ Hồng
Trí Bửu
03/04/2013 21:14 (GMT+7)


Sáng nay 01-4 trời Nha Trang đang quang đãng bỗng đổ cơn mưa vào lúc 8 giờ, đó cũng là thời điểm lễ nhập quan của Thầy Võ Hồng. Sau đó, nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò cũ đã đến viếng, khóc Thầy.

Theo người cháu gọi thầy bằng Bác- Võ Thanh Vân cho biết: Thầy sinh ngày 05-5- 1921 tại làng Ngân Sơn xã  An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thuở nhỏ học ở trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi ra học trường trung học Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1940 học ban tú tài ở Hà Nội. 

Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, ông làm bí thư tòa tổng đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến ông cùng vợ dạy học ở Trường trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên), sau đó làm hiệu trưởng trường này. 

Năm 1953 ông bị bệnh xin nghỉ dài hạn. Năm 1954 đưa gia đình về sống ở Ðà Lạt. Từ năm 1956 về sống ở Nha Trang, dạy học ở Nha Trang Nghĩa Thục, ở các trường Bồ Đề, làm nhiệm vụ của người tri thức Phật tử thuần thành. Thầy dạy học rồi làm Hiệu trưởng trường Bán công Lê Quý Đôn. Sau năm 1975 Thầy làm Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập 2 (Lê Quý Đôn) và nghỉ hưu năm 1982. 

Về văn nghiệp, tính đến nay Võ Hồng đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

 Cả cuộc đời Thầy dạy học và viết văn. Nhà văn đã để lại cho chúng ta những tác phẩm rất nổi tiếng, nằm lòng với nhiều thế hệ người đọc, nhất là những tác phẩm viết về quê hương, gia đình, giáo dục... như Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Nửa chữ cũng thầy…

Lúc Thầy Hồng đi xa các con của Thầy đều không có mặt, anh Hào đang ở Đức, chị Hằng đang ở Pháp. Mặc dù sáu, bảy năm bệnh tật kéo dài, chị Hằng- người con gái cưng của Thầy luôn bên cạnh tận tụy, chu đáo, chăm sóc thuôc men, cơm cháo. Chị Hằng vừa đi Pháp, khoảng hơn 10 ngày, thì nay đã mất cha. Bên giường thầy nằm an giấc có người em ruột là cụ Võ Đình Khoa, đã 84 tuổi, cùng các cháu gọi bằng bác ngồi cạnh nhìn thầy và cùng nghe kinh Phật phát ra từ chiếc máy tụng kinh gắn trên tường. Ôi! Vô thường già chết chẳng hẹn cùng người, sớm còn, tối mất, chỉ một sát na đã qua đời khác.

Lễ di quan tiển biết Thầy về nơi an nghĩ cuối cùng sẽ tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 04-04-2013, an táng tại Nghĩa Trang Suối Đá, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)











http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/con-nguoi-vn/13016-nho-thay-vo-hong.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang