Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Pleiku - Nhìn từ đồn điền trà Bầu Cạn
03/10/2010 20:14 (GMT+7)


 

Tôi không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, không phải là người sưu tầm “ đồ cổ”, cũng không sở hữu các tư liệu cũ có giá trị...tôi viết vì thấy cần tổng hợp lại những thông tin và hình ảnh mà nếu để trễ thêm ít lâu sẽ không còn có dịp thu thập nữa. Xin được thắp nén hương tưởng nhớ các cụ trong bài nhắc đến tên nay đã mất…

Những năm đầu của thập kỷ 20 thế kỷ trước người Pháp đã đặt chân đến Pleiku, ban đầu là người chủ đồn điền trà Biển Hồ ( người dân quen gọi là sở trà Biển Hồ, thành lập từ 1921 ) và kế đến là ông chủ sở trà Bầu Cạn ( người dân quen gọi là sở trà Bầu Cạn hoặc đồn điền Catecka, thành lập năm 1923_ có tài liệu ghi 1926 nhưng  giấy tờ còn lưu lại tại Bầu Cạn là 1923). Tại cả hai sở trà này người chủ Pháp đều đã cho trồng thử nghiệm cây cà phê, mà theo nhiều người làm việc lâu năm tại các nơi này cho biết vào thời điểm mới thành lập đồn điền trà Biển Hồ có khoảng 7,5 đến 10 hecta cây cà phê và đồn điền trà Bầu Cạn có khoảng 1 hecta cây cà phê, có lẽ do doanh thu từ cây cà phê vào lúc bấy giờ không được nhiều bằng từ cây trà nên cả hai nơi này, cho đến nay, vẫn chỉ được biết đến như là hai cơ sở chuyên trồng và sản xuất, chế biến trà.

Tôi đã có nhiều dịp vào thăm và làm việc tại cả hai công ty trà này nhưng mãi gần đây tôi mới nghiệm ra rằng mình có thể tìm hiểu kỹ hai nơi này để hiểu thêm một số điều về Pleiku cách đây hơn 50 năm trước, chẳng hạn : ta có thể đến chùa Bửu Minh trong sở trà Biển Hồ để từ đó hiểu thêm một vài vấn đề liên quan đến tín ngưỡng dân gian của người Pleiku xưa và với khu dân cư của sở trà Bầu Cạn, ta có thể hình dung ra việc cấp điện cấp nước của Pleiku vào thời điểm những năm 50 của thế kỷ trước…

 *Vài nét về đồn điền trà Bầu Cạn:

