Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
TĨNH TÂM GIỮA KHEN CHÊ
Thích Đạt Ma Phổ Giác
16/04/2018 20:35 (GMT+7)




Bài kệ ý nói xưng tán, ca tụng, khen ngợi hay khiển trách, chê bai; nói gọn lại là khen và chê; hai ngọn gió này là một cặp thăng trầm khác mà con người luôn phải thường xuyên đối phó. Khi được tán dương, ca tụng, ngợi khen thì ta được nở mặt nở mày với tất cả mọi người; khi bị chê bai, chỉ trích thì mặt mày ủ rũ, khốn khổ như kẻ mất hồn, tinh thần suy sụp.

Có ông già nọ cùng cậu con trai dắt nhau ra chợ để mua ngựa. Mua được con ngựa vừa ý hai cha con mừng quá nên cùng nhau dắt ngựa về nhà. Đi được một đoạn người qua kẻ lại bàn tán xôn xao: “Thiệt là hai cha con ngu dốt làm sao, ai đời mua ngựa làm gì mà không chịu cưỡi, lại dắt đi bộ như thế giữa trời nắng chang chang”.

Hai cha con nghe vậy mới bàn với nhau: “Phải rồi, mình mua ngựa để cưỡi chứ ai lại dắt đi bộ thế này”. Thế là hai người đồng trèo lên ngựa cưỡi đi, nhưng được một đoạn họ lại gặp người khác phê bình: “Đúng là kẻ ác nhân thất đức, hai cha con như vậy mà thượng lên con ngựa thì nó làm sao chịu nỗi, thật là ác độc quá chừng”.

Nghe thế người con lật đật tuột xuống để người cha một mình cưỡi ngựa. Người cha ung dung ngồi trên lưng ngựa và cảm thấy rất vui vẻ, nhưng đi một lát lại gặp một người phê phán, chỉ trích: “Đúng là ông cha thời nay có khác, con còn nhỏ đáng lẽ cha phải nhường con ngồi ngựa, cha gì mà lại đi dành phần hơn, nỡ để con phải đi bộ như thế”.

Người cha nghe nói tức quá chịu không nỗi nên liền xuống ngựa, nhường lại cho con. Đi thêm một đoạn lại gặp người dè bỉu, chê bai: “Đúng là thời đại đảo điên, con cái bây giờ quá bất hiếu, không biết kính trên nhường dưới, đành lòng ngồi trên cưỡi ngựa mà để cha mình phải đi bộ như thế, đúng là thứ con trời đánh”.

Câu chuyện trên nếu nhân vật cha con là chúng ta thì mình xử trí ra sao? Hai cha con sau khi mua ngựa cùng nhau đi bộ thì bị người ta chửi “ngu”, người cha cưỡi ngựa một mình thì lại bị chê “tàn nhẫn”, cùng nhau lên ngựa thì lại bị nói “độc ác”, con cưỡi một mình thì lại bị gọi “thứ con bất hiếu”.

Vậy phải làm sao để vừa lòng tất cả mọi người? Chúng ta ai cũng đều biết trên đời này không bao giờ có chuyện vừa lòng hết mọi người. Nếu nghe một lời chê nào ta cũng sửa đổi theo ý người khác, hay khi nghe khen ta hoan hỷ, vui vẻ làm theo thì rõ ràng ta cũng giống như hai cha con ông già mua ngựa.

Tức là khi ta được người khen hay bị người chê thì họ chỉ là những người bàng quan bên ngoài lâu lâu chọt vô một tiếng, vậy mà mình lại dính mắc theo họ. Khi làm việc gì ta phải có lập trường của riêngmình, phải xác định mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, không nên vì tiếng khen chê của thiên hạ mà tự làm khổ mình.

Ta có quyền lắng nghe sự khen tặng hay chê bai của người khác, cái gì đúng ta bắt chước làm theo, cái gì sai ta cố gắng sửa đổi. Nói đúng nói sai, nói phải nói quấy, nói tốt nói xấu là chuyện của mọi người, ta có quyền tiếp thu ý kiến đúng và loại bỏ ý kiến sai. Nếu không như vậy thì suốt cả đời ta cứ bị tiếng khen lời chê làm rối loạn tinh thần nên mất bình tĩnh, do đó dẫn đến buồn vui lẫn lộn mà không làm chủ được bản thân.

Đức Phật an nhiên tự tại trước mọi khen chê

Nói đến khen chê ta hãy xem đức Phật khi bị như vậy Ngài xử trí thế nào? Một hôm, đức Phật đi trướcvà một nhóm sa môn ngoại đạo theo sau. Các vị sa môn trẻ hết lời khen ngợi đức Phật là vị tu hànhchân chính, có trí tuệ và khả năng biện tài vô ngại, dám bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để đi tu và là vị thầy dẫn đường xứng đáng nhất thời đó.

