Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tương lai của nhân loại
19/04/2018 14:58 (GMT+7)

Dưới đây là bản dịch một bài nói chuyên của ngài trước các sinh viên thuộc University of British Columbia ở thành phố Vancouver, bang British Columbia, Canada vào năm 1985. Sau 25 năm, bài nói chuyện của ngài vẫn còn nguyên giá trị.

Trong kỷ nguyên hiện nay, khi công nghệ và chủ nghĩa sùng bái vật chất nảy nở, chúng ta muốn có một cái nhìn cặn kẽ vào tư duy của thời đại và tự hỏi xem phải chăng giai đoạn này là một thời kỳ đáng sống. Khoa học đã mang lại những tiến bộ diệu kỳ về mặt công nghệ và chắc chắn điều đó được kể là tốt đẹp. Nhưng chúng ta cũng nên nhận thức sự thật qua phát biểu, “vật cực tắc phản”, nghĩa là khi sự vật tiến tới một cực độ thì nó sẽ biến thiên theo chiều ngược lại. Trong trường hợp của những tiến bộ công nghệ, những điều tốt cũng báo hiệu sự bất hạnh. Chẳng hạn, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ về máy vô tuyến truyền hình. Tôi biết nhiều người sẽ phản đối những phân tích của tôi về máy vô tuyến truyền hình, bảo rằng, “Thưa thầy, thầy là người muốn trở về thời đồ đá. Thầy là một kẻ lỗi thời. Thầy không đi cùng nhịp bước với thời đại.”Mặc dù vậy, theo quan điểm của tôi, máy vô tuyến truyền hình vẫn là một sự đe dọa đối với cuộc sống loài người. Máy vô tuyến truyền hình là một thứ ăn-người. Quý vị chưa biết được điều đó à? Hãy nhìn đám trẻ con ngày nay. Thay vì làm bài tập về nhà, trẻ con chỉ biết ngồi trước máy vô tuyến truyền hình. Chúng bị dán chặt vào màn hình, và màn hình của máy đã hút hết sinh lực của chúng. Những đứa trẻ ấy có thể coi là không còn sinh khí vì chúng sẽ chẳng bao giờ học được những nguyên lý căn bản của một người hiền thiện. Chúng chỉ học được việc nhìn chăm chăm vào màn ảnh truyền hình.

Và máy vô tuyến truyền hình đã dạy chúng những gì? Bất kể hành vi quái đản kỳ lạ nào mà ta có thể tưởng tượng được. Chúng học được hết sức ít ỏi về giá trị.Trẻ con nhanh chóng học để diễn lại những bài học xấu xa và có hại mà chúng đã xem được. Chẳng bao lâu sau, chúng học được tất cả những điều tồi tệ mà con người có thể làm.

Trước khi máy vô tuyến truyền hình có mặt trong thế giới loài người, thứ hàng hóa ăn-người chính là chiếc máy vô tuyến truyền thanh. Máy vô tuyến truyền thanh cũng đã hút kiệt sinh lực của loài người. Con người thường cắm một cái ống nghe vào tai và hoàn toàn quên sạch tất cả mọi điều khác. Máy vô tuyến truyền thanh đã từng làm cho chúng ta quên ăn quên ngủ và quên hầu như tất cả những sự kiện thông thường của cuộc đời. Ngày nay máy vô tuyến truyền hình đã làm cho chúng ta lúng túng đến mức không biết là chúng ta đang đến hay đang đi.

Máy điện toán đã tiếp bước ngay sau máy vô tuyến truyền hình. Trong ngôn ngữ Trung Quốc máy điện toán được hiểu một cách cụ thể như là bộ não điện tử. Trong tương lai, sẽ có cả những cặp mắt điện tử, cũng như những đôi tai điện tử, những cái lưỡi điện tử, những lỗ mũi điện tử và những thân thể điện tử. Mỗi một con người với lục căn sẽ có cả những bộ phận tháo rời dùng một lần rồi bỏ, giống như những hộp đựng băng từ và sẽ có được sự tăng thế của nguồn điện. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều sẽ được điện toán hóa. Ngay cả ý thức cũng sẽ gắn chặt một cách hữu cơ với các “ngân hàng dữ liệu điện toán biết mọi thứ”. Phải chăng đó là một thời kỳ thích hợp để là một con người Chắc chắn là không thể được! Đây chính là một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử loài người.

Trong cái kỷ nguyên đen tối này, sự minh triết của loài người đã bị đánh cắp bởi vật chất. Chẳng ai còn có một sự minh triết nào để nói tới. Sự thông minh cố hữu của con người đã bị thay thế bởi các sản phẩm và đủ loại hàng hóa. Và một khi chúng ta đã mang vật chất thay thế cho sự minh triết, bấy giờ con người sẽ trở nên trống rỗng, giống như những thằng khờ. Sự khôn ngoan sẽ trở thành lỗi thời. Con người sẽ chẳng còn phụng sự cho bất kỳ một chức năng hữu dụng nào. Hãy ghi nhận những điều tôi nói: trong tương lai, con người sẽ trở nên thừa thãi. Quý vị có thấy rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng không? Hãy xét kỹ! Con người đang bị làm cho trở nên vô dụng. Chẳng hạn, một số nhà khoa học vô đạo đức đang bận rộn trong việc sáng tạo những quái vật kỳ diệu. Quý vị cho rằng sản phẩm đó là có tính người ư? Chắc chắn nó không có tính người. Quý vị cho rằng nó có tính thú vật chăng? Sản phẩm ấy cũng chẳng là thú vật. Vì đám khoa học gia ấy cấy ghép những đơn vị di truyền của con người vào trong thân thể của loài thú và làm biến đổi các đơn vị di truyền ấy trong cơ thể những sinh vật thuần chủng của loài thú, sự biến đổi về di thể hỗ tương như vậy sẽ tạo ra một giống lai tạp kỳ quái mang tính đột biến về tế bào không hề giống cả bố lẫn mẹ.

Bấy giờ con người có thể sinh ra với những cái sừng trên đầu hoặc với những cái vòi giống như vòi voi.Theo tôi, một người được sinh ra với cái vòi của loài hậu bì sẽ giống yêu tinh hơn là giống người. Những giống yêu tinh và quái vật như thế đang nằm trong phạm vi có thể có được của thời đại ngày nay.

Hơn nữa, tầm mức của công nghệ đã vượt ra ngoài sự kiểm soát. Chỉ trong vòng hai thế kỷ nữa mà thôi, điện thoại và các công cụ tương tự sẽ hoàn toàn trở nên lỗi thời. Máy vô tuyến truyền hình và máy điện toán cũng sẽ hoàn toàn biến mất. Tấm thân vật chất của từng con người một sẽ chứa đựng sẵn những khả năng của các loại công cụ ấy. Chẳng một ai sẽ phải mất công quay số hay bấm phím điện thoại. Con người sẽ chỉ cần phải phát đi chuỗi số của người anh ta muốn gọi từ một hệ thống điện thoại được cài đặt sẵn trong cơ thể, với những cần ăng-ten được định vị trong cặp lông mày hay trong mái tóc chẳng hạn, trong khi kẻ được gọi cũng sẽ tiếp nhận cuộc gọi nhờ vào một thiết bị được cài đặt sẵn trong cơ thể. Đó là điều thật dễ dàng để thay cho một cuộc gọi bằng máy điện thoại.

Sẽ có người nghĩ rằng, “Thưa thầy, đó là câu chuyện kỳ cục nhất mà tôi từng được nghe”.

Được thôi, tôi yêu cầu quý vị hãy xem xét kỹ. Nếu như cách đây năm trăm năm, quý vị tiên đoán,”Trong vòng năm trăm năm nữa, sẽ có máy bay, máy vô tuyến truyền thanh và máy vô tuyến truyền hình” lúc ấy có bao nhiêu người tin vào lời phát biểu của quý vị? Lúc ấy có lẽ mọi người đều cho rằng quý vị là kẻ mất trí. Thế mà tất cả những phát minh đó nay là chuyện hết sức thông thường.

Tại sao tôi đã phải nêu chủ đề này lên trước nhất? Vì chúng ta cần phải nhận thức rằng những tiến bộ về khoa học và về những lợi ích vật chất không nhất thiết là lúc nào cũng mang lại sự tốt đẹp cho nhân loại về lâu về dài. Chúng chỉ là những lợi ích không hoàn thiện, không trọn vẹn. Ngược lại, chính sự minh triết mới là lợi ích triệt để cho toàn thể thế giới. Tư duy và thái độ dẫn xuất từ luân lý và đức hạnh mới thật sự hoàn toàn tốt đẹp cho tất cả chúng ta. Tứ vô lượng tâm của Đức Phật bao gồm từ, bi, hỷ và xả hoàn toàn có lợi cho hết thảy chúng sinh. Khi chúng ta đặt tư tưởng của chúng ta trên nền tảng của Tứ vô lượng tâm, khi đó chúng ta có thể tiến tới và thúc đẩy để công nghệ phải phục vụ cho con người. Không hề có sự sợ hãi là chúng ta sẽ quên hẳn những khía cạnh nên tảng của tính nhân bản, chẳng hạn, thân thể của chính mình. Nếu thiếu từ bi hỷ xả, trong tương lai, con người sẽ quên hẳn rằng con người đã từng trông như thế nào. Chẳng phải là tôi đang quở trách quý vị đâu; lời tiên đoán trên chỉ là một sự thật lạnh lùng, khó chấp nhận.

Đó chính là cái cách để thế giới biến đổi. Điều tốt đẹp khi tới cực độ sẽ chuyển thành điều tệ hại. Điều xấu ác, một khi đã đạt tới cực độ, cũng chuyển thành tốt đẹp. Một kẻ nghèo tới mức cùng cực của sự nghèo có thể bất ngờ phất lên, trong khi người giàu có thể mất đến đồng xu cuối cùng chỉ trong vòng một đêm. Một khi đã được sinh ra, chúng ta đều là những đứa trẻ yếu ớt nhỏ bé, nhưng chúng ta dần trưởng thành, trở nên già nua, bệnh hoạn rồi chết. Đó chính là chu kỳ sinh trụ dị diệt quay vòng trong cuộc đời. Đó chính là tiến trình tự nhiên của sự biến đổi tuần hoàn mang tính cách tiến bộ. Một tiến trình của sự biến đổi tuần hoàn có tính cách tiến bộ. Một tiến trình của sự chuyển hóa và biến chuyển. Nếu chúng ta nhận thức được trạng thái ấy, khi đó việc làm giàu không còn có sức mời gọi chúng ta nữa. Và nếu chúng ta bị mất mát tài sản, bấy giờ chúng ta sẽ thấy mọi sự hệt như câu ngạn ngữ, “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ (người quân tử dù gặp lúc cùng cũng vẫn giữ trọn vẹn khí tiết của mình, kẻ tiểu nhân gặp lúc cùng thì bắt đầu nghĩ chuyện bậy)”

Cho nên điều quan trọng trong thời đại điên rồ này là đừng đam mê, và đừng quên điều gì đã làm thành một con người. Chúng ta phải giữ trong tâm những mục tiêu và diện mạo nguyên thủy của giống người. Khi nói về ý nghĩa của đời người, tôi có thể nói một cách thẳng thắn rằng những điều lợi ích lớn nhất mà tôi đã gặp được trong toàn thể đời mình chính là Sáu Nguyên Tắc của Vạn Phật Thành.

