Trễ là do mình không cảm thấy nhu cầu cần thiết
cho tâm linh lúc trẻ vì quan niệm rằng chùa chiền không thể nào giải quyết được
những ưu phiền, đau khổ trong cuộc sống của tuổi trẻ.
Chùa là dành cho những người lớn tuổi, xế chiều. Họ cần đến chùa là để
vun bồi phước đức như làm việc thiện, bố thí, công quả .v..v…
để ‘sau này’ được hưởng phước tốt lành.
Chùa, tu viện, đạo tràng là chổ mà những người bắt đầu cảm thấy
cần để tu tâm, dưỡng tánh tìm đến.
Những ngỡ ngàng ban đầu khi bước vào một nơi trang nghiêm, thanh tịnh như vậy,
lòng thành kính của chúng ta thật là thiết tha. Mình cảm
nhận được sự thanh thản, an lạc thực sự sau mỗi lần viếng thăm.
Thế là mình quyết định ‘đi chùa’ thường xuyên hơn.
Nhưng, muốn tu tâm, dưỡng tánh thì bắt đầu từ đâu? Thường thì chúng
ta tham dự những buổi tụng kinh, hay làm công quả, tùy theo
những sinh hoạt đã sẵn có ở ngôi chùa đó. Thỉnh thoảng, có gặp quý Thầy, quý Cô
nhưng còn ngại ngùng chưa dám hỏi gì nhiều, chỉ hỏi chung chung giờ giấc sinh hoạt của chùa.
Khi đã bắt đầu quen thuộc với những sinh hoạt thường kỳ, mình mới bắt đầu tiếp
cận nhiều với quý Thầy, Cô trong một phong thái tương đối bớt hình thức hơn.
Từ việc tham gia những sinh hoạt thường kỳ đến việc làm công quả
cho chùa trong những ngày lễ lạc là một chuyển tiếp rất bình thường. Nhưng việc này có dính dáng gì đến hành trình tu tập tâm linh?
Dạ thưa, có liên hệ rất gần! Bằng chứng là sau nhiều lần công quả, chúng ta
thường được nhiều người khen là làm giúp chùa nhiều vậy thì phước đức sẽ nhiều
lắm, đó nhe! Thế là ta hăng hái hơn lên để tích lũy thêm công đức dù không hiểu
rõ là làm vậy có đúng là mình đang ‘tu’ hay không? Nhưng tin rằng có nhiều phước
đức là tốt lắm rồi!
Khi bước chân vào một nơi trang nghiêm thanh tịnh như chùa, tu viện, hay đạo
tràng mình có một khái niệm rằng tất cả mọi người ở đó chắc đều hiền lành, dễ
thương. Thoạt đầu, ai cũng đối xử với mình rất tốt và
lịch sự. Do vậy, mình có cảm tưởng rằng: “Trong đây ai cũng đều tu
hành nên họ tốt vậy đó!” Cho đến khi sau vài tháng hay hơn một năm đi chùa,
chúng ta bỗng nhiên phát hiện một khía cạnh khác của chùa. Trong khi làm
công quả có những lúc ‘va chạm’ với những người mà mình cho là tốt, nên sự suy
nghĩ lúc ban đầu đã bắt đầu lung lay khiến cho sự hăng hái thuở trước cũng dần
dần giảm nhiệt! Không phải mình làm biếng hay chán mà vì lòng mình đã bắt
đầu có sự bối rối, phân vân: không biết mình có hiểu sai, làm sai, hay thấy sai
về việc đến chùa tu tập hay không? Tại sao chùa mà vẫn
còn những sự hục hặc, tranh cạnh bên trong như vậy?
Câu hỏi được đặt ra là: Nếu phức tạp như thế, vậy mình có cần phải đến chùa để
tu tập cho tâm linh không? Nếu trả lời là không cần. Vậy thì ông bà, cha mẹ mình và các Phật tử của thế hệ trước đâu cần
đổ công sức để lập chùa. Ai cũng có thể ở nhà tu tập là đủ rồi! Cũng vậy, nếu ai cũng biết cách tự học ở nhà thế thì cần gì phải xây
trường học mới học được. Lập luận này không đứng vững chút nào!
Chùa hay tự viện là nơi huấn luyện cho chúng ta hiểu thấu giáo nghĩa vô thượng
của Phật dạy và đem những giáo pháp này ứng dụng cho tâm linh của mình để tìm
thấy hạnh phúc và an lạc trong đời sống.