Đồn điền trà Bầu Cạn được hình thành từ năm 1923 do ông chủ người Pháp quản lý và khai thác. Tên gọi chính thức của đồn điền này là CATECKA S.A.  ( Compagnie Agricole des Thés et Cafés du Kontum Annam, société anonyme_ Công ty nông nghiệp trà và cà phê tỉnh Kontum An Nam, công ty nặc danh ) vốn pháp định của công ty thời bấy giờ là 1.247.500 Francs do ông Choisnel làm giám đốc, tư gia của ông nằm trong khuôn viên trường tiểu học Lê Hồng Phong, Bầu Cạn hiện nay ( kế tục là các ông Hoistini, Salver, Portier và Louyrette; trong đó ông Salver nguyên là quan tư lái máy bay nên thời đó ông chủ đồn điền Bầu Cạn đã sắm chiếc máy bay 1 người lái và đủ điều kiện để tự mình bay đi kiểm tra các đội  sản xuất trong đồn điền cũng như bay về Sàigòn nghỉ cuối tuần; nhà để chiếc máy bay này làm bằng vì kèo sắt, nay là vị trí dẫy phòng học 2 tầng của trường THCS Nguyễn Viết Xuân và sân bay nằm liền ngay cạnh hàng rào của trường cấp 2 này, trải dài theo hướng Đông_Tây thuộc thôn Đồng Tâm; sân bay này, các cụ già đã 85 tuổi hiện đang sống ở Pleiku gọi là sân bay Gia Tường ( đây là sân bay thứ nhì của Pleiku; sau khi sân bay đầu tiên từ thời Pháp tại làng Trà Nhao, tức làng Nhao hiện nay, bị bỏ không sử dụng do nằm trong khu vực “kém an ninh” ), đặt tên thế vì sân bay này nằm trên địa bàn xã Gia Tường (Ia Từng)_theo các cụ, trước khi có sân bay Cù Hanh năm 1963, máy bay Dakota của Air VN vẫn đáp nhờ xuống đây. Mãi đến năm 1978 công ty chè Bầu Cạn mới cho trồng cây trà trên diện tích này nên gọi là lô trà 78 ). Đây là một đồn điền có nhiều nét đặc thù so với các đồn điền khác: có nhà máy thủy điện từ rất sớm, có máy bay và sân bay riêng, quy hoạch khu sản xuất và khu dân cư khá hợp lý với chợ, bệnh xá, trường học, chùa và hệ thống cấp điện cấp nước tương đối hoàn chỉnh ( có tài liệu cũ đề cập đến nhà thờ, có lẽ do  thói quen nên nghĩ  rằng người Pháp đến lập đồn điền và khu dân cư ắt sẽ xây dựng nhà thờ, nhưng thực tế trong khu dân cư của sở trà Bầu Cạn không hề có nhà thờ._ Còn ngôi chùa tại khu dân cư Bầu Cạn cũng rất nhỏ bé; chứ không được như chùa Bửu Minh của sở trà Biển Hồ, hiện chùa Bửu Minh đang được xem là một trong 4 ngôi chùa lớn của Pleiku; theo lời giải thích của cư dân Bầu Cạn thì vì chùa Bửu Hoa này ban đầu có một sư nữ trụ trì nhưng về sau sư hoàn tục, nên chùa  không được đông thiện nam tín nữ! ).

Đến năm 1950, đồn điền trà này đã quản lý gần 1.000 ha cây trà, 1.000 ha rừng tự nhiên và có khoảng 200 gia đình công nhân làm công ăn lương, sinh sống trong khu dân cư gọi là “village” ( làng ), các ông Cai, xếp, thầy ký ăn ở theo cụm riêng, còn người Pháp và ban giám đốc ở khu biệt thự “ Villas”.

 *Nhà máy thủy điện Bầu Cạn:

Trước năm 1950, theo các cụ công nhân đến làm việc ở đồn điền Catecka từ những năm 1948, toàn bộ người dân sống trong các khu dân cư của đồn điền này còn phải thắp đèn dầu, hàng tháng căng tin của đồn điền bán cho mỗi gia đình một, hai lít dầu hỏa để thắp sáng. Để phục vụ dây chuyền chế biến trà, ông chủ Pháp đã sắm một máy phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel . Vì đồn điền nằm cách suối Ia Puch chỉ vài trăm mét nên người chủ Pháp đã tiến hành khảo sát địa chất thủy văn để xây dựng nhà máy thủy điện Bầu Cạn trên suối này.

Không có tài liệu về thời điểm chính xác người Pháp tiến hành công tác thăm dò khảo sát địa chất thủy văn nhưng bản vẽ thiết kế do công ty Jacques Bouchoux, France hoàn thành ngày 21-08-1949 ( các máy biến áp được mua về và sử dụng vào mục đích cung cấp điện cũng được sản xuất năm 1949 ). Nhà máy này  nằm trên con suối Ia Puch thuộc xã Bầu Cạn, suối này cách xa xưởng chế biến chè Bầu Cạn khoảng 800 mét (?) về hướng đông. Chủ đầu tư công trình là một người Pháp tên là Choisnel ( dân chúng gọi là ông chủ Sọt nen ), giám đốc đồn điền CATECKA .

Việc thi công xây dựng nhà máy thủy điện được điều hành bởi kỹ sư điện người Pháp De Mabe, các cai máy ( chef mécanicien ), cai xây dựng, đa số thợ mộc, thợ nề được tuyển từ Đà Nẵng ( Tourane ) và một ít là người Bình Định, còn lại người Pháp thuê lao động đơn giản là người đồng bào thiểu số Jrai, Banar, Sê Đăng.

