Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt mù
Đọc
lại bài thơ rất nhỏ, từng chữ, từng vần. Rất nhỏ, đủ để một mình mình
nghe. Cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhòa, cho đến khi trong
tôi, về bài thơ, rớt lại chỉ còn một chút buâng khuâng không tên thì tôi
lặng thinh đi vào cái buâng khuâng đó. Quanh một chữ. Tuyệt mù. Nghĩ
đến một cánh chim thoáng trên mặt nước. Bóng chim, nước không lưu giữ.
Chim đâu lưu giữ lại đường bay? Khói mây tan tác. Âm thanh, màu sắc cũng
vậy. Cũng vậy, thiếp và chàng. Tất cả, một thả cũng tuyệt mù. Kể cả chữ
và lời. Kinh và kệ.
Tôi hiểu tại sao những người lớn của nhân
loại từ cổ thảy đều chỉ muốn nín thinh. Khổng Khưu, Lão Đam và Thích Ca
Mâu Ni. Trời không nói, ta đâu muốn nói? Ta đâu có thuyết lời nào? Cái
ta muốn nói, cái đó đâu có thể nói được? Cái đó, bất khả thuyết, bất khả
tư nghị. Bất khả đạo.
Nói ra là bị kẹt.
Nhưng rồi Khổng
Khưu vẫn nói, cả đời. Lão Đam thì nói đến 5.000 chữ Đạo Đức Kinh và
Thích Ca Mâu Ni trong suốt 49 năm hoằng pháp, nguyên lời Đại Bát Nhã, đã
nói ròng rã tới 22 năm.
Không nói cũng không xong.
Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng không xong
Hai
câu đầu một bài kệ của một Thiền sư Việt Nam sống giữa thế kỷ thứ 17,
thiền sư Chân Nguyên. Hai câu kệ, một thế đứng chênh vênh giữa hai ngã
hữu vô. Nói hay không nói? Chung cuộc, bài kệ đành phải chấm dứt bằng
một nét chấm phá lửng lơ:
Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng
Tôi
duỗi thẳng chân, ngước mắt nhìn nắng sớm xuyên qua miếng băng bám nơi
khung cửa, ánh nắng lung linh màu sắc cầu vồng. Tự hỏi nắng sớm đích
thực màu gì? Xanh hay đỏ, tím hay vàng, hay là do tất cả màu sắc gặp gỡ
mà thành? Nhưng có cuộc gặp gỡ nào kéo dài mãi mãi? Ánh dương đầu núi
đâu giữ mãi màu hồng? Cái thế chênh vênh giữa hữu và vô đâu có thể đời
đời tồn tại? Cái khó là nhập vào cái thế đó, không thỏa hiệp, mà vươn
lên, và vượt qua. Từ cái phức tạp tìm về cái đơn thuần, tìm về cho tới
cái khuôn mặt của chính mình khi mình chưa sinh, chưa thành. Ánh dương
hồng khi chưa nhô lên khỏi đầu núi. Cái xôn xao nhú lên trong đêm sắp
tàn. Cái đó.
Ngoài vườn tuyết rơi trắng và lạnh trong im sựng của
trời và đất. Trong lò, củi nổ ròn tan, ngọn lửa thấp cao ấm màu hổ
phách. Ngoài kia vắng lặng, trong tôi… vẫn chưa vắng lặng. Trong tôi,
vẫn thấy rằng…chưa ổn. Đẩy thêm củi vào lò. Củi gỗ cây phong phơi nỏ từ
vào thu, lửa như bốc ngọn từ lòng gỗ. Mộc trung sinh hỏa? Mộc tận hỏa
toàn diệt? Lửa sinh trong lòng gỗ. Gỗ hết lửa không còn. Lửa không còn,
nghĩa là…sao? Lửa sẽ biến thái tuy vẫn tồn tại hay cũng như khói và mây,
lửa sẽ trở về, sẽ đi vào lòng Cái đó, tuyệt mù?
Cái đó, cái mà
cho đến hôm nay, chưa một vị thiện tri thức, chưa một vị Bồ Tát nào mô
tả được hình tướng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như
mưa và nắng hiện hữu rất tự nhiên – mặt trời lại mọc lúc đêm tàn – nhưng
cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện vô lượng, với vô lượng danh
hiệu, mỗi danh hiệu là một khía cạnh đặc thù. Chân Tâm, Diệu Tâm, Minh
Tâm, Bồ Đề Tâm, Giác Tánh, Chân Như, Phật Tánh, Pháp Giới Tánh, Không
Tánh, Như Lai Tạng Tánh, Bát Nhã… cái tột không, cái diệu sắc, cái bất
khả tư nghị, cái rốt ráo cuối cùng… riêng với tôi, từ bỏ nước ra đi
những nửa khuya tỉnh giấc, Cái đó, chính nó, đôi khi vẫn thấp thoáng
trong tôi, hóa trang thành những lời tra vấn trớ trêu, nhưng tại sao ray
rức lãng đãng quanh tôi, tưởng như dễ dàng nắm bắt, bỗng lại xa với,
nhòa dần, biến hẳn, tuyệt mù. Trong đêm đen mạt pháp còn lại chỉ là
những vết tích mờ mờ ghi lại trong Kinh và Kệ. Những vết tích như những
dấu chỉ đường. Vô lượng nẻo đường, vô lượng phương tiện, tùy theo căn cơ
của từng chúng sinh trong vô lượng chúng sinh, tùy theo từng cõi pháp.