Nguyên tắc đầu tiên là “đừng tranh đấu”. Nguyên tắc này được áp dụng một cách đơn phương. Chẳng phải là tôi sẽ bằng lòng với tất cả mọi người. Nhưng bất kể quý vị chỉ trích tôi điều gì, tôi cũng sẽ chấp nhận nó không chút ngần ngại. Quý vị có thể gán cho tôi bất kỳ thuộc tính nào. Bảo tôi là con mèo nhỏ ư? Vâng, thì là con mèo nhỏ. Gọi tôi là con chó à? Được thôi, tôi là con chó. Bất kể quý vị nhận thức về tôi như thế nào trong tâm của quý vị, thì tôi chính là như vậy đó. Có phải quý vị thấy tôi là một vị Phật không? ừ thì tôi là Phật. Có phải quý vị thấy tôi là một vị Bồ-tát? Phải đấy, tôi là thế đấy. “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tôi là bất kỳ thứ gì mà quý vị tưởng tượng về tôi.

Nhưng về phần tôi, tôi có những mục tiêu và những đích nhắm để là một con người. Những mục tiêu và những đích nhắm ấy là gì? Chỉ đơn giản là không tranh đấu với con người, bất kể người đó là ai. Quý vị có thể gọi tôi là gì tùy ý, và tôi sẽ mang theo cái nhãn ấy. Tôi sẽ chấp nhận cái nhãn ấy, cái nhãn ấy sẽ là cái tôi là. Nhưng tôi không đồng ý với quý vị.

Nguyên tắc thứ hai là “đừng tham lam.” Bất kỳ điều gì quý vị sở hữu, nó là của quý vị. Tôi không khao khát nó. Và bất kỳ thứ gì của tôi mà quý vị thích, tôi sẽ tặng quý vị. Tới mức tôi còn dâng hiến nửa là khác. Khi tôi trao tặng, điều đó không giống như một vị Sa môn tham lam ngày xưa, lúc nào cũng khuyên người khác, “Hãy bố thí, hãy bố thí, hãy bố thí”, và luôn mồm nói những lời vô vị rằng,”Kẻ xuất gia không cầu xin của cải, nhưng có càng nhiều càng tốt”. Bất kỳ người bạch y cư sĩ nào cũng hy vọng người ta sẽ bố thí cho vị sa môn ấy, nhưng chính vị sa môn ấy lại không nghĩ đến việc phải rộng lượng đối với người khác. Đó chính là một thái độ sai lầm mà chúng ta nên tránh.

Về nguyên tắc “đừng mong cầu”, thì nó có nghĩa là đừng tìm kiếm cơ hội để vớ bở hoặc để có được một khoản lợi nhuận bất ngờ. Mọi người trong cuộc đời đều tranh đấu về lợi thế. Nếu chúng ta hiểu được nguyên tắc đừng mong cầu, và bằng lòng với điều mình có, khi ấy chúng ta sẽ chẳng phải tranh đấu với ai nữa làm gì. Một số người nắm vững điều này thực sự hiểu đúng Sáu Nguyên Tắc. Tại sao chúng ta không mong cầu? Bởi vì chúng ta không muốn trở thành kẻ ích kỷ. Lý do duy nhất buộc một người phải mong cầu vật chất là vì có tính ích kỷ. Khi đã không thấy có bản ngã, chẳng có lý do gì để phải mong cầu. Và khi được giải phóng khỏi lòng ích kỷ, con người sẽ không chạy theo những lợi ích cá nhân.

Có hai nguyên tắc liên quan với nhau; đó là “đừng ích kỷ” “đừng tự lợi”. Không ích kỷ sẽ tạo điều kiện để không mong cầu những lợi thế cá nhân. Không tự lợi sẽ không chạy theo lợi ích của riêng mình mà bỏ qua lợi ích của người khác. Hai nguyên tắc này có vẻ giống nhau nhưng thực sự chúng có những ý nghĩa khác biệt rõ rệt.

Nguyên tắc cuối cùng là “đừng dối trá”. Lý do duy nhất khiến một người phải nói dối là vì sợ hãi; người ấy sợ đánh mất những lợi thế ích kỷ của mình. Sự sợ hải đó thúc đẩy người ấy chỉ trích tất cả mọi người khác, luôn luôn nói rằng, “Tất cả các ông đều sai, chỉ có mình tôi đúng”. Tại sao người ấy lại có cảm nghĩ như vậy? Vì anh ta sợ sẽ để mất những lợi ích của mình vào tay người khác. Những người không khao khát lợi ích cá nhân thường chẳng có lý do gì để dối trá. Cuối cùng, ta có thể hỏi thêm, dù sao đi nữa thì sự dối trá có giá trị gì?

