Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hành Hương về đất Phật : Bốn điểm thiêng làm rung động trái tim nhân loại…
25/09/2010 22:42 (GMT+7)

Ấn Độ, một trong hai cái nôi của nền văn minh phương Đông, có thể sẽ giảm đi sức quyến rũ rất nhiều nếu không có ba trong bốn thánh tích thiêng liêng ấy. Nói cách khác, nếu không có Phật giáo, thì Ấn Độ sẽ không còn là Ấn Độ như người ta thường biết. Và, Ấn Độ đã không ngớt tự hào về “người con trai vĩ đại” của mình: Đức Phật - người khai sáng nên một tôn giáo, một kỷ nguyên của Từ bi và Trí tuệ. Bốn địa điểm này gắn liền với cuộc đời hoằng hóa của Ngài, do đó, được xem là bốn điểm thiêng làm rung động trái tim nhân loại. Hàng năm, Tứ động tâm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến Ấn Độ (và Nepal).

Lumbini: khúc hoan ca nhân loại

Điểm thiêng liêng thứ nhất chính là Lumbini, tọa lạc tại làng Rummindei, dưới chân dãy Tuyết Sơn hùng vĩ, cách biên giới Sonauli của Nepal - Ấn Độ 27km. Tại hoa viên này, hơn 2.600 năm trước, trên đường trở về quê hương Devadaha của mình, hoàng hậu Maya đã hạ sanh Thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa). Đó là năm 623 tr.TL, nhân loại đã hoan ca chào đón Đấng Đại giác Thế tôn ra đời.

Điểm quyến rũ nhất của Lumbini chính là khu Vườn Thiêng, rộng 2,56km2 với những thánh tích quan trọng như: hồ Puskarni - nơi hoàng hậu Maya tẩy trần trước khi hạ sanh Thái tử; chùa Mayadevi - nơi bảo tồn nhiều di tích, trong đó có phiến đá in hình dấu chân Phật được phát hiện vào năm 1996, đánh dấu chính xác nơi Thái tử đản sanh; và đặc biệt nhất là trụ đá vua Ashoka (A Dục) với những dòng chữ xác tín điểm thiêng Lumbini: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devanampiya Piyadasi (tức A Dục) ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích Ca, đã đản sanh tại đây…”

 

Những Tăng Ni Phậ tử Việt Nam hành hương về

đảnh lễ tại trụ đá Vua A Dục nơi Phật đản sanh

Đến Lumbini, lòng khách hành hương không khỏi hân hoan rộn rã. Này là bãi cỏ xanh ngát với những thảm hoa khoe sắc màu và hàng ngàn lá cờ ngũ sắc phất phơ trong ánh nắng đầu ngày; này là chiếc ao trong vắt soi mình ngôi chùa thắm đỏ; này là những di tích đền đài miếu mạo của một thuở huy hoàng. Đây đó dưới những tán cây, những nhà sư áo đỏ ngồi thiền hay lễ lạy; Tăng Ni, Phật tử trên khắp năm châu đọc kinh, chiêm bái trước trụ đá cạnh chùa Mayadevi. Không gian Lumbini sâu lắng một nỗi niềm hân hoan khó tả…

Bodh Gaya: ngập tràn thiêng khí

“Tôi đã từng đến chiêm bái Bodh Gaya, nơi khiến cho tôi rúng động nghĩ rằng, Người đã thánh hóa quả đất này bởi những bước chân Người chạm đến những nơi vốn rất trần tục. Tại sao, tôi ngẫm trong nỗi đau, rằng tại sao tôi lại không sinh vào thời ấy, để có thể nhận được những ảnh hưởng thiêng liêng từ Người bằng cả thể xác lẫn tâm hồn”. (Rabindranath Tagore, 1935)

Dường như bất kỳ người con Phật nào cũng cảm nhận giống như bậc thi thánh của xứ Ấn khi đặt chân đến Bodh Gaya. Chỉ cái tên ấy thôi cũng đủ rúng động lòng người. Và chỉ cái tên ấy thôi cũng đủ khiến cho bao nhiêu người quên đi cái đau trần thế, cảm nhận trọn vẹn khí thiêng an lành vẫn còn phảng phất đâu đó nơi mảnh đất này qua hơn 2.500 năm dài dặc!