Khi nghe như vậy các vị tỳ kheo cùng đi với Phật rất hân hoan, khoái chí vì thầy của mình được mọi người khen tặng nên bản thân cũng được thơm lây. Đi được một đỗi lại gặp đám đông khác nói: “Ông sa môn Cồ Đàm là kẻ phá hoại sự sống của nhiều người. Ai cũng thích tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều.

Vậy mà ông ta lại khuyên không nên chạy theo và dính mắc vào chúng mà làm tổn hại thân tâm. Ông ấy đi đến đâu là người ta đổ xô theo đến đó để tu tập khiến chồng bỏ vợ, cha bỏ con để sống đời xuất gia”.

Như chúng ta đã biết, người trẻ tuổi thì khen Phật quá hay, kẻ lớn tuổi thì chê Phật phá hoại hạnh phúc gia cang của nhiều người. Vì Phật nói chuyện nhân quả hay quá nên nhiều người phát tâm tu theo. Khi nghe chỉ trích Phật vẫn an nhiên, bình tĩnh. Trong khi đó các vị tỳ kheo cảm thấy rất khó chịu, bực bội.

Đến chỗ có bóng cây che mát Phật mới bảo các đệ tử ngồi xuống rồi từ tốn nói bài pháp như sau: “Này các đệ tử, khi nghe lời khen ta chớ vội mừng vì mừng quá sẽ mất bình tĩnh, hễ mất bình tĩnh thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động thì làm sao ta biết rõ người ta khen đúng hay sai.

Khi nghe ai đó chê bai hay chỉ trích thì ta chớ có vội buồn, vì khi buồn ta sẽ mất bình tĩnh, lúc mất bình tĩnh thì ta không biết lời chê đúng hay sai. Khen chê là chuyện thường tình của thế gian, có nhiều người khen để lấy lòng thiên hạ, có nhiều người chê vì ganh tị tật đố. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trước những lời khen chê đó”.

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi. Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì.
Khi bị chê ta phải biết lắng nghe lời chê để biết được họ nhằm mục đích gì, họ chê để hạ nhục uy tíncủa ta hay chê để ta biết mình sai mà cố gắng sửa sai sao cho tốt đẹp hơn. Theo tâm lý học Phật giáo, tất cả chúng sinh khi nghe ai khen đều rất phấn khởi, vui mừng; khi bị chê thì rất bực tức, khó chịu, buồn phiền. Nhiều khi ta chịu không nỗi nên tức quá cãi lại thành ra hai bên đấu khẩu nhau, cuối cùng “chó le lưỡi, nai giạt móng”. Lời khen tiếng chê tuy không thật nhưng nếu ta chấp vào đó thì thành ra mình bị nó sai sử, khi thì vui mừng quá mức, lúc lại buồn rầu, khổ đau.

Người đời thường chấp vào khen chê cho nên khổ

Ngày xưa, chúng tôi có quen một cô nọ là người giỏi giang, học giỏi, có bằng đại học và có nhan sắcmặn mà cũng rất dễ thương. Cô có tiền tài, danh vọng nhưng không thích lấy chồng, chỉ thích nghề gõ đầu trẻ mà thôi.

Cô sống như vậy cho đến năm 28 tuổi thì bắt đầu nghe bà con cô bác hàng xóm xầm xì bàn tán với nhau: “Ôi, đồ thứ con gái hư, từng tuổi ấy mà không có ai đến rước, chắc cha mẹ cô ta ăn ở thất nhơn ác đức lắm nên bây giờ cô ta mới bị ế chồng như vậy”. Thật ra, cô ta được rất nhiều chàng trai ưa thíchđến tán tỉnh, nhưng vì cô có tâm nguyện muốn xuất gia tu hành nên đã từ chối hết những lời tỏ tình đó.

Sau khi nghe mọi người chê bai, chỉ trích như vậy, cô tức quá mới nói: “Tôi sẽ lấy chồng liền cho mọi người coi. Tôi xinh đẹp, duyên dáng thế này mà nói tôi là cái thứ con gái hư. Để chứng minh cho mọi người thấy cha mẹ mình là người có đạo đức, cô lập gia đình rồi kế hoạch hóa không cho có con quá sớm để có thời gian rãnh rỗi mà làm nhiều việc phước thiện.

