Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thăm tòng lâm Kim Sơn nơi đào tạo nhiều cao tăng Việt Nam
28/06/2013 21:39 (GMT+7)




Duyên kỳ ngộ, đầu năm, tôi có dịp ghé thăm cô Chương, chứng nhân lịch sử một thời vang bóng của ngôi tòng lâm Kim Sơn, “trường Đại học” Phật giáo đầu tiên của Phật giáo ở cố đô. Ngồi hàn huyên, chuyện trò thăm hỏi đầu năm mới, đối diện với cô Chương, một bà cụ luôn nở nụ cười hiền hòa, tôi được nghe kể rất nhiều về các vị tôn túc như Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu... đã từng “tạm trú” trong nhà cô Chương để “dùi mài kinh sử”. Những câu chuyện tu, chuyện học, chuyện tính cách, chuyện cá tính, chuyện ăn ở, chuyện cực khổ của các vị từ từ thấm vào tôi và hình ảnh một tòng lâm Kim Sơn cũng từ từ hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi.

 


Thế là tôi ghé thăm Kim Sơn với niềm xúc cảm lâng lâng, để rồi không nhìn Kim Sơn với những sử liệu khô cằn trong sách vở, cũng không nhìn Kim Sơn với những lát cắt tàn nhẫn của thời gian cụ thể; tôi nhìn Kim Sơn từ những phiến đá còn lăn lóc dưới những cội cây, trong những góc vườn; nhìn Kim Sơn từ những câu chuyện kể của những người “đi cùng năm tháng Kim Sơn”, từ cái giếng cổ sâu hoắm rong rêu, những bức tường đổ nát...
Từ dưới chân đồi, con đường chạy dài quanh co theo triền đồi dẫn vào cổng Kim Sơn, thấp thoáng những tán cây xanh rì giữa khoảng trời xanh ngắt. Đó là những cây cổ nhãn, tôi đã say sưa đứng nhìn những cây nhãn mà thực ra là cũng nhìn hình bóng của Kim Sơn xưa qua từng gốc nhãn trong vườn chùa. Những cây nhãn với thân cây khúc khuỷu, sần sùi, tán cây phủ kín che mát một vùng, cành cây quanh queo vươn dài theo năm tháng nắng mưa. Ngồi nghỉ dưới một gốc cây nhãn, một luồng khí mát lạnh chạy trong xương sống. Một niềm hoan lạc dâng tràn khi liên nghĩ về cách đây gần 70 năm, những Tăng sinh mà sau này trở thành những bậc thạc đức trứ danh cũng đã từng ngồi dưới gốc cây để chuyện trò, hàn huyên, đàm đạo về công cuộc phục hưng Phật giáo...


Tôi nhìn Kim Sơn qua những phiến đá vuông vức dày chừng 40cm nằm lăn lóc quanh vườn chùa, những phiến đá dường như còn nguyên những đường ve, nhát búa của những nghệ nhân đục đẽo từ trong lòng núi Kim Sơn mà thành, những phiến đá dường như còn thấm mồ hôi mặn chát để trơ gan cùng năm tháng cho đến hôm nay. Đưa tay sờ vào phiến đá thấy mát lạnh, một sự mát lạnh không phải của nhiệt độ cao thấp, một sự mát lạnh không phải của xúc giác về một trầm tích văn hóa, của tâm và của tình, trong sự giao cảm giữa quá khứ và hiện tại. Tôi không nỡ ngồi lên đó, dẫu tôi biết nhà chùa đã sử dụng những phiến đá để làm ghế ngồi thưởng trà đàm đạo những buổi sớm mai. Cũng chẳng sao, nhưng với tôi, nơi đó phảng phất hồn của người xưa, như câu thơ của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục viết cách đây gần 500 năm “Thế gian thường xoa rờ vết đá lượm lặt di văn”. Trên những phiến đá đã hằn dấu thời gian với những đường nét lưu lại di văn, thông điệp của người xưa truyền lại cho người hậu thế.



