Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Vài suy nghĩ nhỏ về việc xây dựng không gian tu tập cho người Phật tử
26/05/2011 06:23 (GMT+7)

Có được một không gian thuận lợi để tu là tiền đề để gặt hái những thành tựu trên lộ trình chuyển hóa nội tâm. Không gian tu mà bài viết đề cập, nương theo định nghĩa này, là không gian tu tập dành cho người Phật tử gắn kết với những khóa tu Bát quan trai.

Nơi ở - sinh hoạt

Thông thường, khi xây dựng một ngôi chùa, ngoài việc tập trung chú trọng kiến thiết các khu nhà dùng làm nơi thờ tự và chỗ ở, sinh hoạt cho người xuất gia thì việc xây dựng nơi lưu trú, sinh hoạt cho Phật tử ít được quan tâm chú trọng. Tất cả mọi việc nghỉ ngơi, lưu trú của Phật tử, dù nam cư sĩ hay nữ cư sĩ, phần lớn đều được vận dụng tạm thời trong chánh điện, tổ đường... Khu tắm giặt, vệ sinh được thiết trí ở những chỗ khuất kín không hợp lý, không đầy đủ và đôi khi không có những bảng hướng dẫn phù hợp,... Tất cả những điều đó cần được chú ý xem xét khi chủ trương xây dựng một ngôi chùa có kế hoạch tổ chức các khóa tu ngắn hạn hay dài ngày dành cho người Phật tử.

Để tổ chức một khóa tu, dù một ngày một đêm hay tu nhiều ngày nhiều đêm, ngoài chánh điện đủ rộng để hành lễ, giảng đường rộng để thính pháp thì điều cần yếu là phải xây dựng được chỗ ở sạch sẽ, an ninh và an toàn. Thời nay, việc tu tập của người Phật tử được thể hiện chủ yếu tại chùa chiền trong một số ngày nhất định. Do đó, việc xây dựng chỗ ở dù là tạm thời dành cho Phật tử là việc cần làm. Đừng đơn giản nghĩ rằng ở chùa tu một ngày thôi thì tạm thời nằm vạ vật đâu đó cũng được. Sự suy giảm về sức khỏe trong những ngày tập tu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tu học trong ngày ấy của người Phật tử. Ở đây, không gian để ở và sinh hoạt dành cho Phật tử có thể tổ chức giản đơn, nhưng ít nhất phải đủ chỗ, có đủ mùng, chiếu, gối, mền để Phật tử có thể nghỉ ngơi buổi trưa hoặc lưu trú qua đêm nếu như khóa tu kéo dài nhiều ngày và phải được phân định thành hai khu riêng biệt. Đặc biệt, khu tắm giặt, vệ sinh cần được chú trọng đầu tư theo tiêu chuẩn sử dụng công cộng, hiện đại, sạch sẽ. Ổn định về sức khỏe, thanh thản và tự nhiên khi sử dụng các tiện ích sinh hoạt là một trong những điều hỗ trợ cho người Phật tử để họ mạnh dạn tham dự các khóa tu.

Thời gian tổ chức và thời khóa tu học

Khi sự vận hành của đời sống con người thời nay đều bị ảnh hưởng và chi phối bởi nhịp sống hiện đại, thì sự linh động uyển chuyển trong việc ấn định thời gian tu tập cũng cần phải được xem xét. Đơn cử, khi tổ chức khóa tu Bát quan trai, các chùa thường chọn hai ngày 14 và 30 âm lịch. Trong khi, những ngày đó đôi lúc nằm vào giữa tuần và áp lực mưu sinh không cho phép công nhân viên chức bỏ việc để tham gia tu tập. Và hơn thế, khi con cái phải đi làm thì ông bà trở thành người tình nguyện trông trẻ, cho nên dù các vị lớn tuổi rảnh rỗi mà vẫn không thể tham dự các khóa tu. Do vậy, lựa chọn một ngày Chủ nhật đầu hoặc cuối tháng là một gợi ý tham khảo khi ấn định ngày tổ chức các khóa tu tập như Bát quan trai.

Về thời khóa tu học, xin được giới hạn trong khuôn khổ thời khóa tu học Bát quan trai. Dẫu rằng mãi đến hôm nay, thời khóa tu học Bát quan trai ở mỗi chùa mỗi khác, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi chùa mà phân định thời khóa tu học khác nhau. Trong sự khác nhau đó, về đại thể người viết thấy rằng thời khóa tu tập Bát quan trai mà các chùa đang vận dụng hiện nay có những điều chung như: truyền giới, bố tát, tụng kinh, nghe giảng, quá đường, thiền hành, niệm Phật, sám hối,... với tổng thời gian lưu trú tại chùa gần 12 tiếng. Theo người viết, pháp thức tu Bát quan trai là pháp thức cố định, Phật đã vì chúng tại gia mà tùy duyên thi thiết. Trong đó, việc truyền thọ và vâng giữ tám giới pháp được xem là chánh hạnh. Còn việc nghe giảng, tụng kinh, thiền hành, niệm Phật được xem là trợ hạnh của pháp tu này. Do đó, việc truyền thọ giới pháp cần được tổ chức trang nghiêm, yếu tố đắc giới cũng cần phải được thể hiện trong trường hợp này. Nếu như thời gian ở chùa chỉ được 12 tiếng thì việc hướng dẫn Phật tử tự xả giới tại nhà là một điều quan trọng cần phải được chú trọng. Ngoài ra, tùy theo bối cảnh của từng chùa, duyên hạnh của tập thể Phật tử mà lựa chọn phương pháp thiền hành hoặc niệm Phật trong suốt khóa tu. Mặt khác, khóa lễ sám hối cũng cần được chú trọng trong chương trình tu tập Bát quan trai. Sự nhẹ nhàng của thân và tâm, sự chuyển hóa gốc rễ phiền não cũng bắt đầu được thể hiện nếu như gia tâm vào khóa lễ này.