Có chồng đã hơn ba năm mà chưa có mụn con nào, bà con hàng xóm bắt đầu bàn tán xì xào: “Đúng là cây độc không trái, gái độc không con”. Ý họ nói cô ta không sinh con được, mà người đời nói phụ nữác độc nên không thể sinh con.

Khi nghe mọi người nói vậy cô tức quá liền bỏ kế hoạch hóa gia đình và bốn năm sau cô sinh được bốn đứa con. Lúc này cô phải đầu tắt mặt tối, vừa đi dạy, vừa chăm lo cho bốn đứa con nên nhan sắctàn phai, mặt mày xuống cấp, trông cô chẳng khác một bà già đã U50.

Vì chạy theo lời khen tiếng chê mà hôm nay cô phải chịu khổ đủ điều, nhưng như vậy đâu đã xong xuôi và êm thắm mọi việc. Chồng cô bây giờ lại sinh tật bồ nhí, vợ lớn vợ bé nên lại có chuyện để hàng xóm xôn xao: “Sao chị ngu quá vậy, chị để cho nó lấy chồng mình công khai, phải cạo cái đầu khô của nó ra mới được, tụi tui sẽ phụ cho”.

Lúc bấy giờ cô mới nói: “Thôi, ổng có vợ bé thì mặc kệ ổng. Tôi vui vẻ, hạnh phúc sống khi thấy các con đều thành đạt là đủ rồi”. Thật may, cô vì biết đủ nên sống an ổn, nhẹ nhàng, giữ vững được hạnh phúc gia đình cho đến ngày nay đã gần 60 tuổi, con cái giờ đây đều khôn lớn trưởng thành, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Chồng cô qua đời trong cơn bạo bệnh nên bây giờ cô không còn bận bịu vì ai nữa, lúc này mọi người lại đến nói ra nói vào như sau: “Thật tội nghiệp cho chị quá, sao chị ở vậy có một mình, chị hổng thấy buồn hay sao?”

Chuyện đời là thế đó, quý vị có thấy không? Chỉ vì lời khen tiếng chê mà cô bạn của tôi đã bị quay như chong chóng suốt gần 30 năm, nhưng những lời đó có giá trị thật sự hay không. Vậy mà khi nghe ai khen “sao dạo này nhìn chị trắng trẻo, đẹp ra nhiều” dù ta đang đen, lùn, xấu thì mình cũng mừng quýnh mà tin đó là sự thật.



Một lời khen đúng sẽ giúp ta thăng hoa đạo đức tâm linh, một lời khen sai chỉ làm hại ta rơi vào hố sâu tội lỗi. Do đó, ta không nên khen ai khi thấy họ làm sai. Một người nào đó uống rượu như hũ hèm, ngày nào anh ta cũng uống mà chẳng bao giờ thấy say, gặp người như vậy ta không nên khen vì sự tác hại của rượu rất ghê gớm.

Mỗi khi không làm chủ bản thân họ có thể hành hạ, đánh đập vợ con, hiếp dâm, giết người bừa bãi. Ta cũng không nên chê bai khi thấy người khác làm việc thiện lành, tốt đẹp, bởi chê như vậy vô tình ta làm hại người đó và làm tổn phước cho bản thân. 

Đứng về phương diện thế gian, một tiếng khen nhẹ nhàng, đúng lúc cũng như một liều thuốc bổ giúp ta phục hồi sức khỏe nhanh chóng, làm ta cảm thấy hài lòng, mát dạ. Nhưng nếu lời khen đó không đúng sự thật, chỉ là lời của kẻ nịnh bợ hay gian dối, phĩnh gạt sẽ làm cho ta sinh tâm cống cao ngã mạnmà chuốc lấy khổ đau vì dễ dàng bị người lợi dụng làm chuyện xấu.

Ta không nên khen để lấy lòng cấp trên, khen để người ta đam mê dính mắc, khen để được lòng mọi người để rồi ác tâm mưu hại hoặc lường gạt của nhau. Khi thấy ai làm một việc ích lợi cho nhiều người thì ta hãy nên thành thật khen tặng, để người đó càng ngày càng làm tốt hơn trong việc chia vui sớt khổ. Khi ta bị người đời khinh thường, coi rẻ, chê bai thì ta đã biết trước kia mình gieo nghiệp ác quá nhiều, thay vì bị đọa địa ngục để trả quả khổ đau, nay đời này ta bị khinh chê nhiều nên tội nghiệp đời trước lần hồi được tiêu diệt theo thời gian.

Khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ kích thích cho người đó thêm sự cố gắng mà làm tốt hơn. Trái lại, việc khen chê không đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ làm người đó tự ái mà có thể làm hại lại chính ta. Là người Phật tử chân chính ta phải sống có ý thức trong việc khen chê, phải làm sao cho phù hợp lòng người.

