Từ bao đời nay, các thế hệ người Việt luôn thể hiện một tập tục văn
hóa thật hay và thật đẹp. Đó là đi lễ chùa vào những ngày đầu năm.
Rất đẹp và rất thiêng liêng, truyền thống đến chùa lễ Phật
đầu năm.
Năm mới mà đến với Phật thì quanh năm sẽ luôn luôn có Phật ở trong
lòng, được Phật hộ cho ăn ở hiền hòa, được Phật độ cho muôn điều tốt
lành! Đó là quan niệm quy ngưỡng Phật môn của các thế hệ người Việt.
Quan niệm quy y Phật để ăn ở hiền lành, để xây dựng mái ấm hạnh
phúc gia đình, để giữ cho xóm làng yên vui hiền hòa từ lâu đã trở
thành lẽ sống thân thương của cư dân đất Việt. Nhờ biết quay về nương
tựa Phật, biết ăn hiền ở lành theo lời Phật dạy nên các thế hệ người
Việt sống hạnh phúc, tạo lập cuộc sống gia đình đầm ấm, dựng xây
quê hương thái bình. Một quan niệm hay được chú ý vận dụng lâu ngày
thì thành ra truyền thống, tạo nên một lẽ sống mang tính cộng đồng. Lẽ
sống nương theo Phật để ăn ở hiền lành ấy của người Việt đã tạo nên
một cuộc sống thanh bình hiền lương, dệt nên một xứ sở thái bình hiền
hòa:
Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm…
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Lên non hái củi về chùa nghe kinh…
Lên chùa lạy Phật quy y,
Cầu cho kẻ ở người đi an lành…
Nhân những ngày thư thái đầu năm, chúng ta thử chiêm nghiệm lại
những lời Phật dạy về ý nghĩa quy y Tam bảo để hiểu rõ vì sao tổ tiên
ông bà của chúng ta trước đây đã sớm tìm đến cửa Phật, một lòng quy y
tin tưởng Phật, quyết tâm ăn ở hiền lành theo lời Phật dạy, lập nên một
truyền thống mến chuộng Phật pháp để tạo thế phúc đức cho con cháu
muôn đời về sau.
Theo lời Phật thì quy y Tam bảo – Phật-Pháp-Tăng – tức là phát tâm
học theo hạnh giác ngộ của Phật, phát tâm sống theo pháp giác ngộ của
Phật, phát tâm noi theo gương đức hạnh của chư Tăng đệ tử Phật để sửa
đổi bản thân, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, được thể hiện cụ thể
qua việc phát nguyện thọ trì năm giới cấm, tức từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy
của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống
rượu. Đây chính là ý nghĩa thiết thực của việc quy y Tam bảo, tức nương
theo Phật-Pháp-Tăng để tu dưỡng bản thân, phát huy nếp sống đạo đức
hiền thiện. Đức Phật gọi nếp sống quy ngưỡng Tam bảo và thọ trì năm giới
cấm như vậy là sự tắm mình trong tám nguồn nước công đức, tám nguồn
nước thiện, đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài cho con người.
Chúng ta nghe nguyên văn lời Phật dạy: “Này các Tỳ- kheo, có tám
nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm
nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái,
khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Thế nào là tám?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử quy y Phật. Này các Tỳ-kheo,
đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện, món ăn cho an
lạc, làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến
khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử quy y Pháp. Này các
Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện, món ăn
cho an lạc, làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời,
dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử quy y Tăng. Này các
Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện, món ăn
cho an lạc, làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời,
dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ
sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không
hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng
sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không
hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không
hại. Này các Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước
thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử
đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đem cho không sợ
hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng
sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng
chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ
vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỳ-kheo, đây là
nguồn nước công đức thứ năm, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả
hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử
đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, đem cho
không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng
chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô
lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được
san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỳ-kheo,
đây là nguồn nước công đức thứ sáu, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả
ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói
láo, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận
thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh;
sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại,
vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại.
Này các Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ bảy, là nguồn nước thiện
… dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử
đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng
chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không
hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ
hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ
hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỳ-kheo, đây là nguồn nước công
đức thứ tám, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh
phúc, an lạc.
Này các Tỳ-kheo, tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước
thiện, món ăn cho an lạc, làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa
đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.”1
Trên đây là lời Phật nói về tám nguồn nước công đức hay tám nguồn
nước thiện, đưa đến hạnh phúc an lạc cho con người. Rõ ràng, tám nguồn
nước công đức mà Đức Phật đã nói đến trong bài kinh của Ngài không gì
khác là tám hạnh lành của người con Phật, đặt nền móng cho nếp sống đạo
đức hạnh phúc của cá nhân, đồng thời cũng là nền tảng của đời sống hạnh
phúc gia đình và ổn định xã hội. Điểm lại từng lời Phật dạy, chúng ta sẽ
thấy rõ ý nghĩa và giá trị thiết thực của nếp sống quy y Tam bảo và thọ
trì năm giới cấm mà Đức Phật khuyên nhắc mọi người nên dốc tâm thực
hành để xây dựng hạnh phúc an lạc cho chính mình, cho gia đình mình,
cùng lúc góp phần vào việc dựng xây một xã hội trong sáng và hiền thiện.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ nhất là quy y Phật, có nghĩa
là quay về sống với bản tính giác ngộ, sáng suốt và chân thực vốn có
của chính mình.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ hai là quy y Pháp, tức là quay
về với Chánh pháp, quay về với giáo pháp giác ngộ của Phật, lấy Chánh
pháp làm lẽ sống, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn soi sáng các hành vi hiền
thiện thuộc thân, miệng, ý của chính mình.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ ba là quy y Tăng, nghĩa là quay
về học tập và sống theo Thánh hạnh hay đạo hạnh cao quý giống như chư
vị xuất gia.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ tư là từ bỏ sát sanh, tức thể
hiện sự hiểu biết và tình thương yêu bằng cách tôn trọng sự sống và môi
trường sống của muôn loài chúng sinh.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ năm là từ bỏ lấy của không cho,
tức là sống với tâm chân thật, không tham lam trộm cắp, thể hiện lòng
tôn trọng sở hữu và quyền sở hữu của người khác.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ sáu là từ bỏ tà hạnh trong
các dục, tức từ bỏ lòng ham muốn dục vọng bất chính, thực thi nếp sống
hôn nhân thủy chung, tôn trọng hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc gia đình
của người khác.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ bảy là từ bỏ nói láo, tức là
sống chân thực, không vọng ngôn, không dối gạt người khác, thể hiện lời
nói chân thực, không nói lời sai trái, nói đúng sự thật, không nói láo
vì động cơ này hay động cơ khác.
Hạnh lành hay nguồn nước công đức thứ tám là từ bỏ các loại rượu men
rượu nấu, tức là biết gìn giữ và nuôi dưỡng tâm thức tỉnh táo và sáng
suốt, tránh xa các chất kích thích làm rối loạn và mê mờ tâm trí.
Như vậy, cứ theo lời Phật dạy thì một người mà biết quy y Tam bảo và
tuân thủ năm giới cấm của Phật tức là người biết xây dựng hạnh phúc an
lạc cho chính mình, đồng thời biết tôn trọng hạnh phúc an lạc của
người khác; một người như vậy tức là có đủ đức năng tạo lập cuộc sống
hạnh phúc gia đình, có đủ phẩm chất góp phần xây dựng xã hội trong
sáng và hiền thiện. Người ấy thể hiện một nếp sống chân chánh hiền thiện
– không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các
dục, không nói láo, không uống rượu – đưa đến tự lợi và lợi tha, được
xem là người “đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho
không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng
chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù,
không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù,
không hại”. Nói khác đi, với nếp sống quy ngưỡng Tam bảo và gìn giữ
năm giới cấm, người Phật tử không những biết cách xây dựng đời sống
hạnh phúc an lạc cho chính mình mà còn tạo duyên lành cho nhiều người
khác thiết lập cuộc sống hạnh phúc an lạc, thể hiện trách nhiệm cao quý
của một người con Phật là luôn luôn sống với tâm niệm tự lợi và lợi tha,
thực thi nếp sống đạo đức hiền thiện vì hạnh phúc cho chính mình và vì
lợi lạc cho mọi người khác. Đây chính quả lành của nếp sống quy ngưỡng
Tam bảo hay sự tắm mình trong tám nguồn nước công đức, tám nguồn nước
thiện mà Đức Phật đã nói đến ở trong bài kinh của Ngài.
Nhìn chung, nếp sống nương theo Phật để sửa đổi bản thân, quyết tâm
ăn ở hiền lành, nỗ lực tu nhân tích đức của cư dân đất Việt cứ lặng lẽ
diễn ra từ thế hệ này sang thế hệ khác, đem lại không khí hạnh phúc đầm
ấm cho từng mái nhà, sự yên vui hòa ái cho từng xóm làng; giống như
tiếng chuông chùa lặng lẽ buông rơi mỗi ngày, thức tỉnh thiện tâm và
lòng từ ái trong lòng mọi người vậy. Chính nếp sống hiền thiện ấy đã
từng dệt nên một bức tranh thanh bình tuyệt đẹp cho quê hương xứ sở,
xứng đáng cho các thế hệ con cháu người Việt chiêm ngoạn và tự hào:
Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Ngày nay, nhìn cảnh mọi người già trẻ gái trai tấp nập trong khuôn
viên các ngôi cổ tự vào những ngày đầu xuân với lòng kính cẩn dâng
hương lễ Phật, chúng ta lại thấy quý trọng chừng nào truyền thống tín
ngưỡng Tam bảo mà tổ tiên ông bà của chúng ta đã lập nên để cho đến hôm
nay các thế hệ con cháu người Việt chúng ta vẫn tiếp tục được tắm mình
trong nguồn nước công đức, nguồn nước thiện mà hơn 2.500 năm trước Đức
Phật đã từ mẫn khai thị cho chúng sanh, sau đó tổ tiên ông bà của chúng
ta đã khéo tiếp thu và lưu truyền lại cho chúng ta. ■
Chú thích:
- Kinh Nguồn nước công đức, Tăng Chi Bộ.
Văn Hoá Phật Giáo số 220