Nhưng cứu cánh chỉ là một. Cái đó.
Dõi theo cái đó “có cõi lấy
ánh sáng của Phật làm phương tiện nói Pháp, có cõi lấy Bồ Tát làm phương
tiện nói pháp, có cõi lấy bóng mát cây Bồ Đề làm phương tiện nói pháp,
có cõi lấy hư không để nói pháp…”
Tôi đặt cuốn Duy Ma Cật xuống
bên lò sưởi, nhồi thuốc vào tẩu, hít hơi thuốc đầu trong ngày. Hơi thuốc
thơm tỏa ấm gian phòng. Bất giác tôi nghĩ đến một mùi hương lạ. Một mùi
hương như một phương tiện nói pháp. Mùi hương cõi nước Chúng Hương. Trở
lại cuốn Kinh: “Qua khỏi 42 số cát sông Hằng cõi Phật, có nước tên là
Chúng Hương, đức Phật thị hiện nơi đó là đức Phật Hương Tích. Mùi hương
nước đó so với mùi hương cõi trời, cõi người và cõi Phật ở 10 phương, nó
thơm hơn hết. Đức Phật Hương Tích lấy mùi hương làm phương tiện để nói
pháp. Chúng sinh cõi nước Chúng Hương nghe mùi hương mà ngộ đạo.”
Tôi
hít dài một hơi thuốc. Đầy phổi. Hơi thuốc nghe như có pha trộn nhiều
mùi hương cũ tôi tưởng đã phai, đã tuyệt mù. Mùi úa hoa Ngọc Lan, mùi ấm
hoa Hồng, mùi ngái hoa Cau, mùi đạm hoa Sói, hoa Ngâu, mùi đắng hoa sấu
nắng hè tháng sáu, mùi nồng hương đêm Dạ Lý. Và mùi ngát của nhang.
Ráng
chiều miền đồi Bắc Việt đổ rộng một nền gạch Bát tràng. Gốc cau, gốc
đại, ngọn cỏ kẽ tường, cánh hoa bèo tím ngắt bờ ao, tất cả lóe lên trong
nắng muộn, tan vào mùi ngát của khói nhang. Nắng nhạt rồi tắt ngấm. Đất
lẫn với trời. Từ bàng bạc sương khói dâng lên một cõi pháp thành hình,
chúng sanh mộc mạc hiền lành chỉ có một phật hiệu để làm phật sự. Vọng
ra từ đó mái chùa cong vát chữ đao, cổng tam quan thềm đá nhẵn lì –
không phải là những ngôn từ hiểm trở Lăng Già, Bát Nhã, Pháp Hoa hay
Viên Giác mà chỉ Phật hiệu đó, mà chỉ A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật.
Có thế thôi, mỗi chiều ngày xưa Việt Nam. Có thế thôi, nhưng mỗi chiều
bình thản vẫn trở về trên vầng trán hai sương một nắng những bà mẹ Việt
Nam. Nén nhang đốt lên, khói nhang vẫn vươn cao và thẳng tắp. Như mây
mùa thu, vẫn tuyệt mù. Như đã thuộc nằm lòng con đường trở về nơi đó,
nơi mà Kinh và Kệ từ xưa vẫn hằng hướng tới. Nơi đó, tắt lời. Cõi đó rốt
ráo vô ngôn, vắng lặng, lấy hư không mà làm phật sự. Một đóa sen giơ
cao, một nụ cười đáp lại. Trong yên lặng. Cõi đó, chân kinh?
Cõi
đó, chân kinh. Tôi được đó, đã có người. Trong số, người ta thường nhắc
đến tên vị tổ thứ 28 dòng Thiên Tây Trúc là Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng tại sao
khi dời triền núi Hi Mã Lạp Sơn khi cập bến Quảng Châu, trong hành trang
của Người vẫn còn một bộ Lăng Già? Tôi nghĩ rằng vào lúc đó, có thể
trong tận cùng tâm thức, đôi khi người vẫn còn thấy gợn lên 108 lời tra
vấn Đại Huệ và chỉ sau 9 năm diện bích nơi thâm sơn Thiếu Thất khi tuyên
bố rằng kinh Lăng Già sau 5.000 năm, sẽ trở thành môn học danh tướng.
Chỉ từ đó, Người mới dứt khoát với Kinh và Kệ, Người mới thực sự bước
vào cõi đó, chân kinh.
Lăng Già là tên một ngọn núi nằm giữa biển
Nam, nơi vua Dạ Thoa thỉnh Đức Phật lên thuyết pháp. Núi đó cao vời vợi
nhìn xuống biển sâu, đá đứng thẳng như tường, trơn như mỡ, không có lối
đi lên. Phải có phép thần thông, hoặc được Đức Phật sử dụng nội lực vô
lượng giúp cho mới có thể tới được. Lời Phật nói Pháp truyền xa, rộng và
sâu, vọng ra tới vô lượng số cõi Phật, được ghi lại bằng Phạn tự gọi là
Kinh Lăng Già. Kinh này sau được thiền sư Cầu Na Bạt Đà La dịch ra Hán
và đến thế kỷ thứ 20 thì chuyển sang Việt ngữ.Tự lời tiên tri của Bồ Đề
Đạt Ma khoảng tiền bán thế kỷ thứ 6 đến nay, nhiều lần 500 năm qua, tôi
giật mình tự hỏi cái mà đức Thế Tôn muốn dạy lại đỉnh Lăng Già – Cái đó
– qua ba chặng đường chuyển ngữ từ Phạn qua Hán đến Việt không biết còn
rớt lại chút nào trong những trang Kinh tôi đọc đêm qua. Hay còn lại
chỉ là ngôn từ, chỉ là danh tướng ?
Nghe tin Bồ Đề Đạt Ma cập bến Quảng Châu, Lương Võ Đế vội thỉnh Người đến kinh đô. Vua hỏi :
- Trẫm chép kinh xây chùa, độ Tăng, đúc chuông, tạc tượng. Có công đức gì không ?
Người vắn tắt : - không.
Vua lặng thinh một lát lại hỏi : - Đối diện Trẩm là ai vậy ?
Người rằng : - không biết.
Cuộc
đối thoại ngắn ngủi : Hai lần khẳng định và hai lần phủ định. Có,
không. Nhà vua cố chấp. Bồ Đề Đạt Ma động lòng từ bi, mở ra một đường
phương tiện. Không, Không công đức. Không có Bồ Đề Đạt Ma. Không có
Trẩm. Không có gì hết. Ngay cả cái không tôi vừa đề cập. Hãy hiểu rằng
rốt ráo, không cũng lại là không.
Nối nghiệp Lương Võ Đế, thái tử
Chiêu Minh tiến thêm một bước vào sâu vết cũ. Giữa kinh đô, Chiêu Minh
dựng một tòa lầu bằng đá gọi là Phân Kinh Thạch Đài, để sưu tầm, tập
trung, nghiên cứu, kiểm kê, sắp xếp tàng trữ Kinh và Kệ. Phật giáo
nghiễm nhiên được coi như quốc giáo. Số người xuất gia trong nước tăng
lên gấp bội. Kinh sách xếp trên kệ đá Phân Kinh càng lúc càng nhiều. Mọi
người đua nhau đi tìm kinh lạ. Những bậc trí thức hễ gặp nhau là lập
tức thảo luận về Thiền, Bán già, Kiết Già, Kim Cương tọa, Hàng ma tọa,
Kiết tường tọa, Tam muội ấn, là những danh từ cửa miệng mọi người. Không
những Lăng Già, mà hầu như tất cả Kinh và Kệ lần lần trở thành những
môn học danh tướng. Nghĩa Kinh phai nhạt. Ý Kinh tuyệt mù. Còn lại chỉ
là một mớ ngôn ngữ tạm gọi là Kinh và Kệ giữa kinh đô, với ngày và tháng
qua đi, một vài tảng đá xếp đống tạm gọi là Phân Kinh Thạch Đài. Miệng
Phật nín thinh. Đêm mạt pháp bắt đầu.
Bất giác mấy câu Duy Ma trở
lại trong tôi. Có cõi lấy mộng lấy huyễn… Tôi mở cuốn kinh đọc tiếp vừa
đủ cho một mình nghe rõ. Từng chữ, từng câu. Có cõi lấy mộng, lấy
huyễn, lấy vang, lấy bóng, lấy ảnh trong gương, lấy trăng dưới nước, lấy
ánh nắng dợn ngoài trời để mà nói pháp. Tôi nhắc lại, như điệp khúc một
bản tình ca, tôi nhắc lại ánh trăng dợn ngoài trời. Như một lời niệm
Phật, tôi tưởng đến nắng một chiều thuở đó, nắng dợn trên đá Phân Kinh
và nắng và đá – Tại sao không ? – Bỗng nhiên nói pháp. Với một người.
Nguyễn Du.
Khoảng đầu thế kỷ 19, nhân một chuyến đi sứ sang Trung
Quốc, Nguyễn Du có dịp đến thăm Phân Kinh Thạch Đài. Bấy giờ - trên
1.000 năm đã qua – đá đài tường, cỏ dại lấp lối đi, hoang vu hun hút
hành lang vắng lặng. Trời ngã vào chiều. Nắng quái lung linh vách đá.
Đâu rồi những vết Kinh xưa ? Lăng Già, Viên Giác, Bát Nhã, Kim Cương,
Kim Cương… Ngã độc Kim Cương thiên biến linh.
Tôi nghe như vầy :
một hôm tại nước Xá Vệ, Phật và 1.250 vị Đại tỳ kheo đều ở Tịnh Xá Kỳ
Hoàn, trong vườn của Thái Tử Kỳ Đà và ông trưởng giả Cấp Cô Độc. Sắp đến
giờ ngọ trai, Phật và chúng Tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá
Vệ, theo thứ lớp khất thực. Khất thực xong, Phật và chúng Tăng đồng về
tịnh xá để thọ trai. Sau khi họ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và
rửa chân,rồi trải toa cụ, ngồi yên tĩnh. Khi đó, ở trong đại chúng ông
Trưởng Lão Tu Bồ Đề đứng dậy, vén tay áo bên hữu, gối bên hữu quỳ xuống,
chắp tay cung kính và bạch Phật rằng : - Hy hữu thay, đức Thế Tôn, nếu
có người phát tâm Bồ Đề muốn cầu quả Phật, thì :
Làm sao hàng phục vọng tâm ?
Làm sao an trụ chân tâm ?
Hàng
phục vọng tâm, an trụ chân tâm, hai niềm thắc mắc không riêng của ông
Tu Bồ Đề, mà của toàn thể đại chúng thuở đó, chúng ta hôm nay, của
Nguyễn Du, riêng Nguyễn Du một mình.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh.
1.000
lần hai niềm thắc mắc đó đặt ra. Và biết bao nhiêu lần nữa khi cuốn
Kinh gấp lại. Đôi khi từ những ngôn từ tường đồng vách sắt dựng lên
trong Kinh nghe cũng có vọng ra bên ngoài, lọt vào tâm thức Nguyễn Du
một chút gì – như vậy, như vậy – tạm gọi là nghĩa của Kinh. Nhưng nghĩa
đó chắc đâu đã là ý của người nói Kinh ? Ý của đức Thế Tôn năm xưa đâu
phải chỉ là như vậy, như vậy ?
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
lần thứ một ngàn lẻ một, không có Kinh. Chỉ có nắng chiều và đá tảng.
Nắng dợn lên đá Phân Kinh. Và đá và nắng bỗng nhiên hội duyên nói pháp.
Thuở
ấy nơi đây sầm uất lạ thường. Mái lầu cong cánh hoa sen, tiền đình hậu
tạ, muôn hồng ngàn tía cỏ lạ hoa thơm, hồ nhân tạo đặt tên là biển Nam
Hải, hòn giả sơn mệnh danh là núi Tu Di. Bên trong, phòng ốc nguy nga
lộng lẫy ngăn nắp từng khu, mỗi khu một tên, khu Lăng Già, khu Viên
Giác, khu Pháp Hoa, khu Bát Nhã, Kinh sách không thiếu một bộ, sử liệu
ghi từng chi tiết từ đản sanh đức Thế Tôn đến ngày Người nhập Niết Bàn,
từ ngày Người truyền y bát cho ông Ma Ha Ca Diếp, từng hành vi từng lời
kệ của từng vị tổ, hành trạng kéo dài tới Bồ Đề Đạt Ma cập bến Quảng
Châu.
Thuở đó, xa rồi. Chấm dứt. Giờ đây nắng tắt, đá mòn. Giờ
đây chỉ còn một chút chập chờn. Trong đêm nghe như đã bắt đầu, lời Kinh
âm u như vọng như chân, nghĩa Kinh ẩn ẩn hiện hiện, ánh lửa chài le lói
bên sông lạ, ý Kinh tuyệt mù trong mộng và huyễn, là bọt nước mặt hồ
trong cơn mưa ngâu, giọt sương chiều đọng lại, giọt sương mai tan đi.
Vừa kịp thấy đó, chớp mắt không còn, mới nghe vẳng lên đã chìm vào sâu
lặng, hay rồi lãng đãng nhạt nhòa, biết mà nói lên thì bất … khả thuyết.
Thấy nghe hay chỉ là chập chờn cánh con bướm trắng trên luống cải xanh.
Hay chỉ là một niềm khởi lên chập chờn sương khói, Nguyễn Du đã lọt vào
khoảng mù khói tịch tịnh ?
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Bài Phân Kinh Thạch Đài giữa lòng đá vắng lặng không là một thú nhận nỗi bất lực của riêng Nguyễn Du trước những trang Kim Cương
Bài
lý Phân Kinh là một thú nhận nỗi bất lực của ngôn từ văn tự con người
khi muốn nắm bắt cái chập chờn “áo chỉ” của cõi vô ngôn đó, bất khả tư
nghị.
Tôi gắng nhớ lại bài thơ, lõm bõm. Dừng lại ở hai câu :
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Khá lâu. Buâng khuâng nghĩ đến niềm khắc khoải của người xưa tầm đạo. Làm sao hàng phục vọng tâm? Làm sao an trụ chân tâm?
Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mà trong mờ ảo như gần như xa
Như
gần như xa, nhưng vẫn ở đó, câu trả lời vẫn ở đó, từ thuở đó, nơi vườn
Kỳ Thọ. Và bây giờ, vượt khỏi ngôn từ và văn tự, giữa Kim Lăng, vọng ra
từ kẽ đá Phân Kinh, mờ mờ, ảo ảo, như gần như xa, có mà không, không như
có, như mộng như ảo, như bọt nổi trên mặt nước, như chớp biển ngoài
khơi, như bóng hình lãng đãng trong gương, như giọt sương đêm đọng lại,
như giọt sương mai tan đi trên đầu ngọn cỏ, câu trả lời vẫn ở đó, câu
trả lời đến thẳng với Nguyễn Du, trong hoang vu Phân Kinh Thạch Đài.
Này Tu Bồ Đề. Hãy nghe lời đá nói rằng :
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn, bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
Tất
cả, cái gì gọi lên cũng tạm gọi. Ngay cả hai chữ Kim Cương. Như Lai nói
Kim Cương tức không phải Kim Cương, thế mới gọi là Kim Cương. Phật nói
Kinh Kim Cương tại 4 nơi, 16 hồi, trong khoảng 22 năm ròng. Lời Phật ghi
lại dài tới 600 cuốn, chính danh là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa
Kinh. Tóm tắt thành một cuốn gọi là Kinh Kim Cương. Cuốn này cô đọng lại
còn 260 chữ mệnh danh là Ma Ha Bát Nhã Ba la Mật Đa Tâm Kinh thường gọi
là Tâm Kinh. 260 chữ dẫn đến một câu thần chú – “Yết đế yết đế ba la
tăng yết đế Bồ Đề tát bà ha – Và câu thần chú dẫn thẳng vào cõi vô ngôn.
Của Kinh Kim Cương. Không ai nghe pháp Kim Cương. Vọng Tâm ? Chân Tâm ?
Đừng đặt vấn đề. Không có vọng, không có chân. Trong suốt 3 đời, không
có cả Tâm. Đã tới cõi đó, Ba La Mật Đa. Cõi đó, chân Kinh. Cõi đó im
sựng. Như đá, tạm gọi là đá. Phật đâu có thuyết lời nào.
Tịnh
Liên lão ông với Khoan tôi vốn là chỗ thâm giao, lại là móng vuốt trong
chốn thiền môn, mê đọc Kinh như lứa tuổi hai mươi mê đọc thư tình, gần
đây, vì thương cho sự hoang rậm của lòng người xa nước, nên đã dốc lòng
đem tất cả cái sở đắc của mình mà viết lời sớ giải mấy bộ Đại Thừa. Viết
đến đâu hoằng bá đến đó và đều đều gởi đến Khoan tôi, với lời răn như
rằng : này ông Vũ Khắc Khoan ơi, ông phải bớt đàn đúm với bọn lãng tử để
dành thì giờ tu tỉnh mà đọc Kinh. Rằng :
- Này Vũ Khắc Khoan, ý
ông thế nào ? Giả sử có người đem 7 món báu chứa đầy cả đại thiên thế
giới mà bố thí thì người đó có nhiều công đức hay không ?
Tôi rằng : - Thì nhiều.
Ông chỉ đợi có thế, tiếp ngay :
- Ấy thế mà còn thua một người chỉ thọ trì 4 câu kệ hay nhẩm thầm một đoạn Kinh. Biết không ?
Biết
rồi… nhưng khốn một nỗi, Khoan tôi căn cơ thô lậu, tâm thức lại hay lưu
luyến tiếng tơ tiếng trúc, cho nên chân tuy đĩnh đạc bước thẳng mà vẫn
thất tạt ngang vào nơi ca lâu tửu quán, giọng cất lên muốn bàn câu đạo
lý vô tình vẫn họa cùng một điệu với tiếng cười hô hố của đám lãng tử
sông hồ. Cũng do vậy mà bao nhiêu Kinh sách bạn vàng gởi đến, thảy đều
được trịnh trọng xếp lên giá sách, giữ gìn cẩn thận. Thế thôi. Nhưng
ngại đọc. Thản có miễn cưỡng mở ra thì cũng loáng thoáng mấy trang cho
đến khi khựng lại trước những danh từ dựng lên chất ngất. Trước mặt, sau
lưng, bên tả, bên hữu, trên đầu.
Như một hàng rào nhọn hoắt. Như
một tấm lưới trùng trùng. Tôi choáng váng tìm định nghĩa. Tôi đặt vấn
đề. Rút cuộc, cuốn Kinh từ giá sách được mở ra trên bàn đọc, lại trở về
nguyên vị chỗ cũ, trên giá sách. Miệng phật lại nín thinh. Khoan tôi lại
lầm lũi trở về cái thế giới chữ nghĩa cũ kỹ ngày xưa.
Bỗng một
hôm tôi bắt gặp tôi ngẩn ngơ trước giá sách, đang lần giở mấy trang Lăng
Nghiêm. Những trang đầu, những trang kể chuyện ông A Nan ngộ nạn.
Chuyện
như vầy : Cách đây khoảng 2500 năm, có người em họ đức Thế Tôn là ông A
Nan một sáng trước giờ thuyết pháp của đức Thế Tôn, mang bình bát và
tâm bình đẳng đi vào từng thôn từng xóm, đến từng nhà để khất thực. Ông
gặp một nữ tín đồ ngoại đạo tên là Ma Đăng Già. Người nữ này thấy ông
bèn dùng huyễn thuật là thần chú của Ta Tỳ Ca La Tiên Phạm Thiên hãm
ông trong phòng rồi lấy lời dịu ngọt để dụ dỗ ông. A Nan chắp tay niệm
Phật, hướng về đức Thế Tôn cầu cứu. Lúc bấy giờ, Phật động tâm, không
kịp thuyết pháp, lập tức trở về tịnh xá, ngồi vào thế Kiết Già. Từ nơi
đảnh của Phật vụt phóng ra hào quang trăm báu. Trong mỗi đạo hào quang
đều có thị hiện vô số thần Kim Cương đứng khắp hư không. Lời thần chú
Lăng Nghiêm lập tức vang lên. Đức Thế Tôn phái ông Văn Thù đem thần chú
đó đi cứu A Nan.
A Nan thoát nạn về đến chỗ Phật, cúi đầu kính lạy.
Tôi dở tiếp. Lời ông A Nan buồn tủi ăn năn:
-Bạch
đức Thế Tôn, con từ hồi nào đến giờ có lòng ỷ lại. Con thường tự nhủ
rằng con là em Phật, được Phật thương yêu, chắc chắn Phật sẽ ban cho
thần thông trí huệ đạo quả Bồ đề nên chỉ học rộng nghe nhiều chẳng cần
tu niệm. Không ngờ ai tu nấy chứng, mặc dầu con là em Phật, nếu không tu
thì cũng bị đọa như ai, chẳng hàng phục được ngoại đạo mà còn bị cái
nạn Ma Đăng Già…Cúi xin đức Thế Tôn mở cho con đường hướng phương tiện.
Lời
Phật ân cần giảng giải, trong khi quở trách vẫn thương hại vỗ về. Rằng
hỡi A Nan, ông tuy là người được tiếng học rộng nghe nhiều nhưng thật
tình ông không hiểu chi cả. Và rằng người đời khen ông là bậc đa văn
nhưng nếu ông chỉ chứa chất cái học suông và nghe suông đó mà không tu
thì dầu ông có nhớ đến nghĩa lý nhiệm màu của 12 bộ Kinh 10 phương chư
Phật, nhiều như số cát sông Hằng, cái nhớ đó cũng chẳng lợi chi cho ông
cả, và rồi ra, ông sẽ lâm vào những tai nạn khác, tương tự như cái nạn
Ma Đăng Già mà thôi.
Lời ông Văn Thù là lời một vị trưởng tràng.
Chính ông đã được đức Thế Tôn giao cho phép màu thần chú đi cứu A Nan.
Lời ông răn dạy nghe có nghiêm nghị, hơn cả lời Phật. Ông rằng : A Nan,
tôi đã vâng oai thần của Phật đem thần chú Lăng Nghiêm đến cứu nạn cho
ông. Ông vẫn là người được tiếng thấy xa, nghe rộng, hay nhiều, biết
lắm. Nhưng ông lười nhác. Ông không có tu. Ông chạy theo cái vọng phân
biệt, nên ông dễ bị đọa lạc theo tà. Này ông A Nan, toàn thể cái thấy,
nghe hay, biết của ông đều là hư huyễn. Nếu ông biết đem cái thấy, nghe,
hay, biết đó xoay trở lại chính cái chân tánh của mình thì cái trí
quang của ông trở lại tịch tịnh, ông sẽ thấy ba cõi sum la vạn tượng đều
như hoa đốm giữa hư không, tất cả các pháp hiện tiền như việc chiêm
bao. Nàng Ma Đăng Già sẽ cũng chỉ là một chúng sinh trong cõi mộng, nàng
làm gì nổi ông ? Cuốn Lăng Nghiêm gấp lại, hình ảnh A Nan dấy lên từ
lời Kinh vẫn còn thấp thoáng trong tôi. Tôi nghĩ đến câu chuyện Ma Đăng
Già. Tôi tưởng ông A Nan bị quở. Tôi không nghĩ sâu vào căn cơ nghiệp dĩ
A Nan, tôi chỉ buâng khuâng quanh tâm trạng người em con chú con bác đó
của đức Thế Tôn phát tâm xuất gia chỉ vì một nguyên nhân rất giản dị,
rất “người”. Đức Thế Tôn rằng :
- Trong giáo pháp của ta, ông ngưỡng mộ cái gì mà phát tâm xuất gia ?
Ông A Nan rất hồn nhiên : - Vì thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường nên con sinh lòng hâm mộ mà phát tâm xuất gia.
Đêm
hôm đó, quá nửa khuya tôi vẫn còn thức, tôi nghe từng đợt gió ngoài
trời vật cành đu xuống mái hiên, cuốn Lăng Nghiêm tuy gấp kín nhưng đã
từ giá sách tôi vào phòng ngủ, đặt cạnh đầu giường.
Vài ngày sau,
tôi gặp ông A Nan cầm bát đi xin sữa cho đức Thế Tôn đang mắc bệnh. Tôi
dõi theo mấy lời đối thoại giữa ông A Nan và ông Duy Ma Cật.
- Ê A Nan ! làm gì mà mang bát đứng đây sớm thế ?
- Đức Thế Tôn hơi có bệnh, phải dùng sữa bò, nên tôi đến đây xin sữa.
-Thôi,
thôi A Nan. Đừng để cho hàng ngoại đạo nghe thấy những lời phỉ báng đó.
Họ sẽ cười vào mặt chúng ta. Họ sẽ rêu rao khắp nơi chốn rằng thế mà
cũng đòi làm thầy, bệnh của mình không cứu nổi, lại còn chữa bệnh cho
thiên hạ ! Ông A Nan ơi, ông nên biết rằng thân Như Lai là thân Kim
Cương, mọi ác đã dứt, toàn thể là lành, còn có bệnh gì, còn phiền não gì
? Hãy im lặng mà đi khỏi nơi đây, A Nan !
Ông Duy Ma Cật nói như
vậy, ông A Nan còn biết trả lời làm sao ? Ông vừa thẹn vừa tủi nhưng
vẫn đứng chờ xin sữa. Tất nhiên ông thừa hiểu rằng thị hiện ở cõi Ta Bà
đủ 5 món trược đức Thế Tôn phải ứng ra việc bệnh để độ thoát chúng sinh.
Nhưng…nói… để làm gì ?
Tôi dõi theo hút A Nan. Tôi thấy ông sững sờ giữa pháp hội Am La.
-Bạch
đức Thế Tôn sao nơi đây bỗng nhiên rộng rãi trang nghiêm, bỗng nhiên
rực ánh vàng ròng, bỗng nhiên thơm ngát con chưa từng thấy?
-Bạch đức Thế Tôn, thế ra có thể lấy mùi hương để nói pháp sao ?
Pháp
hội Am La chấm dứt, tôi vẫn nhìn theo vết chân A Nan đi vào vô lượng ảo
hóa của vô lượng cõi pháp, từ pháp hội A Di Đà đến pháp hội Vô Lượng
Nghĩa, pháp hội Dược Sư, pháp hội Pháp Hoa…Tôi biết ông đã có mặt giữa
phút lâm chung của ông trưởng giả Cấp Cô Độc để nói pháp. Ông trưởng giả
này nghe pháp và an nhiên nhắm mắt đi vào cõi trời Đâu Xuất. Dấu tích
cuối cùng của A Nan để lại là cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa ông và ông
Ma Ha Ca Diếp, vị tổ thứ nhất dòng Thiền Thiên Trúc. Ông rằng :
- Ngoài việc truyền y bát, đức Thế Tôn có truyền riêng cho ông pháp gì nữa không ?
Tổ Ca Diếp nhìn A Nan trong giây lát, bỗng quát lên :
-A Nan :
-Dạ
-Cây phướn trước cổng chùa đổ kìa!
A
Nan giật mình tỏ ngộ thiên cơ, được tổ Ca Diếp truyền y bát và ấn chứng
cho vào vị tổ thứ nhì. Hành trạng A Nan với tôi, thế là chấm dứt. Nhưng
tôi vẫn ngẩn ngơ. Cuốn Duy Ma Cật. Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Pháp Hoa,
Dược Sư... lần lượt rời giá sách đi vào đời sống nửa khuya của tôi. Và
một đêm, gió tắt, tôi quyết định đi vào pháp hội Lăng Nghiêm một mình.
Phật
dạy tánh của nguyên sơ vốn tịch tịnh, như một niệm khởi lên, lý Kinh
đan kết như nhện giăng tơ, biển tâm dạt dào nổi gió, mây thức ùn ùn déo
đến như khói sóng cửa Thần Phù, nghĩa Kinh lập tức bày ra chân vọng. Đi
vào pháp hội Lăng Nghiêm, tôi nghe choáng váng như bất thần bị vây trong
một thế trận mê hồn 10 phương lạ hoắc, 2 cửa sinh tử lạc hướng, cả 7
nẻo đuổi bắt cái Tâm. Trong thân, ngoài thân, ngay trong con mắt, hay
ngay chính giữa ? Tâm do chỗ hòa hiệp mà thành, do nhân duyên mà sinh ?
Tâm
là gì ? Tâm do đâu mà hiện hữu ? Tâm ở đâu ? Nhạn đã bay qua. Tả, hữu,
ngược, xuôi : vắng lặng. Một ánh trăng xuống, và bát ngát. Một niềm mang
mang tịch tịnh.
- Lạy Tổ, con không tìm thấy tâm.
Tôi gấp lại cuốn Lăng Nghiêm. Nghĩ rằng vậy thì không có gì cả và nhớ đến một lời của lão ông Tịnh Liên :
“Tôi
tự biết mình phiền não chất ngất, vô minh dày dặc và đối với ngưỡng cửa
những cơn tam muội nhỏ nhoi vẫn lảng vảng đứng xa hàng nghìn dặm. Chỉ
được cái hạnh ngộ không biết do một chút căn lành nào lay lất rớt lại từ
kiếp nào, nên thích đọc Kinh, đôi khi say mê đọc Kinh, và thường hay mơ
màng hàng giờ trên những trang Kinh xưa…”
Bất giác thấy mình cũng buâng khuâng mơ màng như lão ông Tịnh Liên.
Cuối thu 1985.
Nhìn
ra đầu ngõ bắt gặp ánh nắng vàng rực lá cây phong, giật mình nghĩ là
thế là mùa thu đã qua, đang tàn, rằng tuyết lại sắp tới. Mấy trang viết
bỏ dở từ cuối mùa tuyết năm ngoái, bút khởi đi từ “mây mùa thu” và “khói
trong lò” ngừng lại nửa vời nơi ngưỡng cửa của pháp hội Lăng Nghiêm; Từ
đó nhẩn nay, trong tôi dấy lên nhiều vọng tưởng bay đi, đã tuyệt mù. Đã
tuyệt mù những cõi pháp năm xưa, nghi nghi hoặc hoặc. Nietzch,
Dostoievski, Sartre, Singer lần lượt rút về giá sách. Đầu giường chỉ còn
lại Kinh và Kệ. Nhưng đêm đến trước những pháp hội mở ra, Khoan tôi vẫn
mang tâm trạng một người ngoại cuộc. Thường vẫn lặng thinh để mặc cho
dòng vọng tưởng theo lời Kinh dấy lên lôi cuốn, ngây ngây dại dại rõi
theo cái trùng trùng đang kết những hình tướng dâng lên muôn hình vạn
dạng biến hóa. Đôi khi lời Kinh dẫn tôi trở về ngày cũ. Bất giác tôi gặp
lại…cái tâm hồn ấu thơ thuở nhỏ, trốn học, “phiêu lưu” dọc 36 phố
phường Hà Nội. Mỗi hẻm nhỏ là một thế giới riêng tư, mỗi lùm cây là một
cõi trời đặc biệt.. Những giây phút đó, lâng lâng lời Kinh dời hẳn nghĩa
Kinh, lời Kinh kể chuyện cổ tích,, ru tôi đi vào cơn mộng du hoang du
thăm thẳm, trong mắt ruỗi bắt bạt ngàn thấp thoáng muôn hồng ngàn tía
màu sắc cầu vồng loang loáng bong bóng giọt mưa Ngâu, từ những đám mây
trời Bắc Việt rơi xuống, từ một nền gạch Bát tràng dấy lên – Ôi, cái ướt
át lành lạnh gấu quần thấm nước và chiếc lá bàng đỏ kệch lất lay đầu
ngõ heo hút gió tây – Màu sắc chân kim mây trời Tha Hoá Tự Tại, màu xích
châu mây trời Hóa Lạc, mây trời Đâu xuất, màu sương tuyết, mây trời Dạ
Ma màu lưu ly, mây trời Đao lợi màu mã não, mây trời Tứ Chiêu Vương
trong suốt pha lê.
Và từ đó từ những hình và sắc mây trời vần vũ,
bay lên những mùi hương lạ, những mùi hương đi không chỗ tới, đến không
chỗ bắt đầu. Và một mùi hương đặc biệt, mùi hương như một phương tiện
nói pháp, mùi hương cõi đó, nước Chúng Hương. Và bất giác tôi như bị hút
vào một khoảng không bát ngát 42 số cát sông Hằng cõi Phật. Và những
con đường những dòng sông, những cánh buồm, những cánh chim bay, vô
lượng cõi pháp nơi thị hiện vi trần số chư Phật. Từ mênh mông cực đại
đến thăm thẳm cực vi, cực đại tùy niệm biến thành cực vi, cực vi biến
thành cực đại, a tăng kỳ kiếp tùy niệm thu lại thành một sát na, sát na
tùy niệm trở thành a tăng kỳ kiếp, lời Kinh loang ra như một chất men,
tôi choáng váng giữa một mê cung dạt dào vọng tưởng, lẫn lộn cả cực đại
cực vi, hiện tại, tương lai và quá khứ. Đâu là mê, nẻo nào là ngộ ?
Cứ
như vậy đêm đêm. Pháp hội mở ra – Lăng Nghiêm hay Pháp Hoa, Hoa Nghiêm
hoặc Viên Giác, Lăng Già – Lời pháp với tôi không nói vọng nói chân,
không bàn mê hay ngộ, không nói Thiên Đường và Địa Ngục, không nói cả
Niết Bàn. Lời pháp chỉ rủ rỉ kể chuyện ngày xưa, hát nhỏ ca dao, lời
pháp ấm như lời bà ngoại ru cháu nhỏ. Tôi thấy cuốn Lăng Già nặng trĩu
trên tay. 108 thắc mắc Đại Huệ quay cuồng trong tôi để trở thành 18 vị
La Hán Thiếu Lâm Tự và cho đến khi 18 vị La Hán biến dạng, phương trượng
chùa Thiếu Thất bước ra, nội lực phồng tay áo cà sa, vết chân in hằn
trên thềm đá tảng cho đến khi 18 vị La Hán lùi bước trước 108 tên lãng
tử sông hồ Lương Sơn Bạc, thì lời pháp mờ dần, lời pháp mất hút, tuyệt
mù.
Lời ru cháu lẫn vào tiếng gà gáy lẻ ngoài vườn. Bà lim dim
cặp mắt, cháu ngủ đã từ lâu. Cả bà lẫn cháu và lời ru, cả 3 nhập một.
Tôi lặng lẽ dìu tôi đi vào một cõi mới dấy lên. Cõi đó lạ lạ, quen quen.
Cõi đó hằng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình.
1986
Lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa pháp hội, Một mình.
Vũ Khắc Khoan
Minnesota, tháng 7 – 1986.
Source: Đặc san Hiện Thực . Số 16 /2009. Năm thứ 5.
Quán Âm Buddhist Monastery. Vietnamese Buddhist Magazine
http://thienviendaidang.net