Nam mô có nguồn gốc là từ Namah (tiếng Phạn) hoặc Namo (tiếng Pali)
có nghĩa quy y, kính lạy, quy phục, đem mình về với. Nam mô A Di Đà Phật (南
無
阿 彌 陀 佛,
chú ý chữ 無
phải đọc là mô chứ không phải vô) là Hán dịch từ tiếng Phạn Namah Amitabhàya
buddhàya có nghĩa là quy y Đức Phật A Di Đà.
A Di Đà (zh. 阿彌陀) là danh từ phiên âm
có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn: amitābha
và amitāyus. Amitābha dịch nghĩa là “vô lượng quang” –
“ánh sáng vô lượng”; amitāyus có
nghĩa là “vô lượng thọ” – “thọ mệnh vô lượng”.
A Di Đà được thế gian hình tượng hóa thành vị Phật của thế giới Tây phương
cực lạc, nơi chỉ có vui mà không có khổ.
Hình Đức Phật A Di Đà
Vô lượng quang biểu hiện ý nghĩa không gian vô tận, cùng khắp không gian.
Vô lượng thọ biểu hiện thời gian vô cùng, thời gian không giới hạn. Các ý nghĩa
này là muốn hiển thị Tâm linh bất nhị của Đạo Phật. Bất nhị cũng không phải là
một, mà là không có số lượng. Cùng khắp không gian, cùng khắp thời gian và không
có số lượng, đó mới là ý nghĩa thực sự của danh xưng A-Di Đà tức là vô lượng
quang, vô lượng thọ. Cùng khắp không gian, cùng khắp thời gian, không có số
lượng cũng có nghĩa là không có không gian, không có thời gian, không có số
lượng, đó là vì Tâm như hư không vô sở hữu hay Phật tánh bất nhị, bất biến, bất
sinh bất diệt, cũng có nghĩa là Niết Bàn (Nirvana).
Phật (Buddhàya) không phải là một vị thần linh, mà chỉ là một người giác
ngộ, tự mình thân chứng bản tâm bất nhị là bản thể của vũ trụ vạn vật. Kinh điển
Phật giáo nói rằng khi Đức Phật Thích Ca ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề, thì các
thần thông, là những thuộc tính vốn có của tâm giác ngộ, hiện ra đầy đủ, nên:
Về mặt không gian Ngài nhìn thấy suốt cả Tam thiên đại thiên thế giới,
còn gọi là Tam giới tức là Ba cõi thế giới, bao gồm Dục giới [欲 界 sa.(tiếng
sanskrit) kāmaloka, thế giới
mà chúng ta đang sống]; Sắc giới [色界, sa. rūpaloka
thế giới cõi trời nơi chúng sinh có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian] và
Vô Sắc giới [無色界, sa. arūpaloka, thế
giới nơi chúng sinh không còn thân thể vật chất mà chỉ còn tinh thần, ý thức].
Về mặt thời gian, Ngài nhìn thấy suốt cả quá khứ vị lai không có bắt đầu, không
có kết thúc. Về mặt số lượng, Ngài nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới, vật
thể, chúng sinh, không phân biệt lớn nhỏ, từ vũ trụ bao la đến thế giới vi mô
của những vật thể cực kỳ nhỏ bé mà ngày xưa không có danh từ diễn tả, nên tạm
gọi là vi trần (hạt bụi nhỏ). Thật ra Ngài nhìn thấy cả thế giới hạ nguyên tử (
Sub Atomic) thấy cả những vật thể như hạt quark, electron, neutrino. Cái thấy
đó vô cùng siêu việt, Ngài nhận ra cả những khoảnh khắc thời gian cực ngắn gọi
là sát-na nhiều lần nhỏ hơn một giây đồng hồ (second). Đó gọi là chánh biến
tri, biết cùng khắp không gian thời gian. Vì sao cái biết lại tuyệt đối như vậy
? Bởi vì Thích Ca chính là Tâm bất nhị, chính là Tam giới. Bộ Kinh Thành Duy
Thức Luận (成唯識論 ) của ngài Huyền Trang dịch, đã tổng kết : “Tam giới duy tâm,
vạn pháp duy thức” Tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách
quan, cũng chỉ là biến hiện của Tâm mà thôi. Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi
chúng sinh đều có sẵn, và không hề thua kém chút nào so với Phật Thích
Ca, bởi vì đều chung một Tâm bất nhị, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật
chất nhỏ bé tầm thường, chúng không “ngộ” được mà thôi, và vì không giác ngộ
nên chúng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ. Đức Phật thấu hiểu
tính chất trống rỗng của nguyên tử vật chất, một điều mà phải đến cuối thế kỷ
20, nghĩa là 25 thế kỷ sau thời Đức Phật, những nhà bác học hàng đầu của nhân
loại mới hiểu, khi họ khám phá ra hạt quark với đặc tính lạ lùng.
Một hạt quark đơn lẻ không tồn tại, phải 3 hạt quark hợp lại mới thành lập
được hạt proton hoặc hạt neutron, đây là 2 thành phần của hạt nhân nguyên tử.
Rồi các điện tử (electron) xoay quanh hạt nhân tạo thành nguyên tử vật chất,
rồi các nguyên tử của 4 loại nguyên tố C, H, O, N tạo thành các phân tử
hữu cơ, từ đó hình thành sinh vật và con người. Nhưng quark và electron cũng
như tất cả mọi hạt cơ bản khác (subatomic particles) cũng chỉ là hạt ảo. Do đó
cái vũ trụ hình thành từ hạt ảo chỉ có trong tâm tưởng chứ không phải sự thật
khách quan ở bên ngoài. Chính vì Đức Phật hiểu bản chất trống rỗng của nguyên
tử, Ngài mới đưa ra thuyết triết học tánh không Śūnyatā
(Emptiness) của vạn vật. Tại sao từ bản chất là không lại xuất hiện thế giới,
vũ trụ, vạn vật ? Đó là do trùng trùng duyên khởi, sự kết hợp có điều kiện mà
hạt nhân đầu tiên lại không thể khẳng định, chẳng hạn một hạt quark thì không
tồn tại, nhưng 3 hạt quark hợp lại thì xuất hiện hạt proton hoặc hạt neutron,
để rồi từ đó hình thành nguyên tử và vạn vật. Đức Phật tạm đưa ra thuyết “thập
nhị nhân duyên” để giải thích sự hình thành của vật chất và sinh vật trong đó
có con người. Ngày nay với việc phát minh ra máy vi tính, con người đã chứng
minh một cách rõ ràng rằng những hiện tượng ảo trên màn hình vi tính như : hình
ảnh, màu sắc, âm thanh, chữ viết v.v… chỉ là trùng trùng duyên khởi của điện tử
(electron) quy về hai trạng thái của dòng điện, có dòng điện chạy qua (số 1),
không có dòng điện chạy qua (số 0), từ đó hình thành kỹ thuật số theo hệ thống
nhị phân, và phát triển thành công nghệ thông tin với vô số ứng dụng như hiện
nay.
Trở lại với thế giới đời thường, Đức Phật thấy rằng tất cả sơn hà đại địa,
nhà cửa lâu đài, vạn vật, con người đều chỉ là nhân duyên (sự kết hợp có điều
kiện) của cái không (trống rỗng không là gì cả, cái hư không vô sở hữu (không
phải là sự thật tuyệt đối). Chỉ có cái bản tâm bất nhị, bất biến, bất sinh bất
diệt, vô ngã (không phân biệt ta và người), vô lượng (không có số lượng), tuyệt
đối ( vô phân biệt, không có các cặp phạm trù mâu thuẫn) mới đích thực là mình,
tất cả chúng sinh đều có chung một tâm đó. Vì thế Ngài nói rằng : tất cả chúng
sinh đều là Phật đã thành (chứ không phải sẽ thành) bởi vì cái bản tâm đó đã
sẵn có (trước khi vũ trụ được thành lập) chỉ cần buông bỏ cái tâm nhỏ hẹp, mê
muội, chấp trước (không phải là mình thật) để hòa nhập vào cái tâm vô lượng
quang, vô lượng thọ (tức A Di Đà), cái đó còn gọi là Niết Bàn 涅槃, sa. nirvāṇa tức là bất sinh bất diệt hay là không còn
sinh diệt (diệt tận 滅盡).