Suối Ia Puch ( là một nhánh của suối Ia Drang ) bắt nguồn từ phía tây nam dãy núi Hàm Rồng, chảy theo hướng Đông Bắc_Tây nam và nhập vào sông Srepok ( Xêrêpốc ) ở bên bờ phải. Nhà máy nằm trên địa bàn xã Bầu Cạn, quận Thanh An ( nay là huyện Chư Prông ) với các tọa độ địa lý như sau:

               *Vị trí tuyến đập:     13º51’ 59”    vĩ độ Bắc;

                                               107º51’39”     kinh độ Đông.

                *Vị trí nhà máy  :     13º51’39”     vĩ độ Bắc;

                                                107º51’44”     kinh độ Đông.

Khi thi công nhà máy, người Pháp đã dùng những trang thiết bị như: máy trộn bê tông có kích cỡ kiểu dáng như hiện nay, động cơ máy nổ 8cv ( mã lực ) chạy bằng diesel, dùng xe lu nhỏ để làm đường, máy cày bánh lốp để tời tải đất và khai hoang. Đắp đập, chặn dòng và làm kênh dẫn dòng người Pháp dùng lao động thủ công hoàn toàn. Bể áp lực, bể điều tiết theo mùa, cắt lũ, tràn sự cố .v.v..người Pháp tận dụng lợi thế của địa hình nên gần như không có sự xâm hại,hoặc tác động xấu đến hệ sinh thái và môi trường quanh vùng .

Đường ống thủy lực đường kính 800 ly được làm bằng thép đen dày 5 ly chế tạo từ một bàn cuốn ống quay bằng lao động thủ công.

Điện phục vụ thi công công trình được cấp bằng máy phát điện diesel, máy hàn điện một chiều 36 volt DC-300A , kéo bằng động cơ 3 pha 13cv.

Để vận chuyển và lắp đặt thiết bị, lắp đặt đường ống người ta xe cam nhông (camion) kết hợp với ba lăng và ròng rọc và cáp thép, khi cần thì dùng thêm xe ba lua ( poids lourd, xe tải lớn ); thiết bị nặng nhất là bình biến áp gần 2 tấn (1986 kg).

Bên cạnh đó, để đưa điện từ nhà máy thủy điện về xưởng chế biến trà và khu dân cư, người chủ Pháp đã xây dựng đường dây tải điện 15kV bằng các trụ bê tông vuông dài 10 mét có bậc trèo và cũng là các lỗ chịu lực, các trụ này được đúc tập trung ( có một số trụ còn mang dòng số ghi lại ngày đúc: 16-1-50 hoặc 13-11-50 ) rồi đem rải và trồng vào các hố đào sẵn, sau đó đổ bê tông móng. Nhân lực thi công tuyến dây dài 10,3 km này gồm 30 người có xe máy kéo bánh hơi hỗ trợ. Xà đỡ để lắp sứ cách điện có 2 dạng chính: xà đỡ với 3 sứ nằm ngang nhau và loại ty sứ bằng thép tròn 26 ly mạ kẽm hình chữ Z, một đầu có 2 lỗ lắp vào thân cột, đầu kia lắp sứ thủy tinh 3 tầng màu xanh, khoảng cách giữa sứ với thân trụ đạt 0,6m . Do đường dây đi qua vùng đồi núi vào mùa mưa có nhiều giông sét nên kỹ sư thiết kế đã có giải pháp chống sét đánh vào công trình điện rất hiệu quả vì thế các thiết bị điện đến bây giờ vẫn còn hoạt động tốt. Tại nơi sử dụng, điện cấp cho thắp sáng và điện cấp cho sản xuất được tách riêng và có các bảo vệ chống quá tải, cắt ngắn mạch chạm chập phù hợp.

Tháng 4 năm 1950 nhà máy thủy điện Bầu Cạn có chiều cao cột nước 37m, tuabin trục ngang công suất 250 cv, 1000 vòng/phút đi vào hoạt động ổn định với, máy hoàn toàn tự động nhờ có bộ điều tốc tự động và bộ điều chỉnh điện áp tự động để luôn bảo đảm chất lượng điện năng  đạt 50 Hz, 230v/400v, công suất định mức 172 kw. Toàn bộ nhà máy chỉ cần một công nhân vận hành, người đầu tiên là ông Cai Lao, kế tục là ông Siu Bươi người dân tộc Jrai làm cho đến sau năm 1975. Người công nhân vận hành nhà máy thủy điện này được bố trí một căn nhà cách nhà máy 6m và không được rời nhà máy nửa bước, mọi lương thực thực phẩm có người đem xuống tận nơi. Tại thời điểm này, công suất điện dùng để chế biến trà vào mùa mưa chỉ ở mức 70 kw vì thế toàn bộ khu dân cư với 200 hộ gia đình đã được chủ Pháp cấp điện thắp sáng: mỗi gia đình công nhân được dùng 2 bóng 6 tấc ( 20 watt mỗi bóng ), các nhà của Cai và Xếp thì được thêm ổ cắm điện ( prise de courant ) để lấy điện dùng quạt máy, là ủi… Nhưng thời gian cấp điện được phân theo 2 loại; điện cho khu dân cư ( village ) được đóng lúc 18giờ và cắt lúc 7 giờ sáng hôm sau bằng rơ le thời gian hẹn giờ, còn điện cho khu vực biệt thự  ( villas ) cuả các ông chủ người Pháp thì được cấp liên tục 24/24.

 *Về nước sinh hoạt và phục vụ chế biến trà:

Ngay từ ban đầu, người Pháp đã khảo sát và xây dựng một trạm bơm nước cách xưởng chế biến khoảng 800 mét bên cạnh suối Ia Puch, vì cũng là nguồn nước ăn uống sinh hoạt nên họ đã lấy từ mạch nước ngầm đưa vào bể lắng lọc ( bằng than, cát, sỏi…) sau đó mới bơm lên một tháp nước 12 m ³ đặt tại khu chế biến bằng loại bơm pit tông 2 xú páp xả và 2 sú páp hút. Ban đầu dùng máy nổ diesel để lai bơm nước, đến khi có nhà máy thủy điện thì dùng đường dây hạ thế 3 pha và động cơ điện 5,5-:- 6 cv ( mã lực ). Các nhà thuộc khu biệt thự  ( villas ), văn phòng làm việc, nhà các cai và xếp được lắp đặt hệ thống nước hoàn chỉnh; còn người dân sống trong khu dân cư  ( village ) được sử dụng nước từ 4 phông ten công cộng, tại các phông ten này khi muốn lấy nước, họ phải quay bánh xe đặt trên đỉnh độ 2 phút để lực ly tâm làm mở một van chặn, lúc đó sẽ hứng được khoảng 1 thùng 20 lít. Sau này trẻ em nghịch ngợm và phát hiện nếu chèn đá nặng lên đỉnh thì nước sẽ chảy mà không cần quay nhiều vòng nên nước thất thoát nhiều. Sau nhiều năm phát triển sản xuất chế biến trà ( mà lúc bấy giờ chủ yếu xuất sang thị trường nước Anh ) người Pháp mới xây thêm tháp nước thứ nhì gồm 2 bể chứa ở 2 tầng khác nhau.

*Xây dựng đường dây bán điện cho Pleiku:

