Huyền thoại linh vật ngàn năm
Chùa Viên Đình thuộc thôn Kẹo (xã Đông
Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nằm sâu trong làng như một vị tu hành tĩnh
lặng ẩn mình. Ngôi chùa cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc đặc
trưng thời Lý có lịch sử gắn liền với sự tích về hai cây duối khổng lồ
và quả chuông cổ, thường được xưng tụng là hai linh vật huyền thoại.
Theo lời Đại đức Thích Chơn Phương,
trụ trì chùa: Hai cây duối trước cổng chùa có niên đại hàng ngàn năm,
trước khi có chùa đã có cây. Cặp cây có hình dạng giống như một đôi uyên
ương rồng; cây nhỏ, tán lá trải đều giống như “rồng vợ”; cây thân to,
nhiều mấu, cành lá chắc chắn, rậm rạp giống như “rồng chồng”.
Vào đầu thời Lý, nhà vua đã đi đến
nhiều vùng quê để tìm thế đất xây chùa với mong muốn phát triển đạo
Phật. Khi vi hành nhìn thấy hai cây duối đại thụ mang hình thù kỳ lạ,
vua quyết định chọn mảnh đất có cây là nơi xây chùa và sắc phong hai cây
là “thần mộc hộ quốc”.
|
Chùa Viên Đình. |
Sau khi ngôi chùa hoàn thiện, vua cho đúc quả chuông lớn bằng
đồng nặng khoảng hai tấn. Hiện chuông đồng vẫn được lưu giữ cẩn thận
trong một tháp chuông làm bằng gỗ lim cũng đã hàng ngàn năm tuổi, trên
bề mặt chuông vẫn còn in dấu bài thơ cổ năm xưa do chính vua Lý cho khắc
lên kèm theo những họa tiết hoa văn cổ tiêu biểu thời Lý.
Nằm sát ngay đường làng, kề bên cánh
đồng lúa xanh bát ngát của làng Kẹo, hai cây duối khổng lồ trải qua cả
thiên niên kỷ vẫn mang dáng dấp kỳ vĩ. Thoạt nhìn, khó có thể đoán được
niên đại của cây, bởi dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai cây
duối vẫn xanh tốt, tán lá xum xuê, hàng năm đến mùa cây lại trổ bông rực
rỡ, hương thơm ngan ngát bất chấp sự tàn phá của mưa gió thời gian.
Dân làng tin rằng cặp cây duối và
chuông cổ trong chùa chính là hai linh vật trấn trạch, giúp bảo vệ dân
làng và cả một vùng đất Đông Lỗ rộng lớn. Tương truyền thuở xưa, mỗi khi
Đông Lỗ có yêu ma đến quấy nhiễu, chỉ cần gióng lên 3 hồi chuông chùa
giữa đêm khuya sẽ giúp tiêu trừ yêu ma, mang lại bình an cho dân làng.
Đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long –
Hà Nội, chùa Viên Định lại có thêm một “báu vật” của Phật pháp Việt Nam,
đó là bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng được xem là lớn nhất miền Bắc.
Đại đức Thích Chơn Phương cho biết bức tượng do các nghệ nhân tài hoa
của làng nghề đúc đồng nổi tiếng Ý Yên (tỉnh Nam Định) lao động miệt mài
suốt một năm ròng và được rước về an vị tại chùa đúng dịp lễ lớn của
dân tộc.
Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối
cao 3m, trọng lượng 5,7 tấn, đặt ở vị trí trung tâm của cảnh chùa, xung
quanh bài trí thêm các tiểu cảnh, chậu cây, tượng nhỏ, được bài trí tỉ
mỉ càng tôn lên vẻ hài hòa uy nghiêm của pho tượng.
“Hiện thân” Đức Phật tỏa sáng
Chùa cổ Viên Đình nổi tiếng là nơi lưu
giữ số lượng hạt xá lợi Phật và xá lợi thánh tăng nhiều bậc nhất Việt
Nam. Xá lợi là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, long lanh như ngọc,
lửa thiêu không cháy, là phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ trà tỳ
(hỏa thiêu) nhục cốt của Đức Phật và các vị cao tăng.
Theo lời Đại đức Thích Chơn Phương, xá
lợi là hiện thân kỳ diệu của Đức Phật và các vị cao tăng đắc đạo, nơi
nào có xá lợi thì đất đai ở đó màu mỡ, cây cối tươi tốt, dân chúng no
ấm, đủ đầy. Tùy theo công phu tu tập và sinh khí mỗi vùng mà các hạt xá
lợi mang màu sắc khác nhau.
|
Tượng Phật bằng đồng lớn bậc nhất miền Bắc. |
Sự hội tụ của các hạt xá lợi ở chùa Viên Đình giống như một thứ
nhân duyên. Sư thầy trụ trì đã có dịp đặt chân lên nhiều vùng đất trên
thế giới để truyền bá và học hỏi kiến thức Phật pháp như Thái Lan, Ấn
Độ, Đài Loan, Nêpan, Trung Quốc, Mỹ…
Kỳ lạ là mỗi chuyến đi, nhà sư lại
thường được các tăng ni Phật tử ở những nơi này tự nguyện phát tâm cúng
dường xá lợi. Trong đó phải kể đến duyên kỳ ngộ trong lần đầu tiên Đại
đức hành hương sang cái nôi của Phật giáo là Ấn Độ, ngài đã có dịp gặp
gỡ hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới,
trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự tại đây.
Nghe kể về lịch sử nhiều bí ẩn của
ngôi chùa Viên Đình, hòa thượng đã phát tâm cung tiến cho chùa một viên
xá lợi của chính đức Thích Ca Mâu Ni.
Theo nhà sư Thích Chơn Phương giải
thích, đó là một trong những viên xá lợi hiếm hoi được thỉnh từ Nepal và
là một trong 8.400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi ngài hóa diệt.
Cứ như thế, hiện trong chùa đã có
khoảng 30 bảo tháp, mỗi tháp chứa hàng chục đến hàng trăm xá lợi to nhỏ
khác nhau, từ xá lợi máu, xá lợi tóc, xá lợi xương… của các vị cao tăng
Phật pháp, với nhiều xuất xứ khác nhau đến từ 8 quốc gia trên thế giới.
Mỗi hạt có một hình khối, kích cỡ, đặc tính khác biệt, nhìn từ các góc
cạnh khác nhau mỗi hạt lại phát ra một thứ màu sắc riêng, vừa lung linh
vừa kỳ ảo.
Có hạt tròn xanh lóng lánh như hòn bi
ve, có hạt lại xù xì bé xíu như viên đá cuội, có hạt nhẵn bóng rất nhẹ,
có hạt lại thô ráp, khô cứng… Mỗi khi có ánh sáng chiếu vào, hàng trăm
hạt xá lợi nhiều màu sắc hòa quyện vào nhau khiến sảnh chùa huyền ảo như
thực như mơ. Chùa Viên Đình được Trung tâm kỷ lục Việt Nam tôn vinh là
ngôi chùa có nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam.
Người ta tin vào sự nhiệm màu, nơi có
nhiều xá lợi quây quần là nơi đất đai thịnh vượng, con người hào kiệt.
Và giống như một cơ duyên hiếm có, số hạt xá lợi được cúng tiến cho chùa
mỗi ngày một tăng, mang đến sự may mắn cho các Phật tử và du khách được
có dịp tận mắt chiêm bái, thông qua câu chuyện về những hạt xá lợi để
phần nào hiểu hơn về Phật pháp.
Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc,
cổ tự ngàn năm vẫn giữ nguyên nét trầm mặc khiêm nhường. Và những “báu
vật” có một không hai cả về lịch sử lẫn giá trị tâm linh đang được nâng
niu cất giữ trong ngôi chùa vẫn ngày càng “tỏa sáng”, trở thành niềm tự
hào chung của người dân trên vùng đất Đông Lỗ.