Duyên khởi thần túc
Tứ thần túc 四神足, Sanskrit: caturṇāṃ ṛddhi-pādānām,
Pāli. cattāro iddhi-pādā, Tib. rdzu ‘phrul gyi rkang pa bzhi, cũng được
dịch là Tứ như ý túc (四如意足).
Pháp này là chi phần thuộc ba mươi bảy đạo phẩm
1,
được chính Đức Phật giảng khi Ngài đang cư trú tại thành Thất-la-phiệt,
ở rừng cây Thệ-đa, vườn của ông Cấp Cô Độc, hiện có thể đọc được kinh
này trong Tạp A-hàm 21, kinh 561, tr. 147b1, Tăng nhất A-hàm, tr.
658a01, Trường A-hàm, tr. 50c17.
Bốn pháp ấy được kể tên theo Hán dịch của ngài Huyền Tráng như sau
2:
1. Dục Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc.
2. Cần Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc.
3. Tâm Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc.
4. Quán Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc.
Nội dung
1- Dục Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc
Sanskrit:
Chanda-samādhi-prahāṇa-saṃskārasamannāgata-ṛddhipāda Tib:
‘dun pa‘i rdzu ‘phrul gyi rkang pa, Pāli.
chanda-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda3, Anh dịch: the leg of miracle of strong interest.
Hán dịch tương đương: Diệt hành thành tựu (滅行成就), (Dục
tam-ma-địa đoạn hành thành tựu (欲三摩地斷行成就), Tự tại tam-muội hành tận thần
túc (自在三昧行盡神足), Dục thần túc(欲神足).
*Giải thích ngữ vựng Sanskrit:
- Chanda: ước muốn, quyết tâm, sức đẩy đi tới.
- Samādhi: Hán dịch là định, đi từ động từ căn √dha: gom vào một điểm, nhóm lại, tụ lại.
- Prahāṇa: Diệt trừ, ly khai, tố từ pra và động từ căn √han: giết, đoạn.
- Saṃskāra (Pāli Samkhara): Hán dịch là thắng hành, 1. Do động từ
sam-√skri: đặt vào với nhau, liên kết; 2. sams-√kri: hành động liên kết,
tác động.
- Samannāgata: Hán dịch thành tựu, cái không mất, cái luôn đi theo.
- Pāda, gốc Latin: pes và Hy Lạp: pous, anh dịch là foot, nghĩa đen: chân, tức cơ sở, hay nền tảng.
- Ṛddhi+pāda: căn bản thần lực, cơ sở thần thông... Anh dịch: bases of magical emanations, legs of magical emanatio v.v…
Vậy
Chanda-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhipāda: quyết tâm thiền định tận diệt tâm hành là cơ sở dẫn tới thành tựu thần lực.
2- Cần Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc
Sanskrit:
Vīrya-samādhi-prahāṇa-saṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda, Tib.
brtson `grus kyi rdzu `phrul gyi rkang pa,Pāli.
virya-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda, Anh dịch: miracle-leg of exertion.
Hán dịch khác: Tinh tấn tam-muội hành tận thần túc (精進三昧行盡神足), Cần thần túc (勤神足).
-Vīrya: biến cách của Vyāyāma, nỗ lực, tinh cần, đi từ động từ căn √yam: cố gắng, tiến tới.
Vậy
Vīrya-samādhi-prahāṇa-saṃskārasaman-nāgata-ṛddhipād: Nỗ lực thiền định tận diệt những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực.
3- Tâm Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc
Sanskrit:
citta-samādhi-prahāṇa-saṃskārasamannā-gata-ṛddhipāda, Pāli.
citta-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda, Hán cũng dịch: Tâm tam-muội hành tận thần túc (心三昧行盡神足).
- Citta: Hán dịch là tâm, do động từ căn: 1. √ci (cinoti): tích
lũy/tri nhận; 2. √cit hay √cint (cintayati): tư duy/suy tưởng. Anh dịch:
think; thinking; imagine; thought. Hán dịch là Tâm, Niệm, Ý.
