TIỂU SỬ Tỳ Kheo Thích Hồng Tại Tức ĐOÀN TRUNG CÒN (1908-1988) Nhà Phật Học Miền Nam. Học giả Đoàn Trung Còn (1908-1988) Photos: Bình Anson (2008) Thật là thiếu sót, nếu chúng ta không đặt cho nhà học Phật Miền Nam Đoàn Trung Còn một chỗ xứng đáng với công đức của ông, mặc dù việc tìm hiểu, sưu tập còn gặp nhiều khó khăn, từ gia đình cũng như đệ tử nối pháp, vẫn chưa công bố những chi tiết để làm sáng tỏ công nghiệp hoằng dương chánh pháp của ông. Mặc dù vậy, chúng tôi cố gắng ghi chép những gì thu thập được, những thiếu sót, những chi tiết chưa sáng tỏ, mong được nhiều vị đóng góp thêm để bổ sung cho được đầy đủ hơn, để làm thành một tấm gương sáng, cho người học Phật noi theo. Ông Đoàn Trung Còn sinh năm 1908 tại Thắng Nhì, Vũng Tàu. ông có bằng Thành Chung (Diplomat), rồi đi làm tư chức tại Sàigòn. Ông bắt đầu viết về đạo Phật, năm 1931 cho xuất bản các sách: Chuyện Phật đời xưa, Văn Minh Nhà Phật Qua Tàu, Triết Lý Nhà Phật do nhà Agence Saigonnaise de Publicité ấn hành. Sau đó ông cho xuất bản tiếp các sách như: Truyện Phật Thích ca (1932) Tăng đồ Nhà Phật (1934), Các Tông Phái Đạo Phật ở Viễn Đông (1935). Sau ông thành lập nhà xuất bản lấy tên là Phật Học Tùng Thơ để xuất bản những Kinh, sách Phật Giáo do ông soạn, dịch, còn những Kinh sách do chư Tăng hay cư sĩ khác soạn, dịch ông xuất bản trong Phật Học Thơ Xã. Ông cũng xuất bản những sách Khổng giáo hay Hán văn dưới tên nhà xuất bản Trí Đức Tòng Thơ. Ông lập gia đình với bà Lê Thị Tàu, quê ở An Giang, sinh được hai người con, một trai, một gái. Bà mất năm 1985. Ông dùng nhà riêng tọa lạc tại 143 đường Đề Thám (Dixmude cũ), Quận nhứt, Sàigòn để làm nhà Xuất bản Phật Học Tòng Thơ. Năm 1955, ông hợp tác cùng với chư Tăng và thân hữu thành lập Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Giác Hải, Phú Lâm Chợ Lớn. Theo Nội Quy của Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam ghi trong Điều I như sau: Điều I: (bổ túc khoản I trong Bản Điều Lệ) Tịnh Độ Tông Việt Nam cũng có thể gọi là Hội Phật Giáo Tịnh Độ Việt Nam, Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, Giáo Hội Tịnh Độ Tông, hoặc vắn tắc là Tịnh Độ Tông. Bản Điều Lệ của Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam soạn thảo ngày 30-10-1954, Bộ Nội Vụ cho phép Hội hoạt động theo đơn xin thành lập của những vị sau đây: 1. Ông Đoàn Trung Còn, 46 tuổi, sanh ngày 2.11.1908 tại Thắng Nhì (Vũng Tàu), Giám đốc Phật học Tòng thư, 143 đường Dixmude Sàigòn. Ký tên không rõ. 2. Ông Nguyễn Văn Vật, pháp danh Chơn Mỹ, 43 tuổi, sanh năm 1911 tại Chợ lớn, Trụ trì chùa Giác Hải (Phú lâm Chợ Lớn). Ký tên bằng hán tự. 3. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Pháp danh Chơn Minh, 44 tuổi sanh năm 1910, tại Tân Hưng (Sa Đéc), Trụ Trì chùa Giác Chơn 67/B đường Renault, Chợ Lớn. Ký tên bằng hán tự. 4. Ông Lý Trung Hiếu, 60 tuổi, sanh ngày 21.11.1894 tại Trường Thạnh (Cần Thơ), Đốc công Sở công chánh, nhà riêng 262 đường Chasseloup-Laubat, Sàigòn. Ký tên không rõ. Kiểm nhận để đính kèm nghị định số 8 BNV/CT ngày nay Saigon ngày 25 tháng 2 năm 1955 T.U.N. Thủ Tướng Chánh Phủ Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Ký tên không rõQuốc Gia Việt Nam Bộ Nội Vụ, Bộ TrưởngSau nầy, năm 1959 ông xây cất chùa Liên Tông tại số 145 Đề Thám, Giáo Hội Tịnh Độ Tông dời trụ sở về đây hoạt động. Từ năm 1960 đến 1987 chư Hòa Thượng Thích Giác Ý, Hòa Thượng Thích Hồng Ảnh, Thượng Tọa Thích Tuệ Đức đã thay nhau trụ trì chùa Liên Tông, nay là Đại Đức Thích Thiện Huệ. Trong Giáo Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, ông Đoàn Trung Còn giữ chức Trị Sự Trưởng Ban Chấp Sự Trung Ương. Đầu thập niên 70, ông Đoàn Trung Còn xuất gia, thọ giới trở thành tu sĩ Thích Hồng Tại. Dầu đất nước trải qua cuộc bễ dâu, ông vẫn âm thầm sáng tác cho đến ngày viên tịch năm 