‘Nhất nhật Phật tại tiền, tam niên Phật thăng thiên,’ nghĩa là ngày đầu đến chùa
thấy tu theo Phật sao dễ quá! Nhưng sau 3 năm thì thấy Phật cũng mất
luôn, chứ chưa nói là tu theo Phật! Do vậy mà cái
sơ tâm – tâm tốt ban đầu, cần phải được giữ gìn cẩn thận vì nó chính là vốn
liếng, là nền móng căn bản để mình tăng trưởng tâm linh. Nếu không, khi sơ tâm
bị sứt mẻ trầm trọng sẽ khiến mình quay lưng lại với con đường tu tập, hoặc có
khi trở thành kẻ Nhất-xiển-đề, không còn biết sợ tội phước, nhân quả là gì!
Đây không phải là một hình thức hù dọa khiến chúng ta sợ cảnh ‘đi chùa.’
Nhưng vì giá trị vô giá của tâm linh chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, thận
trọng đừng để đánh mất viên ngọc quý đó! Chính vì vậy mà trong kinh Pháp Hoa có
dạy rằng: ‘Hành giả khi tu tập nên (để tâm) ở trong nhà Như Lai, mặc áo Như lai,
và ngồi tòa Như lai. Nhà Như lai là tâm từ bi, áo là hạnh nhẫn
nhục, tòa là tâm xả bỏ.’ Một hình thức mặc áo
giáp để phòng hộ những chướng ngại, phiền não trên hành trình tu tập cho tâm
linh.
Tất nhiên nếu mình chưa có đủ ‘nội lực’ để khoát áo nhẫn nhục, xả bỏ thì mình
nên học pháp xa lìa (viễn ly) mà Phật đã dạy khi gặp những ác hành, phiền não.
Tức là, không nên thân cận những nơi mình cảm thấy dễ sinh ác pháp, hay sân hận
như nhà bếp, phòng ăn… và tìm đến những chổ nào khiến an lạc, hạnh phúc phát
sinh như chánh điện, thiền đường, lớp học giáo lý v.v... Không phải chúng
tôi muốn ám chỉ nhà bếp, phòng ăn là những chỗ xấu. Nhưng vì là nơi để tu ‘phước’ nhiều hơn
tu ‘huệ’ và cũng là nơi điều kiện ‘đời’ dễ phát sinh nên khiến dễ dàng lây lan những pháp xấu. Trong các thiền viện hay đạo tràng
lớn, các Thầy, cô được chia nhóm phụ trách hành đường, nghĩa là lo nấu ăn, dọn
ăn, và rửa ráy cho tất cả các Tăng, Ni trong chùa, không để cho người cư sĩ phụ
trách. Theo nội quy của Thiền môn, sau giờ ăn
tất cả mọi người đều phải tập họp lên thiền đường, hay chính điện để hành trì tu
tập, không ai được phép bén mảng ở lại nhà bếp hay phòng ăn.
Như chúng ta đã biết chùa chiền là nơi để trấn áp, trừ diệt ma
quân, không phải là nơi để chúng ma sinh trưởng.
Thế nên, có điều luật như vậy không phải để ngăn cản người cư sĩ làm phước mà vì
muốn giúp họ phải ‘phước, huệ song tu,’ phòng ngừa những ma pháp phát sinh trên
bước đường tu học, đặc biệt là bên trong nhà chùa. Trong kinh “Ưu Bà
Tắc Giới” giải thích rõ là người phụ nữ nào đã quy y Tam bảo và thọ nhận 5 giới
gọi là Ưu bà di, còn người nam gọi là Ưu bà tắc. Ưu bà di
tiếng Phạn là Upasika, còn Ưu bà tắc là Upasaka, nghĩa là Cận sự nữ và Cận sự
nam. Cận sự là gần gũi để hộ trì và thực hành giáo pháp Phật dạy. Như vậy,
việc thân cận người hiền hay bậc Thiện tri thức và xa lìa những ma pháp, và
ác hữu là đúng theo chánh pháp.
Những ‘va chạm’ ở chùa chỉ là thử thách xem mình đã học và
làm được gì sau vài tháng đi chùa. Đa phần có sự va
chạm này là vì khi vào chùa chúng ta cũng mang theo những hệ lụy, phiền não,
kinh nghiệm ‘ngoài đời’ của mình theo. Nên mặc dù thân ở
chùa nhưng tâm vẫn còn rất ‘đời’. Chúng ta chưa xóa kịp những cạnh
tranh, hơn thua, danh lợi vốn dĩ đã theo chúng ta suốt
những năm qua! Sự va chạm này là một cơ hội lớn cho chúng ta thử nghiệm với chính
mình. Khi chúng ta hiểu được điều này và vẫn tiếp tục giữ ‘Bồ đề tâm kiên cố,
chí tu học vững bền,’ thì đây mới chính là lúc mình bắt đầu cất bước trên con
đường tu tập tâm linh vậy!