Đầu năm 1951, ông Choisnel, giám đốc đồn điền Catecka  ( người dân Bầu Cạn gọi là ông chủ Sọt nen ) đã ký hợp đồng cung cấp điện cho chính quyền Pleiku. Đường dây đưa điện từ Bầu Cạn về Pleiku làm bằng cột gỗ cà chít, căm xe…dài 10 mét với 3 sứ thủy tinh màu xanh và dây đồng trần 5 ly này khởi đi từ trạm biến điện sát xưởng chế biến trà Bầu Cạn đi theo hướng Tây Nam cắt qua làng B xã Gào (  làng Plei Gao Goc ), qua nghĩa trang Pleiku ( hồi đó nằm trên đường Lý Thái Tổ ) băng qua khu Đức An về đến nhà thờ Tin Lành ( cũ), vị trí đối diện chợ Hội Thương hiện nay, rồi đi theo đường Nguyễn Thái Học vào thẳng sau lưng Ty Công Chánh, dừng tại một trạm biến điện trong đó có đặt một máy biến áp 100kva nhằm cung cấp điện cho thị xã Pleiku lúc bấy giờ, nơi đây bên bán điện đặt một công tơ đo đếm điện năng để làm cơ sở tính tiền _ đến cuối năm 1951 thì đường dây 15 kv dài khoảng 12km này bắt đầu vận hành cấp điện cho thị xã Pleiku. Đại diện cho bên bán điện để xử lý các vấn đề kỹ thuật là ông Mercier, người Pháp, phó giám đốc kỹ thuật. Người đóng cắt điện ở phía đầu đường dây nằm tại trạm biến điện cạnh xưởng chế biến chè là ông Lê S. ( đã mất, thân sinh của bác sĩ Thu Nh. và bà chủ hãng cà phê Ph. Ph. ), kế đó ông Lê S. chuyển giao nhiệm vụ này cho ông Bẩy Th. ( tức cụ Nguyễn Công Th., đã mất, sau 1975 cụ  từng là giám đốc xí nghiệp cơ khí 17/3 thuộc thị xã Pleiku, thân sinh của ông T., chủ xí nghiệp T.Trường Sơn bây giờ ). Người tham gia vận hành đường dây phía mua điện là ông Nguyễn Đăng Ng., hiện nay 72 tuổi, nhà ở ngay tại hầm nước dưới dốc lò ba toa…  

( Sở dĩ trạm biến điện nằm trong Ty Công Chánh là do lúc bấy giờ trong miền Nam, chính quyền thành lập một cơ quan tên là “ Quốc gia trùng tu điện lực cuộc” thuộc Bộ Công Chánh nhằm tiếp nhận, trùng tu các nhà máy điện do các công ty điện_nước của người Pháp để lại.

Ở miền Nam thời đệ nhất cộng hòa tồn tại 4 công ty tư bản độc quyền sản xuất, phân phối và kinh doanh điện:

CEE ( Compagnie des Eaux et Electricités, Công ty điện_nước) tại Sài Gòn _ Đà Lạt;
SCEE tại các tỉnh miền Tây Nam bộ;

UNEDI tại Vũng Tàu, Phan Thiết.v.v;

SIPEA ( Société Industrielle Pour les Eaux et l’électricité en Asie, Công ty kỹ nghệ điện-nước tại châu Á )  tại các tỉnh miền Trung.

Khoảng năm 1957_1958 Bộ Công Chánh ( chính quyền Sài Gòn ) đã thành lập một cơ quan tên là :” Quốc gia trùng tu điện lực cuộc “ để thực hiện chương trình tu bổ, sửa chữa và vận hành các nhà máy điện Ankroet ( tức thủy điện Suối Vàng 500KW, nhà máy thủy điện lâu đời nhất VN, được xây dựng năm 1943, vận hành năm 1945 ); Qui Nhơn, Buôn Ma Thuột ( 1959); Quảng Ngãi, Tuy Hòa ( 1960); Vĩnh Long (1961); Mỹ Tho ( 1962 )…( Các nhà máy trên do các công ty tư bản nói trên chuyển giao lại ). Tại các tỉnh là Chi cuộc trùng tu điện lực tỉnh trực thuộc Ty Công Chánh. Vì thế mà Ty Công Chánh Pleiku đảm nhận việc mua điện từ  nhà máy thủy điện Bầu Cạn thuộc sở hữu của công ty Catecka.

