Đổng Phụng (200 − 280) là danh y lỗi lạc thời Tam Quốc, tự Quân Dị, hiệu là Hạnh Lâm (rừng hạnh). Ông cùng với Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh được tôn xưng là Kiến An tam thần y (ba vị thần y ở Kiến An). Mỗi khi chữa bệnh cho người, ông không lấy thù lao mà chỉ yêu cầu trồng hạnh, được hơn mười vạn gốc hạnh. Khi hạnh ra trái, ông đem đổi gạo để giúp người nghèo. Người Trung Quốc khi ca ngợi công đức của một danh y thì nói là “Hạnh lâm xuân noãn” (hơi ấm mùa xuân nơi rừng hạnh) là lấy ở điển tích này. Chư Phật bảo: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Đổng Phụng chính là một Bồ-tát hóa thân giữa đời, dùng cây hạnh để làm Phật sự.
Đổng Phụng là Bồ-tát thị hiện thuận hạnh. Nhưng cũng có những người lại thị hiện hạnh nguyện Bồ-tát theo lối nghịch hạnh. Họ thường là những nghệ sĩ lớn, đem si tâm gởi vào nghệ thuật để lấy đó làm phương tiện thiện xảo mà giáo hóa người đời. Thi ca, nhạc, họa, v.v... tất cả đều có thể được dùng khai ngộ chúng sinh, nếu chúng được vận dụng bởi tâm Bồ-tát để phát huy diệu dụng. Trong những nghệ sĩ thị hiện nghịch hạnh đó, một trong những người nổi bật là nhà thư pháp lỗi lạc người Trung Quốc tên Mễ Phí.
Mễ Phí (1051 − 1107) tự Nguyên Chương, hiệu Tương Dương man sĩ, là nhà thư pháp lớn đời Nam Tống. Ông thích đá, nhưng không chỉ yêu thích như người đời mà si mê đến độ điên cuồng, nên người đời gọi là Thạch Si. Có lần, ông đến nhậm chức giám quân tại châu Vô Vi. Vừa đến nơi, thấy ngoài cửa nha môn có một khối đá hình thù kỳ lạ, ông liền ăn mặc khăn áo chỉnh tề, ra quỳ lạy viên đá và gọi là “ông nhạc”. Lần khác, ông nghe nói bên bờ sông có một tảng đá hình thù quái dị, bèn bắt sai dịch đưa đến. Đến nơi, thấy tảng đá có hình một ông lão, Mễ mừng hớn hở, liền cung kính quỳ lạy và chào: “Ngã tưởng kiến thạch huynh dĩ kinh nhị thập niên liễu!” (Tôi mong chờ được gặp thạch huynh đã hai mươi năm nay rồi!).
Lần khác, gặp một tảng đá lạ trên đường đi, ông vui mừng đến phát điên, cứ quanh quẩn bên nó không chịu rời đi, rồi dựng luôn một cái lều bên cạnh để ngắm nhìn cho thỏa thích. Sau này, người ta dựng ở nơi đó một Bái thạch đình (Đình lạy đá).
Do Mễ Phí si cuồng vì đá nên người đời gọi ông là Mễ Điên. Nhưng chính nhờ si mê đá mà ông đã lĩnh ngộ được nhiều điều từ đá để vận dụng vào thư pháp, giúp tác phẩm của ông được lưu truyền hậu thế. Ông đúc kết kinh nghiệm cả đời thành bốn quy tắc “sấu, trứu, lậu, thấu” để làm chuẩn mực trong việc thưởng ngoạn đá, gọi là“Tướng thạch pháp” (Phép xem tướng đá).
Mễ Phí say mê và si mê đá đến mức cuồng điên, nên bỏ bê cả công việc, nhiều lần bị quan trên khiển trách, luận tội rồi giáng chức, nhưng ông vẫn không mảy may ân hận. Cái chết của ông cũng rất đặc biệt. Một tháng trước khi mất, ông sắp đặt một đám tang, chia tay bạn bè và gia đình, rồi đem đốt sạch những bức thư pháp cùng những đồ cổ ngoạn mà ông yêu thích. Ông cũng chuẩn bị sẵn một chiếc quan tài, và sống trong quan tài đó.
Trước khi chết bảy ngày, ông ăn chay và tắm gội sạch sẽ, nhưng người trong nhà đã nhiều lần nhìn thấy cảnh này nên cũng chẳng ai quan tâm. Vào ngày cuối, Mễ mời tất cả thân hữu lại, ông cầm cây phất trần, nói, “Chúng Hương quốc trung lai, Chúng Hương quốc trung khứ; 眾 香 國 中 來, 眾 香 國 中 去。” (Từ non nước Chúng Hương mà đến, nay về lại non nước Chúng Hương.” Nói xong, ném cây phất trần xuống, nắm tay lại mà mất. Cái chết của ông chẳng khác nào một Thiền sư thị tịch.
Non nước Chúng Hương là tên gọi một cõi Phật trong kinh Duy Ma. Ở nơi đó, các Bồ-tát của Đức Phật Hương Tích đều là những bậc trí huệ thượng đẳng, toàn thân luôn tỏa mùi thơm để những ai ngửi được đều ngộ đạo, chứ không cần đến những lời thuyết pháp. Đức Phật Hương Tích vì muốn hóa độ chúng sinh hạ liệt cõi Ta-bà, nên có lần đã chấp thuận cho chín muôn Bồ-tát hiện thân tại nhà cư sĩ Duy Ma Cật tại thành Tỳ Da Ly. Có lần, trong một bài viết, tôi đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là một “cuồng Bồ-tát” đi về từ cõi non nước Chúng Hương, dùng thi ca để nhiếp dẫn người đời đi vào cõi đạo. Khi đọc cuộc đời Mễ Phí, tôi cũng thầm hỏi có phải chăng trong đám chín muôn Bồ-tát đi về cõi Ta-bà từ non nước Chúng Hương đó, cũng có thêm một “cuồng Bồ-tát” tự hóa thân thành một Mễ Điên để chơi giữa coi Ta-bà, dùng đá để thuyết pháp với nhân gian?
Những bậc nghệ sĩ kỳ diệu đó đôi khi hiện thân giữa cõi Ta-bà như những người điên, nhưng tác phẩm của họ lại giúp thế nhân nâng cao cảnh giới tinh thần gấp vạn lần người tỉnh! Bùi Giáng dùng thơ, Mễ Phí dùng đá và thư pháp để khai ngộ cho người đời, điều đó có khác gì Van Gogh dùng tranh, Lâm Tế dùng tiếng hét, hay Đức Sơn dùng cây gậy chốn thiền đường đâu?
Mễ Phí nâng việc thưởng ngoạn đá lên tầm “đạo” như hoa đạo, trà đào, kiếm đạo ở phương Đông, há chẳng phải là giúp hậu nhân có thêm một con đường đi vào cõi đạo bằng sắc tướng sao? Mễ Phí từ việc quán chiếu tướng của đá mà ngộ ra cõi non nước Chúng Hương, há đó chẳng phải là thấy tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp hay sao?
Nếu Phật giáo có pháp môn “văn thanh nhập lý” thì Tướng thạch pháp của Mễ Phí cũng có thể được xem là pháp môn “kiến sắc ngộ đạo” vậy. So với “Thanh thanh thúy trúc tổng thị pháp thân, Uất uất hoàng hoa vô phi Bát-nhã.” của Thiền sư Tuệ Hải nào có khác đâu?