Trái đất này là của tôi, và nếu như có ai đổ xuống những
chất thải nguy hại, tôi sẽ vô cùng bất bình và sẽ phản đối như chính
mình bị thương tổn vậy.
Trong một bài kinh giảng về vô ngã, Đức Phật có cho một tỷ dụ như sau:
- Chư Tỳ Kheo, các thầy nghĩ thế nào? Trong rừng Jetavana này, nếu có
người đi nhặt cỏ, cây, nhành, lá rồi đốt hay làm gì với chúng tùy theo ý
họ muốn, các thầy có nghĩ rằng người ấy đi thâu lượm chúng ta, đốt
chúng ta hay làm gì với chúng ta tùy theo ý họ muốn chăng?
- Bạch Thế Tôn, không!
- Vì sao vậy?
- Vì những vật ấy không phải là tự ngã chúng con, cũng không phải thuộc về ngã của chúng con.”
(Trung Bộ Kinh, 22)
Nếu như ngày nay chúng ta nghe tỷ dụ với hình ảnh ấy, thì có lẽ câu
trả lời của chúng ta sẽ không hoàn toàn giống y như vậy. Nếu như những
nhóm cỏ đó bị thiêu đốt ở khu rừng nhiệt đới Amazon, hoặc những nhành
cây ấy được thu nhặt và mang đi từ chân núi Hy mã lạp sơn, thì tôi tin
chắc sẽ có nhiều người rất là bất bình. Tại sao thế? Vì châm ngôn của
giới bảo vệ môi sinh ngày nay là: “Trái đất này là một báu vật chung của
tất cả chúng ta. Chúng ta phải biết trân quý từng cọng cỏ, săn sóc từng
nhành cây, như chúng là những sở hữu thân thiết và quý giá nhất của
mình.”
Nói một cách khác, chúng ta cần mở rộng và làm lớn cái tôi của mình ra
để bao trùm hết trái đất này, từ đó ta mới có thể bảo vệ và nuôi dưỡng
nó được. Trái đất này là của tôi, và nếu như có ai đổ xuống những chất
thải nguy hại, tôi sẽ vô cùng bất bình và sẽ phản đối như chính mình bị
thương tổn vậy.
Nhưng trong giáo pháp, chúng ta nhận thấy nhiều lần đức Phật đã nhắc
nhở cho ta thấy sự nguy hại của khuynh hướng đi nhận những gì làm ta và
của ta, rồi bảo vệ chúng. Nó sẽ mang lại cho ta thêm khổ đau. Tôi nghĩ,
cái ngã là một chiến thuật sai lầm, nó được sinh ra từ vô minh, nuôi
dưỡng bởi tham ái, và được tồn tại nhờ vào sự nắm bắt những gì nó ưa
thích và cho là “của mình”, và xua đuổi những gì nó ghét bỏ hoặc cho là
“kẻ khác”. Thấy được điều ấy, thì khi ta nới rộng cái tôi của mình ra,
có
thể ta vô tình tạo nên điều kiện và nhân duyên cho những sự dính mắc
và khổ đau to tát hơn chăng?
Không phải tôi nói chúng ta không nên bảo vệ môi sinh, giữ gìn cho
những khu rừng già xanh mát khỏi bị tàn phá, nhưng tôi muốn nói ta nên
làm với một thái độ nào, điều đó có một ảnh hưởng rất quan trọng. Trong
nỗ lực bảo vệ trái đất trước những tàn phá của chính chúng ta, có biết
bao nhiêu việc trước mắt cần phải làm và có lẽ sẽ rất là dài lâu. Vì
vậy, tốt hơn hết chúng ta nên thực hành với một tuệ giác về vô ngã, hơn
là bằng một thái độ “thế giới này là của tôi”.
Cũng trong cùng một bản kinh ấy, Đức Phật
nói: “Vì vậy, này các Tỳ Kheo, cái gì không phải của các thầy, các thầy
hãy từ bỏ. Từ bỏ chúng sẽ mang lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các
thầy”.
Đức Phật có một cái nhìn và tuệ giác rất sâu sắc về bản tính của con
người. Ngài biết rằng, những đức tính thiện lành như là săn sóc, nuôi
dưỡng và bảo vệ, sẽ biểu hiện đối với những gì mình ưa thích, những gì
là của mình hoặc thuộc về mình. Nhưng chính trong ta cũng biểu lộ những
tính tham, sân, si khi tiếp xúc với những gì ta cho là ta hoặc sở hữu
của ta. Cái ngã ấy có thể hữu dụng trong một thời gian ngắn, hoặc với
một cái nhìn nhỏ bé. Nhưng cuối cùng thì cái ngã ấy sẽ là nguyên nhân
mang
lại cho ta khổ đau hơn là những điều tốt lành.
Ta hãy xem lại lịch sử loài người, có biết bao nhiêu ví dụ về những sự việc đã bị tàn phá cũng bởi vì chúng quá được yêu quý!
Nhưng nếu thế giới này không phải là của ta thì nó là của ai? Đức Phật đáp:
“Thử hữu cố bỉ hữu,
Thử sinh cố bỉ sinh
Thử vô cố bỉ vô
Thử diệt cố bỉ diệt”
“Vì cái này có mà cái kia có
Vì cái này sinh mà cái kia sinh
Nếu cái này không thì cái kia cũng không
Do cái này diệt mà cái kia cũng diệt”
(Kinh Trung Bộ, 115)
Đó là một công thức chung cho luật duyên khởi. Nó giúp ta thấy rõ được
mối tương quan, nối liền của mọi hiện tượng, và đó cũng là một khuôn
mẫu của vô ngã. Không có cái gì là thuộc về của ai hết. Không có một cái
ngã nào để phải bảo vệ, vì cái này khởi sinh cho nên cái kia khởi sinh
lên.
Nếu như thế giới này là tôi hay của tôi, và có ai đó đến thiêu đốt một
khu rừng, chắc chắn tôi sẽ phản ứng bằng sự tức giận, căm hờn và sẽ tìm
cách trả thù. Mặt khác, nếu như tôi có một thái độ vô ngã, tôi vẫn nhận
thức được sự bất thiện và hậu quả khổ đau của việc làm ấy. Tôi vẫn có
thể làm hết những gì mình có thể làm để thay đổi, ngăn chặn, hoặc trừng
phạt người đã gây ra việc làm ấy. Nhưng sự khác biệt là hành động của
tôi được hướng dẫn bởi tình thương và tuệ giác, đặt trên nền tảng của
một cái nhìn rộng lớn.
Tôi nghĩ đức Phật sẽ đồng ý rằng, một thái độ này là phản ứng khôn
khéo hơn thái độ kia. Và nếu ta thấy được tầm quan trọng của vấn đề
trước mắt, ta sẽ biết mình đang cần đến tất cả mọi sự khôn khéo trong
khả năng của mình.
Nguyễn Duy Nhiên (trích Đức Phật Bên Trong)
http://www.nguoiduatin.vn/the-gioi-nay-khong-phai-cua-ta-a114098.html