Khi được thụ nhận giới pháp, sống theo luật nghi, mảnh đất tâm của hành giả dễ ươm mầm những hạt giống thiện. Một buổi thuyết giảng với dung lượng, thời gian hợp lý sẽ là nội dung tu học cần phải có trong thời khóa tu tập Bát quan trai. Ở đây, để những buổi giảng thực sự sinh động và gần gũi với hội chúng, việc xây dựng đề cương cho những buổi thuyết giảng cũng là điều cần làm. Bởi lẽ, nếu như xây dựng được đề cương thuyết giảng liên tục qua các kỳ Bát quan trai trong một năm, các buổi thuyết giảng ít khi bị trùng lặp chủ đề và mặt khác, tri thức Phật học của hành giả tu Bát quan trai ngày càng được củng cố và tăng thêm. Từ thực tế có những đạo tràng tu tập Bát quan trai với lịch sử vài mươi năm, nhưng kiến thức Phật học của hành giả chỉ là những mảnh vụn rời rạc, chắp vá, dù họ liên tục tham dự đầy đủ các khóa tu. Thiết tưởng, nếu như đạo tràng Bát quan trai đã hoạt động ổn định, việc nâng những buổi thuyết giảng thành những buổi dạy giáo lý cơ bản, từ thấp lên cao, phù hợp với hội chúng, đối tượng, cũng là những việc nhằm nâng tầm tu học cho các đạo tràng Bát quan trai.

Đạo Tràng tu tập tại Chùa Bửu Thọ -Kiên giang

Vấn đề người hướng dẫn và đối tượng của khóa tu

Người hướng dẫn đạo tràng Bát quan trai là yếu tố quan trọng. Mặc dù chưa được đào tạo chính thống trong các hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay, nhưng nếu như biết căn cứ vào nghi quỹ căn bản được thể hiện trong Giới Đàn Tăng mà Hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn, hoặc nghi thức truyền giới Bát quan trai do Hòa thượng Thích Trí Thủ biên soạn trong bộ "Tâm Như Trí Thủ toàn tập", thì việc hướng dẫn đạo tràng Bát quan trai tu tập không quá khó. Mặc dù vậy, việc tự thân rèn luyện những kỹ năng như nghi lễ, thuyết giảng, tổ chức... cũng là những tiêu chuẩn quan trọng để đạo tràng ổn định và phát triển. Phải chú trọng đầu tư và xem người hướng dẫn đạo tràng là hạt nhân chủ yếu của khóa tu Bát quan trai. Thông thường, người hướng dẫn khóa tu có thể là thầy trú trì hoặc thầy tri sự. Nếu như cả hai vị đều bận việc thì có thể cung thỉnh một vị khác nhưng phải hội đủ những tiêu chuẩn căn bản như đã nêu. Sự nghiêm tịnh của đạo tràng, sự an hòa của hải chúng ít nhiều đều bị chi phối và ảnh hưởng của vị thầy hướng dẫn này.

Qua một vòng khảo sát hiện nay, dường như sinh khí tu tập tại các đạo tràng Bát quan trai đều dừng lại ở mức trầm lắng. Sự trầm lắng đó có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân căn bản đó là dường như chưa mở rộng đối tượng tu tập tại các đạo tràng. Nói cách khác, đạo tràng tu tập Bát quan trai phần lớn chỉ dành cho người lớn tuổi. Đây là điều tạo nên sự thiếu sinh khí của đạo tràng. Nên chăng, đổi mới phương thức tu tập, sắp xếp thời gian khóa tu hợp lý, xây dựng những buổi học và thi giáo lý định kỳ, tạo một không gian tươi trẻ, năng động thư giãn trong khi tập tu... là những việc cần làm để đạo tràng tu tập Bát quan trai được mở rộng ra với nhiều lớp đối tượng.

Được biết, nhu cầu thực nghiệm tâm linh là một nhu cầu có thật trong những người cư sĩ, thanh niên trẻ hiện nay. Với sự tất bật rộn ràng của đời sống, đôi lúc họ cũng muốn buông bỏ mọi chuyện và an trú trong sự an bình tĩnh tại của một cảnh chùa. Sự khéo léo năng động của vị thầy hướng dẫn, sự nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với độ tuổi trong chương trình tu tập Bát quan trai, tính giản đơn trong giao thức ứng xử,... là những điều kiện thuận lợi để người trẻ bước qua những bỡ ngỡ ban đầu để họ mạnh dạn tham dự nhiều hơn trong những khóa tu Bát quan trai.

Tập tu là khát vọng của mọi người con Phật. Tùy theo nhân duyên, hoàn cảnh mà khát vọng ấy được thể hiện ở mức độ khác nhau. Sự trợ duyên, nâng đỡ, biến khát vọng chính đáng đó trở thành hiện thực là trách nhiệm của người đi trước. Trước thực tế có nhiều đạo tràng cư sĩ được nhen nhúm, mở mang ở khắp nơi với nhiều dạng thức khác nhau, nên chăng có một sự định hướng mang tính chiến lược từ phía Giáo hội, từ các vị trú trì, từ những người xuất gia nói chung? Để thực hiện được điều đó, phải chăng nên bắt đầu từ sự quan tâm nhỏ: xây dựng một không gian tu cho người cư sĩ.

Chúc Phú ( Nguyệt San Giác Ngộ số 180)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang