Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Điều bí mật trong tâm hồn người Tây Tạng
15/02/2012 09:04 (GMT+7)

Phải nói thật lòng, tôi sợ những chuyến du lịch theo tour tới những địa điểm du lịch nổi tiếng. Bởi phàm những nơi có nhiều sự can thiệp phía con người, cảnh sắc không còn được tự nhiên và ngay cả những người dân cũng đã không còn hồn hậu, chất phác nữa. Tôi đã từng chứng kiến một vùng đất, đến những con người của vùng đất đó bị đồng tiền làm cho thay đổi như thế nào.

Shangri-La, trước đây có tên là Trung Điện, vốn là thủ phủ châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh thuộc tỉnh Vân Nam. Được đổi tên thành Shangri-La vào năm 2001 theo tên một địa danh hư cấu trong tiểu thuyết Lost Horizon – Chân trời đã mất của nhà văn Anh James Hilton.

Trong tiểu thuyết này, "Shangri-La" là một thung lũng huyền thoại, dẫn đến từ một tu viện Lạt ma giáo nằm trong vùng phía tây cuối dãy núi Côn Lôn. Shangri-La đã trở nên đồng nghĩa với bất kỳ thiên đường hạ giới nào, đặc biệt với xã hội không tưởng Hymalaya huyền thoại - một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn, biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong tiểu thuyết Lost Horizon, những người sinh sống ở Shangri-La gần như bất tử, sống lâu vượt quá tuổi thọ thông thường và chỉ có bề ngoài lão hóa rất chậm.

Những truyền thuyết đầy huyền bí đó kéo tôi đến với Shangri-La. Đến để khám phá vùng đất huyền ảo, dấu gạch nối với miền đất phật Tây Tạng. Khám phá văn hóa Tạng và khám phá tâm hồn của những người Tạng hồn hậu chất phác. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bầu trời cao vời vợi và trong vắt đến nao lòng khi đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay Shangri-La. Cũng phải nói thêm rằng, sân bay này tuy nhỏ nhưng lại là một trong những sân bay để lại cho tôi nhiều ấn tượng

nhất bởi phong cách rất riêng của nó. Ngay cái nhìn đầu tiên, kiến trúc, hoa văn, họa tiết trên những bức tường ở phòng chờ sân bay như muốn nói với du khách rằng: Chào mừng quý khách đến với vùng đất của chúng tôi, vùng đất của những điều huyền bí đẹp đẽ. Nó giống như, khi chúng ta bước chân vào một thế giới khác.

Những con đường ở Shangri-La thì sạch và thoáng đãng. Những con người ở Shangri-La có gương mặt ửng hồng như trái táo và hào sảng như gió cao nguyên. Điểm du lịch đầu tiên tôi chọn đến là công viên quốc gia Potaso. Công viên quốc gia Potaso nằm ở độ cao trên 4000m so với mặt nước biển, nơi có hồ Bitahai - địa điểm mà khách du lịch không thể không tới khi đến Shangri-La. Bao quanh hồ là con đường dài gần 5km được lát bằng gỗ thông. Cũng giống như những con ngõ trong phố cổ Shangri-La - trên mặt đường hoàn toàn không thấy bóng dáng của rác.

1. Tôi gặp người phụ nữ Tạng đi lượm rác ở ven hồ. Chị chừng 45 tuổi, nụ cười lấp lánh dưới ánh nắng mai. Ban đầu tôi tưởng chị là người thu gom phế liệu để bán lấy tiền nhưng khi hỏi chuyện thì biết, chị là nhân công của khu công viên quốc gia này. Chị bảo, lương 1000 tệ mỗi tháng (khoảng hơn 3 triệu VND), số tiền này vừa đủ cho sinh hoạt của chị mỗi tháng.

Nhìn chị cặm cụi cạy mảnh nilon bé bằng nửa đốt ngón tay đang dính chặt trên mặt gỗ, bảo chị bỏ đi, không ai thấy đâu thì chị trả lời, làm sạch công viên là trách nhiệm của chị nên rác bé cũng phải nhặt sạch.

Thực lòng, câu trả lời của chị khiến cho tôi hơi ngạc nhiên và có một chút xấu hổ. Lẽ ra, người phụ nữ ấy hoàn toàn có thể làm việc một cách quấy quá bởi khu công viên quá rộng lớn và không hề có ai giám sát công việc của chị. Hơn thế nữa, số tiền mỗi tháng chị được trả để làm công việc này không nhiều. Nhưng tôi hoàn toàn không nhìn thấy có bất kỳ một sự ngượng ngập nào trong đôi mắt của người phụ nữ Tạng ấy khi trả lời những câu hỏi từ một du khách là tôi.

