Gia Lai nằm gọn trên cao nguyên Pleiku, cũng là tên được đặt cho thành
phố lớn nhất tỉnh. Cao nguyên nằm trên độ cao 800m so với mực nước biển
hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên nguyên sơ và nhịp sống chầm chậm như
giọt cà phê thơm đắng nhỏ giọt, nhỏ giọt rồi lắng dần nơi đáy cốc.
Lãng du phố núi mờ sương.
“Đi bụi” ở Pleiku
Có thể du khách sẽ khiến cư dân Pleiku bối rối vì câu hỏi thành phố có
gì để khám phá. Với họ, thành phố này quá quen thuộc, “đi dăm phút đã về
chốn cũ”. Nhưng, vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây vẫn luôn chào đón người đi du
lịch “bụi”.
Bùi Đức Minh, điều hành viên của một cộng đồng mạng thông tin du lịch,
chia sẻ cảm xúc sau chuyến “đi bụi” đến Pleiku: “Không thể so sánh với
thành phố du lịch Đà Lạt nhưng Pleiku có nhiều nét rất riêng, những
không gian thư giãn tuyệt vời mà Sài Gòn không thể có được”.
Minh nói, anh thích những góc nhỏ êm đềm của thành phố như hồ Diên Hồng,
Biển Hồ, Quảng trường 17/3, các góc phố nhỏ yên tĩnh, trong lành, không
kẹt xe. Anh ghi lại vài thông tin cơ bản về vùng đất mới quen để sau
này chia sẻ với bạn bè. “Thắng cảnh: Biển Hồ, hồ Diên Hồng, thác Phú
Cường, làng du lịch Plei Ốp... Cà phê: Thu Hà, Phiên Phương, cà phê
Đen... Quán ăn: phở khô Ngọc Sơn, phở Tàu Lý, cháo cá lóc, bún cua chợ
nhỏ… Khách sạn bình dân và trung bình: Thanh Lịch, Ialy, Tre Xanh…”
Đoàn Thị Liên, một bạn trẻ có kinh nghiệm du lịch “bụi” ở Gia Lai, mách
nước: “Một điểm nữa ở Pleiku mà bạn nên đến là Núi Đá nằm đối diện nghĩa
trang thành phố”. Núi Đá hoang sơ, rất thích hợp cho người mê pinic và
nhiếp ảnh.
Tour “lên đời”
Trước khi Liên hoan Cồng chiêng quốc tế 2009 diễn ra, ngành du lịch Gia
Lai nâng cấp nhiều tour nội tỉnh, trong đó có Một thoáng Pleiku với
nhiều điểm dừng chân mới. Du khách thỏa sức chiêm ngưỡng “đôi mắt
Pleiku” Biển Hồ, chùa Minh Thành bề thế nhất Tây Nguyên, chùa cổ Bửu
Minh với tượng Thánh mẫu – pho tượng Chămpa đầu tiên được phát hiện trên
cao nguyên Pleiku, nhà thờ Thăng Thiên với vòm mái cách điệu theo kiểu
nhà rông, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG, Bảo tàng
Tổng hợp tỉnh với nhiều hiện vật quý tái hiện văn hóa, lịch sử các dân
tộc Gia Lai...
Các tour tham quan Nhà máy Thủy điện Ialy, du ngoạn hồ Ayun Hạ... cũng
được làm mới. Đặc biệt, tour lên đỉnh Hàm Rồng có thể được đưa vào khai
thác trong thời gian tới. Vào cuối năm, khi hoa dã quỳ nở vàng rực trên
các sườn đồi ven quốc lộ, du khách sẽ có cơ hội được đắm chìm trong
thiên nhiên, ngắm cao nguyên Pleiku từ trên cao.
Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết, tỉnh đang
quy hoạch chi tiết dự án khu lâm viên Biển Hồ, Công viên văn hóa các dân
tộc, thác Phú Cường và khu du lịch sinh thái hồ chứa nước thủy lợi Biển
Hồ.
Khu du lịch thác Phú Cường dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Khu lâm
viên Biển Hồ đang được tỉnh đầu tư bốn tỷ đồng để làm đường vành đai,
vừa tạo chỉ giới vừa mở ra tour quanh hồ sử dụng phương tiện thô sơ, ví
dụ như xe ngựa.
Nguon: http://travelhome.com.vn/forum/showthread.php?p=6489