Những kiến giải của Đức Phật về thế giới đã được các nhà khoa học hàng đầu
thế giới hiện nay thừa nhận. Kể sơ như sau :
Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý
1922) nói “Isolated material particles
are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức
không phải vật thật).
Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức người phát minh ra
nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động
lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms
and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities,
rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử
và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu,
chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải
là vật)
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp
cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real
unless consciousness exists, that all real things are constituents of
consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có
cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý
thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel
vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the
conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality.
Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails
that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế
giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối
hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc
rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại)
Stephen Hawking (nhà toán học và vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo
sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học
xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok
(sinh năm 1958 tại Johannesburg, South
Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về
Vật Lý lý thuyết) nói : “The quantum world is
one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even
in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven
dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which
gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton”
(Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa
hiên hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11
chiều kích_ phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực
tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp
lại trong ‘hiện tiền’ ).
Thế giới lượng tử (quantum world) là thế giới nào ? Đó cũng chính là thế
giới vật chất, sinh học và tâm lý mà chúng ta đang sống chứ chẳng phải thế giới
nào khác. Vấn đề không gian, thời gian, số lượng là không có thật, cũng được
hiện tượng rối lượng tử chứng minh một cách rõ ràng, cụ thể và chắc chắn.
Hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) mới được khoa học chứng thực
gần đây là thực nghiệm tiêu biểu xác nhận tính tương đối của không gian, thời
gian và số lượng, tức là cả ba đại lượng trên đều không độc lập tồn tại. Hiện
tượng rối lượng tử là hiện tượng các hạt cơ bản như photon, electron, proton,
neutron, và kể cả nguyên tử, có thể xuất hiện đồng thời tại hai hoặc nhiều vị
trí khác nhau, khiến người quan sát không thể xác định chúng là một hạt cùng
lúc ở nhiều vị trí, hay là nhiều hạt giống hệt nhau ở tại các vị trí khác nhau.
Nhưng điều quan trọng là nếu có sự biến đổi của một hạt ở vị trí này thì tất cả
các vị trí khác đều biến đối y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách bao xa.
Nicolas Gisin, nhà vật lý của Đại học Geneve phát biểu : “điều thú vị ở đây là
tự nhiên có thể tạo ra các sự kiện cùng xuất hiện ở nhiều địa điểm”
Năm 2002, nhà vật lý Australia gốc Trung Quốc Ping Koy Lam cùng cộng sự tại
Đại học Quốc gia Australia ở Canberra (ANU) đã thực hiện thành công thí nghiệm
chuyển thông tin theo nguyên lý hoàn toàn mới dựa trên “tương tác ma quỷ”
(spooky action at a distance) tức hiện tượng rối lượng tử, của các quang tử (photon).
Đúng vào lúc một chùm laser chứa những dữ liệu thông tin nhất định bị huỷ tại
một vị trí trong phòng thí nghiệm, thì nhóm của Lam đã thấy xuất hiện một chùm
laser khác giống hệt như thế tại một vị trí khác cách vị trí ban đầu 1 mét. Mặc
dù chùm sáng không hề chuyển động từ điểm này đến điểm kia nhưng vì hai chùm
sáng giống hệt nhau nên người quan sát có cảm tưởng rằng, chùm sáng đã được di
chuyển tức thời, từ điểm này đến điểm kia.
Trong một thí nghiệm khác gần đây hơn, các nhà khoa học tại Geneve, Thụy Sĩ
tạo ra những cặp photon hoặc các gói ánh sáng. Chúng được chia ra rồi truyền
qua cáp quang được Swisscom cung cấp, đến hai trạm tại hai ngôi làng thuộc Thụy
Sĩ cách nhau khoảng 11 dặm (18 kilômét). Các trạm khẳng định rằng từng cặp
photon vẫn kết nối với nhau – bằng cách phân tích một photon, các nhà khoa học
có thể dự đoán tính chất của photon kia. Hai photon đã tương tác với nhau một
cách tức thời. Nếu cho rằng hai photon đã chuyển tín hiệu cho nhau thì tín hiệu
đó phải di chuyển với tốc độ không tưởng, gấp hàng vạn, hàng triệu lần tốc độ
ánh sáng.
Hiện tượng rối lượng tử xác định rõ ràng rằng không gian, thời gian và số
lượng là không có thật, các đại lượng này chỉ phát sinh trong tâm thức của
người quan sát khi có đủ điều kiện. Khoa học hiện đại hiểu rằng người quan sát
có vai trò quan trọng trong việc hình thành các hiện tượng. Nhận thức này đối
với giới khoa học là mới, nhưng đối với Phật giáo thì không mới vì đã được nói
tới từ lâu trong kinh điển. Ngày nay chúng ta chẳng những giải ngộ được không
gian, thời gian, số lượng là không có thật mà còn thực nghiệm được, nhờ vào thế
giới ảo của điều khiển học (cybernetics) và internet. Chẳng hạn những dòng chữ
này, bài viết này, có thể đến với các bạn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bất
cứ lúc nào, không tùy thuộc vào vị trí mà bạn đang ngồi (nghĩa là khoảng cách
không gian không có thật) miễn có đủ nhân duyên. Nhân duyên là bạn có một máy
vi tính nối mạng hoặc một thiết bị cầm tay (laptop, netbook, smartphone, ipad
hoặc máy tính bảng, có hỗ trợ wifi hoặc 3G). Bạn hoàn toàn có thể đọc bài viết,
nghe audio, xem video. Tất cả vô ngại. Tuy nhiên, thực tế vẫn có thể trở ngại
khi wifi hoặc 3G không đủ mạnh, hoặc thiết bị không hỗ trợ đầy đủ. Điều này
cũng giống như chúng sinh bị vô minh, sở tri chướng che khuất, không diệu dụng
được đầy đủ khả năng như Đức Phật, không phải vì khả năng kém hơn Đức Phật, chỉ
vì bị quá nhiều che khuất.
Song bởi vì đa số chúng sinh không đủ lòng tin ở tự tâm của mình là Phật,
là giác ngộ, vì đã nhiều đời nhiều kiếp sống trong mê lầm, giống như một kẻ bần
cùng rách rưới, lê tấm thân nghèo khổ đi ăn mày, không biết, không tin rằng
trong người mình có một viên ngọc như ý vô cùng quý giá, muốn gì được nấy, nên
không thể đem ra dùng. Do đó Đức Phật mới bày ra tám vạn bốn ngàn pháp môn để
thích ứng với từng loại căn cơ mê muội của chúng sinh, trong đó có pháp môn
Niệm Phật còn gọi Tịnh Độ Tông (淨土宗 chữ 土 trường hợp này đọc là độ, không đọc
là thổ) người tu cứ niệm Nam mô A Di Đà Phật để cầu vãng sinh về cõi giới Tây
phương cực lạc của Phật A Di Đà, cõi giới đó không còn sinh tử luân hồi, nên
chúng sinh được an tâm tu hành cho đến giác ngộ. Thật ra đó chỉ là một thứ Hóa
Thành Dụ (một tòa thành ảo giả lập để dẫn dắt người tu vào tạm trú vì đường đi
quá xa) chứ không phải cứu cánh đích thực, bởi vì ngay danh xưng A Di Đà đã cho
thấy chỗ đến là tâm giác ngộ cùng khắp không gian thời gian, A Di Đà không phải
là ai xa lạ, chính là bản tâm của mỗi người.
Truyền Bình