và thế là nó viết nên một dấu
chấm hay một nét ngang, nét xổ của trang lịch sử Hà Thành, mà ta gọi đó
là ngoại sử. Ngoại sử ấy là tâm hồn, nếp sống, phong cách cứ đầy lên
theo thời gian. Không thể thành ra Hà Nội nếu không có những điều nhỏ
nhặt đó.
Ô Quan Chưởng
Khoảng những năm 1953 và kéo dài thêm mấy năm sau đó,
đầu phố Hàng Bài, trông sang chỗ ngày nay là Trung tâm thương mại Tràng
Tiền, có một quán bán một món ăn khá đặc biệt. Một ngôi nhà lớn, được
ngăn ra một gian nhỏ có chiều sâu, tường lát gỗ đánh vec ni nâu khá yên
tĩnh, lúc nào cũng văng vẳng bản nhạc cổ điển như một thứ nhạc nền, nó
như hồn của im lặng cho hồn người vào đây thanh thản đôi chút. Lúc là
bài Danuýp xanh, lúc là bài Phiên chợ Ba Tư, lúc khác lại là bản giao
hưởng... nhưng các nhạc cụ hình như đều nghe nhau, nhường nhau, chỉ vừa
đủ gây cảm xúc trầm lắng, mặc kệ ngoài kia luôn inh ỏi những âm thanh
phố phường...
Khách ngồi một góc, gọi một món hiền lành, một đĩa
kem caramen màu vàng nhè nhẹ loáng ướt phía trên là chất đường đã chín
thành màu nâu. Đĩa caramen chỉ là cái cớ để ngồi, khách phiêu du trong
âm nhạc và trong khói thuốc, trong tâm sự thầm kín chỉ mình biết với
mình... Khách có vẻ trí thức, quần áo chỉnh tề, nói nhỏ nhẹ, có khi hàng
giờ đồng hồ ngồi lim dim đôi mắt mà chẳng nói năng, có lẽ tiếng nhạc du
dương kia đã nói hộ bao lời, nên chỉ cần vào đây cho tiêu đi chút thì
giờ không biết làm gì, cho vợi nỗi nhớ nhung xa vắng, mà món ngon đặt
trước mặt kia cũng không phải là thứ cần cho đỡ đói hay đỡ khát.
Khách
đã vậy, chủ cũng như lây bệnh của khách, đi ra đi vào lướt nhanh như
chiếc bóng, không giục giã khách, không cần đông khách mà hình như mở
cửa hàng để được tiếp xúc với nhiều người chứ không cần lời lãi...
Đó
là quán Milk bar, không bao giờ rộn rã như Thủy Tạ hay đông đúc như Nhà
hàng Bôđêga bên Tràng Tiền. Thời điểm đó món caramen mới xuất hiện, nó
ngon, nó lành, nó mát, mà sau đó dần dần caramen trở thành món quen
thuộc, nhiều gia đình có thể làm lấy, có người đi mua hàng chục hộp về
ăn cả ngày. Có lẽ cũng vì thế mà quán Milk bar kia đóng cửa lúc nào, chủ
hàng là ai, đã phiêu bạt đến nơi nào, kể cả những người khách chỉnh tề
nghiêm trang từng ngồi tựa lưng vào bức tường lát gỗ, vừa nghe nhạc êm
đềm vừa lãng đãng nghĩ suy... ai còn ai mất, ai đang Hà Nội hay đã
phương trời nào... Nhưng cái quán nho nhỏ, êm đềm, lúc nào cũng chỉ thưa
thớt vài ba người khách trầm tư trong nét nhạc xa vắng đã là hình ảnh
một thời chưa xa lắm với Hà Nội.
Patê là món ăn quen thuộc, dùng để ăn với bánh mì. Nhưng hiện nay món patê nóng, gọi là patêsô thì đã vắng bóng ở Hà Nội.
Khoảng
trước sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, ở ngã tư Hàng Dầu, Hàng Sũ,
một cửa hàng cà phê nhỏ, mặt nhìn chéo ra đường, có tên cà phê Tùng
Linh. Cà phê ở đây chỉ thường thường bậc trung, phải kính nể những hàng
cà phê đã nức tiếng như cà phê Giảng ở 88 phố Cầu Gỗ, cà phê Nhân ở 100
phố Cầu Gỗ, hoặc cà phê Bằng ở phố Lý Quốc Sư hay cà phê Hợp ở 38 phố
Trần Xuân Soạn, mà sau đó, không hiểu vì sao, cà phê Bằng và cà phê Hợp
tự đóng cửa và mất hút vào vô định, không ai còn thấy dư âm nào nữa. Còn
cà phê Nhân và cà phê Giảng thì vào quốc doanh. Ông Nhân mất đi, có các
con nối nghiệp. Còn ông Giảng trở thành nhân viên kỹ thuật chuyên pha
cà phê ở quán Gió trong công viên Thống Nhất, đến khi về già, ốm đau
không đi làm được nữa.