Nhân đây cũng xin nói tiếp về tên gọi của cơ quan lo việc cung cấp điện thời trước 1975:

Năm 1958 chính quyền miền Nam chuẩn bị xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim ( 160 MW) do nhà thầu Nhật Bản thực hiện nên lập cơ quan “ Dự án Đa Nhim” và tiếp đó chuẩn bị mở rộng nhà máy nhiệt điện Thủ Đức ( 33 MW) nên lập cơ quan “ Dự án Thủ Đức”.

Năm 1964 cơ quan tự trị “Điện Lực Việt Nam” được thành lập thống nhất các cơ quan : “ Quốc gia trùng tu điện lực cuộc”, “ Dự án Đa Nhim”, và “ Dự án Thủ Đức” vào một khối.

Cuối năm 1967, “Sài Gòn điện lực công ty” được thành lập để tiếp thu việc khai thác điện tại Sài Gòn và vùng phụ cận thay thế cho CEE mãn nhiệm.
Năm 1969 “Điện Lực VN” và “Sài Gòn điện lực công ty” sáp nhập thành “ Công ty điện lực VN “ gọi tắt là CDV. CDV đã thành lập các Trung tâm Điện Lực tại các tỉnh trong miền Nam, tại Pleiku có Trung tâm điện lực Pleiku. Sau 1975 các Trung tâm điện lực tỉnh được thay thế bằng các Sở quản lý và phân phối điện tỉnh (1976-1981), rồi sau đó đổi tên thành: Sở Điện lực tỉnh ( cuối 1981-1996), Điện lực tỉnh (1996-2010) và  hiện nay là Công ty điện lực tỉnh ).

Từ trạm biến điện ngã ba Nguyễn Thái Học _ Phó Đức Chính ( đường Nguyễn Văn Trỗi bây giờ ), người ta đưa điện ra dùng bằng các tuyến dây hạ thế, trong đó có một tuyến đi ra hướng đường Quang Trung, một tuyến chạy dọc theo đường Phó Đức Chính…Tuyến dây hạ áp Phó Đức Chính_Trịnh Minh Thế hồi ấy đã cấp điện cho cái bơm nước đặt tại hầm nước cuối dốc lò ba toa để bơm nước lên bể nước 40 m³ đặt trên tháp cao nằm bên trong trại Bảo An ( tức trại Trần Quốc Tuấn, hiện nay là vị trí sau siêu thị điện máy Vĩnh Tín và cách tường rào trường phổ thông chuyên Hùng Vương vài chục mét; khoảng cách từ nơi đặt bơm nước đến tháp nước cũng  xấp xỉ 800 mét và chênh lệch về độ cao giữa 2 nơi cũng tương tự như  ở sở trà Bầu Cạn, do đó chỉ cần sử dụng động điện dưới 10 cv  là đủ để bơm nước lên đài cao )_ Ngày trước người Pháp đã xây cái hầm nước này để thu nhận nước từ các mạch nước ngầm trên mảnh đất vườn cà phê của bà sœur ( dân chúng thường gọi là trại Tam Hiệp ) chứ không phải lấy nước từ suối Ia Kring ( Suối Gia Ninh (?)) như một vài người suy đoán ( vì cũng giống như cách lấy nước dùng cho sinh hoạt trong đồn điền chè Bầu Cạn, người Pháp lấy từ mạch nước ngầm qua bể lắng lọc bằng than, cát, sỏi… sau đó mới bơm lên đài chứa nước để cấp nước cho chế biến trà và nước sinh hoạt khu dân cư; không nhà quản lý nào lại dám lấy nước suối dễ bị ô nhiễm và  lan truyền dịch bệnh để cấp cho dân ăn uống, sinh hoạt cả!), phần nước thừa trào ra khỏi hầm chứa được đưa ra các giọt nước cho dân chúng hứng gánh về hoặc tắm giặt tại chỗ ( hiện nay cái bể chứa này nằm dưới nền sân của nhà hàng Trầu Cau 1 ). Đây cũng là nơi lấy nước chủ yếu thời bấy giờ vì các xe Lam chở nước và các xe có xi téc kèm máy bơm hút lai bằng máy nổ luôn túc trực ở đây để hút nước làm cho đoạn đường từ dưới dốc lò ba toa lên đến đầu đường Trịnh Minh Thế _ Hoàng Diệu luôn luôn ướt bởi nước trào từ các xi téc trên xe chở nước này ! ( Ngoài ra ở một vài đường phố dân chúng còn có thể lấy nước ở các phông ten công cộng ( fontaine publique (P), public fountain (A)), nước cấp cho các phông ten công cộng này được lấy từ cái đài nước nằm gần trường Nam tiểu học cũ ( theo một tài liệu cũ, đến năm 1963 cả Pleiku chỉ mới có 100 nhà tư nhân có nước cấp qua “thủy lượng kế” ( đồng hồ nước ) và khoảng 28 cái bơm lắc tay, được chính quyền khoan giếng và đạt bơm theo chương trình dinh điền (?), nằm rải rác khắp tỉnh )!!!Vì đường dây điện mới chỉ có ở loanh quanh khu trung tâm, nhu cầu dùng điện lúc ấy bị hạn chế chưa phát triển nên ban ngày chỉ cần dùng nguồn điện đưa từ Bầu Cạn về cũng dư giả, đêm đến mới phải chạy thêm máy phát điện diesel lắp tại nhà máy ngay sau lưng Ty Bưu điện nằm trên đường Trần Hưng Đạo cũ ( nay là Hoàng Hoa Thám, chính vì thế mà thời ấy chúng tôi không hề nghe thấy tiếng máy nổ chạy ban ngày ) .

