Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tiểu sử Ni sư Thích Đàm Nguyện
Môn đồ pháp quyến
23/10/2011 17:50 (GMT+7)


TIỂU SỬ
NI SƯ THÍCH ĐÀM NGUYỆN
TRỤ TRÌ TỔ ĐÌNH PHÚC QUANG – CHÙA ĐÌNH QUÁN
PHÚ DIỄN – TỪ LIÊM – HÀ NỘI
( 1954 -2011 )
I. THÂN THẾ VÀ GIA TỘC
 
Ni sư Thích Đàm Nguyện –húy Quảng Kiến, Hiệu Chân Bảo Lâm, thế danh Hoàng Thị Hiển. Sinh ngày 23 tháng 8 năm 1954 (Giáp Ngọ) tại xã Quỳnh Phương – huyện Quỳnh Lưu – Tỉnh Nghệ An.
 
Thân phụ là cụ ông Hoàng Đình Cần, pháp danh: Quảng Mẫn
 
Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chưng, pháp danh Nguyên Chước, tự Từ Hàng.
 
Song thân của Ni sư là Phật tử thuần thành, kính tin Tam Bảo, tư chất hiền lương. Ni sư có 4 anh chị em,1 anh trai liệt sĩ, 3 chị em gái. Ni sư là con út trong gia đình.
 
Năm 1958 (4 tuổi), gia đình Ni sư chuyển ra sinh sống tại huyện Tĩnh Gia – tỉnh Thanh Hóa.
 
II. THỜI NIÊN THIẾU VÀ XUẤT GIA TU HỌC
 
Ngay từ thưở thơ ấu, Ni sư thường theo mẹ đến chùa lễ Phật,do túc duyên gieo trồng từ nhiều kiếp lòng mến cảnh già lam ngày càng sâu đậm.
 
Năm 11 tuổi (1965) Ni sư quyết tâm xin cha mẹ xuất gia làm đệ tử Sư Cụ Thích Nguyên Bản – hiệu Hội Huân chùa Phúc Tường – xã Hải Yến – huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa thuộc dòng Lâm Tế chánh tông.
 
Năm 13 tuổi (1968), được Sư cụ thế phát xuất gia, đặt tên Hạnh Nguyện, pháp danh Quảng Kiến. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ni sư luôn cố gắng làm tròn bổn phận người đệ tử Phụng Phật Sự Sư.
 
Năm 1970 Nhân chuyến đi Hà nội chữa bệnh, Sư Cụ Nguyên Bản được gặp Sư cụ Đàm Ánh tại chùa Quán Sứ. Vì tâm nguyện lo cho tương lai đệ tử mình nên Sư Cụ đã cúng Ni sư cho Sư Cụ Đàm Ánh – trụ trì chùa Phụng Thánh – ngõ Cống Trắng – phố Khâm Thiên – Đống Đa- Hà Nội thuộc dòng Tào Động nhận làm đệ tử.
Sau gần 3 năm chuyên cần tu học, Năm 18 tuổi (1972), Ni sư được Ni trưởng và chư Tôn đức ni trao truyền sa di ni và thức xoa ma na giới tại Giới Đàn Chùa Quan Hoa – do ni trưởng Thích Đàm Đễ làm thầy Hòa Thượng – Ni trưởng Thích Diệu Liên làm thân giáo sư.
 
Ni sư đón nhận giới pháp với tâm niệm chí thành Thượng cầu hạ hóa
 
Năm 1973 -1975, Ni sư được Sư Trưởng cho theo học lớp Trung Tiểu Phật Pháp TW  do Pháp Sư Thích Trí Độ làm hiệu trưởng.
 
Nhờ công phu hành trì giới luật, năm 23 tuổi(1976)  Ni sư được Sư Trưởng cho đăng đàn thụ Cụ túc giới tại Tổ đình Cổ Lễ - Nam Định. Chính thức tham dự vào hàng Tăng Bảo.
 
Với lòng khát khao cầu học Phật pháp. Năm 1977 – 1985 Ni sư theo học khóa Phật học dài hạn tại chùa Quán Sứ sau đổi thành Cao Cấp Phật Học nay là Học Viện Phật Giáo.
 
Do đức tính khiêm tốn hiền hòa, chuyên cần hiếu học nên ở đâu cũng được bạn đồng tu quý mến. Ni sư là 1 trong những học tăng đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc của trường.
 
III. THỜI KỲ HOẰNG ĐẠO
 
Sau khi tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật học khóa 1 Ni sư được giữ lại tham gia công tác Phật sự tại Văn phòng 1 TW GHPGVN.
 
