Khái niệm giải thoát được sử dụng phổ biến trong Phật giáo và hầu như
người học Phật nào cũng trả lời tu tập là để giải thoát. Tuy nhiên, giải thoát
cái gì mới là vấn đề cốt yếu. Trong Phật giáo, khái niệm giải thoát sanh tử thường
được sử dụng để nói về mục đích cuối cùng của người tu tập Phật pháp. Bài viết
sẽ bàn về khái niệm giải thoát sanh tử trong đạo Phật.
Hành giả trên đường giải thoát - Ảnh minh họa
Giải thoát sanh tử là gì?
Trước hết, khái
niệm giải thoát cần được giải thích. Theo các từ điển Phật học, giải thoát
(Sanskrit: morsha, mukti) là cởi bỏ được sự
trói buộc của phiền não mà vượt thoát khỏi thế giới mê muội khổ đau; là
ra khỏi sự trói buộc trong ba cõi dục, sắc, vô sắc; là dứt tuyệt nguyên nhân
sinh tử luân hồi nghiệp báo; là không bị những luyến ái trói buộc cái tâm; là đạt
được sự siêu thoát vượt sự trói buộc của thế giới trần tục, khỏi sự chi phối của
dục vọng, sống hoàn toàn thanh thoát tự tại; là thoát khỏi ảo tưởng và khổ,
thoát khỏi sự tái sinh trong luân hồi và đạt Niết-bàn1.
Tóm lại, giải thoát là tâm không bị ràng buộc bởi các phiền não và các duyên trần
khác và đạt Niết-bàn.
Hòa thượng
Thích Thiện Siêu trình bày giải thoát bao gồm giải thoát hoàn cảnh, giải thoát
tâm và giải thoát hoàn toàn. Giải thoát hoàn cảnh gồm cải tạo hoàn cảnhvật
chất cho thật hết sứctốt đẹp và không chú trọng đến hoàn cảnh bên ngoài để không bị ràng
buộc. Giải thoát tâm tức giải thoát tất cả phiền não ràng buộc làm cho con người đau khổ. Giải thoát
hoàn toàn là không còn bị thời gian và không gian hạn chế, không còn bị tâm lý
sinh lý tầm thường chi
phối. Trí tuệ thấy rõ các pháp bất nhị nên không bị ràng buộc khi
ở thế gian và cũng không phải tìm cách ra khỏi ba cõi2.
Như vậy, giải thoát là tâm không bị ràng buộc bởi hoàn cảnh, các phiền não, và
ngay cả ý niệm bỉ-thử, sanh tử-Niết bàn.
Theo Tiểu
kinh đoạn
tận ái
(Culatanhasankhayasutta) thuộc kinh Trung bộ (Majjhima Nikaya), một vị
được gọi là giác ngộ giải thoát khi vị ấy “sống quán tánh vô thường, sống quán
tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ,
không chấp trước một vật gì ở đời, không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn.”
Vị ấy biết rõ rằng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã
làm, không còn trở lại đời này nữa.” Giải thoát, theo kinh văn, là ly tham,
không chấp trước, chứng Niết-bàn.
Thế thì, giải
thoát cũng được hiểu là Niết-bàn, cũng đồng nghĩa với vô ngã. Niết-bàn nghĩa là
dập tắt hết các phiền não dục vọng làm con người bất an khổ não. Vô ngã là không còn chấp vào cái tôi
sinh ra tham, sân, si…Niết-bàn có thể xúc chạm được, có thể chứng nghiệm
ngay hiện tại chứ không phải đợi đến sau khi chết. Vì vậy, giải thoát là sự chuyển hóa những
phiền não, xa lìa ngã chấp, thấy rõ thực tại của vạn pháp nên tâm tự tại3.
Từ những giải
thích về khái niệm giải thoát ở trên, có thể rút ra một đặc điểm chung của giải
thoát là không bị phiền não khổ đau và đạt Niết-bàn. Về khổ đau và sự chấm dứt
khổ đau hay đạt Niết-bàn, kinh Chuyển pháp luân(Dhammacakkappavattana
sutta) thuộc kinh Tương ưng ghi như sau: sanh là khổ, già là
khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ,
ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Sự chấm
dứt khổ là ly tham, đoạn diệt ái, không có dư tàn khát ái ấy; là quăng bỏ, từ bỏ,
giải thoát, không có chấp trước. Bài kinh kết luận, tham ái và tâm chấp trước
là nguyên nhân của khổ đau. Từ đó, giải thoát được hiểu là ly tham ái, đoạn tận
tham ái, tâm không còn chấp trước.