Vậy
Citta-samādhi-prahāṇa-saṃskārasamannā-gata-ṛddhipāda: Tâm thiền định tận diệt các hành là cơ sở thành tựu thần lực.
4- Quán Tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc
Sanskrit:
Vīṃamsā-samādhi-prahāṇasaṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda, Pāli.
vīmaṃsā-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda, Anh dịch: the feet of miraculous discernment. Hán cũng dịch: Giới tam-muội hành tận thần túc (誡三昧行盡神足).
- Vīṃamsā: do động từ căn √man: tư duy... Vīṃamsā: tư duy thẩm sát, khảo nghiệm.
Vậy
vīṃamsā-samādhi-prahāṇasaṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda: Tư duy thiền định, diệt trừ những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực.
Vị trí trong luận tạng
Bốn thần túc được giải thích chi tiết và đặc sắc ở trong nhiều luận thư, tiêu biểu như một số giải thích:
*Pháp uẩn túc luận4:
“Vì
sao bốn điều này gọi là thần túc? Trong đây, từ thần nghĩa là bất cứ
cái gì là thần, đã có trạng thái thần, đang có trạng thái thần, hiện có
trạng thái thần. Pháp đó có khả năng biến một thành nhiều, biến nhiều
thành một, hoặc ẩn hoặc hiện, được biến bởi trí kiến; đối với vật ngăn
ngại như tường, vách, đá dày chắc v.v... đều xuyên qua không chướng ngại
như đi trong hư không, có khả năng ở trong đất, hoặc nổi lên hoặc chìm
xuống, tự tại không bị cản ngại, như thân trong nước, có khả năng ở nơi
chướng vật dày chắc, hoặc ở tại hư không, dẫn nước khiến cho thành dòng
chảy, giống như ghềnh thác đổ, ngồi thế kiết-già, cỡi trên hư không mà
đi lại, đều được tự tại, giống như chim lượn. Mặt trời, mặt trăng to lớn
này, có đại thần dụng, đầy đủ đại uy đức, duỗi tay nắm lấy, giống như
ứng khí của mình, không lấy làm khó, cho đến Phạm thế, chuyển biến tự
tại, diệu dụng khó suy lường, cho nên gọi là thần.
Trong đây, từ “túc”, tức là ở nơi các pháp đó, phát triển một
cách tinh cần, không gián đoạn mà đạt đến giai vị thành tựu, có thể từ
pháp đó khởi lên và cũng có thể lấy pháp đó làm y chỉ, cho nên gọi là
túc.
Lại nữa, bốn thắng định này, cũng gọi là thần mà cũng gọi là túc
vì diệu dụng không thể lường, có thể làm môi trường sở y cho các phẩm
chất thù thắng.
Lại nữa, bốn thần túc này, là giả kiến lập, khái niệm, ngôn
thuyết, nghĩa là thần túc này trải qua căng-già-sa Phật và đệ tử cùng
quy ước tên gọi như thế, cho nên gọi là thần túc.
Lại nữa, bốn thần túc, tức là dục, cần, tâm, quán tam-ma-địa thắng hành thành tựu được nói ở trước, gọi chung là thần túc”.
*Đại Tỳ-bà-sa luận:
“Do truy tầm các điều mong muốn đều được như ý, nên gọi
là thần lực; duyên từ nơi thần lực mà phát ra, nên gọi là thần túc. Lại
do duyên vào năng lực của ước muốn và tinh cần, mà định sinh khởi, và do
dựa vào thiền định, mà tác dụng của các loại thần lực sinh khởi, nên
gọi là Tứ thần túc”
5.
*Du-già sư địa luận:
“Dù chỉ là vị A-la-hán hướng còn không có thêm một đời nữa, vậy
vị A-la-hán đã chứng Niết-bàn giới hữu dư y (sa-upadhiśeṣa) mà hồi
chuyển Đại Bồ-đề làm sao có thể trải qua nhiều đời để thành Phật? Vị ấy
cần phải kéo dài thọ hành để hoàn thành sự nghiệp. Bằng vào bốn như ý
túc (thần túc) mà Thế Tôn đã mật ý nói, vị ấy tăng thọ hành
(āyuḥsaṃskārān sthāpayati), lưu lại thân hữu căn (sendriyakāya), biến
hóa thành một thân khác thị hiện cho các vị đồng pháp (sahadharmka) khác
thấy là đã nhập Niết-bàn giới vô dư y. Do nhân duyên này, các vị đồng
pháp nghĩ rằng ‘Tôn giả kia đã nhập Niết-bàn giới vô dư y. Nhưng vị kia
đã thân hữu căn chân thật, ở ngay trong châu Thiệm-bộ (Jambudvīpa) này,
tùy theo nơi nào thích hợp, mà cả đến chư thiên cũng không thể nhìn
thấy. Bởi vì vị ấy có xu hướng an trú Niết-bàn tịch tĩnh, nhưng vẫn du
hành khắp mọi thế giới, cúng dường thân cận Phật Bồ-tát, tu tập các
Thánh đạo làm tư lương cho Bồ-đề, cho đến cuối cùng thành Phật, vĩnh
viễn nhập Niết-bàn giới vô dư y. Thân hữu căn được lưu ở đây gọi là thân
biến dịch tử”.
*A-tì-đạt-ma Câu-xá luận:
“Tại sao định lại có tên là thần túc? Bởi vì định là nền
tảng của thần (ṛddhi), có nghĩa là “kết quả” của tất cả các phẩm tánh
hoặc các điều tốt đẹp về tinh thần.
Nhưng có luận sư cho rằng “thần” chính là định và bốn pháp dục
(chanda), tâm (citta), cần (virya), quán (mīmāmsā) là “chân” (túc) của
loại “thần” này: Nếu thế lẽ ra phải nói là giác phần có đến mười ba sự,
vì phải cộng thêm dục và tâm. Hơn nữa, nếu cho rằng “thần” là định tức
đã đi ngược lại khế kinh. Kinh nói: “Thần (ṛddhi) là gì? Là hành giả đã
thực thi được các loại năng lực thần diệu khác nhau: là một nhưng hành
giả lại trở thành nhiều” v.v... Nên từ một gốc căn bản này, mà liền
chuyển biến ra thành chủng chủng quảng thuyết như các kinh luận nói.”
*Câu-xá luận ký6:
“Bốn pháp này theo vị gia hành mà thành lập tên thì:
1- Dục thần túc, ở đây dục đối với vị của gia hành mà khởi lên định này, vì nương vào sức mạnh của dục, nên định dẫn phát mà khởi lên.
2- Cần thần túc, ở đây đối với vị của gia hành mà siêng
năng tu tập định này, nhờ nương vào sức mạnh của siêng năng tinh tấn nên
định dẫn phát mà khởi lên.
3- Tâm thần túc, ở đây đối với vị của gia hành nhất tâm chuyên trụ, nhờ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát khởi lên.
4- Quán thần túc, ở đây đối với vị của gia hành, quán sát
tư duy lý, nhờ nương vào sức mạnh của quán, nên định dẫn phát mà khởi
lên. Trong địa vị của gia hành tuy có nhiều pháp, nhưng bốn pháp này là
lợi ích tối thắng. Cho nên từ bốn pháp này mà gọi tên”.
Chiêm nghiệm và thực hành
Phương pháp chiêm nghiệm và thực hành Bốn thần túc,
được Đức Phật dạy trong rất nhiều kinh thuộc hệ A-hàm và Nikāya, ở đây
chúng ta có thể tóm tắt như sau:
1- Tu tập Dục thần túc
Trong khi tu tập Dục thần túc, chúng ta quyết tâm, thẩm sát:
“Tại sao ta bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết?
Những gì đã làm cho ta bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết?”
Nhờ kiên trì, chuyên chú và quyết tâm thẩm sát như thế rồi,
chúng ta nhận thức rõ các tâm hành liên hệ đến tham, sân, si, mạn,
nghi... Ái, thủ, hữu là căn bản khiến ta bị sinh, bị già, bị bệnh, bị
chết, đưa ta đến đời sống khát ái về dục, khát ái về tồn tại, khát ái về
tính phi thực, phi hữu của thế gian, khiến ta hoàn toàn bị trói buộc.