Đến năm 1961, do đường dây này nằm trong khu vực chính quyền lúc bấy giờ không kiểm soát được nên hay bị hư hỏng sự cố, rất khó cho việc sửa chữa những đoạn đi qua vùng “kém an ninh” vả lại lúc bấy giờ đã tăng cường thêm máy phát điện diesel trong trung tâm thị xã ( sau máy Atlanta 135kw thời điểm trước năm 1960, nay đã có thêm 1 máy GM 60 kw và một máy GMC 100kw) nên 2 bên ( người Pháp chủ sở trà Bầu Cạn và chi cuộc trùng tu điện lực Pleiku  ) chấm dứt hợp đồng mua bán điện. Bên phía chủ đầu tư đường dây điện từ Bầu Cạn về Pleiku chỉ thu hồi được dây đồng dẫn điện, ty sứ và các quả sứ thủy tinh ở  những vùng có sự kiểm soát của chính quyền thời bấy giờ, sau đó toàn bộ đường dây theo năm tháng không còn dấu vết gì nữa!!!  

Cũng vào giai đoạn sau 1961, do nhu cầu bơm tưới và phát triển sản xuất, ông giám đốc Salver đã cho xây dựng các trạm biến áp dọc theo tuyến dây điện từ nhà máy thủy điện Bầu Cạn về đến xưởng chế biến để phục vụ bơm tưới vào mùa khô cũng như điện chiếu sáng cho công nhân các đội sản xuất ( đội 2, Thông Phương; đội 3 Nước Đổ…). Các trạm biến áp này cấp điện chủ yếu cho 3 trạm bơm với 5 động cơ tổng công suất 200 mã lực. Để bảo đảm điện luôn có phục vụ sản xuất trong thời gian chiến tranh,  năm 1962 người chủ Pháp đã mua sắm thêm máy Caterpillar D379 200kw ( trước đó sở trà Catecka đã có các máy phát điện: máy Althom 150 kva  chế tạo năm 1940, máy AND 250 kva chế tạo năm 1948, máy Berlier 60 kva trên bánh lốp lưu động chế tạo năm 1950 ). Các máy diesel này, được lắp đặt ngay bên cạnh trạm biến điện chính, luôn bảo đảm điện cho sản xuất và bán điện về thị xã Pleiku, kể cả khi nhà máy thủy điện bị ngừng hoạt động do kỹ thuật hoặc do an ninh.    