Căn cứ vào ý
nghĩa của khái niệm giải thoát thì giải thoát sanh tử là sự cụ thể hóa của khái
niệm giải thoát. Nói cách khác, khái niệm giải thoát sanh tử là nhấn mạnh đến mục
đích của sự tu tập là nhằm đoạn tận ái dục, chấm dứt con đường sanh tử theo
nghiệp báo thiện ác.
Trong chương Một
pháp, kinh Phật thuyết như vậy (Như thị ngữ/Itivuttaka) thuộc Tiểu bộ
(Khuddaka Nikaya), Đức Phật dạy có một pháp đưa đến không còn tái sanh. Đó là
hãy từ bỏ tham ái, hãy từ bỏ sân hận, hãy từ bỏ si mê, hãy từ bỏ phẫn nộ, hãy từ
bỏ gièm pha, hãy từ bỏ kiêu mạn. Từ bỏ một pháp bất thiện là từ bỏ nghiệp nhân
đưa đến sanh tử nên không còn tái sanh nữa. Ở đây cũng cần phải hiểu tái sanh
là tái sanh theo nghiệp.
Theo Hòa thượng
Thanh Từ, giải thoát sanh tử là khi tu thấy được chân tâm, không còn chạy theo
vọng tâm lăng xăng, thương ghét…Bởi vì thân tứ đại thì phải sanh diệt, tâm vọng
thì luôn thay đổi. Chỉ có chân tâm hằng thanh tịnh. Thấy được chân tâm không
còn tạo nghiệp nữa là giải thoát sanh tử, là thoát luân hồi. Nói cách khác, giải
thoát sanh tử phải dứt mầm vô minh, tham ái4.
Theo định nghĩa của Tiểu kinh đoạn tận ái, giải
thoát là chứng đạt Niết-bàn, là đắc quả vị A-la-hán. Vị ấy sanh đã tận…không
còn trở lại đời này nữa. Có thể nói một cách dễ hiểu là các vị thánh A-la-hán
không còn tạo nghiệp thiện ác do đã chấm dứt tâm tham, sân, si…nên không bị
nghiệp dẫn dắt đi tái sanh trong các nẻo luân hồi. Tuy nhiên, một vấn đề lớn
thường được đặt ra là các vị thánh sẽ ở đâu sau khi bỏ thân tứ đại. Đức Phật lấy
ví dụ “củi hết lửa tắt”để trả lời. Củi hết là nghiệp hết, lửa tắt là chấm dứt
sanh tử. Hết nghiệp là hết sanh tử.
Sau khi giải thoát sanh tử
Phải chăng giải
thoát sanh tử là không còn sanh trở lại?! Như vừa trình bày, giải thoát sanh tử
là giải thoát nghiệp dẫn đi sanh tử luân hồi khổ đau. Ở đây, cần phân biệt sanh
tử luân hồi khổ đau và sanh tử như là một quy luật. Đối với bậc Thánh, tuy thân
chịu sanh tử như là một quy luật duyên sanh vật lý nhưng tâm luôn tự tại không
bị nghiệp chi phối. Trường hợp sanh tử sau đồng nghĩa với Niết-bàn hữu dư5
của các thánh A-la-hán hay thân thị hiện độ sanh của hàng Bồ-tát. Có thị hiện
là có sanh, có sanh thì phải có tử. Sự khác biệt là sự sanh tử của các vị Bồ-tát
theo nguyện chứ không theo nghiệp.
Sự sanh tử theo
nguyện có thể kể đến là sự thị hiện của Đức Phật Thích Ca, của Bồ-tát Di Lặc và
Bồ-tát Quán Thế Âm. Trong kinh Tiểu bộ có rất nhiều chuyện tiền thân Đức
Phật được ghi chép lại. Các nhân vật trong các câu chuyện tiền thân đều được
tin là Bồ-tát thị hiện. Đã là Bồ-tát thì tất nhiên đã giải thoát sanh tử. Thế
thì, Thái tử Tất-đạt-đa giáng sinh, tu tập, chứng Phật quả, tịch diệt là một
trường hợp sanh tử (thuộc thân) xảy ra sau khi đã giải thoát sanh tử từ nhiều
kiếp trước.
Về Bồ-tát Di Lặc,
cả Nam truyền và Bắc truyền đều tin rằng Bồ-tát hiện ở cõi trời Đâu Suất
(Tusita) và được tin rằng sẽ giáng sinh trong tương lai ở cõi Ta-bà để tiếp tục
tu tập chứng ngộ Phật quả, kế thừa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn Bồ-tát Quán Thế
Âm, kinh Đại bi tâm
Đà-ra-ni ghi rằng Ngài đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh
nhưng vì nguyện lực đại bi nên mới hiện thân là Quán Thế Âm để độ chúng sanh.
Khi một vị Bồ-tát
hay vị thánh thị hiện tức là sanh, là xuất hiện. Tất nhiên, thân thị hiện đó sẽ
phải diệt (tử) theo quy luật duyên sanh. Chỉ có chân tâm thanh tịnh, không bị
sanh diệt theo trần cảnh và luôn tự tại. Phật giáo Đại thừa chủ trương thuyết độ
sanh theo hình thức này. Từ đó, có thể giải thích thông suốt rằng Phật hay các
bậc Thánh theo nguyện lực tùy duyên vào sanh ra tử để hóa độ chúng sanh nhưng
tâm luôn tự tại, không bị khổ đau.
Có sự sống là có sanh tử
Về sanh tử, có
hai phần cần phải phân biệt. Một là tâm sanh diệt. Hai là thân sanh diệt. Tâm
sanh diệt, như Hòa thượng Thanh Từ nói, là vọng tâm. Còn chân tâm thì thanh tịnh hằng hữu ví như
cái thấy của con mắt lúc nào cũng hằng hữu dù mắt nhắm hay mở. Thân tứ đại sanh diệt thì ai
cũng có thể hiểu vì nó thuộc nguyên lý vật lý. Trong kinh Phật tự thuyết(Udana)
thuộc Tiểu bộ I, Đức
Phật dạy về lý duyên khởi như sau: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, do
cái này không có mặt nên cái kia không có mặt, do cái này sinh nên cái kia
sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt.” Thân tứ đại đã sanh thì nó phải diệt,
theo lý duyên khởi.
Theo lịch sử Đức Phật Thích Ca,
Ngài chứng Niết-bàn thành Phật sau 49 ngày đêm thiền định. Kể từ khi ấy, tâm Phật
luôn thanh tịnh không còn sanh diệt như vọng tâm của chúng sanh. Tuy nhiên,
thân tứ đại của Phật vẫn chịu sự chi phối bởi nguyên lý sanh diệt. Suy rộng ra,
khi có sự sống hiện hữu bằng thân tứ đại thì tất yếu có sự sanh tử. Đó là quy
luật tự nhiên, là lý duyên khởi. Do đó, giải thoát sanh tử không có nghĩa là
hoàn toàn không tồn tại ở cõi đời này hay thế giới khác.
Đạo Phật hướng đến giải
thoát sanh tử, chứng Niết-bàn để sống tự tại trong cuộc đời mà làm lợi lạc quần sanh. Quan niệm giải
thoát sanh tử, chứng Niết-bàn ở thế giới nào đó và chỉ đạt được sau khi
chết là một quan niệm cần đánh giá lại. Vì nói như thế là phủ nhận cuộc đời và
giá trị đóng góp to lớn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đồng thời, quan niệm ấy cũng làm cho Phật giáo
trở nên siêu hình và xa lánh cuộc đời hiện hữu. Do vậy, nhận thức đúng
khái niệm để hiểu đúng và tu tập đúng là quá trình rất cần đối với bất cứ ai tu
tập Phật pháp.
Thích Hạnh Chơn
....................................
(1) Từ điển Phật học Đạo Uyển;Phật Quang Đại từ điển; Từ điển Phật học Thiện Phúc.
(2) Thích Thiện Siêu. Giải
thoát trong Phật giáo. <https://thuvienhoasen.org/a8567/giai-thoat-trong-phat-giao>,
truy cập, 8-3-2017.
(3) Tâm Diệu. Quan niệm giải thoát trong Phật giáo và Bà-la-môn giáo. <https://thuvienhoasen.org/a7941/quan-niem-giai-thoat-trong-phat-giao-va-ba-la-mon-giao>,
truy cập ngày 6-3-2017.
(4) Thích Thanh Từ. Giải
thoát là cốt lõi của đạo Phật. <http://thuongchieu.net/index.php/phapthoai/suong/1823-gii-thoat-la-ct-loi-ca-o-pht>,
truy cập ngày 6-3-2017.
(5) Đức Phật Thích Ca và
các Thánh đệ tử A-la-hán đạt Niết-bàn, giải thoát sanh tử (về tâm) nhưng vẫn
còn thân tứ đại nên thân ấy cũng phải theo quy luật sanh diệt. Khi thân các vị
Thánh hoại thì được gọi là Niết-bàn vô dư