Khi đã chiêm nghiệm như lý, ta kiên trì, quyết tâm phòng hộ căn
môn, tinh tấn dũng mãnh, khích lệ ý mình, thực hành thiền định, nhiếp
hộ, điều phục và diệt tận các chủng tử tâm hành liên hệ đến nguyên nhân
bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết; và chủng tử của khát ái, là chi
phần của mười hai chi duyên khởi7.
Bấy giờ ta có sự an tĩnh về thân hành, an tĩnh về ngữ hành và an tĩnh về tâm ý hành.
Khi các chủng tử thuộc về thân hành, ngữ hành, ý hành được nhiếp
hộ, điều phục và diệt tận bởi năng lực tam-muội, bấy giờ ta phá vỡ vỏ
trứng khát ái, trói buộc, và thành tựu được ước muốn giải thoát.
Như vậy, gọi là quyết tâm thiền định tận diệt tâm hành, là cơ sở dẫn tới thành tựu thần lực, tức là thành tựu Dục thần túc.
2- Tu tập Tâm thần túc
Trong khi tu tập Tâm hay Niệm thần túc, ta có ý muốn thoát
ly tập khởi dẫn đến sự khổ do sinh, do già, do bệnh, do chết, ta cần duy
trì ước muốn ấy, hiển liễu trong tâm ý của ta, xuyên suốt cả thời gian
tư duy thẩm sát.
Nhờ duy trì và hiển liễu ước muốn ấy, làm cho dẫn khởi năng lực
của tâm thức, khiến cho những chủng tử tâm hành liên hệ đến tập khởi của
cái khổ bị sinh, cái khổ bị già, cái khổ bị bệnh, cái khổ bị chết, nếu
chúng đã sinh liền bị hủy diệt toàn bộ; nếu chúng chưa sinh thì vĩnh
viễn không sinh khởi nữa.
Tâm hoang vu, tâm triền phược v.v... bị hủy diệt toàn bộ, tâm ý
ta nhờ đó mà thanh tịnh, các thần lực từ nương theo đó mà thành tựu.
Bấy giờ ta có sự an tĩnh về thân hành, khẩu hành và tâm ý hành.
Ta có giải thoát: khát ái về tồn tại, về các dục, khát ái về tính phi
hữu của thế gian; diệt tận đối với tập khởi của cái khổ bị sanh, bị già,
bị bệnh và bị chết.
Kiên trì, chú tâm, quyết định, duy trì tâm tu tập, duy trì
phương thức tu tập, khiến cho ngay trong đời sống hiện tại,những tập
khởi của phiền não liên hệ sanh tử không có điều kiện hiện khởi nơi tâm,
do đó, tất cả những tư niệm sai lệch bị chặt đứt và tiêu diệt. Từ đó sẽ
không có nghiệp ác dẫn sinh đau khổ, lang thang sinh tử.
Như vậy, gọi là tâm thiền định tận diệt các hành là cơ sở dẫn tới thành tựu thần lực, tức thành tựu Tâm thần túc.
3- Tu tập Cần thần túc
Trong khi tu tập Cần thần túc, ta kiên trì, bền chí, nỗ lực duy
trì, ước muốn thoát ly hay diệt tận tập khởi của cái khổ bị sanh, bị
già, bị bệnh, bị chết trong đời sống phi thực này, ngay ở trong tĩnh lự,
thẩm sát kỹ lưỡng, khiến cho những chủng tử tâm hành nào liên hệ đến
cái bị sanh, cái bị già, cái bị bệnh, cái bị chết, nếu chúng đã sinh
liền được niệm chú tâm theo dõi, chú ý bám sát, làm cơ sở cho định phát
triển, để nhiếp hộ, điều phục và đoạn diệt bởi năng lực tuệ giác, từ đó
tâm ta giải thoát đối với mọi tập khởi dẫn sinh khổ não.