Tôi nhìn thấy sự tự hào trong đôi mắt của chị, sự tự hào khi kiếm sống bằng chính đôi tay của mình với một công việc lương thiện. Tôi nhìn thấy tình yêu trong đôi mắt của chị, tình yêu khi được làm sạch, làm đẹp cho mảnh đất quê hương yêu dấu của mình. Ánh mắt ấy khiến cho tôi nghĩ rất nhiều về chính mình, về những người bạn của mình, về cả những con người trên quê hương tôi, những người sẽ cảm thấy xấu hổ nếu họ phải làm công việc nhặt rác, những người sẵn sàng gian dối nếu không có ai giám sát, những người không có chút tình yêu với mảnh đất mà mình đang sống, những con người chỉ có biết đến đồng tiền.

2. Shangri-La cách Tây Tạng chỉ chừng 700 cây số. Dân ở đây cũng chủ yếu là người Tạng. Đền thờ Songzanlin là ngôi đền lớn của phật giáo dòng mật tông Tây Tạng nằm trên một ngọn đồi cao. Sau khi say sưa giảng giải cho du khách về kết cấu và ý nghĩa của ngôi đền, anh hướng dẫn viên người Tạng có biệt danh là Tiểu Hắc lại ngồi chờ đoàn khách tiếp theo, anh trò chuyện với tôi trong lúc chúng tôi cũng dừng chân nghỉ ngơi ngay bên cạnh khu vực của tổ hướng dẫn.

Tôi: Anh làm ở đây lâu chưa?

Tiểu Hắc: 2 năm rồi.

Tôi: Lương cao không?

Tiểu Hắc: Đủ dùng.

Tôi: Tiền thì bao nhiêu cho đủ?

Tiểu Hắc: Biết đủ là đủ.

Tôi: Anh định làm ở đây lâu không?

Tiểu Hắc: Khoảng 5 năm.

Tôi: Tại sao lại là 5 năm?

Tiểu Hắc: Quãng thời gian này là để công đức cho đền, sau này đi làm việc khác sẽ rất thuận lợi vì Phật sẽ phù hộ.

Có một câu thành ngữ, hẳn không xa lạ gì với người Việt Nam: “Bụt chùa nhà không thiêng” hoặc diễn giải ra bằng một câu nói nghe có vẻ chua chát: “Ngọn đèn soi không sáng dưới chân đèn”. Thế nhưng những người Tạng sống ở dưới chân đền Songzanlin lại là những người ngấm ánh sáng của Phật pháp nhiều nhất. Câu trả lời của anh hướng dẫn viên du lịch “cây nhà lá vườn” khiến cho tôi vô cùng kinh ngạc. Có những con người nghiên cứu về Phật học cả đời nhưng có lẽ chưa thể nào đạt đến vô thường giống như anh hướng dẫn viên có vẻ bề ngoài hung tợn ấy. Còn tôi, cả cuộc đời mải mê kiếm tìm, chắc gì đã biết thế nào là đủ ?

3. Sau khi tham quan một vòng ngôi đền Songzanlin, chúng tôi thong dong thả bộ trên những bậc thang trở xuống. Cậu tiểu tôi gặp trên đường xuống đền vui vẻ nhận lời chụp ảnh cùng. Cậu 14 tuổi, gương mặt khôi ngô ửng đỏ vì cái nắng cao nguyên. Cậu bảo vào đền tu được 3 năm, hoàn toàn vì thích chứ không bị ai ép. Công việc ở đền chỉ là ăn, ngủ và đọc kinh. Cậu không cảm thấy vất vả mà vui vì được đọc kinh dưới chân Phật.

Gương mặt khôi ngô của cậu bừng sáng khi cậu say mê nói về cuộc sống trong ngôi đền. Nó xua tan đi tất cả những sự mệt mỏi sau một ngày dài rong ruổi trên những con đường. Nụ cười ấy sẽ còn theo tôi mãi, cả khi tôi đã dời mảnh đất Shangri-La.

4. Đó chỉ là ba trong số rất nhiều khuôn mặt mà tôi đã gặp trong hành trình trên mảnh đất Shangri-La. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ trong mình một niềm băn khoăn: Điều gì đã khiến cho mảnh đất này giữ được vẻ đẹp huyền ảo đến như thế, điều gì khiến cho con người ở mảnh đất này giữ được vẻ đẹp mộc mạc của tâm hồn đến như thế? Ánh sáng của phật pháp đã ngấm vào những mạch nước ngầm nên tâm hồn những người Tạng nơi đây lung linh đến như vậy? Hay tự nhân những người Tạng ở vùng đất thiên đường hạ giới tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết này đã miễn nhiễm với bụi trần từ thế giới bên ngoài ? Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa có câu trả lời cho những câu hỏi ấy.

Cả ba gương mặt tôi đã gặp, đã trò chuyện đều có chung một đặc điểm mà tôi thấy mình còn đang thiếu: Nụ cười mãn nguyện và sự tận tâm. Tôi sẽ còn trở lại nơi này và xa hơn là mảnh đất Tây Tạng huyền bí. Để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi vẫn còn đang đau đáu.

Theo Đông Dương - CAND

Các tin đã đăng:
Về đầu trang