Như tất cả những người đi chùa, chúng ta đến chùa để tìm sự an
tịnh. Đó là nhu cầu chính của người đi chùa.
Phần nhiều, chúng ta đi chùa vì mình đang gặp khổ nạn nên muốn tìm một nơi yên
tịnh nào đó để ‘lánh nạn.’ Do vậy, tâm tư của họ chưa chắc đã hoàn toàn
thanh thản nên cũng có những lúc nóng nảy, sân si. Va
chạm (bất an) là một điều ‘cần thiết’ cho những người bắt đầu đi chùa. Nhưng khi chưa chuẩn bị tâm lý, chúng ta có thể bị sốc mạnh nên
trong những ngày đầu đến chùa tránh những nơi thị phi, đông đảo. Và nên
tập trung niệm Phật, tụng kinh, hay thiền quán nhiều hơn.
Có một hiện tượng tâm lý xúc cảm mà trong kinh Phật gọi là tùy
miên (anusaya). Hiện tượng tâm lý này
thường nằm tiềm tàng bên dưới lớp vỏ ý thức của chúng ta và chúng có khuynh
hướng lèo lái chúng ta chạy theo những nhận thức sai
lầm do tâm còn vướng mắc của mình tạo ra. Chẳng hạn như
sân tùy miên phát xuất từ những xúc cảm khổ đau nên khiến mình dễ sân hận, bực
tức đối với những điều không vừa ý, như việc mình đi chùa mà không tìm thấy an
lạc.
Tuy nhiên, an lạc và va chạm không phải là 2
mặt chống trái nhau mà là 2 mặt bổ túc cho nhau. Vì va chạm là thầy dạy cho chúng ta cách sống an lạc. Phật dạy
trong Kinh Pháp cú:
"Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau."
Ta sống không ốm đau, không có nghĩa là mình sẽ không bao giờ đau
ốm. Nhưng mình biết sống ‘không bệnh, giữa ốm đau’ vì mình biết
tu nên ốm đau không làm mình mất đi chánh niệm để hiểu rằng ốm đau rồi cũng sẽ
qua đi!
Cái tâm thức của chúng ta đã quen việc thổi
phồng những kinh nghiệm khổ đau, phiền não đến một cấp độ quá đáng khiến mình
trở nên hoảng hốt, sợ hãi. Do vậy, mà căn bệnh thêm nặng.
Bệnh, khổ, bất an, va chạm, v.v..
cũng
vậy! Nói chung, tâm mình hay ‘thêm mắm, dậm muối’
vào những kinh nghiệm tiêu cực, xấu xa khiến cho cái kết quả trông thật là xấu
tệ! Tất nhiên, không ai muốn đi tìm sự bất an, va
chạm bao giờ! Nhưng chính việc đi chùa giúp mình cách tu để cái bất an,
va chạm không làm mình khổ đau nhiều. Nếu mình cứ tiếp tục trốn
chạy và chỉ đi tìm những nơi ‘không có’ bất an, va chạm thì suốt đời mình sẽ
không tu được gì vì đi chùa là để học cách đối diện với bất an, va chạm hầu tìm
ra cách để đối
trị chúng.
Như Phật có dạy: ‘đi tìm cái an ngay trong cái bất an; đi tìm cái
hết khổ ngay trong cái khổ!’ Như mình bị đau lưng, hay
nhức đầu, chính cái chổ đau lưng hay nhức đầu đó là nơi làm mình khổ. Muốn hết đau, hết nhức mình phải trị ngay chổ đã tạo ra cái nhức,
cái đau đó. Khi cái đau, cái nhức hết là mình hết khổ.
Nên có một câu chuyện ngụ ngôn về một người đi tìm cái chìa khóa bị mất.
Anh này quẩn quanh tìm cái chìa khóa mất chung quanh
cái đèn đường. Có người hỏi: ‘anh mất chìa khóa ở đâu?’ Anh bảo: ‘Ở
cái xó đằng kia! Chổ không có ánh sáng đèn đường.’ Người
kia
bảo: ‘Vậy sao anh không đến đó mà kiếm, lại kiếm ở đây?’ Anh bảo: ‘Vì ở đây có
ánh sáng của đèn!’ Đa số chúng ta là vậy! Thay vì đi tìm cách chữa
lành vết đau ngay nơi gây ra đau đớn, ta tìm cách trốn tránh chổ gây ra đau khổ,
hy
vọng ‘không thấy mặt, thì không thấy đau,’ như anh nọ mất chìa khóa trong
xó tối mà đi kiếm ở chỗ có đèn!