Thường những người quản lý, các nhà lãnh đạo giỏi, các nhà giáo dục tâm linh thường sử dụng lời khen chê như một công cụ giao tiếp chủ đạo nhằm kích thích đối phương càng cố gắng phục vụ tốt hơn. Lời khen đúng như rót mật vào lòng nên ai không ham, không thích, không khoái sao được. Nó là liều thuốc bổ giúp con người hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Tuy nhiên, cũng không thiếu những người quản lý, các nhà lãnh đạo có tiếng tăm khi tiếp xúc với kẻ dưới quyền họ chỉ phê phán, chê bai nhiều hơn khen ngợi. Họ ít quan tâm lắng nghe sự chia sẻ của người khác, do đó dễ đụng chạm tự ái mà sinh ra phiền muộn, khổ đau.

Khen và chê là hai cặp thăng trầm trong việc đối nhân xử thế. Ai cũng cảm thấy hãnh diện khi được khen và cảm thấy buồn phiền khi bị chê. Những người hay khuyên nhủ, nhắc nhở ta, hay chê trách ta đúng sự thật thì đó là thầy ta. Ta hãy nên biết ơn và cung kính học hỏi người đó. Những ai chê và khen không đúng sự thật tức là kẻ tiểu nhân, kẻ gian dối, dua nịnh, hay khen sai để lấy lòng mình thì ta nên thận trọng.

Tỉnh giác để làm chủ khen chê

Khen và chê là hai cặp đối đãi làm cho nhiều người điên đảo và si mê, vọng động. Người trí sẽ không bị lung lạc bởi tiếng khen lời chê nên hiên ngang, sừng sững như tảng đá lớn mặc tình cho mưa rơi, gió thổi vẫn không làm lay động được.

Như chúng ta đã biết, từ ngàn xưa đến nay không có một ai hoàn toàn bị chê, hay người trọn vẹnđược khen. Nếu luận về khen chê thì quả thật trong cuộc đời này biết bao giờ ta kể cho hết, nhưng chưa có người nào hoàn toàn bị chê và cũng chưa có người nào được khen trọn vẹn. Chính đức Phật mà còn bị người khác chê bai, chỉ trích, chửi mắng thì huống hồ chúng ta bây giờ chỉ là hạt cát, hạt bụi nhỏ nhoi.

Một hôm, trên đường đi giáo hóa Phật bị một người theo sau chửi mắng thậm tệ nhưng Người vẫn thong dong, bình tĩnh bước đi nhẹ nhàng, không nói một tiếng nào. Kẻ kia tức quá chạy lên phía trước chặn lại và nói:

“Này Cù Đàm, ông có điếc không?” Phật nói: “Ta không điếc.” “Nếu Ngài không điếc, tại sao nghe tôi chửi mà Ngài vẫn làm thinh?” Phật bảo: “Này anh bạn, giả sử nhà ông có tiệc tùng, ông mời bạn bè người thân tới dự và có chút quà để tặng nhưng họ không đến. Vậy quà đó thuộc về ai?” “Quà ấy vẫn thuộc về tôi chứ ai.” “Cũng vậy, ông từ sáng đến giờ cho ta quá nhiều ngôn ngữ yêu thương nhưng ta đâu có nhận. Vậy quà đó vẫn thuộc về ông.”

Người ta chê bai, chửi mắng Phật nhưng Ngài vẫn an nhiên, bình thản không đón nhận mà còn khởi tâm từ bi thương xót vì người kia quá vô minh, mê muội. Chúng ta tu theo Ngài cũng vậy, ta không nên để lời khen tiếng chê làm rối loạn tâm cang. Bởi người đó không dám chấp nhận người khác có tài đứchơn mình nên mới tìm cách chê bai, lăng nhục Phật như thế. Khi nghe Phật nói như vậy ông ta liền thức tỉnh mà nhận ra lỗi lầm của mình do tâm ganh ghét tật đố, từ đó ông phát tâm quy y đầu Phật.

Người chê ta mà chê phải chính là thầy ta, người chê ta mà chê sai là vì ganh ghét, tật đố vì thấy ta hơn họ. Người khen ta mà khen phải là bạn ta, nhưng kẻ khen theo kiểu vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta. Ở đời có hai sự khen chê, một là khen chê bằng tấm lòng chân thật để giúp ta làm tốt hơn hoặc để ta biết sai mà sửa sai; hai là khen chê bằng sự ganh ghét, tật đố khi thấy ta thua người hay vì quyền lợiriêng tư.