Tôi nhìn Kim Sơn qua cái giếng cổ nằm trong vườn chùa. Cái giếng có một sức hút lạ kỳ, từ xa đã thấy một vòng tròn cao được phủ bởi lớp rêu xanh rì. Đến gần, nhìn xuống thấy lòng giếng sâu hoắm chứ không phải loại giếng khơi. Lòng giếng rộng có nhiều lớp đá xếp lớp lên nhau. Từ cái giếng, một đời sống thiền môn xưa nơi chốn tòng lâm Kim Sơn từ từ hiện ra trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Hình ảnh của những sơn tăng mỗi sớm mai thức dậy múc từng gàu nước từ cái giếng này để tưới tẩm cây cối trong vườn chùa từ ngày này qua năm khác, cho đến khi rễ cây ăn sâu vào lòng đất tự tìm nước nuôi sống mình đơm hoa kết trái và tỏa bóng che mát cho bao lớp người nương bóng. Từ cái giếng, tôi tự nhủ, nơi đây đã là thanh lương địa, thì chắc chắn nước giếng cổ này là “thanh lương thủy”, là “tịnh thủy” để làm lắng lòng biết bao người giã từ cuộc mộng... Từ lòng giếng, một khung trời nhỏ với trời xanh, mây trắng phản chiếu như muôn năm cũ. Tự nghĩ, nước giếng và bầu trời, một mối liên hệ đục trong thú vị vô tâm như Kim Sơn hiện hữu giữa cuộc đời...



Và ấn tượng hơn hết, tôi nhìn Kim Sơn từ những bức tường rêu đổ nát, những viên gạch, những bờ tường nham nhở vôi vữa và rêu phong phủ kín dấu thời gian. Một khuôn viên nền nhà cỡ cấp 4, trên bờ tường còn dấu tích của vách ngăn chia thành 2 phòng, mỗi phòng có diện tích chỉ khoảng 12, 13m2. Lần theo dấu vết để tìm “tích xưa”, thấy trong lòng rộn lên một niềm xúc cảm, một lòng cảm kích vô biên. Trên từng viên gạch, từng ô cửa loang lổ nếu không ai “thuyết trình” thì ít ai biết rằng nơi đây là dấu tích của Phật học viện đầu tiên (1944) của Phật giáo Việt Nam mang tên là Tòng lâm Kim Sơn do bác sĩ Lê Đình Thám và Hội An Nam Phật học xây dựng. Nơi đây đã đào tạo nên một lớp danh tăng làm rường cột cho Phật giáo nước nhà.



Và cuối cùng, tôi nhìn Kim Sơn qua những ngôi tháp trong vườn chùa. Những ngôi tháp có lối kiến trúc rất lạ, tôi chưa từng thấy. Ngôi tháp thứ nhất là ngôi tháp cổ, chỉ độc nhất một ngôi tháp mà không có khuôn viên la thành, nhà bia, tam quan tốn nhiều đất. Ngôi tháp được dựng trên một nền đá vuông vức cao gần 2m, mặt tiền quay ra hướng chính của chùa có bia đề “Bổn tự lịch đại tổ sư chi tháp” - cho biết đây là một ngôi tháp tôn trí xá-lợi của chư vị Tổ sư của chùa, những con người có công lao dựng chùa khai sơn vẻ vang như thế mà tôn trí chung trong một ngôi tháp khiêm tốn như vậy, nói lên đức khiêm cung của người xưa. Ngôi tháp thứ hai cũng rất kỳ lạ, được xây dựng theo mô hình của một chiếc linh trên một nền cao. Đây là ngôi tháp của HT.Thích Trí Thuyên. Từ ngôi tháp này, chúng tôi nhìn Kim Sơn qua một cái tâm đại hùng vĩ đại. Đứng để nghe vang vọng một cái chết lạ kỳ, trở lại cách đây 66 năm vào ngày 23-2-1947, lính Tây mở trận càn quét lên Kim Sơn. Chúng bắt Hòa thượng, định bắn ngay. Hòa thượng đề nghị để cho ngài tụng xong một bài kinh rồi hãy bắn. Thế là ngài an tọa tụng kinh. Lời kinh vừa dứt, tiếng súng nổ chát chúa, ngài về với Phật. Từ ngôi tháp, chúng tôi lắng lòng mường tượng liên hệ âm thanh của lời kinh và tiếng súng mà ngẫm ra một tiếng vọng, tiếng vọng của đại hùng đại lực.


Thăm Kim Sơn dù không thắp hương, bởi khói hương không chuyển tải nổi hương lòng tôn kính, tôi chỉ cúi đầu kính cẩn vô tận tâm và cũng vô cùng kính cẩn trước sức sống mãnh liệt của Kim Sơn.

* Bài, ảnh Trí Năng ( Theo Báo Giác Ngộ, số 698)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang