Hỏi:
Trong gia đình, nếu có người thân qua đời, con cháu cúng cầu siêu trong
49 ngày, niệm Phật mỗi đêm trước bàn Phật. Nhưng sau 49 ngày, thì còn
cầu siêu bằng cách niệm Phật tiếp tục nữa không?
Đáp: Việc
con cháu tụng kinh niệm Phật cho người thân của mình trong vòng thời
gian 49 ngày, đó là điều rất quý kính. Đây cũng là noi theo trong kinh
dạy mà Phật tử làm theo. Như thế, thì rất đúng không có gì là sai trái
cả. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tụng niệm, mọi người phải
thành tâm tha thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầu nguyện. Được
thế, thì người tụng niệm được lợi lạc mà hương linh cũng được phần nào
lợi lạc.
Theo
kinh Địa Tạng nói: người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong
linh của người mất, tùy nghiệp mà thọ sanh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện
đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sanh về cảnh giới an lành. Ngược
lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thọ sanh
qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi.
Cũng chính theo lời dạy nầy, mà Phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào
ngày chung thất.
Mục
đích là nhờ sức chú nguyện của chư Tăng Ni, gọi là đức chúng như hải,
mà hương linh thác sanh về cảnh lành. Tuy nhiên, nếu luận theo ý nghĩa
của hai chữ cầu siêu, thì không phải chỉ trong 49 ngày thôi. Vì cầu siêu
có nghĩa là cầu mong vượt qua: “từ cảnh giới tối tăm xấu ác, vượt qua
đến cảnh giới tốt đẹp an lành”. Hiểu theo nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng
phải cầu siêu, cầu siêu cho chính bản thân ta, đồng thời cũng cầu siêu
cho mọi người luôn luôn được sống trong an lành.
Theo
ý nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu cho ta và cho người mãi
mãi thoát khỏi khổ đau để được an vui giải thoát, chớ không phải chỉ
trong phạm vi 49 ngày thôi.
Vì
thế, sau 49 ngày, phật tử và những thân nhân trong gia đình tiếp tục
tụng kinh niệm Phật, thì đó là điều rất tốt. Dù cầu siêu hay không,
người Phật tử cũng nên tụng kinh niệm Phật để cho hiện đời mình được an
lạc và đời sau cũng được an lạc. Và sau mỗi lần tụng kinh niệm Phật như
thế, thì Phật tử cũng nên cầu nguyện cho hương linh thân nhân của mình,
cũng như cho những vong hồn khác, rộng ra là cho cả pháp giới chúng sanh
hữu tình vô tình đều trọn thành Phật đạo. Đây là thể hiện tấm lòng từ
bi vị tha của người Phật tử, như thế, cũng rất là tốt đẹp vậy.
Thích Phước Thái