Cái nhà trước kia là trạm biến điện đầu tiên của thị xã Pleiku  đã được ông Thắng ( tên khác là ông X. ) mua lại theo hình thức hóa giá để mở cửa tiệm hớt tóc có mặt tiền nằm trên con hẻm sau lưng Sở Giao Thông Vận tải ( Ty Công Chánh xưa ), bên phía mặt đường Nguyễn Văn Trỗi ( PĐC xưa ) là tiệm hớt tóc Minh ( cả ông Minh và ông Thắng đều đã từng mở tiệm hớt tóc tại một trong các nhà dù ở khu vực trước Ty Bưu điện Pleiku );( muốn hiểu rõ kết cấu và hình dáng của nó, chúng ta có thể xem hình trạm biến áp Đinh Tiên Hoàng cũ do CDV xây dựng khoảng năm 1963-:-64 và hình một trạm biến áp do người Pháp xây dựng tại đồn điền chè Bầu Cạn để hình dung lại).

Dù rằng bài sẽ làm cho các bạn yêu thích văn chương, yêu thích cà phê …thất vọng nhưng vì thấy các bạn trẻ ( trong số họ có người là kỹ sư điện ) cùng đi với tôi đến những nơi này để chụp hình làm tư liệu, họ hoàn toàn không biết gì về những cái nhà tận dụng lại từ các trạm biến điện của 60 năm trước, tôi đành viết để tặng những thân hữu yêu quý Pleiku và mong nó là một bài khảo cứu có tính “ mở”, nhằm khơi gợi và trông chờ các thông tin quý giá từ độc giả để hoàn chỉnh cũng như để sửa lại những chỗ không chính xác. Xin chân thành cảm ơn quý thân hữu đã dành thì giờ đọc cũng như trao đổi thông tin.

NYPN

Một số hình ảnh minh họa do NYPN thực hiện

Ngã ba Phù Đổng ngày nay

Nhà máy thủy điện Bầu Cạn xây dựng từ 1950

Nhà máy phát điện diesel và trạm biến điện của sở trà Bầu Cạn


Trạm biến điện với các lỗ ra của xuất tuyến đi về Pleiku bị bịt từ 1961


Lô cốt của lính bảo vệ nhà máy thủy điện Bầu Cạn


  Nước từ trên nguồn suối đến đây rẽ trái vào bể áp lực, đi tiếp vào bể điều tiết theo mùa

Đập ( barrage ) ngăn bể áp lực và bể điều tiết theo mùa

Đoạn ống vào nhà máy

Tua bin thủy điện lâu đời nhất Pleiku ( từ nhì cả nước, sau NMTĐ Suối Vàng ), lắp đặt năm 1950

Đập dâng mức nước bể điều tiết

Cụ Nay Jen, công nhân điện cơ của sở trà Bầu Cạn từ năm 1959 khi ông 24 tuổi, bên cạnh là vị trí phông ten nước công cộng của khu dân cư, phía sau cụ là nhà trạm biến điện lâu đời nhất Pleiku

Ông Nay Jen và Lê Hùng, 2 thế hệ làm công tác điện-cơ tại sở trà Bầu Cạn

Nơi này ngày xưa có cái phông ten công cộng

Tháp nước mới xây sau này khi sản xuất phát triển

Trạm bơm nước và cột điện đúc ngày 16-1-1950

Điện cấp cho khu dân cư ( village ) và cho khu biệt thự ( villas ) riêng biệt

Máy cuốn ống thủy lực thủ công

Bơm nước kiểu pit tông nay thành phế liệu

Nhà điều hành khu chế biến trà ngày trước

Chùa Bửu Hoa trong khu dân cư sở trà Bầu Cạn

Văn phòng của các thầy ký

Ngôi nhà của ông giám đốc người Pháp ( mái ngói đã được thay bằng mái tôn ) 

nhà 2 tầng của trường Nguyễn Viết Xuân tại vị trí nhà để máy bay của ô GĐ

Vị trí sân bay Gia Tường ngày trước

Phía hạ lưu nhà máy thủy điện Bầu Cạn

Nguon: http://pleikucafe.com/news/trang-chu/218-pleiku-nhin-t-n-in-tra-bu-cn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang