Những kẻ không tuân theo các nguyên tắc này không đáng được phát đạt
hơn nữa. Do đó việc hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với xã hội cũng là
một phần thực hành quan trọng của người cư sĩ và việc dành một phần tài
sản của mình cho xã hội biểu hiện cách thực hành này.
Một câu cú quan trọng trong kinh Parabhava cho ta thấy rõ hơn về sự
nhấn mạnh của Đức Phật rằng tài sản cá nhân không chỉ dành cho bản thân.
Khi nhắc đến những dấu hiệu tha hóa của người cư sĩ, Đức Phật nói: “Nếu
một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng
chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”.
Câu nói trên xác nhận việc Đức Phật
không chấp nhận một người giàu có mà không quan tâm đến xã hội. Sử dụng
tài sản “cho bản thân”, hàm ý chỉ việc sử dụng tài sản cho cá nhân hay
cho những người thân thiết của mình. Vì người được giàu có chắc chắn là
phải mang nợ xã hội mới có được sự sản, nên bắt buộc là họ phải đóng góp
trở lại cho xã hội thay vì chỉ sử dụng tài sản đó riêng cho bản thân.
Một câu hỏi khác cần được làm rõ là bằng cách nào và đến mức độ nào
người ta có quyền thỏa mãn bản thân bằng tài sản kiếm được một cách chân
chính. Một số người tưởng rằng vì tài sản tạo ra bằng những phương tiện
chân chính, nên họ có quyền tự do thỏa mãn bản thân. Nhưng suy nghĩ này
rõ ràng đi ngược lại với những lời dạy của Đức Phật về việc sử dụng tài
sản cá nhân.
Đức Phật chẳng bao giờ tán đồng lý thuyết cho rằng việc thỏa mãn các
lạc thú trước mắt, là mục tiêu của việc kiếm tiền. Trái lại, Đức Phật
tán thán những người “tích lũy tài sản lớn, nhưng không bị đắm chìm
trong đó”, trong khi những kẻ vượt quá giới hạn của việc thỏa mãn dục
lạc, “sau này sẽ khổ đau do những hậu quả tai hại mà nó mang đến”. Ý
thức đến giới hạn của việc thỏa mãn dục lạc là ý thức đến mức độ mà hậu
quả của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc được có sức khỏe và sống
lâu. Lời khuyên của Đức Phật với vua Kosala về việc ăn uống điều độ
đã xác nhận quan điểm này:
Vua Kosala là một người luôn tìm mọi cách để thỏa mãn dục lạc, nhất là
trong vấn đề ăn uống. Ông nổi tiếng về vòng bụng quá khổ và bản tính dễ
dãi, ông có quan hệ thâm giao với Đức Phật. Lần kia, sau một bữa ăn
thịnh soạn, ông đến viếng thăm Đức Phật trong một trạng thái thân không
bình ổn, thở hổn hển. Nhìn thấy tình trạng của vua Kosala, Đức Phật đã
nói một bài kệ tán thán sự ăn uống điều độ, và Ngài cho rằng người biết
ăn uống điều độ sẽ không bị thân hành và có thể tận hưởng một cuộc sống
khỏe mạnh, lâu dài.
Dĩ nhiên, những lời khuyên này có thể áp dụng cho bất cứ dục lạc nào.
Điều cốt yếu ở đây là “mức độ vừa phải”: mức độ vừa phải là giới hạn
giúp ta có được sức khỏe, thân không bịnh hoạn, tâm thư thái và được xã
hội chấp nhận.
Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh (theoTỳ Kheo Tiến sĩ Basnagoda Rahula)
http://www.nguoiduatin.vn/nguoi-giu-khu-khu-cua-cai-la-nguoi-tut-hau-a112637.html