Như mỗi khi có
một cơn giận hay buồn lo nào, chúng ta thường được nhắc nhở hãy dùng
chánh niệm để tiếp xúc với cơn giận ấy. Và rồi với năng lượng của chánh
niệm, những khó khăn ấy sẽ được chuyển hóa.
Nhưng theo ông Andrew Olendzki điều đó có thể sẽ dẫn đến một sự hiểu
lầm về chánh niệm. Vì chánh niệm không phải chỉ đơn giản là một sự chú ý
đơn thuần, mere attention, về đối tượng của nó. Ông viết “Khi ta giận ta có thể biết rõ là mình đang giận. Nhưng cái biết ấy sẽ không hề mang lại một sự chuyển hóa nào… Bạn
có thể chú ý đến cơn giận của mình cả ngày, và cho phép nó có mặt ‘mà
không phê phán’, trong khi nó vẫn cứ thiêu đốt sâu vào con tim mình.”
Chánh niệm là một tâm hành, mental formation, và theo ông thì
muốn chánh niệm có được công năng chuyển hóa ta phải hiểu rõ về sự vận
hành của nó. Xin chia sẻ với bạn bài viết dưới đây của ông Andrew
Olendzki, giới thiệu về một phương pháp sử dụng chánh niệm thế nào cho
có hiệu quả để chuyển hóa khổ đau.
Hai quan niệm về chánh niệm
Một trong những vấn đề của chánh niệm, mà vẫn còn nhiều sự bàn cãi,
là chúng ta có thể nào có chánh niệm về những trạng thái bất thiện lành
(unwholesome states), như là sân hận và thù ghét hay chăng?
Một quan niệm thì cho rằng ta có thể có chánh niệm về bất cứ một việc
gì. Và nhờ vậy mà khi ta có chánh niệm về một trạng thái bất thiện
lành nào đó, ta có thể có mặt với trạng thái ấy mà không phê phán, không
đè nén và cũng không bị nó sai xử.
Và có một quan niệm khác lại cho rằng, vì chánh niệm là một trạng
thái thiện lành, và sân hận là một trạng thái bất thiện, mà tâm ta thì
không thể nào kinh nghiệm hai trạng thái trái nghịch nhau trong cùng một
giây phút tâm được (in the same mind-moment). Thế cho nên, khi ta có
chánh niệm về một cơn giận, thật ra là tâm ta đang chuyển đổi thật nhanh
giữa hai trạng thái ấy mà thôi – giây phút của chánh niệm và giây phút
của sân hận.
Không thể có hai tâm hành cùng một lúc
Theo tôi thì quan niệm thứ hai đúng hơn. Và tôi cũng muốn làm sáng
tỏ thêm quan điểm này, cũng như muốn chia sẻ với bạn một phương cách rất
hiệu quả, có thể giúp chúng ta chuyển hóa được những trạng thái bất
thiện, và hướng tâm mình đến sự chấm dứt khổ đau. Thật ra thì dù ta có
quan điểm nào về cơ cấu của phương cách giải thoát đi nữa, cuối cùng rồi
thì nó cũng không quan trọng lắm. Điều thiết yếu là làm sao ta có khả
năng ứng dụng được chúng vào với kinh nghiệm của chính mình, để mang lại
một sự chuyển hóa.
Khi nhìn sâu sắc ta sẽ thấy rất rõ điều này, là một người không thể
nào giữ hai việc trong tâm trong cùng một lúc được. Nếu như ta có cảm
nhận như mình làm được việc ấy, thật ra ta đang sử dụng một tư tưởng
toàn diện rộng lớn (peripheral thought). Ta chỉ đang tạm giữ những dữ
kiện ấy trong ký ức ngắn hạn hoặc ở bên dưới phần ý thức của mình mà
thôi. Vì khi nhìn sâu hơn vào kinh nghiệm ấy ta sẽ thấy rằng, nếu muốn
biết được một việc gì cho thật rõ, ta phải thu hồi lại sự chú ý của mình
trên những sự việc khác. Cũng như đức Phật có dạy trong bài kinh Song
Tầm, Dvedhavitakka Sutta, “Này các Thầy, một vị Tỳ kheo suy tư
quán sát nhiều về sự sân hận, vị ấy từ bỏ ý nghĩ về vô sân, và tâm vị ấy
có khuynh hướng thiên về sự sân hận” “If one frequently thinks and
ponders upon thoughts of ill will, one has abandoned the thought of
non–ill will and one’s mind inclines to thoughts of ill will.”
Chánh niệm không chỉ là sự chú ý đơn thuần
Và một điều nữa cũng rất rõ ràng, chánh niệm là một trạng thái rất thiện lành. Nó là một tâm hành, sankhara, một
thái độ hay phản ứng có ý thức về một đối tượng tâm thức nào đó. Chánh
niệm là một thái độ trong sáng tĩnh lặng, nó có mặt với đối tượng mà
không hề có một sự ưa thích hay ghét bỏ nào. Sân và hận cũng là những
tâm hành, giống như những trạng thái bất thiện khác, nhưng chúng là
những phản ứng có tính cách ghét bỏ và ác cảm. Chúng hoàn toàn khác
biệt lại với chánh niệm.
Vì vậy mà một người không
thể nào kinh nghiệm sự ghét bỏ và tĩnh lặng trong cùng một lúc được,
chúng là hai trạng thái tâm thức khác nhau rất xa. Nhưng dù vậy, ta vẫn
có thể thay đổi tới lui thật nhanh giữa hai trạng thái này, mà đó là
cũng là một tiến trình vận hành rất quen thuộc của tâm.
Ví dụ, khi ta nói là mình đang có chánh niệm về cái giận, thật ra là
ta chỉ có ý thức về cái giận, hoặc là ta đang chú ý đến trạng thái giận
của mình mà thôi. Ngày nay, sự thành công của chánh niệm áp dụng vào
trong lãnh vực tâm lý trị liệu, và qua những khám phá mới của khoa học,
cũng gây nên một sự mất mát là người ta thường nhầm lẫn chánh niệm chỉ
là một sự chú ý đơn thuần mà thôi. Và theo môn tâm lý học Phật giáo
ngày nay thì ta lại còn có thể đem tâm chú ý đến những trạng thái bất
thiện của một kinh nghiệm, và ngay cả làm việc ấy một cách có chủ ý và
theo một phương pháp cụ thể nữa.
Phương cách mà tôi muốn chia sẻ
Nhưng thật ra sự chú ý chỉ có thể trở nên chánh niệm khi nào nó vắng
mặt những trạng thái bất thiện. Khi ta giận ta có thể biết rõ là mình
đang giận. Nhưng cái biết ấy sẽ không hề mang lại một sự chuyển hóa
nào. Chúng ta chỉ có chánh niệm về cơn giận khi nào nó đã trở thành
bóng dáng, tiếng vang của chính nó trong giây phút tâm kế tiếp. Và khi
đó cơn giận ấy mới có thể được quan sát như là một đối tượng của tâm,
với một thái độ chú ý và không dính mắc – nói một cách khác, bằng chánh
niệm.
Và đây là phương cách mà tôi muốn chia sẻ: Khi có một sự giận dữ nổi
lên, ta không thể nào chuyển hóa được nó bằng cách “có chánh niệm về cơn
giận của mình.” Năng lượng của cơn giận quá mạnh, và xung lực cảm xúc
của nó cũng rất mãnh liệt, tâm ta không đủ trong sáng trong giây phút ấy
để cho phép một chánh niệm thật sự khởi lên.
Nhưng dù vậy ta vẫn có thể chú ý đến sự biểu hiện của cơn giận ấy
trong thân ta – cơ thể của mình cảm thấy như thế nào khi ta nổi
giận? Và khi ta nhìn sâu và khám phá những dấu hiệu này nơi thân một
cách chi tiết và sâu sắc hơn, một thái độ thận trọng quan sát sẽ dần dà
được phát triển. Ví dụ, bạn có thể thử ghi nhận cái sắc thái, sự co
thắt của những bắp thịt ở quai hàm trên mặt đang thay đổi một cách vi
tế, từ giây phút này sang giây phút kế.
Chánh niệm trên đối tượng của tâm
Với phương pháp này, ta có thể buông xả được cái ý nghĩ và ký ức về
những gì đã làm kích động nên cơn giận ấy, và kinh nghiệm được những
giây phút chánh niệm trên cơ thể mình. Và khi ta thiết lập được một số
năng lực của thiện lành, ta có thể từ từ chuyển sự chú ý của mình sang
để quán sát cảm xúc của ngay chính cơn giận ấy.
Bây giờ, cơn giận không còn là một cảm xúc bừng cháy và thiêu đốt bất
cứ những gì nó kinh nghiệm nữa, mà đã trở thành một tư tưởng hay ký ức
về cảm xúc ấy. Cơn giận lúc này đã trở thành một đối tượng của tâm,
không còn là một tâm hành, và nó có thể được quán chiếu bằng sự tĩnh
lặng và với chánh niệm. Cơn giận không còn trói buộc và sai xử tâm mình
nữa, mà chỉ còn là một đối tượng của sự chú ý, nằm ngoài xa mà thôi.
Có buông xả mới có chánh niệm
Và chỉ trong tình trạng ấy, chánh niệm mới có được năng lượng chuyển
hóa. Bạn có thể chú ý đến cơn giận của mình cả ngày, và cho phép nó có
mặt “mà không phê phán”, trong khi nó vẫn cứ thiêu đốt sâu vào
con tim mình. Nhưng chỉ khi nào ta có thể buông bỏ được cơn giận ấy, dù
chỉ trong một giây phút ngắn, thì chánh niệm mới có điều kiện để có
mặt. Và đến khi nào chánh niệm có cơ hội thấm nhập sâu xa vào thói quen,
tập quán và cá tính của mình, thửa đất tâm của ta sẽ dần dà bớt nuôi
dưỡng những hạt giống của sân hận, và trở nên mầu mỡ cho sự phát triển
của những cây trái tuệ giác.
Và rồi ta sẽ thấy rằng, mỗi lúc một rõ rệt hơn, cái giận cũng chỉ là
một trạng thái biến đổi và nó không thuộc về của ai, nó được khích động
do bởi một cái tôi nhỏ nhen và đầy sợ hãi, rồi làm phát sinh lên khổ
đau. Với một cái thấy ấy, những trạng thái bất thiện lành sẽ bớt khởi
lên hơn và cũng trở nên bớt mãnh liệt hơn.
Sự chú ý cần phải được phát triển để trở thành chánh niệm, nếu như chánh niệm muốn được phát triển để thành tuệ giác.
Nguyễn Duy Nhiên(http://nguyenduynhien.blogspot.com/)