Miệng lưỡi thế gian lúc nào cũng có hai mặt phải và trái, đúng và sai, ta cần phải nhận biết lời chê tiếng khen của mọi người thật hay giả để biết ai là bạn, ai là thù. Từ vua chúa cho đến thứ dân bần cùng thật khó một ai tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc trong lời nói.

Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người chê ta mà chê sai là kẻ muốn hại ta. Người khen ta mà khen đúng là bạn ta, người khen ta bằng cách tâng bốc, nịnh hót là kẻ vì lợi ích riêng tư, đa số là kẻ dưới quyền. Mỗi khi ta phạm sai lầm thì ta không dễ gì nhận ra.

Người chỉ ra cái sai của ta tức là giúp ta thấy được cái sai của mình thì hiển nhiên họ là thiện hữu tri thức có hiểu biết hơn ta. Người đó xứng đáng là bậc thầy của ta về trí tuệ. Hơn nữa, họ dám chỉ cho ta nhận ra cái sai của mình để ta có hướng khắc phục, sửa đổi nên đó chính là người có tâm từ rộng lớn muốn giúp ta thăng tiến trên con đường tu học. Ta hãy tôn xưng người ấy làm thầy để có điều kiện được gần gũi học hỏi và tu hành.

Người khen ta mà khen phải là người tốt không có tâm đố kỵ, hiềm khích trước những cái tốt, cái hay của người khác. Họ khen ngợi ta để cùng chung vui, chia ngọt xẻ bùi. Đó chính là người bạn tốt, ta hãy nên kết làm bạn tri kỷ.

Trong cuộc đời mình nếu ta có được nhiều người thầy, người bạn như thế thì ta quá ư là diễm phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai khen hay chê mình thì đều là thầy, là bạn của ta. Để nhận rađâu là người bạn đích thực biết khen ta đúng lúc, đúng việc chứ không gian dối, nịnh bợ thật không dễ tí nào.

Trước hết, kẻ gian dối, nịnh bợ khen ta là xuất phát từ lòng vị kỷ, vì mục đích mưu cầu lợi ích riêng tư. Những kẻ đó luôn lấy việc vuốt ve, nịnh bợ để tiến thân khiến cho người được khen ngày càng tự đánh mất mình, xa rời lẽ phải mà rơi vào chỗ khốn cùng. Thật đáng tiếc thay, thời đại nào cũng có vô sốnhững kẻ như thế.

Sử sách đã ghi lại không biết bao nhiêu bậc vua chúa vì những lời ngon tiếng ngọt mà dẫn đến người tôi trung bị hãm hại, dân tình sống điêu linh khổ sở vì nạn bóc lột thậm tệ của kẻ quan quyền. Lời dạy của người xưa luôn giúp chúng ta biết phải sáng suốt để nhận ra đâu là bạn, đâu là thù. Ai khen ta thật lòng thì ta càng cám ơn họ và càng cố gắng làm tốt hơn nữa những việc làm có lợi ích cho xã hội.

Ngày nay, nền kinh tế thị trường mở cửa nên có nhiều người vì muốn được danh thơm tiếng tốt, tiền bạc dồi dào mà bằng nhiều cách thường vuốt ve, nịnh bợ cấp trên nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho riêng mình nên dễ làm tổn hại, thất thoát của chung. Chúng ta muốn mọi người giúp ta, chỉ lỗi cho ta, chê ta thật lòng thì mình phải biết coi trọng những người đó như ân nhân của mình.

Cũng vậy, đối với gia đình người thân, bạn bè, anh em, ta phải sống với nhau chân tình, thành thật, dám chỉ ra những khuyết điểm của nhau để ta và người cùng sửa sai mà hoàn thiện chính mình. Nói tóm lại, người khen ta mà khen đúng, người chê ta mà chê đúng thì ta hãy nên nhận những người này là thầy bạn tốt của ta. Ngược lại, người khen ta mà khen sai, người chê ta mà chê sai thì ta hãy nên thương họ nhiều hơn vì họ quá vô minh, mê muội nên mới có thái độ và hành động không tốt như thế.

Cho nên, khi được khen ta cũng chớ vội mừng và khi bị chê ta cũng chớ vội buồn. Nếu ta vội mừng hay buồn như vậy thì tâm mình rất dễ bị dao động, khi bị dao động ta sẽ bất an, khi bị bất an ta sẽ bị hai ngọn gió khen-chê thổi bay mất, mà người tu cần phải “Tám gió thổi chẳng động” thì sự tu mới có kết quả tốt đẹp.

https://thuvienhoasen.org/a29524/tinh-tam-giua-khen-che

Các tin đã đăng:
Về đầu trang