Nếu có thể hiểu đúng Sáu Nguyên Tắc trên, khi đó quý vị sẽ biết là một con người thì có ý nghĩa gì.

Nếu quý vị không hiểu được Sáu Nguyên Tắc ấy, bấy giờ quý vị cứ bám theo sát gót với cuộc tranh đấu quyết liệt của thời đại điên rồ này. Bao lâu mà quý vị còn trôi lăn với trào lưu của sự mất trí này, quý vị cũng chỉ là một con người điên rồ nào đó, cũng dại dột chẳng khác gì người kế cận.

Đó là thông điệp của tôi gửi đến tất cả quý vị hôm nay. Tôi hy vọng trong số quý vị, những người trẻ đã nghe tôi sẽ không mất trí.Trong số quý vị, những người lớn tuổi tiếp tục duy trì được sự tỉnh táo của mình, ở đây, trẻ em cũng có thể học tập cùng với người trưởng thành. Hãy học tập để đừng trở nên mê đắm. Tôi vẫn thường nói, “Mọi chuyện đều tốt đẹp cả, chẳng có vấn đề gì”.

Ở đây có một vấn đề nhỏ cần nói thêm. Đừng hoảng hốt khi quý vị nghe tôi nói rằng máy vô tuyến truyền thanh, máy vô tuyến truyền hình và máy điện toán là những loại yêu tinh ăn thịt người. Không cần phải sợ hãi. Tôi hy vọng rằng quý vị sẽ nhận thức cụ thể về những công cụ ấy theo đúng thực chất của chúng. Một khi quý vị đã nhận biết chúng, bấy giờ những thứ dụng cụ điện tử ấy đã mất cái năng lực làm cho quý vị phải lúng túng. Biết như vậy là đủ rồi. Nhưng nếu quý vị còn bối rối về chúng, khi ấy chúng có thể nhai nuốt quý vị thật.

Cùng nguyên lý này cũng được áp dụng cho cái đẹp. Nếu hình ảnh của một gương mặt đẹp có năng lực gây bối rối cho quý vị, bấy giờ quý vị đã bị ăn tươi nuốt sống bởi một thứ ăn người. Nếu việc thấy đồng tiền làm cho quý vị bối rối, khi đó quý vị cũng đã bị nhai nuốt bởi một thứ ăn người. Nếu mục đích của quý vị là thiết lập một danh tiếng vĩ đại và sự nổi tiếng làm quý vị phải bối rối, quả thật quý vị đã bị nhai nuốt bởi con yêu tinh danh vọng. Nếu thức ăn làm quý vị quay quắt, mặc dù quý vị có cảm giác là mới thưởng thức một món ăn ngon, thực ra, thực phẩm đã nhai nuốt quý vị. Thực phẩm đã nhai nuốt tâm thức của quý vị, hay nói rõ hơn, Pháp thân của quý vị. Nó đã nuốt sạch trí tuệ của quý vị, và bỏ mặc cho quý vị ngốc nghếch đến mức nào có thể.

Nếu giấc ngủ có thể giữ quý vị trong trạng thái ngẩn ngơ suốt vài thế kỷ, và khi cuối cùng tỉnh giấc nhìn đồng hồ đeo tay quý vị nhận ra đã quá nửa đêm, và nếu bấy giờ quý vị cũng lại lăn qua một bên rồi ngủ tiếp, thì có nghĩa là quý vị vừa bị nhai nuốt bởi giấc ngủ. Có phải vậy không nào?

Trần Khiết Bách dịch

Nguồn: Vajra Bodhi Sea: A Monthly Journal of Orthodox Buddhism, July, 2000. ■

 Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 101

Các tin đã đăng:
Về đầu trang