Trong giới bình dân mình có câu nói thật là dí dỏm mà hay: ‘Thứ
nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa!’ Theo
thiển ý, sỡ dĩ tu chùa là thứ ba vì ở chùa tương đối dễ tu hơn, nhà và chợ. Nơi thanh tịnh trang nghiêm và khung cảnh vắng lặng của thiền môn dù
sao cũng làm mình lắng dịu đôi chút. Thế mà mình vẫn không tìm thấy
bình an! Vậy là căn bệnh bất an của mình coi như không còn thuốc chữa! Một ít
va chạm ở chùa có đáng là bao nếu ta học cách xả bỏ và xem những va chạm
này là những thử thách trên con đường tu tập tâm linh của mình. Vả lại, sự
bình an không phải đến từ bên ngoài mà chính là từ tâm
mình. Cho nên mới có chuyện ‘khéo tu thì nổi, mà vụng tu thì chìm’ là vậy!
Đường tu đòi hỏi phải bỏ nhiều công phu. Hễ khéo biết dụng công thì an lạc liền có mặt, bằng không
thì khổ não theo
hoài! Tổ Huệ Năng có dạy: ‘ Nếu nói về Phật tánh
thì không có gì khác biệt giữa một kẻ ngu và một ông thánh. Một niệm giác ngộ thì người đó sẽ thành Phật. Một niệm
si mê thì người kia sẽ thành một kẻ ngu.’ Một khi ngộ
giống như một ngọn đèn chiếu sáng lên trong tâm thức khiến mình thấy rõ đâu là
chánh giác, đâu là vô minh. Tu tập không giống như mình uống thuốc người khác
chế tạo ra, mà do chính tự mình chế tác thuốc cho mình để trị căn bệnh của mình. Thuốc đây chính là niệm. Nếu là niệm giác
thì mình hết khổ, thành thánh. Nếu mình niệm si thì làm một kẻ
ngu!
Niệm ở đây chính là những ý nghĩ, ý tưởng
(thoughts). Đa phần khoảng 90 phần trăm ý tưởng của
chúng ta là những ý tưởng tiêu cực và xấu ác, hay còn gọi là niệm bất thiện,
vọng niệm. Cho nên chúng ta phải tu tập hành trì để duy trì chánh niệm, tức là
những ý tưởng tích cực, lành thiện. Nhờ đi
chùa nên chúng ta không dám để những tà niệm, vọng niệm phát sanh nhiều.
Vì vậy, va chạm là một cơ duyên để mình học cách duy trì chánh niệm,
không để những suy nghĩ tiêu cực, xấu xa làm mình trở thành một người ngu, tiếp
tục vướng mắc vào những phiền não, khổ đau.
Trong Bốn Thánh đế, Phật dạy về
khổ và con đường diệt khổ vì Ngài biết rằng khổ chính là chất liệu nâng cao giá
trị của hạnh phúc, an lạc. Nếu không có khổ thì hạnh
phúc, an lạc không có giá trị gì. Hơn nữa, trên
thế gian này khổ đau, phiền não là một điều tất yếu phải có, dù cho chúng ta có
bỏ ra bao nhiêu tiền của để mua hạnh phúc, và xua đuổi khổ đau. Khổ
là một sự thực (Khổ đế) dù chúng ta có nhìn nhận hay không! Khổ đau và
hạnh phúc như hai mặt của một tờ giấy, mình không thể đòi lấy cái khổ đi và chỉ
để cái hạnh phúc lại vì khi xé bỏ cái mặt khổ đi thì cái mặt hạnh phúc cũng mất
luôn!
Va chạm khi đi chùa cũng vậy! Tất nhiên ai cũng muốn tìm an lạc khi đi chùa.
Nhưng khi đi chùa để tu tâm, dưỡng tánh chúng ta phải chấp nhận và học cách sống
với hai mặt trái và phải ở chùa, cũng như ở bất cứ nơi nào khác.
Thế giới chúng ta đang sống bao gồm cà những điều mình thích và không thích.
Có một câu chuyện về một người lặn lội tìm một vị Thiền sư danh tiếng để giúp
an tâm cho anh ta. Khi đến gặp vị Thiền sư, anh ta liền than thở và xin
được giúp an
tâm. Vị Thiền sư liền bảo anh ta đem tâm ra để Ngài an cho.
Anh ta bối rối không biết làm sao!? Đi chùa để
tìm sự bình an. Nhưng thật sự nếu tâm mình chưa
an thì có ở ngay nơi ‘Tịnh độ’ cũng bất an như thường! Chính vậy mà
đi chùa học hỏi là học cách an tâm cho chính mình nên va chạm, bất an không còn
là cái xấu, cái dở mà chính là cái đối tượng cần thiết để mình thực tập cách an
tâm vậy!
San Jose, Mùa Thu – 2013
Thiện Ý