Từ những năm 1988. Được các cấp Giáo hội và Sư trưởng cho phép, cùng sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, chính quyền, mặt trận, và lòng tha thiết của nhân dân địa phương, Ni sư nhận trọng trách trụ trì Tổ đình chùa Phúc Quang thuộc Thôn Đình Quán – xã Phú Diễn – Từ Liêm - Hà Nội. Trong hoàn cảnh chùa chiền dột nát, vô cùng khó khăn, Ni sư đã dồn hết tài lực, trí lực cùng nhân dân phật tử địa phương không quản gian lao vất vả xây dựng lại ngôi Tam Bảo ngày một khang trang tố hảo, nơi đây không những để phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân thập phương, mà còn là một trung tâm tu tập thiền quán của các Phật tử gần xa.
 
Công đức của Ni sư thật là to lớn:
 
Công ai đổ xuống đất này
Để cho đạo pháp ngày ngày đơm hoa”.
 
Với hạnh nguyện hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh Ni sư thường xuyên tổ chức các khóa tu tập cho phật tử, giảng kinh thuyết pháp, hướng dẫn thiền tập, đồng thời cung thỉnh chư Tôn đức trưởng thượng về tuyên dương chính pháp, in kinh sách, kinh điển tặng cho nhân dân tín đồ phật tử, giúp mọi người hiểu rõ phật pháp, bỏ ác làm lành, phát huy chính tín.
 
Đối với các việc từ thiện xã hội Ni sư rất tích cực và khuyến hóa mọi người cùng tham gia: cứu trợ thiên tai bão lụt, giúp đỡ những gia đình nghèo khó, neo đơn, và các bệnh nhân bị bệnh nan y.
 
Đối với Giáo hội, Ni sư là thành viên của Tòng lâm Quán sứ, là nhân sự của Văn phòng 1 TWGHPGVN,  là thành viên của ban Hoằng pháp TW, Ban Hoằng Pháp Thành Hội PG Hà Nội khóa 4,5. Tham gia giảng dạy trường Trung cấp Phật học khóa 3,4.
 
Ở cương vị nào  Ni sư cũng luôn cố gắng hoàn thành trọng trách của mình.
 
Với tâm nguyện: “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật Ân Ðức” , Ni sư tiếp độ được 14 vị đệ tử, đến nay đã trưởng thành, đều tốt nghiệp Học viện, Cao đẳng, Trung cấp Phật học do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đào tạo. Các đệ tử của Ni sư hiện tại là trụ trì các trụ xứ ở Hà nội và các tỉnh thành, những vị đệ tử lớn đang phục vụ cho công tác giáo dục và các phật sự khác của Giáo hội.
 
Mặc dù tham gia nhiều phật sự, nhưng Ni sư vẫn chí thành cầu học. Năm 1994, Hội đủ duyên lành Ni sư được tham học với thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai, Pháp quốc và được nhận kệ truyền đăng với pháp hiệu Chân Bảo Lâm:
 
Đàm hoa thường nhuận sắc
Nguyện hải cánh do thâm
Giác tâm hương diệu khiết
Vạn đại khả truyền đăng”
 
V. Thời kỳ lâm bệnh:
 
Từ năm 1994 Ni sư đã mắc chứng bệnh nan y nhưng rất kiên trì chữa trị Đông tây y kết hợp tại các bệnh viện trong nước và nước ngoài. Song thời gian trôi qua mỗi ngày bệnh một tăng, sức khỏe của Ni sư càng giảm sút, thân thể như cây kém nhựa héo dần, tuy bị bệnh tật chi phối nhưng Ni sư vẫn an nhiên tự tại chăm lo phật sự, dạy bảo đệ tử, ngày đêm sáu thời thường tinh tiến thực tập thiền định, quán chiếu kinh tứ niệm xứ.
 
Sau mùa an cư 2011, bệnh của Ni sư ngày càng chuyển nặng, mặc dù được các đệ tử, thân quyến, tập thể y bác sĩ tận tình chăm sóc và chữa trị,  nhưng thuận thế vô thường Ni sư đã thâu thần thị tịch vào hồi 6h sáng ngày 24 tháng 9 năm Tân mão (tức 20/10/2011) tại tổ đình chùa Phúc Quang thôn Đình Quán, Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, trụ thế 58 năm, và 36 giới lạp.
 
“Cơn đau vừa chấm dứt
Sinh tử giải thoát rồi
Ni Sư giờ đã thảnh thơi
Bên kia thế giới mỉm cười an nhiên”
 
Sự ra đi của Ni sư là 1 mất mát lớn đối với giáo hội, môn đồ pháp quyến. Tứ chúng đồng thương tiếc 1 bậc danh ni đã trọn đời cống hiến cho đạo pháp và xã hội. Công đức và hành trạng của người mãi mãi là tấm gương sáng để hậu học noi theo.
 
Nam mô Bảo Lâm tháp, Tỳ kheo ni Bồ Tát giới Thích Đàm Nguyện, pháp húy Quảng Kiến, Hiệu Chân Bảo Lâm giác linh thiền tọa hạ.

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/2/18/16734.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang