Một đường lối trị nước kết hợp từ tinh thần nhân ái của truyền thống
văn hóa dân tộc với tinh thần “vô ngã, vị tha” của một Phật giáo Đại
Việt giàu tính thực tiễn.
Sự kết hợp hoàn mỹ này được thể hiện qua
ba bài chiếu của các vua đầu đời Lý, không chỉ nói lên một chủ trương
chính trị sáng suốt, phù hợp, mà còn cho thấy nơi con người Đại Việt
thời đại, trong đó các vua nhà Lý là đại biểu, một tầm cao văn hóa và sự
lớn lao về nhân cách.
1. Bài chiếu xuất hiện đầu tiên trong văn học dân tộc là Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu)
của Lý Thái Tổ. Về tính chất đĩnh đạc, trang trọng, thể hiện một chủ
trương lớn, một tầm nhìn xa rộng của người lãnh đạo quốc gia cũng như
tâm huyết và khát vọng xây dựng một đất nước giàu mạnh, tầm cỡ, phát
triển lâu dài trong bài chiếu, đã có không ít nhà nghiên cứu phân tích,
bình luận. Đây chỉ đề cập đến hai khía cạnh đáng chú ý.
- Trước hết là một tinh thần nhạy bén và linh hoạt trong trị nước, “nếu thấy thuận tiện thì thay đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”(1). Nhìn ra những chỗ bất lợi của kinh đô cũ, nhà vua đã kịp thời thay đổi và quyết tâm thay đổi.
- Thứ hai, chủ trương của triều đình
phải xuất phát từ lợi ích của đất nước và nhân dân. Việc chọn Đại La làm
kinh đô đã được nhà vua căn cứ từ các cơ sở:
+ Địa thế phù hợp cho cả nhu cầu phòng thủ và phát triển (“Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; Lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”(2)).
+ Thuận lợi cho dân sinh sống, làm ăn, và thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp (“Địa
thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ
ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi”(3)).
+ Ở vị trí trọng yếu, là nơi hội tụ của các nẻo đường đất nước, đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế, văn hóa (“Thật là chốn tụ hội của bốn phương đất nước”(4)).
+ Xứng đáng là bộ mặt của một quốc gia độc lập, tự cường, có uy thế trong khu vực (“Cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”(5)).
Từng ý kiến của tác giả bài chiếu đều
rất xác đáng, cho thấy cái nhìn sắc sảo của người lãnh đạo và trên hết,
sự toàn tâm cho đất nước và nhân dân. Có thể thấy ở đây, vị vua đầu
triều Lý đã thiện dụng chữ “tùy” linh hoạt của nhà Phật mà cũng là của
truyền thống văn hóa Việt. Một đất nước nhỏ bé, liên tục phải đối đầu
với thiên nhiên khắc nghiệt và họa ngoại xâm để tồn tại, nếu không biết
đến chữ “tùy” linh hoạt và uyển chuyển, cương nhu đúng lúc thì sao có
thể sống còn và phát triển? Quan niệm minh triết này trước đó đã được
Pháp Thuận biểu hiện qua hình ảnh “vận nước như dây mây quấn quýt”(6).
Quốc sư triều Lê không chỉ nói đến sự đoàn kết gắn bó mà còn nói đến
tính mềm dẻo, năng động. Chính vì dây mây không phải là cổ thụ cứng nhắc
và cố định ở một nơi mà buông mình tự do, thích hợp với mọi địa hình,
có thể ở nơi rộng rãi bằng phẳng, có thể ở nơi cheo leo nhỏ hẹp nên
chẳng dễ nắm bắt, chẳng dễ chặt đứt. Lý Thái Tổ đã khéo dùng tâm “ưng vô
sở trụ”, không bám sẵn vào đâu, không thiên kiến để thực hiện tinh thần
“tùy duyên” của nhà Phật, cũng là “tùy cơ ứng biến” mà ông cha ta vốn
thiện dụng. Không cố chấp, tùy vào hoàn cảnh của mỗi thời, tùy vào nhu
cầu và nguyện vọng của dân để có chủ trương phù hợp, rõ ràng phải có
tinh thần “vong ngã”, quên đi cái tôi, cái riêng của cá nhân mình mới có
thể đạt được. Đây không chỉ là sự sáng suốt mà còn là cái đức của người
lãnh đạo quốc gia. Bởi điều này không phải dễ thực hiện đối với người
trong tay đang nắm quyền uy tối thượng như nhà vua. Chính vì xem như
không có bản thân mình nên nhà vua mới có tất cả: đất nước phát triển,
cơ nghiệp vững bền, lòng dân mến phục, tiếng thơm ngàn đời.
2. Ở Lý Thái Tông, ông vua thứ hai của triều Lý, có một bài chiếu ngắn gọn nhưng rất đáng quan tâm: Chiếu xá thuế (Xá thuế chiếu). Bài chiếu nhỏ về quy mô, chỉ giản dị 4 câu, nhưng không nhỏ về ý nghĩa. Có hai điểm đặc biệt khiến người đọc chú ý:
- Lý do xá thuế không phải vì thiên tai, mất mùa khiến dân thiếu thốn, đói khổ mà ngược lại “mùa đông năm nay được mùa lớn”(7).
Được mùa thì dân chúng sung túc, dư dã, giả sử có tăng thuế để bổ sung
cho ngân khố quốc gia vừa bị vơi đi do “đánh dẹp phương xa” cũng không
phải là không hợp lý và người dân vẫn có thể đóng góp được. Thế nhưng
nhà vua đã không tăng thuế mà còn giảm thuế phân nửa. Một điều nghịch lý
đáng suy ngẫm! Phải chăng không chỉ lo giúp dân thoát khỏi đói nghèo mà
lòng vua còn muốn cho dân có được tích lũy để thịnh vượng lên. Dân có
giàu thì nước mới mạnh. Lời bộc bạch của vua thật cảm động: “Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn?”(8)
Ở đây không chỉ có tình yêu thương nồng hậu mà còn cả niềm tin trao
gởi. Vận mệnh đất nước, vận mệnh của vương triều, Lý Thái Tông đã trân
trọng đặt vào tay dân. Nhà vua tin rằng khi đất nước hữu sự thì của cải
mà dân có cũng là của quốc gia có. Dân và nước – mà vua là đại diện – là
một. Sức mạnh của nước ở nơi dân. Khi đất nước cần dân sẽ dốc lòng lo,
chẳng tiếc riêng tư của mình. Có tin tưởng như vậy, nhà vua mới có được
đường lối chính trị cởi mở, thực hành đúng như lời quốc sư Pháp Thuận
từng khuyên vua Lê Đại Hành – “Vô vi cư điện các”(9)
– tức dùng chính trị khoan giản (nới lỏng và giản dị, không gây phiền
nhiễu cho dân), thuận theo lòng dân, để đạt đến thái bình thịnh trị dài
lâu cho đất nước (“Xứ xứ tức đao binh”(10)).
Cách nói và vận dụng nhiều vẻ khác nhau,
tùy theo trường hợp khác nhau nhưng tư tưởng chỉ là một: lấy dân làm
gốc, dựa vào dân và phát huy sức mạnh của dân. Đó là chìa khóa của mọi
thành công mà các bậc tiền nhân đã biết nắm giữ. Vua Lý Thái Tông nếu
không có lòng nhân ái, mà nói nôm na giản dị là tình thương, một đạo lý
truyền thống ông cha ta thường xuyên tâm niệm (“Thương người như thể
thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Người trong một nước phải
thương nhau cùng”…) kết hợp với tinh thần “vô ngã vị tha” – quên đi bản
thân mình để hướng đến người khác – sao có thể có những lời chiếu cao cả
và xúc động đến thế?
- Bài chiếu công bố “xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo”(11).
Một lần nữa thấy được thái độ trọng dân của nhà vua. Thật công bằng.
Người dân tạm gác việc gia đình, việc mưu sinh để theo vua vất vả gian
lao trong chiến chinh, công sức ấy cần phải được ghi nhận và đền bù. Dân
không phải là tôi tớ hay công cụ phục vụ cho lợi ích của vương triều.