Cho nên, trong khi tĩnh lự, Cần thần túc, không phải xuất hiện ở
trong Dục thần túc, mà xuất hiện ở trong Tâm thần túc, khiến cho vô
minh, khát ái về tồn tại, về các dục, khát ái về tính phi hữu của thế
gian, bị sự nỗ lực hiện hữu với Tam-muội nhiếp hộ, điều phục; và bị sự
nỗ lực hiện hữu với Bát-nhã đoạn tận những tâm hành bất thiện ấy, khiến
cho ta có sự giải thoát đối với các loại phiền não tập khởi dẫn đến sinh
tử.
Thẩm sát trong khi tu tập tĩnh lự, với sự hiện khởi của Cần thần
túc, khiến tâm ý ta ly khai khỏi hai cực đoan của Tam-muội và Bát-nhã.
Cực đoan của Tam-muội là quá trầm lắng và cực đoan của Bát-nhã là quá
bén nhạy. Bằng sự hiện hữu của Cần thần túc trong tĩnh lự, làm cho
Tam-muội và Bát-nhã cân bằng, ổn định trên con đường thể nhập vào Thánh
đạo thanh tịnh vô lậu.
Như vậy gọi là nỗ lực thiền định tận diệt những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực, tức là thành tựu Tấn thần túc.
4- Tu tập Quán thần túc
Trong khi tu tập tĩnh lự quán chiếu, ta tư duy liên hệ
đến:“Khổ thánh đế, Khổ Tập thánh đế, Khổ Diệt thánh đế, Khổ Diệt Đạo
thánh đế”, đến mức độ chín mùi, khiến ta chứng nhập Hiện quán Thánh đế;
hiện chứng được sự thực liên hệ giữa khổ và tập khởi của khổ; sự thực
liên hệ giữa sự tận diệt khổ và con đường đưa đến sự tận diệt khổ.
Do đó, ta nhiếp hộ, điều phục và đoạn tận các chủng tử phiền
não, tập khí thâm căn cố đế vận hành nơi tâm. Tu tập tĩnh lự với sự câu
hữu của Quán thần túc, sẽ giúp ta có đầy đủ sự an trú ở trong tĩnh lự,
để hiểu rõ sự thăng tiến của ba thần túc kia, đã thành tựu đến chỗ hoàn
hảo, thiện xảo, kiên cố hay chưa; và giúp ta thấy rõ các chủng tử bất
thiện nơi tâm đều bị tận trừ, cũng như thấy rõ các chủng tử thiện nơi
tâm đang được sinh khởi và phát triển mạnh mẽ.
Như vậy, Quán thần túc, gọi là diệt trừ những chủng tử tâm hành
là cơ sở để thành tựu thần lực, đó cũng chính là sự thành tựu Quán thần
túc vậy.
Phước Nguyên
____________________
(1)
37 đạo phẩm, hay còn gọi là 37 Bồ-đề phần, Skt.
saptatriṃśad-bodhi-pakṣikā-dharmāḥ; Pāli sattatiṃsa-bodhi-pakkhiyā
dhamma, trước đây thường dịch là: 37 trợ đạo phẩm, cần hiểu chính xác:
trợ đạo = chi phần của đạo, chứ không phải “đạo phụ” hay “phụ thêm cho
đạo” như một số giải thích hiện này.
(2) Dẫn theo Pháp uẩn túc luận (Bản Việt, 2017), Phước Nguyên dịch và chú.
(3) PTS. D 33 Saṅgīti: chandasamādhipadhāna/padhānasa ṅkhārasamannāgataṃ.
(4) Phẩm 8, Thần túc, tr.0475c07; bản dịch Việt, Phước Nguyên.
(5) T027n141, tr. 725.
(6) T41n1821, tr. 0380a18: 謂加行位或由欲力引發等持令其現起。廣說乃至.或由觀力引令現起(已上論文)所言四者。一欲神足。二勤神足。三心神足。四觀神足。何緣信等至後名為力者.
(7) Thập nhị chi duyên khởi, chính xác phải dịch là: Duyên khởi
có 12 chi (Skt. dvādaśāṅgapratītya-samutpāda), hay 12 chi của duyên
khởi, chứ không nên dịch theo cách hiện nay: 12 (cái) duyên khởi.