Cà phê Tùng Linh không có gì đặc sắc,
nhưng có một món bánh ngon, đặc biệt, nổi tiếng một thời, tạo ra hương
vị Hà Nội khó quên một giai đoạn. Đó là món patêsô. Mỗi chiếc bánh nho
nhỏ, to bằng nắm tay trẻ, ngoài là bột mì rán giòn, trong là nhân thịt
xay nhỏ có trộn hành hoa, hạt tiêu và những thứ gì đó mà bí mật nhà
nghề, ta không biết, nó không phải là patê ăn với bánh mì, mà là một thứ
bánh ăn nóng, có vị ngọt, thơm, đậm, béo, bùi... Khách vào gọi cà phê
và bánh, nhà hàng mới rán, nên bánh bao giờ cũng nóng dù là ăn sáng hay
chiều hoặc đêm hơi ngả về khuya.
Chủ cà phê Tùng Linh là ông
Nguyệt Diệu, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, đã có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật
nổi tiếng, nghe đâu có họ hàng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, người
đã chụp được nhiều ảnh quí với các nghệ sĩ trong chống Pháp, từ Thế Lữ
đến Nguyễn Tuân, Xuân Diệu...
Hàng cà phê Tùng Linh với món bánh
patêsô hầu như luôn có một số khách hàng quen thuộc. Ở đây không có âm
nhạc, ánh sáng cũng không chói chang gay gắt. Nó như một nơi để đôi ba
người ngồi tâm sự cùng nhau trong chốc lát, cùng nhau ăn miếng bánh ngon
và uống ngụm cà phê thơm thơm cho đậm đà câu chuyện chứ không phải vì
đói hay khát mà phải tìm hàng ăn uống. Những mái đầu chụm vào nhau kia,
họ nói gì với nhau, chắc có khi là tin tức ngoài kháng chiến, có khi là
trao đổi một ý tưởng để đêm nay về sáng tác chăng? Có mái tóc bồng bềnh,
có đôi mắt sâu thẳm, có cánh tay gầy và dài, có lời ngập ngừng... mà xế
cửa kia, cây đa đền Bà Kiệu cứ toả bóng vào Hà Nội như giữ gìn cho bí
mật thêm.
Bẵng đi một thời gian, quán cà phê Tùng Linh cùng món
patêsô đặc biệt bị cuốn xô về đâu chẳng biết. Các cửa hàng cà phê đều
vào mậu dịch quốc doanh, rồi chiến tranh và Hà Nội lao mình đi trong
thời gian đầy hối hả... Chớp mắt đã mấy chục năm. Ông Trần Văn Lưu đã
thiên cổ cùng những người ông ghi họ vào trang ảnh. Còn nghệ sĩ Nguyệt
Diệu đã đem món quà ngon Hà Nội ấy đi về đâu nhỉ?
Cách ăn quà,
uống cà phê của thời kỳ sau này đã thay đổi khá nhiều, quán cà phê phải
có nhạc Rốc, phải chấp chới ánh đèn, phải bàn chuyện làm ăn, phải ồn ã
như xem bóng đá... Cho nên loại hàng cà phê Tùng Linh chỉ còn là dư
bóng. Cho nên một Hà Nội khuất lấp phía xa mờ, nó thành một nét ngoại sử
của một thời điểm chưa xa lắm, mà thế hệ mới lớn lên có thể không hình
dung ra hết.
Còn có bao nhiêu chuyện đáng được ghi ra như hàng
bánh giò phố Phùng Hưng gọi là bánh giò Đờ măng. Hàng cà phê gánh ở đầu
ngã ba Hàng Bông và Phùng Hưng, trông sang nhà trồng răng Minh Sinh có
cô con gái giỏi võ, quật ngã liền mấy tên côn đồ. Đó là gánh cà phê ông
Nuôi... Lại còn mấy bác Hoa kiều người to béo như ông phỗng Di Lặc,
chuyên cởi trần đứng bên cạnh cái thớt gỗ dầy đến 40 phân, chắc cắt
ngang cả một thân cây gỗ, chém chặt phăng con lợn quay, con ngỗng quay,
rồi buộc thành chiếc toòng tèng như phù thủy, bắt quyết và đọc thần chú.
Cửa hàng Tân Phúc Điền ở phố Hàng Buồm đã phai mờ không dấu vết, nhưng
những miếng thịt quay ấy hình như còn phảng phất nét trần tục của một Hà
Nội làm ăn...
Hình ảnh ông Tàu phở xưa ở Hà Nội
Ta đi trong Hà Nội hôm nay, dưới bóng cây và
trong ánh đèn, giữa phố phường nhộn nhịp và bao nhiêu ngon ngọt, chợt
nghĩ về những điều đã tan chìm vào chiều sâu Hà Nội, mới thấy có một Hà
Nội không chỉ rộng dài mà còn sâu thẳm, sâu thẳm hơn những gì ta tưởng
tượng... Bao nhiêu người đã từng chung bóng với ta nhiều thời gian, bây
giờ đang ở góc trời nào trong mây bay gió cuốn hay đang ở một góc ngoại ô
mà ta không biết.
Các nhà viết sử chính thống thì không bao
giờ có thể ghi được cuộc đời bình dị và muôn màu sắc như một món ngon
hay một con người giữa đường như thế. Xin ghi lại đây vài nét nhỏ nhoi
mà cuộc đời cần có nó để tạo nên cuộc đời, để lắng hồn, để yêu mến Hà
Nội ta gửi trọn tâm hồn!
Nhà văn Băng Sơn
Nguon: http://theky21.com.vn/bds/ConstructNews.aspx?cate=1&id=2243