Mối quan hệ giữa dân và vua không chỉ có một chiều là cung ứng, cống
hiến mà còn có chiều ngược lại: được đãi ngộ và cùng hưởng thụ thành
quả. Vua biết đến công của dân như thế, lẽ nào dân lại tiếc thân mình
không đáp lại mệnh lệnh của vua khi đất nước cần? Lẽ công bằng này không
phải dễ thực hiện nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình, nhất là đối với người
đang là kẻ mạnh, đang nắm quyền lực tối thượng trong tay. Cái lớn lao
trong nhân cách của vị vua nhà Lý là ở đó. Từng nhớ có lần quần thần xin
dâng thêm tôn hiệu để tỏ ý ngợi ca, vua đã thẳng thắn từ chối, cho rằng
mình “chưa xứng đáng để được tôn vinh những danh hiệu tốt đẹp”(12) và chân thành bộc bạch: “Trẫm
đem tấm thân cô đơn gửi nơi vị trí ở trên sĩ dân, dậy sớm thức khuya,
lo lắng như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức
gì để kịp Nghiêu Thuấn”(13). Chính sự khiêm tốn này càng tôn lên tầm cao của nhà vua.
3. Tinh thần nhân ái, khiêm cung, vô ngã vị tha ấy một lần nữa được thể hiện sâu sắc trong bài Chiếu để lại lúc sắp mất (Lâm chung di chiếu) của Lý Nhân Tông, ông vua thứ tư triều Lý.
Lẽ thường, di chiếu của vua hẳn phải đề
cập trước tiên đến người nối nghiệp, tiếp đó dặn dò, sắp xếp về công
việc và những vị trí trọng yếu trong triều đình, sau cùng mới đến dặn dò
về việc tang lễ theo ý muốn của mình. Lý Nhân Tông không làm như thế.
Mở đầu bài chiếu, vua đã làm nhẹ đi sự bi thương về cái chết trong tâm
lý mọi người (“Trẫm nghe: các giống sinh vật không giống nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, là lẽ đương nhiên của muôn loài”(14)).
Chính vì sống chết là lẽ thường, là quy luật, nên chuyện tang lễ linh
đình làm hao tổn tiền của và tang chế khóc thương đến hao tổn thân thể
là những việc đáng phê phán. Điều trọng yếu mà vua quan tâm đến trước
tiên là không muốn vì tang lễ của mình mà phiền nhiễu đến dân: “Trẫm
đã ít đức, không làm gì cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại bắt
dân chúng mặc xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, để làm
nặng thêm lỗi lầm của trẫm thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người như thế
nào?”(15). Nhà vua bày tỏ tâm sự một cách chân thành: “Trẫm
vẫn xót vì tuổi nhỏ phải đảm đương ngôi báu lớn, ở trên các vương hầu,
lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đến nay đã năm mươi sáu năm. Nhờ anh
linh của tổ tông và hoàng thiên tin giúp nên bốn bể yên lành, biên thùy
ít loạn, đến khi chết đi được dự đứng sau tiên đế là may lắm rồi, việc
gì còn phải khóc thương?”(16). Một vị vua hùng tài dũng
lược từng đánh Nam dẹp Bắc giữ vững cõi bờ, lại chăm lo phát triển đất
nước, kinh tế, văn hóa, giáo dục đều có những thành tựu ghi vào sử sách
mà khiêm nhường đến thế, thật cũng hiếm có.
Chỉ định người nối ngôi, dặn dò tự quân, vua cũng không quên nhắc nhủ người bề tôi tâm phúc của mình là Bá Ngọc phải lo “sửa sang giáo mác để dự phòng những việc bất trắc”(17).
Đến lúc sắp ra đi, vẫn không thôi ân cần, chu đáo đến những công việc
chung của triều đình, của đất nước, quả là một vị minh quân.
Và sau cùng hết vua lại một lần nữa nhắc lại tâm nguyện của mình: “Việc
tang thì sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Chôn cất thì nên
theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để
trẫm được hầu bên cạnh tiên đế”(18). Thật đáng ngạc
nhiên với chủ trương mới mẻ và táo bạo này. Xưa con cái để tang cha mẹ
ba năm, trong ba năm đó phải mặc áo tang, không được đi thi, không được
kết hôn, không được tham dự những cuộc vui chơi, hội hè… Nay vua là
người đứng đầu quốc gia, xếp trên cả cha mẹ, lại chỉ yêu cầu tang chế ba
ngày. Đấy là gì nếu không phải là tinh thần quên mình vì người khác?
Vua không muốn vì mình mà đình trệ công việc quốc gia, ảnh hưởng đến đời
sống của dân chúng. Ngày xưa có không ít vị vua khi còn tại thế đã lo
xây lăng tẩm nguy nga tráng lệ trước cho mình, bất kể tốn hao bao nhiêu
sức người sức của. Lý Nhân Tông đối lập lại hoàn toàn, yêu cầu chôn cất
đơn giản, không xây lăng tẩm riêng, để mình bên cạnh vua cha. Lại thêm
một cái mới đáng ngạc nhiên và cảm phục. Ý muốn tang lễ giản dị, tiết
kiệm của Lý Nhân Tông cũng không khác quyết định từ chối nhận thêm tôn
hiệu của Lý Thái Tông. Đó đều là tinh thần đả phá chủ nghĩa hình thức,
chuộng hư danh phù phiếm. Các vị đều chú trọng thực chất, quan tâm những
gì hữu ích thiết thực cho đời và thấy thẹn khi phải khoác lên mình sự
hào nhoáng vô nghĩa. Có thể nói tinh thần khiêm tốn, không ngừng phản
tỉnh tự xét mình và biết hổ thẹn là nét nhân cách cao quý xuyên suốt nơi
những con người nắm giữ trọng trách quốc gia từ các vua đời Lý đến các
vua quan đời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,
Trần Minh Tông, Phạm Ngũ Lão, Trần Nguyên Đán… Và chúng ta không khỏi tự
hỏi những vua chúa đời sau như Lê Tương Dực, Trịnh Sâm, Khải Định… với
những cung điện, lâu đài, lăng tẩm cực kỳ lộng lẫy, với đời sống hưởng
thụ tột cùng xa hoa không biết có phút giây nào đọc lại những trang sử
cũ để cảm thấy giật mình hổ thẹn với tiền nhân?
Kỷ nguyên Thăng Long – Đại Việt đã bắt
đầu với những vị vua anh minh như thế. Nhất quán một tinh thần nhân ái
và vô ngã vị tha. Ở địa vị tối cao, các vị đã dùng cái tâm “ưng vô sở
trụ”, phá “ngã chấp” để lắng nghe lòng dân, cùng dân chia sẻ, làm việc
công minh, không tham lam, tư lợi. Chính vì thế mà muôn dân mến phục,
trên dưới một lòng, tạo nên nội lực hùng mạnh cho quốc gia, trong thì
phát triển mọi mặt, ngoài thì ngoại bang kiêng nể. Triều Lý với đường
lối chính trị như trên, đã khiến vận nước trở nên bển bỉ vững chãi như
dây mây quấn quýt và trời Nam an hưởng thái bình, đúng như niềm mong ước
và cũng là lời tiên tri của vị quốc sư đời Lê trước đó. Nếu Pháp Thuận
là người đề xướng đường lối chính trị “vô vi” – mà cốt lõi là biết quên
mình, thuận theo lòng dân – thì các vua triều Lý chính là những người đã
ứng dụng nó vào thực tiễn hết sức thành công, đem lại một vận hội mới,
một thời đại huy hoàng cho đất nước. Đấy phải chăng cũng là cái “đức” mà
Trương Hán Siêu đời Trần đã nói tới khi đứng trước dòng sông Bạch Đằng
lịch sử suy nghiệm về lẽ hưng phế xưa nay để rút ra một chân lý về sự
trường tồn của đất nước: “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”(19).
Và sau hết, nếu nói tinh thần dân tộc
mạnh mẽ và đức nhân ái truyền thống đã giúp cho các vị vua của buổi đầu
kỷ nguyên tự chủ đạt thành sự nghiệp lớn lao, lưu danh muôn thuở thì
cũng không thể không kể đến ảnh hưởng của triết học Phật giáo đã thấm
nhuần một cách tự nhiên vào tâm hồn của những con người thời đại ấy, như
hơi thở hằng ngày. Có thể nói cái bản lĩnh tinh thần mạnh mẽ và linh
hoạt, biết “tùy ngộ nhi an”, tình thương người đến quên mình, niềm lạc
quan yêu cuộc sống, xem nhẹ chuyện mất còn… trong nhân cách những con
người ấy thật khó tách bạch đâu là đạo đức truyền thống và đâu là triết
lý nhân sinh của đạo Phật. Nói khác đi, Phật giáo bén rễ nơi mảnh đất
phương Nam đã hòa quyện tuyệt vời với văn hóa bản địa để trở thành một
Phật giáo Đại Việt năng động, đầy sức sống và gần gũi cuộc đời. Đó cũng
là dấu ấn khó phai mờ trong trang sử huy hoàng của một thời hào khí
Thăng Long.