Với người Phật tử, không có điểm nào thiêng liêng hơn nơi Đức Phật thành Đạo: Bodh Gaya - Bồ Đề Đạo Tràng!

Di tích nền tháp cổ trong vườn  Lumbini

Cách thủ phủ Patna của bang Bihar 115km, Bodh Gaya tọa lạc tại một vùng đất màu mỡ với những cánh đồng xanh ngát được tưới tẩm bởi dòng Phalgu (dòng Ni Liên Thiền xưa kia). Điểm thiêng nhất của Bodh Gaya chính là cội bồ đề hơn 110 năm tuổi - “hậu duệ” của cội “Tất bát la” xưa kia - mà dưới cội cây ấy, Bồ tát Siddhartha, sau 49 ngày đêm thiền định, đã chứng thành Phật quả. Bấy giờ, Ngài dõng dạc tuyên bố: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà; đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi; ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch” (Kinh Pháp cú 153, 154).

Ngay dưới cội bồ đề là tòa Kim cang bằng đồng mạ vàng, dài 2,28m, rộng 1,5m, cao 0,9m, đánh dấu chính xác nơi Bồ tát Thành đạo. Phía đông, trước cội bồ đề, là một tòa đại tháp bằng sa thạch vuông vức mỗi bề 15m, nhọn dần lên đỉnh theo hình kim tự tháp, cao đến 51m.

Mỗi ngày, từ tinh sương đến tối, tại khuôn viên rộng lớn của ngôi đại tháp này luôn có hàng trăm Tăng Ni, Phật tử và khách hành hương chiêm bái. Những vị sư tìm một chỗ yên tịnh đâu đó để thiền định. Nhiều người trải chiếu tại một nơi xa xa, hướng về cội bồ đề và đại tháp lễ lạy. Những đoàn Phật tử nhiễu quanh đại tháp với lời tụng kinh bằng nhiều chất giọng âm vang. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng trang nghiêm càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của không biết bao nhiêu tín đồ đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện…

Sarnath: vang vọng tiếng kinh xưa

“Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà bậc xuất gia phải tránh: một là lợi dưỡng vốn hạ liệt, tục luỵ, phàm phu, không thánh thiện, không lợi lạc; hai là khổ hạnh cũng không thánh thiện, không lợi lạc lại khổ đau. Từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thực hành Trung Ðạo chứng đạt pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn”.

Đó là lời mở đầu của bài kinh Chuyển pháp luân, bài kinh đầu tiên mà Đức Phật thuyết cho năm anh em ông Kiều Trần Như tại Sarnath (Vườn Nai - Lộc Uyển). Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề tại Bodh Gaya, Đức Phật đã đi bộ vượt hơn 250km, ngang qua sông Hằng để đến Sarnath. Và tại đây, Tăng già đã hình thành, và cũng từ đây, những người con Phật có đầy đủ ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.

Nằm cách Varanasi, thánh địa Ấn giáo, chừng 10km, Sarnath là một khu thánh tích quan trọng, gồm nhiều di tích chùa, tháp, viện. Tâm điểm là ngọn đại tháp Dhamekh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VI trên di tích của một ngôi tháp nhỏ hơn có từ thời vua Ashoka, khoảng năm 234 tr.TL, cao 33m với nhiều hoa văn độc đáo.

Tượng Đức Phật thờ phía bên trong Đại tháp-Bồ Đề đạo tràng

Cách tháp Dhamekh không xa hiện còn một ngôi tháp được xây dựng theo lối kiến trúc mới, mô tả quang cảnh thính pháp của năm vị khổ hạnh ngồi vây quanh Đức Phật. Đây là một trong những công trình nổi bậc nhất tại Varanasi, có hình tròn-trụ, cao 43,6m với đường kính tại đế tháp khoảng 28m. Ngoài ra, Varanasi còn có dấu tích của tháp Dharmajajika cao khoảng 61m, và một trụ đá do vua Ashoka xây dựng để kỷ niệm ngày nhà vua thăm viếng Tăng đoàn.

Mỗi ngày, Sarnath đón hàng trăm khách hành hương đến chiêm bái; nhất là vào mỗi sáng - chiều, có rất nhiều Phật tử đến kinh hành quanh tháp hay lễ lạy, ngồi thiền, tụng niệm trên các thảm cỏ. Cạnh đó là một khu vườn rộng với một vài chú nai hiền lành, ngơ ngác như cố minh chứng cho một thời an lành của chúng bên chân Đức Từ phụ.

Kushinagar: nỗi đau dâng tràn

Nếu Lumbini tấu lên những khúc hoan ca, Bodh Gaya ngập niềm linh thiêng rúng động, Sarnath mênh mang sâu lắng, thì Kushinagar chất chứa bao nỗi u hoài. Bởi, đây chính là nơi Đức Từ phụ, sau 49 năm giáo hóa không mệt mỏi, đặt dấu chân lên khắp một vùng rộng lớn của lưu vực sông Hằng, Ngài đã nhập Vô dư y Niết bàn.

Năm 543 trước Tây lịch, vào một đêm trăng tròn tháng Magh (tháng Một-Hai), tại ngôi làng Beluva gần thành Vaishali, Đức Phật đã thuyết về sự vô thường của vạn pháp và tuyên bố rằng ngày niết bàn của Ngài sắp đến. Từ giã Vaishali, Đức Phật bắt đầu cuộc hành trình dài 280km, hướng về ngôi làng Pava, Kushinagar. Nơi đây, ngài đã thọ nhận bữa ăn cuối cùng của bác thợ rèn Chunda và nghỉ tại rừng cây sala bên bờ sông Hiranyavati. Sau khi hỏi trong chúng đệ tử còn có ai cần hỏi điều gì nữa không, Đức Phật đã thuyết bài pháp cuối cùng, rằng: “Hãy ghi nhớ, tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ có buông lung”. Thuyết xong, Ngài an nhiên thị tịch, bấy giờ Ngài vừa tròn 80 tuổi.

Kushinagar nguyên là thủ đô của nước cộng hòa Malla xưa kia, hiện nay thuộc làng Kasia, cách thành phố Gorakhpur ở miền đông của bang Uttar Pradesh 51km. Đến với thánh địa này, khách hành hương thường chiêm bái những nơi thiêng liêng như: điện Mathakuar, nơi Đức Phật thuyết bài pháp cuối cùng; chùa và tháp Đại bát Niết bàn, nơi Đức Phật nhập diệt; tháp trà tỳ Angrachaya, nơi trà tỳ kim thân Đức Phật; và tháp phân chia xá lợi Rambhar.

Bước vào ngôi chùa Đại Niết bàn, đập vào mắt khách hành hương là một pho tượng Phật Niết bàn dài 6m, được tạc từ đá đen, song ngày nay pho tượng được dát vàng óng bởi niềm tôn kính của những Phật tử từ khắp nơi trên thế giới. Pho tượng tuy thô mộc nhưng hết sức sống động, khiến cho những người con Phật không khỏi ngậm ngùi rơi lệ như thể Đức Thế tôn vẫn đang còn nằm đó trong cuộc thiền định dài vô tận. Nhiều người đã cúi xuống, chạm trán mình vào chân Ngài và bậc khóc. Những giọt nước mắt rơi trên chân pho tượng, lấp lánh ánh vàng…

Cũng như tại thánh địa Bodh Gaya, thường xuyên có những Tăng Ni, Phật tử đến Kushinagar chiêm bái, cúng dường. Họ dâng lên Đức Phật tấm y mới, thay cho tấm y cũ của Ngài. Những người thiện duyên có thể thỉnh được những chiếc y này về tôn thờ, kỷ niệm.

 


  Trong kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn), Đức Thế Tôn đã có lời căn dặn như sau: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.

QUẢNG KIẾN (Ấn phẩm Du Lịch Tâm Linh số 1

Các tin đã đăng:
Về đầu trang