1988. Giáo Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam tổ chức tang lễ của ông tại chùa Liên Tông sau đó di quan đến nơi hỏa táng ở đồi khuynh diệp của Bác sĩ Tín ở Xa Lộ Biên Hòa. Tỳ kheo Thích Hồng Tại, Trị sự Trưởng Tịnh Độ Tông Việt Nam được hệ phái Tịnh Độ Non Bồng (núi Dinh - Bà Rịa) tôn vinh lên ngôi vị Hòa Thượng sau khi ngài viên tịch. Có bằng Thành Chung, nên ông Đoàn Trung Còn thông thạo Pháp Văn, với vốn Hán Văn học ở nhà trường ông đã trao dồi thêm nên có thể dịch Kinh Phật và sách Hán văn, ông tự học chữ Phạn, cho nên kinh Phật dịch ra ông còn chua thêm chữ Pháp và chữ Phạn . Nhiều Kinh sách của ông in đến lần thứ hai và cũng có kinh sách in lần thứ ba như quyển Tăng Đồ Nhà Phật,Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Các Kinh sách ông soạn dịch, có bộ Phật học từ điển (3 quyển), chẳng những được tái bản trong nước và cả ở hải ngoại, thật là một công trình quí giá, chứng tỏ ông nghiên cứu nghiêm túc, có phương pháp, hiểu rộng và chuyên sâu giáo lý đạo Phật. Những kinh, sách do tự ông hay cộng tác với người khác soạn dịch, xuất bản trong Phật Học Tòng Thơ gồm có: 1. Truyện Phật Thích Ca 2. Du lịch xứ Phật 3. Đạo lý nhà Phật 4. Chuyện Phật đời xưa 5. Văn minh nhà Phật. 6. Triết lý nhà Phật. 7. Lịch sử nhà Phật. 8. Pháp giáo nhà Phật 9. Tăng đồ nhà Phật (1934) 10. Các tông phái đạo Phật. 11. Diệu pháp liên hoa kinh (1936).(In lần thứ ba 1969) 12. Một trăm bài kinh Phật. 13. Na Tiên Tỳ kheo kinh. 14. Mấy thầy tu huyền bí. 15. Tam bảo văn chương. 16. Pháp Bảo đàn kinh, cùng dịch với Huyền Mặc Đạo Nhơn (1947) 17. Vô Lượng Thọ kinh. Hán Việt. 18. Quán Vô Lượng Thọ kinh. Hán Việt (1947) 19. Địa Tạng kinh. Hán Việt. 20. Di Lặc kinh. Hán Việt. (in lần thứ hai, 1949) 21. Bồ Tát Giới kinh. Hán Việt (1953) 22. Qui nguyên trực chỉ. 23. Phật Học từ điển. Việt, Hán, Pháp, Phạn (1963) 24. Yếng sáng Á châu 25. Kim cang kinh. Hán Việt 26. Chư Kinh tập yếu (A Di Đà Kinh, Phổ môn, Tứ thập nhị chương kinh, Phật Di giáo kinh, Vô lượng nghĩa Kinh). Hán Việt 27. Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh Hán Việt (1971) 28. Đại Bát Niết Bàn Kinh Hán Việt. Những kinh, sách, tranh tượng do người khác viết, vẽ xuất bản trong Phật Học Thơ Xã gồm có: 1. Sự tích Phật A Di Đà. 2. 48 lời nguyện của Phật A Di Đà. 3. A Di Đà Kinh (in chung trong Chư Kinh tập yếu).. 4. Kinh Tam Bảo (Di Đà, Hồng danh, Vu lan, Phổ môn, Kim cang) 5. Phật pháp vở lòng. 6. Sách nấu đồ chay. 7. Khuyên tu Tịnh độ. 8. Thành Đạo. 9. Học Phật Chánh pháp. (Sa môn Hiển Tánh) (1942) 10. Quan Âm thị Kính. 11. Nước Ấn độ trước Phật. 12. Quan Âm linh xăm. 13. Tượng Phật A Di Đà. 14. Tượng Phật Thích Ca. 15. Tượng Phật bà Quan Âm. Những sách Khổng giáo, Hán văn do ông Đoàn Trung Còn soạn dịch xuất bản trong Trí Đức Tòng Thơ gồm có: 1. Truyện đức Khổng tử 2. Nhị thập tứ hiếu (Hán Việt) 3. Hiếu Kinh (Hán Việt). 4. Tam tự Kinh (Hán Việt). 5. Tứ thơ: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử (Hán Việt). 6. Tam thiên tự (3 cuốn: 1 cuốn in theo xưa Hán Việt, 1 cuốn in theo Tiểu tự điển Hán Việt Pháp, 1 cuốn in theo Tiểu tự điển Pháp Hán Việt) 7. Minh Đạo Gia Huấn (Hán Việt) 8. Ngũ thiên tự: 2 quyển: 1 quyển theo xưa, 1 quyển theo lối tự điển Hán, Việt, Pháp 9. Học Chữ Hán một mình. Nhờ những Kinh điển ông soạn dịch từ năm 1931, giúp cho nhiều người hiểu được giáo lý đức Phật, ông góp công không nhỏ trong sự nghiệp canh tân Phật giáo Việt Nam từ thập niên 30 trở về sau nầy. Thiền tông hay Tịnh Độ tông cũng đều là tông phái lớn, lâu đời của Phật giáo Bắc Tông. Cho nên sự nghiệp truyền bá Phật Pháp, xiển dương Tịnh Độ, ông đáng được tôn vinh một Phật tử chân chánh, một Tỳ kheo giới đức. Soạn ngày 23 tháng 8 năm 2002 PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông(http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-14134_5-50_6-1_17-126_14-1_15-1/) |